Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

ĐỒNG CHÍ TRẦN QUỐC HOÀN VỚI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ngày đăng 23/04/2024 | 9:04 AM  | View count: 1638

ThS Ngô Thị Quang - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

      Tóm tắt: Đồng chí Trần Quốc Hoàn tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh năm 1916 trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại Nghệ An. Đồng chí là một trong những lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ hoạt động hết mình vì nước, vì dân, đồng chí được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân tin tưởng giao nhiều cương vị, trọng trách quan trọng. Với Đảng bộ thành phố Hà Nội, đồng chí có quá trình hoạt động lâu dài, gắn bó sâu sắc và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thủ đô.

       Từ khóa:Trần Quốc Hoàn, Đảng bộ thành phố Hà Nội.

      Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Quốc Hoàn gắn bó nhiều nhất với ngành Công an và Đảng bộ thành phố Hà Nội. Với Hà Nội đồng chí có thời gian hoạt động lâu nhất: 3 lần làm Bí thư Thành ủy và một lần làm phái viên Trung ương tại mặt trận Hà Nội. Đồng chí đã có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng của Hà Nội từ những năm 1937-1940, trong kháng chiến chống Pháp, trong thời gian giải phóng Thủ đô, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển Thủ đô.

  1.        Lần đầu tham gia Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội, giữ chức Bí thư Thành ủy (1937-1940)

      Trong những năm đầu mới được thành lập, Đảng bộ Hà Nội phải lãnh đạo, trực tiếp đấu tranh trên một địa bàn so sánh lực lượng giữa ta và địch rất chênh lệch. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, trải qua những năm kiên trì đấu tranh chống lại sự khủng bố tàn bạo của địch, khôi phục phong trào, Đảng bộ Hà Nội đã được tổ chức lại nhiều lần. Tháng 3 năm 1937, Thành ủy Hà Nội chính thức được lập lại do đồng chí Lương Khánh Thiện trực tiếp làm Bí thư. Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã tham gia Ban Thường vụ Thành ủy làm Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy [1].

      Trong thời gian này, đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng các đồng chí khác trong Thành ủy đã tích cực xây dựng, phát triển cơ sở đảng, cơ sở quần chúng bí mật, đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh công khai hợp pháp, nửa hợp pháp theo chủ trương của Đảng, đồng thời tích cực hoạt động đi sâu tuyên truyền vận động quần chúng. Ngày 01/5/1939, nhân ngày Quốc tế lao động, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Trần Quốc Hoàn và Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo đảng viên, quần chúng tham gia mít tinh, biểu dương lực lượng thu hút trên hai vạn người tham gia. Đây là đỉnh cao nhất trong phong trào Mặt trận Dân chủ của Đảng bộ Hà Nội và cả nước. Là cuộc biểu dương lực lượng hùng hậu nhất kể từ khi chi bộ đảng đầu tiên được thành lập tại Hà Nội, là kết quả của cả một quá trình vận động chính trị sâu rộng trong quần chúng của Đảng, đánh dấu bước trưởng thành rất quan trọng về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển về tổ chức của các phong trào cách mạng và lực lượng quần chúng của Đảng.

      Đầu năm 1939, trước nguy cơ chiến tranh thế giới thứ II, thực dân Pháp tăng cường thực hiện các biện pháp đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng, một số đảng viên và công nhân hoạt động tích cực bị địch bắt. Trước tình hình đó, Đảng bộ Hà Nội chuyển dần vào hoạt động bí mật. Tháng 5/1940 đồng chí Trần Quốc Hoàn được điều động sang phụ trách in ấn, xuất bản báo chí bí mật của Đảng đóng ở vùng Yên Lộ (Hà Đông) và Phú Diễn (Thanh Oai), phụ trách giao thông của Xứ ủy Bắc Kỳ, rồi về phụ trách phong trào hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Đồng chí Trần Quốc Hoàn được tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng của Đảng ở những cương vị khác nhau, hoàn cảnh và địa bàn khác nhau, nhưng Hà Nội vẫn là địa bàn quen thuộc, gắn bó và là mối quan tâm thường xuyên của đồng chí. Đặc biệt, đồng chí đã góp phần rất quan trọng đập tan âm mưu chống phá của bọn A.B – đây là một tổ chức phản động chui vào Thành ủy nhằm phá hoại nội bộ Đảng và phong trào cách mạng.

      Trên cương vị Ủy viên Thường vụ, Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã có những đóng góp quan trọng cho Đảng bộ, nhân dân thành phố Hà Nội. Là người trực tiếp tham gia tái lập Thành ủy, đồng thời cùng tập thể Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng, kết nạp nhiều đảng viên mới, nhất là các tổ chức đảng trong công nhân.

  1.        Phái viên của Trung ương tại mặt trận Hà Nội (1946-1947)

      Sau cách mạng tháng 8/1945, đồng chí Trần Quốc Hoàn không trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hà Nội nhưng hoạt động của đồng chí vẫn gắn bó mật thiết với Đảng bộ thành phố Hà Nội. Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã trực tiếp chỉ đạo nhiều công tác của Đảng bộ Hà Nội và đặc biệt là cuộc chiến 60 ngày đêm ở Liên khu I.

      Ngày 25/8/1945, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn, Thành ủy Hà Nội được tổ chức lại. Đồng chí đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp phụ trách Thành ủy Hà Nội, truyền đạt chỉ thị cho Thành ủy và từng thành ủy viên những nhiệm vụ mà Trung ương và Xứ ủy giao cho Thành ủy thực hiện.

      Từ cuối tháng 11/1946, công việc chuẩn bị kháng chiến ở Thủ đô được tiến hành rất khẩn trương. Đồng chí Trần Quốc Hoàn được Trung ương Đảng cử làm phái viên của Trung ương tại mặt trận Thủ đô. Với trách nhiệm phái viên của Trung ương tại mặt trận Thủ đô, đồng chí đã cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp, Vương Thừa Vũ và các đồng chí Thành ủy Hà Nội lãnh đạo quân dân Thủ đô ráo riết chuẩn bị chiến trường, tổ chức chiến đấu làm nên những chiến công lừng lẫy trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp.

      Đồng chí Trần Quốc Hoàn trực tiếp chỉ đạo tổ phụ trách làm nổ nhà máy điện Yên Phụ đêm 19-12-1946, gây mất điện toàn thành phố làm hiệu lệnh mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Trực tiếp kiểm tra việc nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến tại pháo đài Láng. Đồng chí đã vượt qua vòng vây của giặc đi thăm cán bộ chiến sĩ Liên khu I, các đồng chí phụ trách và cán bộ chỉ huy các khu phố, một số cán bộ và chiễn sĩ đã tham gia các trận đánh ác liệt để tìm hiểu tình hình chiến đấu, thuận lợi, khó khăn của chiến trường, động viên mọi người cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Sự có mặt của đồng chí trong những giờ phút ác liệt ấy đã cổ vũ, động viên mạnh mẽ đối với cán bộ chiến sĩ quyết tử Liên khu I nói riêng và quân dân Hà Nội nói chung. Ngoài ra, đồng chí còn rất quan tâm giải quyết những khó khăn về lương thực, thực phẩm của cán bộ chiến sĩ Thủ đô nhằm đảm bảo vấn đề sức khỏe phục vụ chiến đấu.

      Nói về vai trò của đồng chí Trần Quốc Hoàn trong giai đoạn làm phái viên của Trung ương tại mặt trận Hà Nội, đồng chí Lê Trung Toản, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến kiêm Bí thư Đảng ủy Liên khu I và là Chính ủy Trung đoàn Thủ đô, đã viết: Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng, của Bộ Tổng chỉ huy mà người đại diện chỉ đạo trực tiếp Liên khu I là đồng chí Trần Quốc Hoàn và sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy, của Ủy ban kháng chiến, Bộ chỉ huy Khu XI, Liên khu ủy, Ủy ban kháng chiến Liên khu I, đã lãnh đạo tổ chức quân dân Liên khu I thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm cho cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Liên khu I trở thành đỉnh cao của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ ở Thủ đô.

  1.        Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội (4/1949- 4/1951), Bí thư Thành ủy Hà Nội (4/1951-8/1952)

      Cách mạng tháng 8 giành thắng lợi, nhân dân ta giành được quyền làm chủ nước nhà. Tuy nhiên, nền độc lập dân tộc lại bị đe dọa trước nguy cơ xâm lược lần thứ 2 của thực dân Pháp. Nhiệm vụ đặt ra cho quân dân Hà Nội rất nặng nề, chiến đấu để bảo vệ Đảng và Chính phủ, đồng thời giam chân địch trong các đô thị tạo điều kiện cho các cơ quan Trung ương chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc an toàn.

      Tháng 10/1948 Trung ương quyết định tách Hà Nội khỏi tỉnh Lưỡng Hà thành Khu Đặc biệt Hà Nội do Liên khu ủy III phụ trách. Hà Nội lúc này có Liên khu phố I, II; hai huyện Trấn Tây và Trấn Nam thành 02 quận IV và quận VI.

      Tháng 1 năm 1949, Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định, tương quan lực lượng giữa ta và Pháp đã thay đổi, Đảng chủ trương chuyển từ giai đoạn tích cực cầm cự, sang giai đoạn chuẩn bị phản công. Do vị trí chiến lược trọng yếu trong nhiệm vụ chuẩn bị tổng phản công, tháng 4/1949 đồng chí Trần Quốc Hoàn được Trung ương điều động về làm Bí thư Đặc khu ủy Hà Nội. Cuộc đấu tranh ở chiến trường Thủ đô giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn. Trên cương vị là Bí thư Đặc khu ủy, phụ trách mặt trận Hà Nội đồng chí cùng với Đặc khu ủy nghiên cứu tình hình, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương án hoạt động, tác chiến về tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội trên địa bản Hà Nội. Theo quan điểm chỉ đạo, tất cả mọi hoạt động của ta ở Hà Nội là để chuẩn bị chiến trường, chưa phải là đánh thắng địch; thực hiện theo phương châm "lấy xây dựng lực lượng là chính, đấu tranh là để tây dựng lực lượng", phát triển cơ sở kháng chiến cả ở nội và ngoại thành. Với tinh thần sắc sảo, nhạy bén, giàu kinh nghiệm trong đấu tranh và vận động quần chúng, đồng chí đã cùng Đặc khu ủy nghiên cứu bàn bạc và đề ra chủ trương “chuyển hướng toàn diện” hoạt động ở Hà Nội, mở ra cuộc diện mới của phong trào kháng chiến ở Thủ đô.

      Chủ trương chuyển hướng hoạt động của Đảng bộ Hà Nội đã có tác động tích cực tới phong trào kháng chiến ở Thủ đô. Các tổ chức quần chúng được xây lựng dưới hình thức các hội nghề nghiệp, văn hóa, thể thao, giải trí... đã phát triển nhanh chóng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Kết hợp các cuộc đấu tranh kinh tế, đã đem lại những lợi ích thiết thực cho quần chúng, động viên mạnh mẽ tinh thần của nhân dân; hoạt động của các cơ sở cách mạng trở nên an toàn hơn; tạo ra cục diện mới cho phong trào kháng chiến ở Thủ đô.

      Đồng chí rất coi trọng việc tổ chức theo dõi nắm tình hình địch và lập ra Ban địch tình thống nhất để phối hợp theo dõi, phân tích tình hình địch. Đồng chí đã chỉ đạo công an Hà Nội bố trí vụ nổ mìn làm chết 200 sĩ quan, binh lính Pháp gây thiệt hại nặng cho Hải quân Pháp. Đây là một chiến công tình báo quan trọng mà đồng chí Trần Quốc Hoàn đã trực tiếp chỉ đạo….

Đầu năm 1951, Đặc khu uỷ Hà Nội trở lại tên gọi Thành uỷ Hà Nội. Đồng chí Trần Quốc Hoàn vẫn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và tiếp tục cống hiến cho Đảng bộ Thành phố Hà Nội đặc biệt là công tác cán bộ, góp phần to lớn vào những thắng lợi của quân dân Thủ đô trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.

  1.        Bí thư Thành ủy lần thứ 3 – Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô (9/1954- 10/1954)

      Đây là thời kỳ đồng chí Trần Quốc Hoàn thực hiện nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Công an. Tuy nhiên, xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của việc tiếp quản Thủ đô sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày 6/9/1954 Trung ương đã cử đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Bí thư Thành ủy Hà Nội – Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô. Với trọng trách được giao, nhận rõ khối lượng công việc lớn lao và mới mẻ, phức tạp, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã không quản ngày đêm làm việc hết mình để cùng Đảng ủy tiếp quản tiếp xúc mọi công tác chuẩn bị cho quá trình tiếp quản Thủ đô.

      Đồng chí đã lãnh đạo nhân dân Thủ đô đấu tranh đòi thực dân Pháp nghiêm chỉnh thi hành hiệp định, đấu tranh bảo vệ thành phố, xí nghiệp, công sở, chống địch phá hoại, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, phát triển mạnh mẽ lực lượng cách mạng trong thành phố, phối hợp chặt chẽ với lực lượng bên ngoài vào tiếp quản, giải phóng hoàn toàn Thủ đô.

      Để tăng cường cán bộ công an cho Thủ đô, đồng chí đã quyết định điều động nhiều cán bộ công an có năng lực ở các tỉnh về Hà Nội. Nhờ quá trình chuẩn bị chu đáo của Đảng ủy mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô Trần Quốc Hoàn, công cuộc tiếp quản đã thành công tốt đẹp.

      Sau khi lãnh đạo tiếp quản thắng lợi, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cùng thành ủy Hà Nội phát động phong trào đấu tranh lớn chống đế quốc Mỹ và thực dân hiếu chiến Pháp cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam; mở cuộc vận động tích cực phục hồi sản xuất, tạo ra bước chuyển mới trong phong trào cách mạng Thủ đô.

      Với trọng trách là Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, đồng thời là Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện thắng lợi những chủ trương, chính sách lớn của Trung ương Đảng và Chính phủ đối với việc tiếp quản Thủ đô, góp phần cùng tập thể lãnh đạo Thành ủy đưa mọi hoạt động của Thành phố đi vào ổn định, nhất là đối phó có hiệu quả và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động phá hoại của quân đội Pháp và các thế lực phản động, tội phạm đối với thành phố. Đồng chí Trần Quốc Hoàn xứng đáng với sự tín nhiệm, lựa chọn và ủy thác của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí minh; xứng đáng với sự tin cậy, ủng hộ của nhân dân Đảng bộ Thành phố Hà Nội.

       5. Đồng chí Trần Quốc Hoàn với quá trình xây dựng, phát triển Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội

      Thực hiện chủ trương của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (tháng 1-1949) về yêu cầu, nhiệm vụ chuẩn bị tổng phản công, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ra quyết định “Mở cuộc vận động đào tạo và rèn luyện cán bộ tổng phản công”. Ngày 12 - 11 - 1949, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội thông qua “Nghị quyết án” tổ chức Trường đào tạo rèn luyện cán bộ chuẩn bị tổng phản công, lấy tên là Trường Lê Hồng Phong và phân công đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bí thư Thành ủy kiêm Giám đốc Trường [2]. Sự kiện này đã đánh dấu sự ra đời của Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội mà đồng chí Trần Quốc Hoàn là người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của nhà trường hơn 70 năm qua. Mặc dù điều kiện kháng chiến có nhiều khó khăn nhưng đồng chí Trần Quốc Hoàn vẫn hết sức quan tâm đến công tác cán bộ. Nhiều lớp tập huấn được đảng bộ tổ chức dưới nhiều hình thức nhằm đào tạo nâng cao trình độ cán bộ về chính trị, tư tưởng và phương pháp công tác. Bốn tháng cuối năm 1949 trường đã mở được 07 lớp đào tạo với tổng số 136 học viên. Năm 1950 mở được 15 lớp với 413 học viên [3]. Ngoài các lớp đào tạo, các lớp bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, bổ túc cơ sở liên tục được Nhà trường tổ chức. Thông qua hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đã huấn luyện được hàng trăm cán bộ có năng lực công tác, có kinh nghiệm đấu tranh, bền bỉ, gan dạ, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bám cơ sở để chỉ đạo phong trào quần chúng của Hà Nội, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Điều đó cho thấy, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của Nhà trường đã tận tụy, vượt lên những khó khăn, thiếu thốn của cuộc chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kết quả đó là những đóng góp của tập thể cán bộ lãnh đạo, giảng viên, nhiên viên Nhà trường trong công tác xây dựng lực lượng đáp ứng yêu cầu cách mạng mà đồng chí Trần Quốc Hoàn là người đặt nền móng.

      Năm 1950, từ những quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đồng thời qua tổng kết kinh nghiệm thực tế hoạt động và sinh hoạt đảng ở Đảng bộ Hà Nội đồng chí đã chỉ đạo xây dựng cuốn sách Cách làm việc của một cấp ủy làm tài liệu học tập cho cán bộ, đảng viên. Cuốn sách trình bày một số vấn đề về nguyên tắc làm việc; nguyên tắc cách phân công trong cấp ủy; cách sinh hoạt; cách làm việc và giải quyết công việc của Ban chấp hành và Ban Thường vụ, Bí thư, cấp ủy; cách thức đặt chủ trương của các cấp và vấn đề kiểm tra, đôn đốc; phương pháp chỉ đạo phong trào của cấp ủy…Đồng chí cũng là người trực tiếp trình bày nội dung cuốn sách trong lớp tập huấn của cán bộ Hà Nội. Tuy nhiên, đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng quán triệt “tuy đây là cách làm việc của một cấp ủy nhưng nhiều điểm có thể áp dụng chung cho cán bộ các ngành chuyên môn, cho cán bộ không cấp ủy”[4]. Việc xuất bản và phát hành rộng rãi cuốn sách đã giúp cho việc bồi dưỡng cho cán bộ tại chỗ, đặc biệt là đối với lớp cán bộ mới trưởng thành sau cách mạng Tháng Tám 1945.

      Trong suốt những giai đoạn gắn bó với Hà Nội đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Những hoạt động và cống hiến của đồng chí cho Đảng bộ thành phố Hà Nội, là một trong rất nhiều minh chứng sinh động nói lên cuộc đời hoạt động cách mạng quên mình của đồng chí. Với vai trò là người thầy Hiệu trưởng đầu tiên - người đặt nền móng của Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, đồng chí đã đóng góp rất lớn đối với quá trình hình thành và phát triển của Nhà trường. Góp phần không nhỏ cho sự nghiệp đào tạo cán bộ của thủ đô Hà Nội đáp ứng yêu cầu cách mạng của cuộc kháng chiến trường kỳ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô quyết tâm phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, Thủ đô thanh bình và thịnh vượng, thành phố kết nối toàn cầu, xứng đáng với các thế hệ cán bộ cách mạng đi trước, trong đó có đồng chí Trần Quốc Hoàn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trần Quốc Hoàn – Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2022, tr.53

2. http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/2962-truong-dao-tao-can-bo-le-hong-phong-%E2%80%93-70-nam-xay-dung-va-phat-trien-12/11/1949-12/11/2019.html

3. Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong 60 năm xây dựng và trưởng thành (1949-2009), tr. 11, 12

4. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng, Nhà lãnh đạo xuất sắc của Công an Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 120

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh