LỊCH CÔNG TÁC
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 25/11/2024 - 29/11/2024) (22/11/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 18/11/2024 - 23/11/2024) Thay thế lịch đã phát hành ngày 16/11/2024 (18/11/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 18/11/2024 - 23/11/2024) (15/11/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 11/11/2024 - 15/11/2024) (08/11/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 04/11/2024 - 08/11/2024) (01/11/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 28/10/2024 - 01/11/2024) (25/10/2024)
Nghiên cứu trao đổi
ThS. Nguyễn Thị Phương Liên - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
Tóm tắt: Quyền con người là những giá trị thiêng liêng, cao quý kết tinh từ nhiều nền văn hóa, văn minh của các dân tộc trên thế giới. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để thực hiện tốt các vấn đề về quyền con người. Cùng với việc thực hiện tốt nội dung các quyền con người về dân sự, chính trị, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Thực hiện nội dung các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, Hà Nội đã góp phần thực hiện và đảm bảo những vấn đề cơ bản về quyền con người.
Từ khoá: Quyền con người; quyền kinh tế, xã hội, văn hoá.
Quyền con người là những giá trị thiêng liêng, cao quý kết tinh từ nhiều nền văn hóa, văn minh của các dân tộc trên thế giới. Quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế. Quyền con người thường được chia thành ba nhóm chính: các quyền dân sự, chính trị; các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và quyền của nhóm dễ bị tổn thương. Năm 1966, Liên hiệp quốc thông qua hai công ước nhân quyền: Công ước về các quyền kinh tế, chính trị, văn hóa (ICESCR) và Công ước về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) cũng là kết quả của quá trình vận động và thúc đẩy sự thực hiện các nhóm quyền này. Trong ICESCR năm 1966, nội dung các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa được Công ước bảo hộ quy định bao gồm quyền lao động, quyền sở hữu, quyền có việc làm, quyền được bảo trợ xã hội, quyền được chăm sóc y tế, quyền có nhà ở, quyền giáo dục, quyền được bảo đảm mức sống phù hợp, quyền nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế…
Với mục tiêu nhất quán tất cả vì con người, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của con người, thực hiện tốt các vấn đề về quyền con người. Cùng với việc thực hiện tốt nội dung các quyền con người về dân sự, chính trị, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Nội dung các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đã được khẳng định rõ tại các quy định pháp luật của Việt Nam.
Thứ nhất, quyền về việc làm. Điều 35 Hiến pháp năm 2013 quy định: Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Một trong những nội hàm cơ bản của quyền làm việc được khẳng định rõ trong Hiến pháp là: Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu. Bên cạnh quy định quyên làm việc của công dân, Hiến pháp còn quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời, cũng chính Nhà nước có nghĩa vụ hàng đầu trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Khoản 2, Điều 35 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiên làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Cùng với Hiến pháp, Bộ luật Lao động cũng từng bước được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền làm việc.
Thứ hai, quyền tự do kinh doanh. Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Khoản 3, Điều 4 Bộ luật Lao động 2019 quy định trách nhiệm của Nhà nước phải tạo điều điện thuận lợi đối với hoạt động tạo việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động; áp dụng một số quy định của Bộ luật này đối với người lảm việc không có quan hệ lao động. Năm 2020, Luật Doanh nghiệp được ban hành tiếp tục tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện quyền tư do kinh doanh, dỡ bỏ hàng loạt thủ tục rườm rà, bất cập theo cơ chế cũ.
Thứ ba, quyền sở hữu. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Nhà nước, pháp luật bảo hộ quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa…Nhà nước chỉ thực hiện việc trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
Thứ tư, quyền có mức sống thích đáng. Điều 3, Hiến pháp năm 2013 xác định: Nhà nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sông ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Nhằm bảo đảm thực hiện quyền này, trước hết trên lĩnh vực kinh tế, Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc te, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội…Đồng thời, một trong những lĩnh vực quan trọng có liên quan trực tiếp đến quyền con người cũng được Hiến pháp xác định rõ tại khoản 2 Điều 59 về trách nhiệm của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống an sinh xã hội.
Thứ năm, quyền thành lập và gia nhập công đoàn. Khoản 2, Điều 9, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; cùng các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Công đoàn thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Điều 5 Luật Công đoàn năm 2012 quy định: Người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
Thứ sáu, quyền được hưởng an sinh xã hội. Hiến pháp năm 2013 chính thức ghi nhận quyền được bảo đảm an sinh xã hội tại Điều 34. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội. Trong đó, Nhà nước có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác. Bảo hiểm xã hội là một trong những việc trọng yếu của an sinh xã hội. Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ bẩy, quyền được chăm sóc sức khỏe. Pháp luật quy định: công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe, nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện thân thể; được bảo đảm vệ sinh trong lao động, vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường sống, được sông trong môi trường trong lành và được phục vụ về chuyên môn y tế. Để bảo đảm thực hiện quyền này trong thực tiễn, Điều 3 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước: Nhà nước chăm lo bảo vệ và tăng cường sức khỏe nhân dân; đưa công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; quyết định những chế độ chính sách, biện pháp để bảo vệ và tăng cường sức khỏe nhân dân.
Thứ tám, quyền về giáo dục. Thực hiện cam kết quốc tế về bảo đảm quyền được giáo dục, Hiến pháp, pháp luật Việt Nam có những quy định cụ thể nhằm bảo đảm quyền này trong thực tiễn. Điều 61, Hiến pháp khẳng định rõ quan điểm, mục tiêu giáo dục của Việt Nam coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Điều 2, Luật Giáo dục năm 2019 xác định: mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Thứ chín, quyền về văn hóa. Nhà nước chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa, bảo đảm quyền về văn hóa của mọi người. Hiến pháp khẳng định: Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Nhà nước, xã hội phát triển vãn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân. Hiến pháp ghi nhận: Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa. Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó.
Hà Nội là thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trung tâm đầu não về chính trị, văn hoá và khoa học kĩ thuật, đồng thời là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế và quốc tế của cả nước. Hà Nội sau khi được mở rộng gồm 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã, 577 xã, phường, thị trấn. Hà Nội là có số dân hơn 8 triệu người. Thực hiện các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá được cụ thể hoá trong các văn bản quy phạm pháp luật, Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2023 sơ bộ tăng 6,27% so với năm 2022 (quý I tăng 5,81%; quý II tăng 5,91%; quý III tăng 6,22%; quý IV tăng 7%). Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về đầu ra, thị trường xuất khẩu, kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng 6,27% với xu hướng cải thiện qua từng quý là khá tích cực và đáng ghi nhận. Tăng trưởng GRDP năm 2023 được cải thiện qua từng quý thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền Thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và sự đồng lòng của toàn thể Nhân dân Thủ đô trong thực hiện đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. GRDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành đạt 151,1 triệu đồng (tương đương 6.348 USD), tăng 4,3% so với năm 2022[1].
Chất lượng, hiệu quả tăng trưởng kinh tế và sức cạnh tranh được cải thiện. Năng suất lao động năm 2023 đạt 320,9 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 1,6 lần bình quân cả nước. Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,3% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 đạt 73,2%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với năm 2022). Thành phố tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực: Đăng ký doanh nghiệp và đầu tư, đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội... góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2023 đạt 3.145 tỷ USD. Trong năm 2023, có 31,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 346,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% về số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 5,0% về vốn đăng ký so với năm trước[2].
Thị trường lao động việc làm có chuyển biến tích cực; trong năm 2023, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 214,3 nghìn lao động, đạt 132,2% kế hoạch giao trong năm, tăng 5,6% so với năm 2022, trong đó: 19,7 nghìn người nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; 5,2 nghìn người được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động (Chủ yếu làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc); 149,1 nghìn người có việc làm qua hình thức cung ứng dịch vụ việc làm từ các doanh nghiệp và hình thức khác[3]…
Đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân ngày càng phong phú. Chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh văn hóa, nhất là gắn với phát triển kinh tế du lịch. Nhiều di sản văn hóa trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Chi đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với giai đoạn trước. Đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ Thủ đô được chăm lo, phát huy. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp có nhiều khởi sắc, với nhiều sản phẩm có chất lượng cao đứng đầu tại các cuộc thi nghệ thuật toàn quốc. Phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng tiếp tục phát triển.
Giáo dục và đào tạo chú trọng đổi mới căn bản, toàn diện, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hà Nội tiếp tục giữ vững vị trí lá cờ đầu toàn quốc về các tiêu chí: Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Đến nay, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia là 74,2%. Tính đến cuối năm 2023, toàn Thành phố có 2.815 trường mầm non và phổ thông với 66,4 nghìn lớp; gần 2,2 triệu học sinh đang theo học, 125 nghìn giáo viên. Về giáo dục nghề nghiệp, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 314 đơn vị có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong năm 2023, đã tuyển sinh và đào tạo cho gần 246,1 nghìn lượt người, đạt 107% kế hoạch tuyển sinh năm 2023[4].
Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, trong đó nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện hàng đầu khu vực. Tích cực triển khai mô hình Trạm Y tế theo nguyên lý y học gia đình và lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Hệ thống bệnh viện cơ bản duy trì tốt, công tác khám chữa bệnh thường xuyên, số lượng bác sỹ đạt 16,6 bác sỹ/vạn dân; số giường bệnh bình quân 1 vạn dân đạt 36,4 giường. Hiện nay 84,4% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; cơ sở y tế tư nhân phát triển đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Các chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… Đến cuối năm 2023, Thành phố có 7,9 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, tăng 1,9% so với cuối năm 2022; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 93,5% dân số (chưa bao gồm lực lượng vũ trang). Hơn 2,1 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 5,9%; 82,2 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 9,5%; gần 2 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, tăng 3,1%. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; huy động nhiều nguồn lực tài chính phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; hoàn thành xây dựng nhà ở cho người có công, hoàn thành xây dựng mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo. Hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 2 năm. Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Công đoàn Thủ đô tập trung đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động. Các phong trào thi đua được đẩy mạnh, gắn với thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn; công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh được quan tâm thực hiện tốt.
Giai đoạn 2020-2025, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII xác định:
Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.
Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD[5].
Hiện thực hoá các mục tiêu đề ra, thực hiện các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá nhằm đảm bảo quyền con người trong giai đoạn hiện nay, thành phố Hà Nội tập trung thực hiện một số giải pháp:
Một là, huy động và sử dụng có hiệu quả, ưu tiên các nguồn lực cho phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vùng xa trung tâm, giúp nông dân nâng cao năng suất, thu nhập.
Hai là, tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh, bức xúc, các vấn đề xã hội và an ninh ở nông thôn. Củng cố các kết quả đã đạt được và quan tâm xây dựng hệ thống trường học, trạm y tế, nhất là ở vùng xa trung tâm; tăng cường đầu tư xây dựng gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa ở cơ sở và chỉnh trang hạ tầng nông thôn; thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế, chính sách dân số, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng Thủ đô thực sự là một trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao và hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh, nâng cao chất lượng giáo dục tất cả các cấp học, bậc học.
Bốn là, nâng cao năng lực hạ tầng y tế, chất lượng mạng lưới y tế dự phòng, thực hiện tốt công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tăng cường khả năng dự báo, giám sát, phát hiện, năng lực ứng phó, khống chế các dịch bệnh, đặc biệt là năng lực ngăn chặn, giảm lây lan giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đối với những dịch bệnh lớn, đại dịch toàn cầu như Covid-19.
Năm là, triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội, hướng tới phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách.
Bảo đảm quyền con người trở thành mối quan tâm chung của toàn cộng đồng quốc tế, trở thành những giá trị cơ bản mà mỗi nhà nước hướng tới nhằm thu hút đông đảo công dân tham gia sâu hơn vào đời sống chính trị của mỗi nước, từ đó góp phần thúc đẩy dân chủ và tiến bộ trên toàn thế giới. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm đã tác động mạnh đến kinh tế - xã hội cả nước và thành phố Hà Nội, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện những giải pháp cơ bản để thực hiện mục tiêu nhất quán tất cả vì con người, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Niên giám thống kê điện tử thành phố Hà Nội năm 2023, https://cucthongkehanoi.gso.gov.vn/nien-giam-thong-ke, ngày 03/07/2024.
- Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
- Quốc hội, Luật số 21-LCT/HĐNN8 ngày 30/6/1989 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân.
- Quốc hội, Luật số 32/2009/QH12 ngày 18/06/2009 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.
- Quốc hội, Luật số 12/2012/QH13 ngày 20/6/2012 Luật Công đoàn.
- Quốc hội, Luật số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015, Bộ Luật Dân sự.
- Quốc hội, Luật số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 Bộ luật Lao động.
- Quốc hội, Luật số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 Luật Giáo dục.
- Quốc hội, Luật số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2020 Luật Doanh nghiệp.
- Thành ủy Hà Nội: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb.Thông Tấn, Hà Nội, 2020.
- Thành ủy Hà Nội khóa XVI, Chương trình 04-CTr/TU về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020.
- Thành ủy Hà Nội khóa XVII, Chương trình 06-CT/TU về phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025.
- Niên giám thống kê điện tử thành phố Hà Nội năm 2023, https://cucthongkehanoi.gso.gov.vn/nien-giam-thong-ke, ngày 03/07/2024.
[2] Niên giám thống kê điện tử thành phố Hà Nội năm 2023, https://cucthongkehanoi.gso.gov.vn/nien-giam-thong-ke, ngày 03/07/2024.
[3] Niên giám thống kê điện tử thành phố Hà Nội năm 2023, https://cucthongkehanoi.gso.gov.vn/nien-giam-thong-ke, ngày 03/07/2024.
[4] Niên giám thống kê điện tử thành phố Hà Nội năm 2023, https://cucthongkehanoi.gso.gov.vn/nien-giam-thong-ke, ngày 03/07/2024.
- Thành ủy Hà Nội: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb.Thông Tấn, H.2020, tr.54.
TIN MỚI NHẬN
Lịch giảng dạy
Văn bản Nhà trường
thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |