Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

SỨC MẠNH CỦA GIÁO DỤC – QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VÀ SỰ VẬN DỤNG, PHÁT TRIỂN CỦA ĐẢNG TA
Ngày đăng 24/01/2024 | 4:19 AM  | View count: 219

TS Lê Thị Thu Huyền - Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

      Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, nhà chính trị lỗi lạc, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới, mà Người còn là nhà giáo dục lớn, người thầy vĩ đại được toàn thể dân tộc, loài người tiến bộ ngưỡng mộ. Người để lại cho chúng ta di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vô cùng quý báu, trong đó, tư tưởng về “trồng người” vừa thể hiện triết lý, vừa thể hiện tính nhân văn, nhân bản sâu sắc về giáo dục.

       Từ khoá: Hồ Chí Minh, giáo dục và đào tạo, “trồng người” 

      1. Với tư cách một lĩnh vực của đời sống xã hội, giáo dục và đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển con người và xã hội loài người. Nó tạo nên, duy trì, bảo đảm sự phát triển của mỗi người và của cả loài người. Đồng thời, giáo dục và đào tạo là kết quả của quá trình phát triển con người và xã hội loài người. Xã hội loài người càng văn minh, các dân tộc càng phát triển, con người càng thấy rõ sức mạnh kỳ diệu của giáo dục và đào tạo, lĩnh vực có khả năng phát huy cao độ, khơi dậy và phát huy, phát triển năng lực vô tận của con người. Đó là ngành “sản xuất”mang tính đặc thù bởi sản phẩm là trí tuệ và nhân cách của con người, tạo ra nguồn lực quan trọng nhất, nguồn lực con người – yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển xã hội trong mọi thời đại. Theo các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin: “Công tác giáo dục sẽ làm cho những người trẻ tuổi có khả năng nắm vững nhanh chóng toàn bộ hệ thống sản xuất trong thực tiễn, làm cho họ có thể lần lượt chuyển từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất nọ tùy theo nhu cầu của xã hội hoặc tùy theo sở thích của bản thân họ”[1]; “điều hiển nhiên dễ thấy là những thành viên đã được giáo dục làm lợi cho xã hội nhiều hơn là những thành viên ngu dốt, không có văn hóa”[2]. Do đó, “việc sớm kết hợp lao động sản xuất với giáo dục là một trong những biện pháp mạnh nhất để cải biến xã hội hiện nay”[3]

       Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra sức mạnh của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển của đất nước và đã dành phần lớn cuộc đời mình cho sự nghiệp "trồng người". Người cho rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Bởi, dốt nát là nguyên nhân cơ bản của yếu hèn và sai lầm. Dốt thì dại, dại thì hèn. Dốt nát là một trong ba loại giặc (giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm) cần phải tiêu diệt. Và rằng, không một quốc gia nào có thể tiến hành xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thành công trong điều kiện văn hoá, dân trí, đạo đức, tinh thần xã hội lại thấp kém. Vì lẽ đó, Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[4] - chủ nhân tương lai đất nước.

      Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải giáo dục ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà… Đó là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang”[5]. Bởi, “nhiệm vụ của giáo dục rất quan trọng và vẻ vang… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không thể nói gì đến kinh tế, văn hóa”[6]. Với những tư tưởng đó, Người đi đến khẳng định giáo dục và đào tạo với phát triển kinh tế - xã hội có liên quan mật thiết với nhau, giáo dục và đào tạo không phát triển thì không đủ nguồn lực con người giúp cho kinh tế - xã hội phát triển. Điều này càng trở nên quan trọng trong thời đại hiện nay khi tri thức khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Thực tế là, không có một sự tiến bộ và thành đạt nào có thể tách khỏi sự tiến bộ và thành đạt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở bất cứ quốc gia nào. Do đó, quốc gia nào coi nhẹ sức mạnh của giáo dục và đào tạo hoặc không đủ tri thức, khả năng cần thiết để làm giáo dục và đào tạo một cách có hiệu quả thì số phận của quốc gia đó xem như đã an bài và điều đó còn tồi tệ hơn cả sự phá sản.

      Nhận thức rõ sức mạnh của giáo dục và đào tạo đối với công tác bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Hồ Chí Minh căn dặn Đảng và Nhân dân ta phải đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng thế hệ trẻ - rường cột của nước nhà. Trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[7], đó là một nhiệm vụ trọng đại và thường xuyên, lâu dài mà Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải chú trọng thực hiện. Theo Người, phải coi trọng giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng”, vừa “chuyên”, tham gia tích cực, có hiệu quả vào sự nghiệp cách mạng. Đó không chỉ là sự quan tâm chăm lo cho sự nghiệp cách mạng, vun trồng cái gốc để sự nghiệp của cha anh luôn được phát triển mà còn là tầm nhìn sâu sắc của Hồ Chí Minh đối với hiện tại và tương lai bền vững của nước nhà. Tư tưởng đó của Người luôn được Đảng, Nhà nước ta thấm nhuần và vận dụng sáng tạo trong thực tiễn cách mạng.

      2. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh về sức mạnh của giáo dục và đào tạo, Đảng ta đã xây dựng và ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo, từng bước hiện đại hóa giáo dục và đào tạo với tư cách là “quốc sách hàng đầu”. Đây là lĩnh vực có sự tác động trực tiếp đến sự phát triển toàn diện con người; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần tạo ra, chuyển hóa tri thức khoa học và công nghệ thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Do đó, giáo dục và đào tạo là điều kiện, là cơ sở và là động lực phát triển đất nước trong bối cảnh tri thức khoa học thực sự trở thành lực lượng trực tiếp.

      Tiếp tục tinh thần đổi mới toàn diện đất nước của Đại hội lần thứ VI của Đảng, tại Đại hội VII (1991), Đảng ta đã xác định “giáo dục là tương lai của dân tộc”, là “quốc sách hàng đầu”, là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước, đưa đất nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới. Giáo dục là tương lai của dân tộc, tức là tương lai của con người, của mọi người. Tiếp tục nhận thức sâu sắc về sức mạnh của giáo dục và đào tạo trong quá trình phát triển đất nước, Đảng đã nhiều lần khẳng định: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”[8], “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, “phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”[9]. Giáo dục và đào tạo “là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”[10]  và “có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam”[11], nhằm tối đa hóa năng lực và phẩm chất cá nhân, phát huy sức mạnh dân tộc, chủ động hội nhập quốc tế, nhanh chóng đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.

      Giáo dục và đào tạo với mục tiêu tổng quát là: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả”[12]. Trong đó, “giáo dục mầm non, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1” và “giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời”. “Giáo dục nghề nghiệp tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp” và “giáo dục đại học tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất, năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học”. Hơn nữa, quan điểm về giáo dục thường xuyên còn đảm bảo sự bình đẳng cho mọi tầng lớp, mọi khu vực và cơ hội học tập suốt đời. Khẳng định: “Giáo dục thường xuyên, bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống”[13] đã thể hiện bản chất nhân văn, tính mở của nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam.

      3. Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của giáo dục và đào tạo, yêu cầu phải “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước” [14]. Sức mạnh của giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tới là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khoẻ, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc và “chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [15]. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, Đảng ta nhấn mạnh, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, giáo dục và đào tạo phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người. Những quan điểm này thể hiện tính kế thừa, sự nhất quán trong quan điểm của Đảng ta về sức mạnh của giáo dục và đào tạo để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thực hiện khát vọng phát triển đất nước trong tình hình mới.

      Như vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định sức mạnh của giáo dục và đào tạo trên cơ sở xác định chức năng, sứ mệnh là nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và đề ra chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm phát huy sức mạnh của giáo dục vì phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đây cũng là một trong ba khâu đột phá chiến lược đưa Việt Nam cất cánh trong “sân chơi” toàn cầu, nhất là trong thời đại hiện nay, với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, khi tri thức khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì giáo dục và đào tạo trở thành một phương thức đầu tư làm tăng “vốn người” để thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội.        

      Có thể nói, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, đời sống kinh tế và quá trình phát triển  vừa có sự hợp tác, vừa có sự cạnh tranh quyết liệt trên phạm vi toàn cầu. Bởi vậy, khả năng vươn lên hay tụt hậu của mỗi quốc gia tuỳ thuộc vào vị thế đạt được trong mạng giá trị toàn cầu. Đó là quá trình không thể đảo ngược, nhưng là quá trình có thể định hướng được và cần phải định hướng để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Để định hướng tiến trình đó, Đảng chủ trương quốc tế hóa giáo dục và đào tạo. Đây là xu thế mới trong chính sách phát triển giáo dục. Với tính cách là lĩnh vực cung cấp “nguyên liệu” cho quá trình phát triển đất nước, giáo dục và đào tạo đang bước vào một giai đoạn phát triển mới nhằm đáp ứng thành công các đòi hỏi về con người, về nguồn nhân lực của thị trường lao động ngày càng hướng tới tri thức khoa học và công nghệ hiện đại.

      Sức mạnh của giáo dục và đào tạo từ quan điểm của Hồ Chí Minh đến quan điểm của Đảng ta là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo Việt Nam hiện nay. Điều này càng quan trọng hơn trong thời đại hiện nay, khi cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực quan trọng nhất, quý giá nhất, quyết định sự phát triển của xã hội là vốn người. Khi đó, giáo dục và đào tạo trở thành yếu tố quyết định nhất, có sức mạnh to lớn nhất, “là quốc sách hàng đầu” và thực sự trở thành một ngành sản xuất đặc biệt mà sản phẩm là trí tuệ và nhân cách để con người trở thành “lực lượng sản xuất hàng đầu” của xã hội, xứng đáng là chủ nhân của đất nước, chủ thể của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

      Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở chủ trương mà không cụ thể hóa trong các chính sách, trong từng bước đi thì đó mới chỉ đạt được giá trị về nhận thức. Bởi lẽ, nhận thức về sức mạnh của giáo dục và đào tạo nếu chỉ dừng lại ở lý luận thì điều đó trở nên vô nghĩa và chỉ là lý thuyết suông. Đồng thời, việc hiện thực hoá sức mạnh của giáo dục và đào tạo mà không dựa trên nguyên lý khoa học - nền tảng lý luận cho hoạt động thực tiễn thì chỉ là sự mò mẫm. Nhận thức đầy đủ về sức mạnh của giáo dục và đào tạo trong phát triển đất nước từ quan điểm của Hồ Chí Minh đến quan điểm của Đảng ta, đòi hỏi chúng ta phải triển khai, vận dụng vào từng bước chính sách nhằm cụ thể hóa nhận thức về sức mạnh đó trong thực tiễn đời sống. Hơn nữa, việc cụ thể hóa quan điểm của Hồ Chí Minh, của Đảng ta về sức mạnh của giáo dục và đào tạo trong quá trình phát triển đất nước không phải làm một lần, một giai đoạn là xong, mà đòi hỏi phải được quán triệt thường xuyên, liên tục, theo kịp thực tiễn, nhu cầu phát triển của đất nước và gắn với những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại. Có như vậy, giáo dục và đào tạo mới thể hiện, khẳng định được sức mạnh của nó trong thực tiễn phát triển con người Việt Nam nhằm góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

      Phát huy sức mạnh của giáo dục và đào tạo Việt Nam, trước yêu cầu của thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Với mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam “là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”, đến năm 2030 “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”, và đến năm 2045 “trở thành nước phát triển, thu nhập cao[16]. Đây chính là điều kiện, môi trường thuận lợi để giáo dục và đào tạo thể hiện sức mạnh đối với sự phát triển của đất nước. Với hệ thống các quan điểm nhất quán và ngày càng sâu sắc, toàn diện của Đảng ta, cùng vớisự đồng thuận của cả dân tộc từ nhận thức đến hành động, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của lớp lớp những chủ nhân tương lai của đất nước, giáo dục và đào tạo nước ta sẽ “thay da đổi thịt”, đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân và yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), “Văn kiện Đại h ội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), “Văn kiện Đại h ội Đại biểu toàn quốc lần thứ X”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại h ội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Văn kiện Hội nghị lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại h ội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại h ội Đại biểu toàn quốc lần thứ X I II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

7. C.Mác và Ph.Ăngghen, Các b ài phát biểu tại En-bơ-phen-đơ, Bài phát biểu ngày 8 tháng Hai năm 1845, trong Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

8. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Những nguyên lý của Chủ nghĩa cộng sản, trong Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

9. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Phê phán Cương lĩnh Gô-ta, trong Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

10. Hồ Chí Minh, Thư gửi học sinh, ngày 9-1945, trong Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

11. Hồ Chí Minh, Bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19-1-1955, trong Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

12. Hồ Chí Minh (2011), Bài nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I, ngày 12-6-1956, trong Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

13. Hồ Chí Minh, Đào tạo thế hệ tương lai và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang, ngày 13-9-1958, trong Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

14. Hồ Chí Minh, Bài nói chuyện tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21-10-1964, trong toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

15. Hồ Chí Minh, Di Chúc trong Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 612.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Những nguyên lý của Chủ nghĩa cộng sản, trong Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2004, tr.475 .

[2] C.Mác và Ph.Ăngghen, Các Bài phát biểu tại En-bơ-phen-đơ, Bài phát biểu ngày 8 tháng Hai năm 1845, trong Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2004, tr.730.

[3] C.Mác và Ph.Ăngghen, Phê phán Cương lĩnh Gô-ta, trong Toàn tập, tập 19, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2004, tr.52.

[4] Hồ Chí Minh, Thư gửi học sinh, ngày 9-1945, trong Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.35.

[5] Hồ Chí Minh, Đào tạo thế hệ tương lai và trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang, ngày 13-9-1958, trong Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.528.

[6] Hồ Chí Minh, Bài nói chuyện tại lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I, ngày 12-6-1956, trong Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.345.

 

[7] Hồ Chí Minh: Di Chúc trong Toàn tập, tập 15, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tr. 612.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại Hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX”, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2001, tr.35.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2001, tr. 108 -109.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại Hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X”, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2006, tr.94-95.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại Hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.77.

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Hội nghị lần thứ Tám Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2013, tr.121-122.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tr.122-125.

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, t.1, tr.136.

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t.1, tr.136.

 

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, t.1, tr. 112.

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh