Skip to Content

  TIn mới nhận

KINH NGHIỆM NGHIÊN CỨU THỰC TẾ PHỤC VỤ CÔNG TÁC GIẢNG DẠY LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ LÊ HỒNG PHONG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Publish date 14/01/2025 | 11:23 AM  | View count: 13

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngân - Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở - Trường ĐTCB Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội

Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến tính thực tế, bất cứ việc gì cũng phải xuất phát từ yêu cầu thực tế. Muốn đạt được kết quả đó thì việc học phải xuất phát từ yêu cầu của công việc và phải học cặn kẽ, thấu đáo. Người mong muốn việc học - hành (tức là nhận thức - hành động) phải đạt tới chỗ thấy cho hết, nhìn cho thấu. Theo Người học tập trong nhà trường, trong sách vở chưa đủ mà phải học cả trong cuộc sống, học ở người khác… Phương châm “lý luận gắn liền với thực tiễn” luôn là một tiêu chí quan trọng hàng đầu đối với đội ngũ giảng viên trường Chính trị trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy.

Từ khóa: Nghiên cứu thực tế, lý luận chính trị, công tác giảng dạy.

 

1. Cơ sở của việc nghiên cứu thực tế phục vụ công tác giảng dạy lý luận chính trị

1.1. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn giảng dạy lý luận chính trị

Ngay từ năm 1957, trong Lễ khai mạc lớp học lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản….Việc học tập lý luận của các đồng chí không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông, mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí tốt hơn, nghĩa là các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta. Như thế chúng ta học tập lý luận là cốt để áp dụng vào thực tế.

Lời căn dặn của Người luôn luôn được quán triệt sâu rộng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tại hệ thống trường Đảng và các trường Chính trị của các tỉnh, thành phố. Công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế là nhiệm vụ trọng tâm của các trường Chính trị cấp tỉnh được quy định tại Quy định số 09-QĐ/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Quy định 09). Các hoạt động này có mối quan hệ hữu cơ, gắn kết chặt chẽ và hỗ trợ cho nhau. Thông qua nghiên cứu khoa học, đội ngũ giảng viên được củng cố kiến thức lý luận và tìm tòi, phát hiện ra những luận chứng phục vụ cho công tác giảng dạy; được rèn luyện kỹ năng tư duy khoa học, bổ sung thêm kiến thức thực tiễn phong phú, đa dạng. Nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế tốt sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của trường Chính trị.

1.2. Xuất phát từ nội dung đào tạo, bồi dưỡng

Quy định 09 đã chỉ rõ những nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cơ bản của trường Chính trị là:

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương); trưởng, phó phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện và tương đương; trưởng, phó phòng của sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh trên; cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức về một số lĩnh vực khác.

- Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương.

- Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch cán sự và tương đương, ngạch chuyên viên và tương đương, ngạch chuyên viên chính và tương đương.

- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội cấp cơ sở. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện.

- Bồi dưỡng các chương trình khác do cấp có thẩm quyền giao.

- Phối hợp với ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan liên quan hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên của trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

- Tham gia tổng kết thực tiễn ở địa phương, cơ sở, tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy, học tập.

- Đào tạo, bồi dưỡng các đối tượng khác theo chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy.

Từ những nhiệm vụ nêu trên, có thể thấy, chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện nay của các trường Chính trị bao hàm cả những khối kiến thức lý luận và những khối kiến thức thực hành. Trong quá trình giảng dạy của giảng viên, cả nội dung về lý luận và nội dung thực hành đều rất cần đến kiến thức thực tế.

Đối với khối kiến thức lý luận, trong quá trình soạn giảng, giảng viên cần đến các kiến thức thực tế để minh họa, chứng minh cho những khái niệm, nguyên lý, những kiến thức lý luận mang tính trừu tượng, khó hiểu hoặc có tính chất mới mẻ đối với học viên nhằm giúp cho học viên nhanh chóng, dễ dàng hiểu rõ, nắm bắt được nội dung kiến thức ấy và liên hệ với thực tế cuộc sống và công tác của mình.

Đối với khối kiến thức thực hành như kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng điều hành công sở, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng vận động quần chúng… trong khi giảng dạy, với tính chất là quá trình trang bị kỹ năng làm việc cho học viên, giảng viên lại càng phải có sự am hiểu sâu sắc về những kiến thức thực tế có liên quan đến nội dung mình giảng dạy.

1.3. Xuất phát từ đặc điểm đối tượng người học

Cũng theo Quy định 09, trường Chính trị có chức năng: tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Xuất phát từ điều kiện thực tế ấy, các đối tượng người học (học viên) của trường chính trị có những điểm riêng mà những đơn vị giáo dục khác không có (hoặc không đặc thù), đó là:

- Đại đa số học viên là những người đang tham gia công tác. Họ đã có một quá trình hoạt động thực tiễn nhất định. Khi tham gia học tập tại trường, họ sẽ được trang bị những kiến thức về lý luận chính trị, nhưng không phải để trở thành những nhà lý luận, mà họ học tập lý luận chính trị nhằm để củng cố về mặt lý luận và đem những kiến thức lý luận ấy soi rọi vào hoạt động thực tiễn mà họ đang làm hàng ngày.

- Phần lớn học viên đang giữ những cương vị lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, chính quyền nên họ có những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm công tác rất đa dạng và phong phú. Hơn nữa, quá trình hoạt động thực tiễn làm cho họ có khả năng diễn đạt tốt, khả năng phản biện sắc sảo đối với những vấn đề mà giảng viên đưa ra. Vì vậy, một mặt họ đòi hỏi quá trình giảng dạy của giảng viên phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức lý luận với kiến thức thực tế, mặt khác, họ sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ giảng viên trong quá trình tiếp cận với kiến thức thực tế nếu họ được phát huy một cách đúng mức.

Từ thực tế ấy yêu cầu người giảng viên cần vững vàng về lý luận và am hiểu thực tế, như vậy mới thuyết phục được họ.

- Học viên của trường Chính trị thường không đồng nhất về độ tuổi, về trình độ, về cương vị công tác...vì vậy khả năng và mức độ thẩm thấu các cấp độ kiến thức thực tế cũng có sự khác biệt. Vì vậy, quá trình soạn giảng yêu cầu giảng viên phải cung cấp những đơn vị kiến thức thực tế phù hợp.

2. Trao đổi một số kinh nghiệm nghiên cứu thực tế ở Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Huấn luyện lý luận có hai cách:

Một cách là chỉ đem lý luận khô khan nhét cho đầy óc họ rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc thực tế, tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi. Thế là lý luận suông, vô ích.

Một cách là trong lúc học lý luận, phải có nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế. Lúc học rồi họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị, có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực, có ích.

Để làm cho việc “huấn luyện lý luận” không trở thành việc “khô khan”, “nhồi nhét” và để việc học tập lý luận trở nên “thiết thực, có ích”, vai trò, trách nhiệm và năng lực nghiên cứu thực tế của người làm công tác giảng dạy có một ý nghĩa quyết định.

Nghiên cứu thực tế có thể tiến hành ở mọi lúc, mọi nơi với tinh thần cầu thị, nghiêm túc học hỏi. Một hoạt động nghiên cứu thực tế bổ ích mà Hồ Chí Minh chỉ ra đó là quá trình trao đổi, học tập lẫn nhau giữa những cán bộ, học viên trong một lớp học. Có thể thấy đó cũng chính là những nguyên tắc quý báu của công tác nghiên cứu thực tế.

Chính vì thế, tại Điều 6 và Điều 7 Quy chế Giảng viên trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG, ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã quy định: nghiên cứu thực tế là một nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên ở tất cả các chức danh.

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu thực tế, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, đội ngũ giảng viên của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội đã tích cực thực hiện việc nghiên cứu thực tế nhằm phục vụ thiết thực cho công tác giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu thực tế trong những năm qua chưa thực sự được chú trọng và hiệu quả chưa cao. Từ thực trạng công tác nghiên cứu thực tế của đội ngũ giảng viên, đặc biệt là từ những tồn tại, hạn chế, tác giả bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra giám sát của Ban Giám hiệu đối với công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên.

Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường có tác động vô cùng to lớn đến hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên. Vai trò ấy thể hiện qua công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch nghiên cứu thực tế của giảng viên. Thực tế trong những năm vừa qua đã chứng minh, giai đoạn nào bộ máy lãnh đạo của nhà trường được củng cố vững mạnh, ổn định, Ban Giám hiệu quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở thì công tác nghiên cứu thực tế, đặc biệt là việc đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở của giảng viên được tiến hành đều đặn, thường xuyên hơn.

Hai là, phối hợp chặt chẽ giữa các khoa, phòng trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu thực tế

Nghiên cứu thực tế là nhiệm vụ của giảng viên, tuy nhiên, để công tác nghiên cứu thực tế được diễn ra thuận lợi, hiệu quả thì cần có phối hợp chặt chẽ giữa các khoa, phòng trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu thực tế.

- Các khoa phải là người chủ trì công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên trong khoa, chịu trách nhiệm trước Ban Giám hiệu về vấn đề nghiên cứu thực tế của giảng viên.

Trên cơ sở đề xuất của các giảng viên, hàng năm, khoa xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế của khoa. Vì cùng giảng dạy các vấn đề có nội dung gần gũi nhau, các giảng viên trong khoa có thể bàn bạc và tiến hành nghiên cứu thực tế theo nhóm.

Bên cạnh việc tổ chức nghiên cứu thực tế theo từng khoa, giữa các khoa cũng cần phối hợp tổ chức nghiên cứu thực tế, nhất là đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở. Trường hợp có giảng viên của các khoa cùng đăng ký đi nghiên cứu thực tế ở cùng một địa điểm, các khoa cần bàn bạc, thống nhất về thời gian để tham mưu Ban Giám hiệu thành lập một tổ đi nghiên cứu thực tế. Khi đến cơ sở, đối với những thông tin mang tính tổng quát (về tình hình tự nhiên, kinh tế, xã hội…) các giảng viên có thể nghiên cứu tập thể, đối với những nội dung cụ thể thì giảng viên làm việc riêng lẻ.

- Các phòng chức năng phối hợp tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời tham gia giám sát việc nghiên cứu thực tế của giảng viên.

Sau khi tham mưu cho Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế hàng năm, phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở giảng viên thực hiện kế hoạch nghiên cứu thực tế hàng năm; hàng tháng, hàng quý báo cáo Ban Giám hiệu về tiến độ thực hiện kế hoạch nghiên cứu thực tế của giảng viên các khoa. Sau khi giảng viên thực hiện việc nghiên cứu thực tế và có báo cáo kết quả, phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học tham mưu cho Ban Giám hiệu việc đánh giá, nhận xét các báo cáo của giảng viên và lưu trữ các kết quả nghiên cứu thực tế hàng năm của giảng viên.

Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học tham mưu căn cứ kế hoạch nghiên cứu thực tế của Trường để cân đối, sắp xếp lịch giảng dạy để tạo điều kiện về thời gian nghiên cứu thực tế của giảng viên; đồng thời theo dõi thời gian nghiên cứu thực tế của giảng viên để thực hiện việc tính giờ chuẩn, quy đổi giờ chuẩn cho giảng viên.

Phòng Tổ chức hành chính, thông tin, tư liệu tham mưu cho Ban Giám hiệu các thủ tục hành chính về việc cử giảng viên tham gia nghiên cứu thực tế, đảm bảo đầy đủ và kịp thời các chế độ (kinh phí, phương tiện…) khi giảng viên thực hiện việc nghiên cứu thực tế.

Ba là, phát huy tính tích cực chủ động của giảng viên trong công tác nghiên cứu thực tế

Giảng viên là chủ thể của công tác nghiên cứu thực tế, nghĩa là giảng viên phải là người có ý thức trách nhiệm cao nhất, đóng vai trò chủ động trong công tác nghiên cứu thực tế từ việc đăng ký đi nghiên cứu thực tế, xây dựng kế hoạch, tiến hành thực hiện kế hoạch và báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế cho lãnh đạo khoa, Ban Giám hiệu nhà trường. Để phát huy tính tích cực, chủ động của giảng viên trong công tác nghiên cứu thực tế, cần chú ý:

- Giảng viên chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế của cá nhân theo từng tháng, quý và năm, trong đó đề xuất nội dung, địa điểm, thời gian và dự kiến kết quả nghiên cứu thực tế với khoa chủ quản. Trên cơ sở tập hợp những kế hoạch của các giảng viên trong khoa, lãnh đạo khoa sẽ xây dựng kế hoạch nghiên cứu thực tế của từng khoa và kiểm tra, giám sát và đôn đốc giảng viên thực hiện kế hoạch đã đăng ký.

- Căn cứ kế hoạch nghiên cứu thực tế đã được phê duyệt, giảng viên chủ động sắp xếp thời gian, công việc, phương tiện để thực hiện đúng tiến độ nghiên cứu thực tế.

- Trong thời gian nghiên cứu thực tế tại cơ sở, giảng viên phải nghiêm túc học tập, nghiên cứu thực tế, chịu sự phân công, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo cơ sở. Đồng thời, giảng viên cũng cần chú ý về phong cách khi đi đến cơ sở. Một phong thái tự tin, khiêm tốn, giản dị, hòa đồng và cầu thị là điều cần thiết để tạo được mối quan hệ tốt đối với cán bộ và nhân dân các địa phương khi tham gia nghiên cứu thực tế tại cơ sở.

- Kết thúc thời gian nghiên cứu thực tế, giảng viên viết báo cáo thu hoạch có xác nhận của cơ sở để gửi khoa chủ quản đánh giá và gửi kết quả về phòng chức năng.

- Giảng viên chủ động, tích cực đổi mới phương pháp nghiên cứu thực tế theo hướng: đi vào bản chất của nghiên cứu thực tế, nâng cao hiệu quả, khối lượng thông tin thu nhận, rèn luyện tính nhạy cảm, tinh tế của người cán bộ giảng dạy trước thông tin thực tế để vận dụng đúng, phù hợp từng thông tin vào bài giảng.

Bốn là, thường xuyên tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm đối với công tác nghiên cứu thực tế

Việc tổng kết, rút kinh nghiệm luôn có ý nghĩa to lớn đối với mỗi một hoạt động công tác. Công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên cũng không ngoại lệ. Bên cạnh việc kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện việc nghiên cứu thực tế theo kế hoạch đã đề ra, giảng viên còn có thể trao đổi kinh nghiệm, trình bày những khó khăn, thuận lợi trong quá trình nghiên cứu thực tế và đề đạt những kiến nghị, những nguyện vọng đến lãnh đạo nhà trường, từ đó sẽ có những chủ trương đúng đắn trong công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thực tế của giảng viên.

- Sau mỗi hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên, khoa chủ quản tổ chức những buổi họp rút kinh nghiệm - có thể lồng ghép với các cuộc họp khoa định kỳ. Tại đây, giảng viên có thể trình bày những thuận lợi cũng như những vướng mắc mà mình gặp phải trong quá trình nghiên cứu thực tế để từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục, hoặc đề nghị sự giúp đỡ, can thiệp từ cấp trên. Đồng thời, các giảng viên trong khoa sẽ cùng nhau góp ý, đánh giá trước một bước đối với báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế của giảng viên, sau đó giảng viên sẽ hoàn thiện để báo cáo Ban Giám hiệu.

- Sau một quý (hoặc hai quý - tùy tình hình đăng ký nghiên cứu thực tế của giảng viên) phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm đối với công tác nghiên cứu thực tế.

- Hàng năm Trường tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm đối với công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên. Căn cứ vào kế hoạch nghiên cứu thực tế các khoa đã đăng ký và kế hoạch nghiên cứu thực tế của Trường, Ban Giám hiệu sẽ đánh giá những mặt đã làm được, những tồn tại hạn chế của công tác nghiên cứu thực tế trong năm. Đồng thời, các giảng viên sẽ trao đổi những kinh nghiệm, những khó khăn trong quá trình nghiên cứu thực tế để cùng tháo gỡ, rút kinh nghiệm cho hoạt động nghiên cứu thực tế trong những năm sau.

Hàng năm, các báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế của giảng viên sau khi đã được đánh giá, hoàn thiện cần tập hợp và lưu trữ đầy đủ để làm tài liệu tham khảo trong công tác nghiên cứu và giảng dạy của Trường.

Năm là, bảo đảm chế độ, chính sách, điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên trong công tác nghiên cứu thực tế.

- Lãnh đạo nhà trường tạo điều kiện để giảng viên khi đi thực tế được hưởng đầy đủ các chế độ công tác phí theo quy định của Nhà nước. Giảng viên sau khi nghiên cứu thực tế có báo cáo kết quả phải được xem xét quy đổi giờ chuẩn theo quy định của Học viện.

- Để bảo đảm chính sách khuyến khích công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên, khi xem xét bình chọn thi đua của cơ quan, cần đưa tiêu chí thực hiện tốt công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên để xem xét thi đua đối với cá nhân giảng viên và việc tổ chức tốt công tác nghiên cứu thực tế để xem xét thi đua đối với khoa, phòng có liên quan. Đồng thời, đối với các trường hợp giảng viên không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ nghiên cứu thực tế, tùy vào từng mức độ phải bị phê bình, không được xem xét bình chọn thi đua…

Tóm lại, trong hoạt động khoa học, hoạt động cách mạng, lí luận phải liên hệ với thực tế là yêu cầu cơ bản và vô cùng cần thiết để tránh căn bệnh giáo điều và bệnh kinh nghiệm. Để thực hiện tốt nguyên tắc trên, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện việc nghiên cứu thực tế một cách thường xuyên và liên tục. Đối với đội ngũ giảng viên, công tác nghiên cứu thực tế là nhiệm vụ bắt buộc, phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ giảng dạy, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy trong Nhà trường./.

 

Tài liệu tham khảo:

1.https://tennguoidepnhat.net/2012/05/09/dien-van-khai-mac-lop-hoc-ly-luan-khoa-i-truong-nguyen-ai-quoc-7-9-1957/

2. Quy định số 09-QĐ/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư TW Đảng (khóa XII) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG, ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. X.Y.Z, Sửa đổi lối làm việc , Nxb. Chính trị

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh