Truy cập nội dung luôn

  TIn mới nhận

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GẮN VỚI MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ
Ngày đăng 23/04/2024 | 10:23 AM  | View count: 53

Tạ Ngoc Anh - Phó Trưởng khoa Nhà nước pháp luật

      Tóm tắt: Việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong điều kiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Xuất phát từ thực tiễn, tác giả đề xuất một số giải pháp để giải quyết những khó khăn bất cập đối với hệ thống chính trị cơ sở trong điều kiện hiện nay.

       Từ khóa: Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; mô hình chính quyền đô thị.

      Thủ đô Hà Nội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, khoa học và công nghệ, văn hóa - xã hội của cả nước, có quy mô dân số đứng thứ hai trong cả nước.

Hà Nội là đô thị đặc biệt, có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nhất là ở một số quận mới phát triển và một số huyện, xã, nên việc triển khai thực hiện tổ chức bộ máy chính quyền đô thị ở Hà Nội có ý nghĩa rất to lớn. Thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” từ ngày 1/7/2021, tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây trên địa bàn thành phố đã tổ chức triển khai mô hình chính quyền đô thị.

      Từ ngày 01/7/2023 việc triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở được tiến hành đồng bộ có vai trò quan trọng góp phần thực hiện thành công mô hình chính quyền đô thị. UBND Thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở như: Kế hoạch số 147/KH-UBND, ngày 17/5/2023 triển khai thi hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; Kế hoạch số 23-KH/BCĐ, ngày 10/3/2023 sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 01 của Thành ủy khóa XVII, giai đoạn 2021-2023; Kế hoạch số 264/KH-UBND, ngày 07/11/2023 về tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

      Quá trình triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở là điều kiện thuận lợi để chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên, vai trò, phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với UBND phường được đảm bảo, tăng cường; Ủy ban Mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội tại phường với UBND phường có sự phối hợp đồng bộ, thống nhất trong thực hiện các nhiệm vụ tại địa phương. Thực hiện quy chế dân chủ trong chính quyền đô thị, mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng rõ hơn, tốt hơn; công tác phối hợp giữa chính quyền phường với các cơ quan, đơn vị được đảm bảo và có hiệu quả cao; Phương thức hoạt động của UBND thay đổi theo hướng tích cực góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên.

      Chính quyền cơ sở tập trung rà soát, tiến hành cập nhật, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy chế dân chủ trong loại hình mới, các văn bản liên quan đến quyền con người, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, quyền dân chủ phù hợp với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

      Nội dung công khai để nhân dân biết: Các đơn vị cơ sở đã thực hiện nghiêm 14 nhóm nội dung quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc công khai để Nhân dân biết thông qua nhiều hình thức phong phú, trong đó đa số thực hiện thông qua hình thức niêm yết tại trụ sở xã, phường, thị trấn, nhà văn hoá thôn, tổ dân phố, phát trên hệ thống loa truyền thanh, đăng trên cổng thông tin điện tử của phường, xã, thị trấn, thông qua hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Nhân dân, qua hội nghị thôn, tổ dân phố; hội nghị tiếp xúc cử tri, qua các tổ chức đoàn thể ở cơ sở.... Các nội dung công khai đã được chính quyền thực hiện tốt, lựa chọn biện pháp phù hợp là những vấn đề liên quan đến đời sống Nhân dân, những vấn đề nhạy cảm, khó khăn, phức tạp, dễ phát sinh khiếu kiện. Thời gian niêm yết công khai được thực hiện ít nhất 30 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết.

      Những vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp: được cấp ủy, chính quyền UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các xã, phường, thị trấn đã tổ chức Hội nghị đại biểu Nhân dân bàn về việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

      Đối với nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định: UBND và Uỷ ban MTTQ xã, phường, thị trấn thực hiện theo đúng trình tự quy định; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, thông báo rộng rãi trên hệ thống đài truyền thanh và tại các cuộc họp cử tri; nội dung các cuộc họp tiếp xúc cử tri đều được UBND và Uỷ ban MTTQ xã, phường, thị trấn ghi lại trong các biên bản làm cơ sở xây dựng các báo cáo tiếp thu và trả lời ý kiến cử tri. Việc bầu cử, miễn nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được thực hiện dân chủ chặt chẽ, đúng quy trình, do Nhân dân trực tiếp bầu ra. Các quy ước, hương ước thường xuyên được lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung.

      MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở đã phối hợp với Tổ dân vận và chính quyền đồng cấp làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở.

      Tăng cường đối thoại với người dân, đặc biệt đối với vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng; những vấn đề nhân dân bức xúc, yêu cầu. Công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo. Duy trì công khai lịch trực tiếp công dân của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; mở sổ góp ý, hòm thư góp ý, công khai số điện thoại đường dây nóng, số điện thoại của lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp phụ trách các lĩnh vực được phân công để tiếp thu ý kiến phản ánh của Nhân dân. Ví dụ: Quận Ba Đình: Triển khai thử nghiệm ứng dụng Ba Đình – Smart tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của tổ chức và công dân, đánh giá sự hài lòng trong giải quyết Thủ tục hành chính.

      Phương thức hoạt động của UBND thay đổi theo hướng tích cực góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy được nâng lên. Việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã tạo điều kiện cho Chủ tịch phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc của phường nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.

      Gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt mô hình “Một cửa”, “Một cửa liên thông”. Ví dụ: Quận Hoàn Kiếm: Thí điểm “05 TTHC không chờ”.

      Mặc dù không tổ chức HĐND ở phường nhưng quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn được đảm bảo. Hoạt động giám sát của nhân dân thông qua Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được phát huy, trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật, gắn với thực hiện có hiệu quả Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn Thành phố.

      Nhân dân thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng phối hợp giám sát trên các lĩnh vực: quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai, thực hiện dân chủ cơ sở...

      Các hoạt động tự quản cộng đồng trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh.

      Ngoài ra việc thực hiện dân chủ tại các Quận, huyện trong các công tác: giải phóng mặt bằng; trong công tác thuế; công tác quản lý trật tự xây dựng… thường xuyên được tăng cường, nhiều mô hình mới được áp dụng sáng tạo. Điển hình trong công tác thuế: đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa - ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; thực hiện thường xuyên mô hình 6 chữ T “Tận tâm lắng nghe - Tận tình hướng dẫn - Tận tụy giải quyết

      Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với mô hình chính quyền đô thị còn có những hạn chế:

      - Công tác tuyên truyền, quán triệt các nội dung về dân chủ, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư ở một số địa phương gắn với việc xây dựng chính quyền đô thị chưa được bàn và triển khai đồng bộ, sâu rộng.

      - Việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ tại một số phường thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị còn lúng túng; hệ thống chính trị chưa thống nhất phương pháp triển khai; cơ chế giám sát chưa được bàn bạc và thực hiện hiệu quả… Có nơi chủ tịch UBND phường trong quản lý, điều hành còn chuyên quyền, độc đoán.

      Việc sửa đổi bổ sung quy chế dân chủ phù hợp với mô hình chính quyền đô thị chưa có hướng dẫn cụ thể, việc thực hiện nguyên tắc, chế độ trách nhiệm trong thực thi công vụ của chủ tịch UBND phường và tập thể UBND phường còn chưa rõ nét.

      - Việc nắm và tổng hợp tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trước, trong tiếp xúc, đối thoại còn chưa kịp thời; công tác tham mưu giải quyết ý kiến, kiến nghị trong quá trình tiếp xúc, đối thoại có nơi còn hạn chế, thiếu chủ động, sâu sát; Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, bộ phận trong thực hiện kết luận sau tiếp xúc, đối thoại còn lúng túng, chưa đồng bộ, chưa rõ trách nhiệm.

      - Hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có nơi, có lúc còn chưa chủ động, chất lượng chưa cao. Việc tổ chức họp dân tại một số thôn, tổ dân phố, cụm dân cư chưa đảm bảo chất lượng, số lượng ý kiến đóng góp còn ít.

          Hạn chế nêu trên xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau đây:

      - Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” và các văn bản triển khai thí điểm còn nhiều vướng mắc; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật mới có hiệu lực và chưa đầy đủ, vì vậy, việc triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng.

      - Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự chú trọng tới thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với xây dựng hệ thống chính trị theo hướng rõ vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể trong hệ thống chính trị.

      - Trình độ, hiểu biết của thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở một số cơ sở đối với lĩnh vực cần giám sát (nhất là trong bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng) còn chưa sâu, chưa thực sự chất lượng gây ảnh hưởng tới hoạt động chung.

      - Trình độ dân trí chưa đồng đều dẫn đến hiểu biết với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở còn chưa sâu ở một số khu vực, đối tượng trên địa bàn.

      Để khắc phục những hạn chế nêu trên, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:

      1.Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên trong thực dân chủ ở cơ sở và gắn với xây dựng chính quyền đô thị;

      Sửa đổi, bổ sung một số nội dung còn vướng mắc, bất cập trong Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ cho phù hợp với thực tiễn. Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung số lượng công chức làm việc tại phường theo số lượng dân cư hoặc tăng thêm các chế độ, chính sách đối với công chức phường ở những phường có số lượng dân cư đông.

      2. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ nhất là người đứng đầu; thường xuyên củng cố kiện toàn và phát huy vai trò của Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong tham mưu giúp cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở.

      3. Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tuyên truyền, vận động, giáo dục, đoàn viên, hội viên thực hiện dân chủ ở cơ sở; chủ động phối hợp giám sát; phản biện xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); Quyết định 6525-QĐ/TU, Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy. Chú trọng giám sát , kiểm tra việc thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau tiếp xúc, đối thoại.

      4. Gắn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với đẩy mạnh xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền đô thị, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực công tác, nhất là lĩnh vực thuế, quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai…; Rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy trình giải quyết công việc (ngoài thủ hành chính) để đảm bảo mọi hoạt động vận hành của cơ quan, đơn vị được công khai, minh bạch, rõ người, rõ trách nhiệm; xây dựng bộ máy hành chính “C ông khai, minh bạch, hiệu quả”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đạo đức, có năng lực, hết lòng “V ì Nhân dân phục vụ”; tăng cường đối thoại với Nhân dân; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, giải quyết kiến nghị của cử tri và Nhân dân đối với những vấn đề dân sinh bức xúc. Phát huy dân chủ đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Thực hiện tốt Nghị quyết 15-NQ/TU, Chỉ thị số 15-CT/TU của Thành ủy, tập trung ở những địa bàn có những vụ việc phức tạp; phát huy vai trò của các cơ quan giám sát trong phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

      5. Hướng dẫn xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ tại các đơn vị thí điểm mô hình chính quyền đô thị; rà soát, điều chỉnh và thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ trong các loại hình mới, quan tâm đến loại hình quản lý trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng, công tác thuế, góp phần đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công và nguồn thu cho ngân sách Thành phố.

      Các địa phương cần chủ động xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy chế dân chủ trong công tác bảo vệ môi trường.

      6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính trị.,.

 

Tài liệu nghiên cứu

1.Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2.Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”

3.Báo cáo số 88-BC/BCĐTP Ban chỉ đạo Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ năm 2023

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh