LỊCH CÔNG TÁC
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 28/10/2024 - 01/11/2024) (25/10/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 21/10/2024 - 26/10/2024) (18/10/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 14/10/2024 - 19/10/2024) (11/10/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 07/10/2024 - 11/10/2024) (04/10/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 30/09/2024 - 05/10/2024) (27/09/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 23/09/2024 - 27/09/2024) (20/09/2024)
Nghiên cứu trao đổi
ThS Nguyễn Thị Ngân - Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở
Tóm tắt: Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hiến dâng tất cả vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam. Khát vọng cháy bỏng, “ham muốn tột bậc” của Người là độc lập cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước ta với những gì ưu việt nhất, tiến bộ nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực hiện di nguyện của Người, Đảng ta quyết tâm thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, để mọi người dân đều được hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới và phát triển.
Từ khóa: Chủ tịch Hồ Chí Minh; hạnh phúc.
Cách đây hơn một thế kỷ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước với khát khao cháy bỏng là độc lập cho đất nước, tự do hạnh phúc cho nhân dân: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.”1
Năm 1919, lần đầu tiên xuất hiện với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đã gửi đến Hội nghị hòa bình Versailles bản Yêu sách của nhân dân An Nam, thể hiện khát vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam và các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh đòi độc lập, tự do; đòi dân sinh, dân chủ; đòi quyền tự quyết dân tộc và khơi nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh vì tự do, hạnh phúc, chống chủ nghĩa thực dân của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Sau hành trình gần chục năm ở nước ngoài (6/1911 - 7/1920), tìm hiểu các cuộc cách mạng Mỹ năm 1776, cách mạng Pháp năm 1789, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Hồ Chí Minh nhận thấy, chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga làm cho nhân dân làm chủ đất nước, những dân tộc nhỏ yếu giành được độc lập, ruộng đất về tay người cày. Người kết luận và khẳng định: Cách mạng Tháng Mười Nga và Luận cương của V.I.Lênin (1920) là cái cần thiết, là con đường giải phóng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.
Trong hành trình đấu tranh cho “hạnh phúc” với muôn vàn gian khó, năm 1930, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (Chánh cương vắn tắt của Đảng và Sách lược vắn tắt của Đảng), vạch ra đường lối cách mạng Việt Nam: làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Sự đúng đắn của con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh được thực tiễn chứng minh và khẳng định. Ý chí đấu tranh cho độc lập dân tộc được thể hiện trong quyết tâm của Hồ Chí Minh: Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập; chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Đó là chân lý, Người khẳng định chắc chắn: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”2 . Quyền độc lập dân tộc, thống nhất lãnh thổ sẽ được cả dân tộc quyết tâm chiến đấu và bảo vệ: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” 3.
Trải qua hành trình 15 năm kiên trì đấu tranh gian khổ, hy sinh của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng (1930-1945), với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đất nước ta, dân tộc ta bước vào một thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh - “thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta” 4.
Từ năm 1945 đến năm 1975, dân tộc ta lại tiếp tục cuộc trường chinh kháng chiến chống Pháp, rồi chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Sau khi cuộc kháng chiến kháng Pháp thắng lợi với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà. Cách mạng ở miền Bắc tạo hậu phương, dồn nguồn lực, mang tính chất quyết định nhất đối với sự nghiệp cách mạng cả nước, cách mạng ở miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp đến sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Người tin tưởng: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”5. Tâm nguyện cháy bỏng đó của Người được hiện thực hóa với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Mùa xuân năm 1975, cả nước hòa bình, độc lập, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc Việt Nam, cho phong trào giải phóng dân tộc, phong trào dân chủ và tiến bộ trên thế giới, UNESCO đã vinh danh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, vì những đóng góp và cống hiến vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, trong đó có công lao to lớn đã góp phần xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, hòn đá cản đường phát triển đến tiến bộ, hạnh phúc của nhân loại.
Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội là tất yếu đối với xã hội loài người và đối với Việt Nam, một nước nông nghiệp lạc hậu, kinh tế kém phát triển, cộng thêm sự áp bức, nô dịch, bóc lột tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp, đã làm cho quần chúng nhân dân thấy rằng chủ nghĩa tư bản không thể là sự lựa chọn của dân tộc: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc” 6 . Nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội được đặt ra trực tiếp và đó là con đường phát triển tất yếu của đất nước và dân tộc đã được Người đặt ra từ năm 1930 khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên suốt chặng đường lịch sử cách mạng Việt Nam.
Theo Người, hạnh phúc là người dân phải được thụ hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do chủ nghĩa xã hội đem lại: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” 7. Chủ nghĩa xã hội: “trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”8. Hạnh phúc là cốt yếu, đích cần đạt tới của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Trước lúc đi xa về thế giới vĩnh hằng, điều mong muốn cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” 9 . Người tin tưởng vào lực lượng, ý chí và sự kết đoàn của nhân dân Việt Nam, chủ thể tạo dựng nên và thụ hưởng hạnh phúc. Nhân tố con người chính là mục tiêu, là động lực của phát triển: “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”10.
Khát vọng “hạnh phúc” cho dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là mục tiêu suốt cuộc đời hy sinh, phấn đấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội hiện thực là con đường bảo đảm sự phồn vinh, hạnh phúc cho toàn thể nhân dân. Vận dụng, bổ sung và phát triển di sản Hồ Chí Minh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, lần đầu tiên, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, năm 1991, Đảng khẳng định: “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc”; trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng thể hiện quyết tâm “thực hiện thắng lợi Cương lĩnh này, nước nhà nhất định trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh” 11.
Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) ở Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, sau 30 năm đổi mới thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, nhấn mạnh việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân khẳng định: “bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân” 12.
Đại hội XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp. Đây được coi là cột mốc mở đầu đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với khí thế mới, sức bật mới và một lộ trình rõ ràng để “cất cánh”. Khát vọng “hạnh phúc”, “thịnh vượng” đã được khơi dậy, truyền cảm hứng. Đảng ta đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta bắt đầu tính đường dài với một lộ trình cụ thể. Tầm nhìn này chỉ ra định hướng, đồng thời cũng vạch ra một mốc rất quan trọng để phấn đấu. Nhằm tới đích năm 2045, đất nước ta phát huy được khát vọng phát triển, thể hiện trách nhiệm của Đảng, của toàn dân. Tất cả tham gia một cách tích cực nhất, đóng góp trí tuệ, sức lực và tài năng của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, để đạt cho bằng được mục đích tốt đẹp mà Đảng đã đề ra là đến năm 2045, thời khắc Việt Nam kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
“Hạnh phúc” đã trở thành một nhân tố, một động lực làm nên sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ và bền vững của đất nước, nội dung “hạnh phúc của nhân dân” trở thành điểm nhấn ở Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Về những nhiệm vụ trọng tâm, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”13.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”14. Nhìn từ góc độ triết học, khi quan niệm về hạnh phúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhìn nhận, xem xét dưới tính hai mặt của một vấn đề cấu thành nên “Hạnh phúc của con người” về cơ bản có thể quy về hai yếu tố: vật chất và tinh thần, hai mặt của một vấn đề có mối quan hệ gắn bó hết sức chặt chẽ với với nhau, là điều kiện và tiền đề cho nhau. Trước tiên ở mặt thứ nhất, Tổng Bí thư khẳng định: Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, có thể nói trong cuộc sống của mỗi con người chúng ta, những điều kiện vật chất xoay quanh chúng ta là những điều kiện không thể thiếu, đúng như C.Mác đã từng khẳng định: “Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa”15. Điều này chỉ ra rằng, “Hạnh phúc của con người” trước tiên đó chính là sự đảm bảo cho con người về mặt vật chất, sự giàu có về mặt vật chất, nó đối lập với sự nghèo đói, sự lạc hậu và yếu kém, tụt lùi về mặt kinh tế. Một đất nước, một quốc gia dân tộc nghèo nàn, lạc hậu về mặt kinh tế, thì đó là một dân tộc yếu, một dân tộc yếu, nghèo nàn, lạc hậu về mặt kinh tế thì cũng không thể nói đến có được sự hạnh phúc cho người dân. Do đó, trên chặng đường xây dựng Vì một Việt Nam thịnh vượng, với tầm nhìn, khát vọng và niềm tin tươi sáng trước sự phát triển của đất nước, cùng với sự phát trển toàn diện về mọi mặt, trong đó cần phải xây dựng một xã hội khá giả, sung túc và vươn lên giàu có đó là điều tất yếu. Tuy nhiên, nếu chỉ coi “Hạnh phúc của con người” chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon mặc đẹp…lấy đó làm thước đo, tiêu chí, sự chuẩn mực và thậm chí trở thành lối sống (lối sống chạy theo đồng tiền) của một xã hội thì điều đó là chưa hẳn đã đúng, chưa chuẩn mực, thậm chí là nguy hại cho sự phát triển chung của xã hội nếu chúng ta tuyệt đối hóa nó và điều này cần phải lên án. Do đó, hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp. Vì vậy, hiểu một cách đầy đủ câu nói đó là, để có được “Hạnh phúc của con người” không phải chỉ có nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, điều này nó chưa đảm bảo chắc chắn và bền vững cho hạnh phúc của con người trong mỗi chúng ta.
Tổng Bí thư cho rằng: Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng. Rõ ràng, cách hiểu về “Hạnh phúc của con người”, được Tổng Bí thư nhìn nhận và khái quát rất biện chứng, rất hài hòa, thống nhất giữa yếu tố vật chất và tinh thần; ở góc độ ở mặt thứ hai, đó là đời sống tinh thần (yếu tố không thể thiếu để vun đắp, xây dựng cho hạnh phúc của con người), được coi như những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam: sự phong phú về tâm hồn người Việt Nam, hạnh phúc của con người phải được sống trong tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng. Như vậy, “Hạnh phúc của con người” còn là sự phong phú về tâm hồn nó đối lập với sự nghèo nàn, vô cảm trong đời sống tâm hồn; được sống trong tình thương và lòng nhân ái nó đối lập với sống trong sự thù ghét và lòng căm giận; lẽ phải và sự công bằng nó đối lập với việc con người sống trong một xã hội giả dối, sai trái với đạo lý và sự không công bằng. Rõ ràng, “Hạnh phúc của con người” không thể nào ở đó, con người sống đối xử với con người trong một xã hội bằng những nghèo nàn, sự vô cảm trong đời sống tinh thần, bằng sự thù ghét và lòng căm giận, sự giả dối, sai trái với đạo lý, sự không công bằng. Điều đó, chắc chắn rằng không thể có được “Hạnh phúc của con người”. Do đó, nếu như “Hạnh phúc của con người” chỉ có nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp thôi thì chưa đủ, mà điều quan trọng hơn nữa đó chính là đời sống tinh thần. Mặt khác, đời sống tinh thần hiểu ở nghĩa hẹp đó chính là văn hóa, không chỉ dừng lại ở góc độ văn hóa thuần túy, mà đó chính là mang nét đặc sắc riêng phản ánh cốt cách, khí phách của tâm hồn và trí tuệ con người Việt Nam được hun đúc từ hàng nghìn năm của lịch sử phát triển dân tộc đó chính là sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng. Có thể khẳng định, đây là những phẩm giá và lương tri, trí tuệ mà bác ái mang giá trị nhân văn cao cả của nền văn hóa Việt Nam hướng đến nhằm xây dựng “Hạnh phúc của con người”.
Trên chặng đường xây dựng quốc gia dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì mục tiêu cuối cùng đó chính là mang lại những điều hạnh phúc cho con người, hạnh phúc cho toàn thể Nhân dân. Đảng ta khẳng định rằng: “Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”16./.
Chú thích:
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, t.4, tr.187.
[2], [3]. Sđd, t.4, tr.3.
[4], [5]. Sđd, t.15, tr.630, 618.
[6]. Sđd, t.1, tr.496.
[7]. Sđd, t.4, tr.64.
[8]. Sđd, t.12, tr.415.
[9], [10]. Sđd, t.15, tr.624, 623
[11]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, H.1991, tr.22.
[12]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2016, tr.159-160.
[13]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.202.
[14]. Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, VOV.VN, ngày 24/11/2021.
[15]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.42.
[16]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.205.
TIN MỚI NHẬN
- Lịch giảng các lớp Trung cấp LLCT T11/2024 (30/10/2024)
Lịch giảng dạy
Văn bản Nhà trường
thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |