Skip to Content

  Lịch sử phát triển

TRƯỜNG ĐÀO TO CÁN B LÊ HNG PHONG THÀNH PHỐ HÀ NỘI

 QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    

        Hơn 70 năm qua, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đã trải qua một chặng đường lịch sử với nhiều sự kiện quan trọng. Đó là một chặng đường đầy cam go, thử thách nhưng rất đáng tự hào đối với các thế hệ cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức và học viên đã công tác và học tập tại trường về một ngôi trường mang tên người chiến sĩ cách mạng Lê Hồng Phong.

        Thực hiện chủ trương của Hội nghị Trung ương lần thứ Sáu (tháng 01/1949) về yêu cầu, nhiệm vụ chuẩn bị tổng phản công, Ban Chấp hành đảng bộ thành phố Hà Nội ra quyết định “Mở cuộc vận động đào tạo và rèn luyện cán bộ tổng phản công”.Ngày 12 tháng 11 năm 1949, hội nghị Ban Chấp hành đảng bộ Hà Nội thông qua “Nghị quyết án” tổ chức trường Đào tạo rèn luyện cán bộ chuẩn bị tổng phản công, lấy tên là Trường Lê Hồng Phong và phân công đồng chí Trần Quốc Hoàn – Bí thư Thành ủy kiêm Giám đốc Trường.Ở Sơn Tây hội nghị Tỉnh ủy họp từ ngày 01/6/1949 đến ngày 07/6/1949 đã quyết định thành lập Ban huấn luyện có chức năng nhiệm vụ tổ chức huấn luyện cả chính trị và văn hóa cho cán bộ đảng viên trong tỉnh. Đây có thể coi là tiền thân các trường chính trị của Hà Đông và Sơn Tây sau này. Ban huấn luyện có các phòng và bộ phận như một nhà trường gồm phòng giáo vụ, bộ phận giảng viên, tài vụ, dân vận, cấp dưỡng… do một đồng chí ủy viên thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách.Sau khi thành lập Trường Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội và các Ban huấn luyện của Tỉnh ủy Sơn Tây, Hà Đông đã mở các lớp huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 22/10/1999 Thành ủy Hà Nội có Thông báo số 50/TB-TU nhất trí lấy ngày 12/11/1949 là ngày thành lập và cũng là ngày truyền thống của Trường ĐTCB Lê Hồng Phong hiện nay. Trải qua các giai đoạn lịch sử Trường ĐTCB Lê Hồng Phong được sáp nhập từ nhiều trường tiền thân có tên gọi khác nhau và được hợp nhất với Trường chính trị tỉnh Hà Tây sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội năm 2008, nhưng chức năng cơ bản và nhiệm vụ quan trọng của Nhà trường là đào tạo bồi dưỡng cán bộ cho Thành phố có trình độ lý luận chính trị hành chính, kỹ năng nghiệp vụ công tác Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội.

        Thật vinh dự cho Nhà trường trong đợt học tập chính trị sâu rộng về tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức cho cán bộ, đảng viên thủ đô. Ngày 23/8/1958 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trường và Bác đã căn dặn cán bộ học viên Nhà trường:“ Các cô, các chú ở đây đều là những người làm công tác trường Đảng, làm công tác trường Đảng là một nhiệm vụ vẻ vang… bây giờ nhân dân ta đã tiến bộ, nếu Đảng không tiến bộ thì không lãnh đạo được nhân dân, mà Đảng tiến bộ là do đảng viên tiến bộ. Đảng viên muốn tiến bộ thì phải học, học không chỉ để nói mà để làm. Các cô, các chú ở đây là giúp Đảng một phần trong công tác đào tạo cán bộ, nhưng nhiệm vụ vẻ vang chừng nào thì trách nhiệm càng nặng nề, thiết thực ngần ấy.Trường này gọi là gì? Lê Hồng Phong là ai? Tên Trường là một bài học cho các cô, các chú. Đồng chí Lê Hồng Phong đã hy sinh vì Đảng, vì dân. Các cô, các chú phải làm thế nào cho xứng đáng với tên Trường của các cô, các chú đang học đây”.

        Ngày 02/12/1959 trong lần về thăm và làm việc với Tỉnh ủy Hà Đông Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: “Cán bộ từ tỉnh đến huyện, xã phải học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật để làm tròn nhiệm vụ ngày càng nhiều và càng mới”. Thấm nhuần lời dạy của Bác được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Tỉnh ủy Hà Đông, Sơn Tây và các tỉnh trước khi hợp nhất, sự  quan tâm của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của UBND Thành phố Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây và các tỉnh trước khi hợp nhất, sự phối hợp của các địa phương cơ quan đơn vị cùng với sự nỗ lực cố gắng của lớp lớp thế hệ cán bộ Nhà trường qua các thời kỳ trong 70 năm qua Trường ĐTCB Lê Hồng Phong đã vượt qua khó khăn thách thức đào tạo bồi dưỡng được hàng chục vạn lượt cán bộ, đảng viên phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những cán bộ, đảng viên sau khi tốt nghiệp đều phát huy được học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn và đều tiến bộ trưởng thành trong rèn luyện phẩm chất chính trị đạo đức và công tác.

        Ngoài giảng dạy chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính thì hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế là một trong nhiệm vụ chủ yếu của Nhà trường. Hơn 10 năm qua sau khi hợp nhất Nhà trường đã thực hiện 04 đề tài khoa học cấp Thành phố có 03 đề tài đã nghiệm thu.Mỗi năm cótừ 05-07 đề tài khoa học, 02-03 hội thảo khoa học cấp Trường.Đội ngũ giảng viên đều đi nghiên cứu thực tế cá nhân thao giảng dự giờ theo kế hoạch nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cập nhật kiến thức thực tế vào giảng dạy. Ngoài các nhiệm vụ trên Nhà trường còn thực hiện hiệu quả chương trình hợp tác với Trường chính trị - hành chính thủ đô Viêng Chăn nước CHDC Nhân dân Lào. Đã cử 33 lượt giảng viên sang thực hiện các chuyên đề bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ tham mưu cấp ủy Huyện và cán bộ  chủ chốt thôn bản.Đồng thời hàng năm đều đón đoàn bạn sang nghiên cứu thực tế tại Hà Nội đảm bảo mục đích yêu cầu. Việc hợp tác này đã góp phần, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai Thủ đô và hai nước Việt – Lào.

        Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy công tác cán bộ được Đảng ủy và Ban giám hiệu Nhà trường thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhằm đáp ứng yêu cầu chức năng nhiệm vụ.Thực hiện Quyết định 09-QĐ/TW ngày 13/8/2018 của Ban bí thư hiện nay Nhà trường có 03 khoa, 02 phòng (trước đây là 04 khoa,03 phòng) với biên chế được giao 129 người trình độ chuyên môn có 75 thạc sĩ, đội ngũ giảng viên đều có trình độ thạc sĩ trở lên trong đó có 06 tiến sĩ và 07 giảng viên đang đi học nghiên cứu sinh. Trình độ lý luận cao cấp có 34 người, lý luận trung cấp có có 48 người. Về cơ bản cán bộ giảng viên của Nhà trường đều giữ vững niềm tin vào Đảng, Nhà nước tin tưởng vào sự nghiệp đối mới đất nước thành công, yên tâm công tác, tâm huyết với công việc được giao.

        Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển hoan 70 năm qua của Trường ĐTCB Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội, có được như ngày nay trước hết  là có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ và sự quan tâm sâu sắc của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và các Tỉnh trước khi hợp nhất qua các thời kỳ cách mạng. Tiếp đến, là sự nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người của các thế hệ cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động của Nhà trường. Thực tiễn cho thấy dù trong hoàn cảnh nào đều luôn đồng lòng, nhất trí, đoàn kết, phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là Trường Đào tạo cán bộ mang tên đồng chí cố Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam  Lê Hồng Phong.

        Qua quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của một trường Đảng và thực tiễn trường ĐTCB Lê Hồng Phong rút ra một số kinh nghiệm và bài học

        Một là, trong bất kỳ hoàn cảnh nào luôn giữ vững niềm tin vào Đảng. Đặc biệt coi trọng việc rèn luyện cán bộ, đảng viên Nhà trường về tư tưởng chính trị đạo đức lối sống để bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đáp ứng với vị trí của một người cán bộ đảng viên công tác trong trường Đảng

        Hai là, trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập luôn tích cực đổi mới nội dung phương pháp để không ngừng nâng cao chất lượng toàn diện. Lấy người học làm trung tâm trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng phát huy sự tự giác, tự thân của người học

        Ba là, luôn chú trọng thực hiện tốt phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn trong cả đội ngũ giảng viên và học viên

        Bốn là, nhận thức đầy đủ đúng đắn về đoàn kết thống nhất, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh. Phát huy dân chủ trong Đảng và trong các hoạt động của Nhà trường

        Với những thành tích đã đạt được trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Thành phố, Trường ĐTCB Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1985); Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1999); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2004); Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2010); Cờ Thi đua Chính phủ năm 2007, năm 2018 và nhiều khen thưởng khác của Thủ tướng Chính phủ, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng cho các tập thể và cá nhân Nhà trường.

        Phát huy truyền thống vẻ vang hơn 70 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐTCB Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội luôn tin tưởng , phấn đấu xây dựng và phát triển Nhà trường trở thành trường chuẩn trong hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng Đảng bộ Nhà trường ngày càng trong sạch vững mạnh đoàn kết thống nhất không ngừng nâng cao chất lượng quản lý chất lượng dạy và học xứng đáng là một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chất lượng cao của Đảng bộ thành phố Hà Nội, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./. 

--------------------------------------

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh