Truy cập nội dung luôn

  TIn mới nhận

“QUÂN TA TOÀN THẮNG Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ” - MÓN QUÀ CHÚC THỌ ĐẶC BIỆT MỪNG SINH NHẬT BÁC HỒ!
Ngày đăng 25/04/2024 | 2:30 PM  | View count: 61

Th.S Nguyễn Thị Hải Vân - GVC Khoa Lý luận cơ sở

      Tóm tắt:

       Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm đã ghi một trang vô cùng vẻ vang vào lịch sử dân tộc ta. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng ta, cách mạng Việt Nam đã chiến thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ một cách lẫy lừng. Đó là kết quả quá trình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Những bài học được rút ra từ đó tiếp tục đem lại những giá trị vô cùng to lớn cho cách mạng Việt Nam trên con đường đổi mới.

      Từ khóa: Chiến thắng Điện Biên Phủ, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc

      Nhân dịp sinh nhật lần thứ 64, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận được một “món quà chúc thọ mừng sinh nhật” rất đặc biệt, để có được nó, quân và dân ta đã phải hy sinh biết bao công sức và cả máu xương mới “sắm được”. “Món quà đặc biệt” đó chính là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thực chất, “món quà” đó là khát khao mong mỏi không chỉ của riêng Người mà là của cả dân tộc ta. Thắng lợi Điện Biên Phủ đến nay đã tròn 70 năm nhưng những bài học để lại vẫn còn vô cùng giá trị.

      Nhờ có chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954, mà cách mạng Việt Nam đã tạo được cơ sở căn bản, buộc Pháp phải đi đến ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, chấm dứt sự đô hộ của chủ nghĩa Thực dân Pháp ở cả ba nước Đông Dương, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chiến thắng này cũng đã mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới. Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng và nhân dân ta đã có điều kiện để đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

      Chính thắng lợi này đã khẳng định sự tính cách mạng và khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc – con đường dẫn đến đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thắng lợi Điện Biên Phủ cũng đã mở ra giai đoạn cách mạng mới, tạo sinh lực mới để dân tộc ta tiếp tục phát huy sức mạnh của mình, thực hiện thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

      Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về thắng lợi Điện Biên Phủ: Nó là một chiến thắng đã “làm cho cả thế giới xôn xao. Bạn ta và nhân dân cả châu Á thì vui mừng. Phe đế quốc, nhất là Pháp - Mỹ thì ngơ ngác”[1]. Vì vậy, khi nhận được món quà này, Người đã viết Thư gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ để thăm hỏi thương binh, để báo Bác sẽ quyết định “khao” toàn thể cán bộ, chiến sĩ ở đây và cuối thư không quên dặn dò cán bộ, chiến sĩ “Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm trọn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho...”[2]

      Với niềm hân hoan vô tận, Người đã viết một bài thơ về chiến thắng Điện Biên Phủ đăng trên báo Nhân dân từ ngày 12 đến ngày 15-5-1954, với những giọng điệu khá dí dỏm và cách dùng từ mộc mạc, giản dị, gần gũi như lối kể chuyện của dân gian. Trong đó, Người đã kể chi tiết cho chúng ta biết về những mốc thời gian cụ thể diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, về số lượng quân địch tham gia, về các loại vũ khí và âm mưu của chúng, về Mỹ- kẻ đồng minh đã tiếp tay viện trợ cho thực dân Pháp gây tội ác ở Việt Nam. Người cũng kể về những quyết tâm “Không quản gian khổ và đắng cay” của quân dân ta để

       làm cho tròn nhiệm vụ,            

       Đã hứa với Bác, Đảng, Chính phủ”[3] là giành được thắng lợi từng bước tiến tới thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch lịch sử hơn 50 ngày đêm.

      Đặc biệt, cuối bài thơ, có 3 dòng được Người để trong ngoặc kép đã giúp người đọc cảm nhận được sự xúc động, lòng tự hào vô bờ của Người khi nhận được “món quà đặc biệt” ấy như thế nào. Bài thơ ấy có tên “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Khổ cuối của bài thơ như sau:

       Thế là quân ta đã toàn thắng

       Toàn thắng là vì rất cố gắng.

       Chiến sĩ viết thư dâng Cụ Hồ:

       “Xin Bác vui lòng mà nhận cho

       Món quà chúc thọ sinh nhật Bác,

       Chúng cháu cố gắng đã sắm được””[4]. 

      Sau đó 10 năm, tại Hội nghị chính trị đặc biệt ngày 27-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã một lần nữa nhấn mạnh về ý nghĩa của thắng lợi này: “chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”[5].

      Đã 70 năm trôi qua, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn những giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả nhân dân thế giới đã và đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Bởi nó chính là thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Bằng chiến thắng này, nhân dân ta cũng đã chứng tỏ cho thế giới thấy được sức mạnh của nhân dân khi từ người dân nô lệ trở thành người chủ đất nước, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đã phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù mới – chủ nghĩa đế quốc thực dân. Cũng chính thắng lợi Điện Biên Phủ đã cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức khác đứng lên đánh đuổi thực dân, tự giải phóng khỏi ách nô dịch thuộc địa.

      Thắng lợi Điện Biên Phủ hào hùng của dân tộc đã để lại cho hậu thế những bài học vô cùng giá trị, tiếp tục là nguồn động lực to lớn cho dân tộc ta tiếp bước cha ông quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sau đây là một số bài học có thể rút ra từ chiến thắng Điện Biên Phủ:

       Bài học thứ nhất là, luôn kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội theo con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra.

      Mặc dù đã 70 năm kể từ ngày chúng ta giành được thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng bài học đầu tiên vô cùng giá trị của chiến thắng ấy vẫn còn nguyên vẹn đến ngày hôm nay, đó là luôn kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi vì đó là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cách mạng và khoa học cho mọi hành động của cách mạng Việt Nam. Phải luôn kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bởi đó chính là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta và Nhân dân ta. Trong giai đoạn hiện nay, tình hình trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi, nhưng cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội chưa bao giờ hết gay gắt. Các thế lực thù địch vẫn thường xuyên thực hiện những mưu đồ thâm hiểm để chống phá Đảng và Nhà nước ta. Cho nên, chúng ta càng cần phải luôn sẵn sàng và tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại sự xuyên tạc và những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, giữ vững bản lĩnh chính trị và kiên định mục tiêu lý tưởng.

       Bài học thứ hai là, tiếp tục phát huy truyền thống, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới. Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được sau 70 năm qua và giành thắng lợi trong việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước, Đảng cần phải lãnh đạo hệ thống chính trị phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, tạo ra nguồn sức mạnh nội lực vững chắc mới để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

       Bài học thứ ba là, để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, phải đặt đúng vị trí hàng đầu của yếu tố lợi ích. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải hướng đến nhân dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc và phải phấn đấu vì lợi ích của nhân dân. Đồng thời, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các thành viên trong xã hội.

       Bài học thứ tư, phải không ngừng củng cố, tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết trong Mặt trận Dân tộc thống nhất. Mặt trận phải thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; thực hiện đúng nguyên tắc, phương châm đoàn kết, đấu tranh. Bởi vì, điều này có tầm quan trọng quyết định tới việc phát huy vai trò, vị trí của tổ chức Mặt trận, đồng thời góp phần làm tăng hiệu quả, sức mạnh của liên minh chính trị giữa các tổ chức và cá nhân yêu nước. Mặt trận phải thật sự xứng đáng là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Mặt trận phải huy động được các thành viên của mình tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

       Bài học thứ năm, phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Đảng phải thường xuyên xây dựng và chỉnh đốn về tất cả các lĩnh vực: tư tưởng chính trị, tổ chức và cán bộ, xây dựng và chỉnh đốn Đảng về đạo đức, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng. Đảng phải lãnh đạo xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thật sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng phải đề ra được chủ trương, đường lối đúng đắn về công tác Mặt trận phù hợp với tình hình thực tế; thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên gương mẫu trong việc chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chính sách, công tác Mặt trận nói riêng.

       Bài học thứ 6, Việt Nam phải tích cực củng cố và mở rộng quan hệ quốc tế. Trên cơ sở mục tiêu chung của các dân tộc là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, Việt Nam cần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và sẵn sàng hợp tác của các nước trên thế giới để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, Việt Nam cũng luôn phải tự nỗ lực, vươn lên, tạo uy tín và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy hợp tác, đầu tư từ ngoại lực, kết hợp với nội lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

      Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, và kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cùng đọc lại bài thơ “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” của Người để nhớ về những trang lịch sử hào hùng của dân tộc mà dưới ngọn cờ dẫn dắt của Người và của Đảng ta, quân dân Việt Nam đã anh dũng giành được. Đọc bài thơ đó của Người, cũng là để chúng ta nhớ lại lời Người đã dặn, muốn có được toàn thắng trong đấu tranh cách mạng thì phải luôn rất cố gắng, phải đoàn kết kiên quyết một lòng khắc phục khó khăn, không quản gian khổ và đắng cay, phải có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng, chu đáo và phải có quyết tâm rất cao. Đó cũng là những bài học đầy ý nghĩa và còn nguyên giá trị đối với chúng ta trong giai đoạn phát triển mới, trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.8, tr.500

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.8, tr.70

[3], [4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.8, tr.473

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.14, tr.271

 

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh