Skip to Content

  Nghiên cứu trao đổi

TỪ CHIẾN TRƯỜNG ĐIỆN BIÊN PHỦ ĐẾN HỘI NGHỊ GIƠ-NE-VƠ
Publish date 05/05/2024 | 11:35 AM  | View count: 72

ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Giảng viên, Khoa Xây dựng Đảng

           Tóm tắt: Thắng lợi tại Điện Biên Phủ là biểu tượng của tinh thần quyết tâm và sức mạnh dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Pháp. Từ đây đã đặc nền móng cho Hiệp định Giơ-ne-vơ  lập lại hòa bình ở Việt Nam sau cuộc kháng chiến trường kỳ.

          Từ khóa: Điện Biên Phủ, Hội nghị Giơ-ne-vơ, Hiệp định Giơ-ne-vơ

  1.            Biên Phủ - điểm quyết chiến chiến lược

          Chiến dịch Thu – đông năm 1950 đã nhổ những đồn bốt của quân Pháp trên toàn tuyến biên giới Lạng Sơn – Cao Bằng, giáng một đòn quyết định vào cuộc chiến đang vào thời khắc mấu chốt tại Việt Nam. Đối với Pháp, “thì cuộc chiến tranh Đông Dương đã chuyển thành cuộc tháo lui nhục nhã.”[1] Hi vọng về một thắng lợi của quân đội Pháp ở Đông Dương trở nên xa vời. Vậy là, đã đến lúc người Mỹ phải nhảy vào cuộc. Ngày 8-5-1950, Tổng thống Mỹ Truman đã ký văn bản chính thức viện trợ cho Pháp ở Đông Dương, đây được xem là cột mốc pháp lý đầu tiên đánh dấu sự dính líu của Mỹ vào cuộc chiến ở Việt Nam. Việc Mỹ cứu giúp Pháp nằm trong một tính toán rộng lớn của chiến lược toàn cầu nhằm ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, như giới chức Mỹ đã từng nhận định: “Đông Dương và đặc biệt là Việt Nam là then chốt trong việc bảo vệ Đông Nam Á”. Từ tháng 7-1950 đến tháng 1-1952 Mỹ đã cung cấp cho Pháp gần 300 triệu đô la vũ khí và trang bị quân dự tương đương ⅓ chiến phí.

          Đến cuối năm 1953, cuộc Chiến tranh Đông Dương đã kéo dài 8 năm, quân Pháp lâm vào thế bị động trên chiến trường. Chính phủ Pháp muốn tìm một giải pháp hòa bình có thể chấp nhận được để chấm dứt cuộc chiến, nhưng mặt khác, họ muốn duy trì quyền lợi của mình tại Đông Dương. Trong lúc này, Pháp hi vọng tìm thấy "lối thoát danh dự" bằng việc bổ nhiệm viên tướng sáng giá nhất nước Pháp, Na-va, vào vị trí Tổng Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương.

          Ở cương vị mới, Na-va nhanh chóng vạch ra một kế hoạch quân sự với tuyên bố sẽ: “Chứng minh cho Việt Minh thấy rằng, nếu như chúng ta (tức phía Pháp) không thắng trong cuộc chiến tranh thì họ cũng không có hy vọng gì thắng ta bằng quân sự và do đó cần phải thương lượng”[2]. Dựa vào sự ủng hộ của Chính phủ và viện trợ của Mỹ, Na-va đề ra một kế hoạch kết hợp giữa chiến lược phòng ngự ở phía Bắc, tránh giao chiến toàn diện, thực hiện tiến công ở phía Nam vĩ tuyến 18, sau đó dần chuyển sang tấn công, tạo nên một cục diện quân sự có lợi cho Pháp. Kế hoạch Na-va được Mỹ tán thưởng, đánh giá cao, hậu thuẫn và ủng hộ tích cực, đồng thời tin tưởng rằng, kế hoạch đó “nếu không phải là một thắng lợi hoàn toàn, thì ít nhất cũng thu được kết quả nhất định về quân sự”[3].

          Kết quả là tới 1953, viện trợ Hoa Kỳ về tài chính và quân sự đã đạt mức 2,7 tỷ USD trong đó viện trợ quân sự là 1,7 tỷ đôla. Sang năm 1954, thọMỹ viện trợ thêm 1,3 tỷ đô la nữa, 78% chiến phí của Pháp tại Đông Dương là do Mỹ đài. Tổng cộng Hoa Kỳ đã viện trợ quân sự Pháp trên 40 vạn tấn hàng hoá, bao gồm 360 máy bay, 347 tàu chiến các loại, 1.400 xe tăng và thiết giáp, 16.000 phương tiện vận tải, 17,5 vạn súng cá nhân.[4]

          Thời gian này ở tất cả các cấp bộ trong quân đội viễn chinh Pháp đều có cố vấn Mỹ. Người Mỹ có thể đến bất cứ nơi nào kiểm tra tình hình mà không cần sự chấp thuận của Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp. Sự phụ thuộc quá nhiều của Pháp vào Mỹ khiến tướng Hăng-ri Na-va than phiền trong hồi ký: “Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ.”[5]

Để thực hiện kế hoạch chiến lược quan trọng này, Pháp tăng thêm viện binh, phát triển quân đội, xây dựng khối cơ động chiến lược. Sau cuộc tiến quân của bộ đội chủ lực Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên Tây Bắc, Bộ Chỉ huy Pháp vội vã điều lực lượng cơ động nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành pháo đài “bất khả xâm phạm”.

  1.            Toan tính của các nước lớn trong giải quyết chiến tranh ở Đông Dương

          Sau Chiến dịch Biên giới (1950), thì những toan tính tìm kiếm lối thoát khỏi cuộc chiến bằng con đường thương lượng đã hình thành trong các quốc gia tư bản. Như đã nói, bản kế hoạch của Na-va cũng hướng tới tìm cho nước Pháp “một giải pháp danh dự” trong một cuộc chiến đã cướp đi toàn bộ niềm kiêu hãnh của nước Pháp. Với những diễn biến trên chiến trường, chính phủ Anh nhận thức rõ ràng rằng cơ may chiến thắng của người Pháp càng ngày càng mong manh, nhằm tránh những tình huống xấu xảy đến với thuộc địa của mình ở Đông Nam Á, chính phủ Anh ủng hộ việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao về vấn đề tại Đông Dương. Còn với Hoa Kỳ, những tính toán có phần thận trọng hơn. Một mặt Hoa Kỳ chỉ can thiệp thông qua viện trợ chứ không muốn can thiệp quân sự để tránh lặp lại cuộc chiến đã diễn ra ở Cao Ly trước đó..

          Về phía các nước xã hội chủ nghĩa, Liên Xô đã thu được những thành công nhất định qua việc xây dựng lại đất nước. Với việc thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân (1949) cùng bom nguyên tử (1953) của Liên Xô đã phá bỏ thế độc tôn về hạt nhân của Hoa Kỳ, góp phần tích cực nâng cao địa vị của nước xã hội chủ nghĩa trên chính trường thế giới. Quan điểm của Liên Xô khi này tránh xung đột với các nước tư bản, tranh thủ cơ hội hoà bình trên toàn cầu nhằm xử lý các vấn đề nội bộ như vấn đề đang đặt ra ở Béc-lin. Riêng với Trung Quốc, ngay sau ngày thống nhất đất nước họ đã rơi vào cuộc chiến tại Cao Ly với nhiều mất mát, bên cạnh đó là những hậu quả nghiêm trọng của cuộc chiến tranh với Nhật và cuộc nội chiến mang lại, do đó những lãnh đạo Trung Quốc muốn tạo ra một điều kiện thế giới lý tưởng nhằm tái thiết lại đất nước, tránh sự can thiệp sâu rộng của Hoa Kỳ vào những quốc gia lân cận. Đối với họ, việc chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương cũng là giải pháp quan trọng tạo vùng đệm an toàn bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Chính vì thế mà lúc chi viện giúp Việt Nam trong cuộc kháng chiến và nhất là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cả Liên Xô và Trung Quốc đã lựa chọn giải pháp hoà bình vì những suy tính quyền lợi của chính mình.

          Về phía Việt Nam, ta chủ trương kiên quyết tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng hợp tác tìm kiếm những giải pháp hòa giải bằng con đường thương lượng hòa bình nhằm giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Đồng thời, ta cũng nhận thức sâu sắc một chân lý, chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn đàm phán từ những gì mà chúng ta giành được trên chiến trường. Do vậy, ta xác định phải đánh cho địch thất bại nặng nề thì mới có thể tiến hành đàm phán kết thúc chiến tranh.

  1.            Hội nghị Giơ-ne-vơ – Thắng lợi cuối cùng

          Tại Hội nghị Tứ cường (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp) khai mạc tại Béc-lin (Đức) (từ ngày 25 tháng 1 đến ngày 18-2-1954), quyết định sẽ triệu tập một Hội nghị quốc tế ở Giơ-ne-vơ để giải quyết chiến tranh Triều Tiên và vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương.

          Để tạo thế và lực cho chúng ta trước khi bước vào Hội nghị Giơ-ne-vơ, Đảng và Chính phủ ta quyết định tiến hành Chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 13-3-1954. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, “máu trộn bùn non”, “gan không núng”, “chí không mòn”, quân dân ta đã làm nên chiến thắng Điên Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, quân đội một nước châu Á đánh thắng quân đội của một nước châu Âu hiện đại. Toàn bộ tướng lĩnh quân đội Pháp phải ra đầu hàng.

          Đến chiều ngày 8-5-1954, tại Giơ-ne-vơ, Hội nghị quốc tế về Đông Dương được khai mạc. Tham dự Hội nghị có chín đoàn đại biểu bao gồm: 5 cường quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc), Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ba đoàn của ba chính phủ theo Pháp ở Đông Dương (Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia hay còn gọi là các “Quốc gia liên kết”). Phái đoàn của Pháp dẫn đầu là Ngoại trường Bidault mặc toàn tang phục màu đen và đã cay đắng thốt lên: “Đoàn đại biểu Pháp đến Hội nghị Giơnevơ mà trong tay chỉ có những quân bài không đáng giá”[6]. Đoàn Đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu.

          Trải qua 75 ngày đêm với 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp cùng quá trình đấu tranh ngoại giao mạnh mẽ, kiên quyết, chủ động, linh hoạt, bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ-ne-vơ được thông qua với 13 điểm với 3 vấn đề trọng tâm sau:

           Một là, về vấn đề độc lập dân tộc và chủ quyền”: các nước cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia.

           Hai là, về quân đội nước ngoài trên đất Việt Nam: quân đội nước ngoài phải rút khỏi lãnh thổ Campuchia, Lào và Việt Nam. Các bên không triển khai căn cứ quân sự nước ngoài, vũ khí đạn dược vào các nước trên; không tham gia vào bất cứ liên minh quân sự nào.

           Ba là, về giới tuyến quân sự và thống nhất đất nước: Do sự thỏa hiệp, sắp đạt của các nước lớn lấy “Cao Ly” làm hình mẫu, nên Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền theo vĩ tuyến 17 với sự xác nhận “giới tuyến quân sự chỉ có tính tạm thời, toàn toàn không thể coi là ranh giới về chính trị hay lãnh thổ” (Điều 6) và sẽ tổ chức “một cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/1956 dưới sự kiểm soát của một Ủy ban quốc tế” (Điều 7).

Việc ký kết thành công Hiệp định Giơ-ne-vơ đã đánh dấu sự thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược và bọn Mỹ can thiệp ở nước ta. Hiệp định với sự công nhận của các nước lớn đã nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và là cơ sở pháp lý quan trọng trong quá trình đấu tranh vì độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà.

          Tuy nhiên, khi so sánh tương quan giữa những thắng lợi vĩ đại mà chúng ta giành được trên chiến trường sau chiến dịch Điện Biên Phủ với một số điều khoản quy định tại Hiệp định Giơ-ne-vơ khó tránh khỏi trong thâm tâm mỗi người đều gợn lên những “băn khoăn”, “trăn trở” và khao khát đi tìm lời giải đáp cho những gì tưởng đã lùi sâu vào quá  khứ. Nổi lên trong đó là những điều chưa thật thỏa đáng với Việt Nam, với mong ước “Tổ quốc hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối” như:

           Thứ nhất, thay vì thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, ta phải chấp nhận đất nước tạm chia cắt thành hai miền, về giới tuyến quân sự tạm thời, so với mốc ban đầu là vĩ tuyến 13 do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề xuất thì trên thực tế, trong Hiệp định chúng ta phải chấp nhận ranh giới tại vĩ tuyến 17.

           Thứ hai, về thời hạn tổng tuyển cử thống nhất đất nước, so với thời hạn ban đầu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề xuất là 6 tháng thì trong Hiệp định con số này đã lên đến 2 năm sau.

           Thứ ba, với chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại lớn lao như vậy, chúng ta có cần thiết phải kí Hiệp định hòa bình với Pháp không?

          Xét cho cùng, những “băn khoăn”, “trăn trở” trên quả là có căn cứ, song khi nhìn nhận lại thế và lực của Việt Nam lúc đó, đặt vào bối cảnh thế giới đa chiều, phức tạp ta cũng phải nhận thức được một số vấn đề căn nguyên sau:

           Trước hết, đến Hội nghị Giơ-ne-vơ với tư cách của nước thắng trận, nhưng với địa vị của một quốc gia nhược tiểu, đặt trong trật tự thế giới hai cực và xu hướng “quốc tế hóa” trong giải quyết các vấn đề ở Đông Dương theo mô hình của Cao Ly trước đó, Việt Nam khó tránh khỏi sự phụ thuộc nhất định. Có thể thấy, dù là Hội nghị quyết định đến vận mệnh của Việt Nam, nhưng các bước cụ thể liên quan đến phương án đàm phán, thời gian mở đầu và kết thúc của của Hội nghị Giơ-ne-vơ đều chịu sự tính toán, sắp đặt và quyết định của các nước lớn. Mặt khác, không phải phiên họp nào Việt Nam cũng được tham gia, thảo luận để nắm được tình hình cụ thể liên quan đến số phận của mình và mưu toan của các quốc gia liên quan. Trước sự thỏa hiệp của các nước lớn nhằm bảo vệ quyền lợi cho riêng mình, chúng ta buộc phải bước vào một “cuộc chơi” mà “luật chơi” lại nằm trong tay kẻ mạnh. Trong điều kiện lúc đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể từ chối thương lượng nhưng chắc chắc các đồng minh của chúng ta họ vẫn làm theo ý họ, viện trợ đương nhiên sẽ bị cắt giảm và chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến hết sức khó khăn. Do vậy, trong điều kiện đó ta phải cân nhắc lựa chọn phương án ít gây tổn thất nhất cho mình, dù thực tế của Hiệp định có khác so với những dự tính ban đầu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng cũng không nằm ngoài dự tính rằng ta sẽ phải chấp nhận một hoặc nhiều khu vực sẽ bị kẻ thù kiểm soát. Nhưng điều quan trộng nhất là chúng ta đã ngăn chặn được chiến tranh lan rộng, trong khi chủ quyền được quốc tế công nhận và một lộ trình thống nhất đất nước được vạch ra một cách rõ ràng.

           Hai là, xét về thực lực của ta trên chiến trường đã có sự thay đổi vượt trội so với thời gian đầu tham gia cuộc chiến. Song thẳng thắn nhìn nhận, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ lực lượng so sánh giữa ta và địch đã có sự thay đổi cho ta, nhưng chưa có sự thay đổi căn bản. Nếu tiếp tục chiến đấu thế chúng ta có thể hơn nhưng lực thì mới xấp xỉ nhau. Cộng thêm với dã tâm của Mỹ sẵn sàng nhảy vào Đông Dương đã bộc lộ rõ hơn bao giờ hết, thì việc nắm lấy ngọn cờ hòa bình, tạo cơ hội hòa hoãn là cách tốt nhất để chúng ta có điều kiện chuẩn bị cả về vật chất và tinh thần cho một cuộc chiến khó có thể tránh khỏi trong nay mai.

           Ba là, Hội nghị Giơ-ne-vơ diễn ra trong bối cảnh thế giới diễn biến đầy phức tạp, ẩn chứa những toan tính sâu xa của các nước đồng minh và đối phương. Trong khi đó nền ngoại giao cách mạng non trẻ của chúng ta ngoài thiếu kinh nghiệm, còn thiếu cả những phương tiện vật chất cần thiết, ngay cả đến việc nối liên lạc về trong nước cũng phải nhờ đến Liên Xô và Trung Quốc. Do vậy, khi đưa ra những quyết sách, khó tránh khỏi chúng ta phải chịu sự phụ thuộc nhất định của các quốc gia này. Và như, khi kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Ta chưa độc lập tự chủ, ta cả tin bạn”, khiến cho quá nỗ lực làm chủ tiến trình đàm phán và giữ thế chủ động tiến công trong hội nghị. Những hạn chế, và thiếu sót đó là bài học kinh nghiệm quý giá đã được chúng ta vận dụng có hiệu quả vào quá trình đàm phán đi ký kết Hiệp định Pari vào năm 1973.

           Bốn là, Hiệp định Giơ- ne-vơ là kết quả của việc chúng ta hiểu rõ thực lực của mình và lợi ích của các nước lớn, bao gồm cả Liên Xô và Trung Quốc và hiểu rõ bối cảnh quốc tế. Mặc dù một vài nội dung của Hiệp định chưa thực sự phán ánh đúng những gì Việt Nam giành được trên chiến trường song phải khẳng định đây là bước tiến quan trọng trong việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam. Hiệp định công nhận chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Pháp buộc phải rút quân khỏi Việt Nam, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, là điều kiện hòa hoãn quý giá để chúng ta có điều kiện chuẩn bị và tiến hành đấu tranh chống Mỹ xâm lược, tiến tới thống nhất đất nước sau này.

*

*    *

          Sau 70 năm nhìn lại, có thể khẳng định chiến thắng tại Điện Biên Phủ (7/5/1954) bước ngoặt trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Với việc ký kết thành công Hiệp định Giơ-ne-vơ là mốc son chói lọi trong lịch sử ngoại giao Việt Nam; đồng thời thể hiện khát vọng của Việt Nam về một nền hòa bình gắn với độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là chiến thắng của chính nghĩa, của tinh thần đoàn kết quân dân một lòng, của khát vọng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”./.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nhiều Tác giả, Ngoại giao Việt Nam (1945-2000), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.

2. G.C. Herring, Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.

3. Hăng-ri Na-va, Thời điểm của những sự thật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

4. GS. NGND. Vũ Dương Ninh, Cách mạng Việt Nam trên bàn cờ quốc tế - Lịch sử và vấn đề, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2016.

5. GS. NGND. Vũ Dương Ninh, Lịch sử Quan hệ đối ngoại Việt Nam (1945-2010), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2014.

6.http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/60_nam_Dien_Bien_Phu/2014/26989/Chien-thang-Dien-Bien-Phu-va-su-anh-huong-den-Hoi-nghi.aspx

7.http://tapchiqptd.vn/vi/tim-hieu-truyen-thong-quan-su/hiep-dinh-gionevo-%E2%80%93-thang-loi-to-lon-cua-cach-mang-viet-nam/5929.html
 

[1] Archimedes L.A. Patti: Tại sao Việt Nam? Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr.413.

[2] Hăng-ri Na-va: Thời điểm của những sự thật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 90

[3]  Hăng-ri Na-va: Thời điểm của những sự thật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 91

[4] Dẫn theo: https://nda.edu.vn/tin-tuc/cac-chien-le/chien-dich-dien-bien-phu-1954-960.html

[5]  Dẫn theo Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ Điểm hẹn lịch sử. Chương 1: Cuộc họp ở Tỉn Keo

[6] G.C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất của nước Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 21.

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh