Skip to Content

  Nghiên cứu trao đổi

PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ - YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM TRONG KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC
Publish date 20/01/2025 | 11:10 AM  | View count: 39

Người viết: GVC, TS. Nguyễn Thị Thu - Đơn vị: Khoa Lý luận cơ sở

Tóm tắt : Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó khẳng định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định sự phát triển của các quốc gia. Đảng ta xác định, từ Đại hội XIV trở đi, đất nước ta sẽ chính thức bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại. Để đạt được mục tiêu đề ra cho sự phát triển của đất nước, khoa học, công nghệ là một trong những yếu tố có vai trò hết sức quan trọng .

Từ khóa: khoa học, công nghệ, kỷ nguyên mới…

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

V.I.Lênin - người kế thừa, phát huy chủ nghĩa Mác và cũng là người đầu tiên ứng dụng học thuyết khoa học, cách mạng của Các Mác vào thực tiễn nước Nga đã thành công, căn dặn: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”1.

Thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã sớm coi khoa học và công nghệ là động lực của tiến bộ xã hội. Người cho rằng khoa học và kỹ thuật có ảnh hưởng rất lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Người đặc biệt quan tâm đến việc đoàn kết, tập hợp đội ngũ  trí thức, trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện tối đa cho trí thức phát huy tài năng, hiểu biết của mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Biết bao nhân sĩ, trí thức và các nhà khoa học tên tuổi như: Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Tố, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ… đã tự nguyện từ bỏ cuộc sống êm ấm, giàu có ở Hà Nội, Sài Gòn, Tokyo hay Paris để tham gia cách mạng, sẵn sàng chịu nhiều hi sinh, gian khổ, lập nên những kỳ tích về khoa học, công nghệ để phục vụ kháng chiến. Trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (18/5/1963), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”2 và “nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”3.

Trên cơ sở những nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”4. Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển 2011) nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có sức mạnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”5.

Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia, là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Văn kiện cũng nhấn mạnh: “Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”6.

Trong sự phát triển của quốc gia khoa học, công nghệ đóng vai trò rất quan trọng:

Thứ nhất, khoa học, công nghệ tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới hoặc cải tiến các sản phẩm dịch vụ đã có sẵn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Việc áp dụng những công nghệ mới giúp nâng cao hiệu suất và sản xuất giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Thứ hai, khoa học, công nghệ giúp giải quyết các vấn đề lớn của xã hội như sức khỏe con người, môi trường và năng lượng. Các nghiên cứu về khoa học, công nghệ cũng giúp tăng khả năng đối phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đóng góp vào sự phát triển bền vững.

Thứ ba, khoa học, công nghệ tạo ra các công việc mới trong lĩnh vực như phát triển phần mềm, nghiên cứu và thiết kế, quản lý dữ liệu kỹ thuật, y tế, các ngành công nghiệp này cũng đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Thứ , việc đầu tư vào khoa học, công nghệ và sáng tạo giúp các quốc gia tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các sản phẩm và dịch vụ mới được cải tiến giúp tăng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp. Đồng thời cũng giúp tăng thu nhập và tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia.

Thứ năm, khoa học, công nghệ còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo. Các chương trình đào tạo và giáo dục được phát triển để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và phục vụ cho sự nghiệp phát triển quốc gia.

Với tầm quan trọng của khoa học, công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Chính phủ trình Quốc Hội thông qua Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5 Quốc Hội khóa XIII, trong đó quy định ngày 18/5 là ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 10 khóa XIII (ngày 20 tháng 9 năm 2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực chính cho phát triển, là trụ cột không thể thiếu trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây là nền móng quan trọng, định hướng cho việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào thực tiễn trong thời gian tới; đồng thời là lời kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chung tay, góp sức phát huy tối đa trí tuệ Việt, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo để đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Ngày 22 tháng 12 năm 2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược về phát triển khoa học, công nghệ, là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa thế giới chuyển mình theo các bước tiến của công nghệ, đưa nhân loại lên một tầm cao mới. Đây được cho là bước chuyển mình mạnh mẽ của thế giới; được xem là thời đại của công nghệ, nơi mà tất cả các loại máy móc đều được tự động hóa và trao đổi thông tin qua dữ liệu. Các loại robot thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến các tính năng như quản lý, tính toán, thậm chí là đưa ra những quyết định kịp thời, thay thế con người nhờ vào thiết bị cảm biến. Tuy nhiên, với Việt Nam chúng ta, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã nhận định: “tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành, cán bộ, công chức và Nhân dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ và sâu sắc; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức"7.

Đất nước ta đang đứng trước yêu cầu cần có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng để tạo xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết đưa ra quan điểm chỉ đạo: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”8. Nghị quyết nêu rõ đến mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Tầm nhìn đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp:

Thứ nhất: Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thứ hai: Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thứ ba: Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thứ : Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thứ năm: Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Thứ sáu: Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Thứ bảy: Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 10 khóa XIII, ngày 23 tháng 9 năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm chính thức khẳng định quan điểm của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: “Trung ương thống nhất đánh giá: Với thế và lực đã tích luỹ được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết và văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam”9.

Trong xu thế tri thức khoa học và công nghệ chiếm ưu thế và phổ biến, để tránh khỏi nguy cơ tụt hậu, yêu cầu khách quan đặt ra cho Việt Nam là tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học và công nghệ; tích cực, chủ động hơn trong hội nhập quốc tế, tham gia quá trình toàn cầu hóa nhằm thu hút, chuyển giao khoa học và công nghệ hiện đại, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng nắm bắt, làm chủ các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, vận dụng vào điều kiện cụ thể của đất nước. Việt Nam cần xác định rõ mục đích phát triển khoa học và công nghệ là cơ sở tăng năng xuất lao động xã hội, là yếu tố thúc đẩy kinh tế - xã hội và lực lượng sản xuất phát triển, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H.2021, T.II.

4. Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia .

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011.

6. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Moscow, 1981, tập 4.

7. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xiii/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-be-mac-hoi-nghi-lan-thu-muoi-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-4181

 

1 V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến Bộ, Moscow, 1981, tập 4, tr.232

2Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, tr.97

3 Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, tr.97

4 ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr.94-95.

5 ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.77.

6 ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H.2021, T.II, tr.130.

7 Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

8 Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

9 https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xiii/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-be-mac-hoi-nghi-lan-thu-muoi-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-4181

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh