Skip to Content

  TIn mới nhận

HÀ NỘI - TỪ “THÀNH PHỐ HÒA BÌNH” ĐẾN “THÀNH PHỐ SÁNG TẠO"
Publish date 06/09/2024 | 3:11 PM  | View count: 31

ThS Phạm Thị Thu Giang - GVC Khoa Lý luận cơ sở

        Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến, trái tim của đất nước Việt Nam năm nay tròn 70 năm Ngày Giải phóng. Những năm tháng lịch sử hào hùng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” ngày nào giờ đây được các thế hệ người Hà Nội tiếp nối đầy tự hào, quyết tâm xây dựng và phát triển thành một Thủ đô hòa bình và sáng tạo.

        Hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới, Việt Nam khao khát hai chữ “Hòa bình” và hiểu rõ ý nghĩa của hai chữ thiêng liêng đó. Ngày 16/07/1999, Hà Nội đã tự hào vượt qua 70 ứng cử viên trở thành 1 trong 5 thành phố trên thế giới được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu nổi bật của Thủ đô trong công cuộc đổi mới cũng như khát vọng về hòa bình của nhân dân Việt Nam.

         1. Hà Nội phát huy danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”

Khi nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", Hà Nội đang triển khai quy hoạch chung với mục tiêu xây dựng một thành phố hiện đại mà vẫn giữ nét đậm đà bản sắc và truyền thống nghìn năm văn hiến. Từ đó tới nay, Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội.

        Năm 2008, việc mở rộng quy mô Thành phố cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo và đảm bảo an sinh xã hội… đã giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Thủ đô, đặc biệt là vùng nông thôn, xa trung tâm được cải thiện rõ rệt. Thủ đô không những ngày càng to đẹp hơn, khang trang hơn mà còn là thành phố đa sắc màu văn hóa, các loại hình kinh tế phát triển mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, quốc phòng an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng.

        Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024; Kết luận số 80-KL/TW ngày 24/5/2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065,… được kỳ vọng sẽ nâng tầm mạnh mẽ cho Hà Nội. Luật Thủ đô nhấn mạnh: “Việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng và là kế hoạch đồng bộ giúp thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội Thủ đô thời gian tới.

         2. Hà Nội hướng tới là "Thành phố sáng tạo"

        Trong phát triển Hà Nội, bên cạnh yếu tố phát huy truyền thống, văn hiến nghìn năm lịch sử, Hà Nội còn là đô thị rất nhạy bén với hội nhập, tiếp cận với cái mới. Từ năm 1992, khi có khái niệm phát triển bền vững, Hà Nội đã tích cực tham gia để trở thành đô thị bền vững. Với chiều sâu văn hóa, nỗ lực đổi mới toàn diện, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, Hà Nội cũng là cái nôi sinh ra nhiều không gian sáng tạo đang trở thành điểm nhấn cho giới sáng tạo, giới trẻ. Cuối năm 2019, Hà Nội chính thức ghi danh vào Mạng lưới “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.

Việc Hà Nội nỗ lực trở thành một Thành phố sáng tạo không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Thành phố trong bối cảnh toàn cầu hóa, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và du khách, mà còn tạo điều kiện cho Thành phố tham gia vào các mạng lưới sáng tạo toàn cầu, học hỏi từ các mô hình thành công của các thành phố khác và chia sẻ những sáng kiến của riêng mình.

        Sau 5 năm kể từ khi gia nhập Mạng lưới “Thành phố sáng tạo”, Hà Nội đã bước đầu biến văn hóa thành trụ cột trong kế hoạch phát triển cấp địa phương và hợp tác tích cực ở cấp quốc tế, tổ chức nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa các cam kết với UNESCO. Nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch đã được thành phố ban hành nhằm xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” như Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 01/4/2022 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…

        Hướng đi này được cho là khôn ngoan vì ngày nay, nhiều thành phố trên thế giới thay vì tập trung vào các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, dễ có tác động xấu tới môi trường… thì đang hướng tới nền công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa. Mục tiêu là xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động sáng tạo, thu hút lực lượng lao động sáng tạo và tạo ra các sản phẩm sáng tạo.

        Theo đó, Thành phố đã thúc đẩy phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, tạo ra bản sắc, sự hấp dẫn cho đô thị, truyền cảm hứng sáng tạo cho cộng đồng và tái sinh đô thị. Hiện nay, Hà Nội có khoảng 120 không gian sáng tạo, trong đó có 7 không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa - nghệ thuật, đẩy mạnh các không gian văn hóa sáng tạo tại các tuyến phố đi bộ, không gian bích họa Phùng Hưng, không gian Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội, không gian đi bộ xung quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Ngoài ra, sự xuất hiện liên tục của những tổ hợp vui chơi, giải trí bên trong các nhà máy, xí nghiệp cũ ở nội thành Hà Nội cho thấy nhu cầu cấp thiết về không gian văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo dành cho giới trẻ. Chưa hết, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 là một trong những sáng kiến Hà Nội cam kết thực hiện khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, được đánh giá là sự kiện điển hình trong hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam.[1]

        Cộng đồng quốc tế rất ấn tượng trước sự chuyển mình của Hà Nội trong một hình ảnh nhận diện mới. Hà Nội vươn lên không chỉ là hình ảnh một thành phố sau chiến tranh mà còn là tâm điểm của các đô thị châu Á và khu vực. Năm 2023, Hà Nội đã được vinh danh là một trong 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất thế giới, xếp thứ 17 trong danh sách của TripAdvisor[2]. Trong 15 điểm đến thịnh hành nhất thế giới 2023 cho các chuyến du lịch một mình, Việt Nam có hai đại diện là Hà Nội xếp thứ nhất và Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ sáu - xếp hạng được dựa trên nghiên cứu mới nhất của công ty du lịch hàng đầu của Anh - Explore Worldwide về dữ liệu tìm kiếm toàn cầu[3]. Không có gì khó hiểu khi Hà Nội đạt được thứ hạng đáng mừng trên các trang du lịch uy tín thế giới như vậy vì Hà Nội sở hữu vẻ đẹp đầy tính thẩm mỹ và những kiến trúc cổ xưa, một nơi giàu giá trị văn hóa xứng đáng để trải nghiệm.

         Tiềm năng có thể khai thác để Hà Nội trở thành một thành phố sáng tạo:

        Nằm trong sự giao thoa mạnh mẽ giữa văn hoá bản địa với các nền văn hoá Đông – Tây, kế thừa những di sản và tiếp nối mạch nguồn của đô thị sáng tạo Thăng Long ngàn năm tuổi, Thủ đô Hà Nội sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển nền công nghiệp văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế. Sự sáng tạo nằm trong hạ tầng kiến trúc đô thị và hạ tầng văn hóa, với 5.922 di tích lịch sử – văn hoá và mạng lưới 1.350 làng nghề khác nhau... tiềm năng sáng tạo của Hà Nội luôn sẵn sàng để được khơi nguồn, tạo nên những bản sắc riêng có để Hà Nội lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai.

        Đặc biệt phải kể đến Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa thế giới, được UNESCO công nhận năm 2010. Đây là một công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử, trải dài từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX, xuyên suốt các triều đại phong kiến Việt Nam: Lý, Trần, Mạc, Lê và Nguyễn. Hoàng thành Thăng Long là minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận nhiều ảnh hưởng của văn hóa từ bên ngoài, nhiều học thuyết, tư tưởng có giá trị toàn cầu của văn minh nhân loại, đặc biệt là Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy, mô hình kinh thành phương Đông, mô hình kiến trúc quân sự phương Tây (thành Vauban), tạo dựng nên những nét độc đáo, sáng tạo của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một quốc gia vùng châu thổ sông Hồng.

        Bên cạnh Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội còn có rất nhiều di sản văn hóa có kiến trúc độc đáo, đầy chất “sáng tạo” như: Đoan Môn; Cột cờ Hà Nội, Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên, Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Bắc Bộ Phủ, Khu phố Pháp, Khu phố cổ Hà Nội…[4]

        Ngoài quỹ di sản đô thị vô cùng phong phú của Hà Nội mà chúng ta đã biết phát huy nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác hết thì nguồn nhân lực cho phát triển một thành phố sáng tạo cũng được đánh giá là thuận lợi. Hà Nội là nơi tập trung trí thức từ hơn 60 trường đại học, viện nghiên cứu… Với nguồn tri thức dồi dào như vậy, việc chuyển giao kỹ thuật mới vào phát triển kinh tế sẽ giúp Hà Nội hội nhập mạnh hơn, có nhiều “đất dụng võ” cho thế hệ sáng tạo khởi nghiệp.

        Điều đó có nghĩa là, Hà Nội không thiếu nguồn lực con người vì nơi đây hội tụ nhiều nhà thiết kế trẻ là những sinh viên mỹ thuật của nhiều trường đại học, nhiều nghệ nhân, thợ trẻ, thợ giỏi, tay nghề cao từ các làng nghề truyền thống... Việc cần làm là phải có sự kết nối giữa các nhà thiết kế với các nghệ nhân làng nghề, thông qua các buổi dã ngoại, khảo sát, xâm nhập thực tế với thời gian đủ dài để họ gặp gỡ, hiểu nhau, từ đó thúc đẩy sáng tạo, góp phần làm phong phú sản phẩm sáng tạo cho Thủ đô. Song song với đó, việc thu hút và giữ chân nhân tài trong các lĩnh vực này cũng phải được tính toán sao cho có kết quả, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà Hà Nội đang phải cạnh tranh khá gay gắt trong việc thu hút nhân tài với các thành phố, địa phương khác trong cả nước.

         Tuy nhiên, để trở thành một thành phố sáng tạo, Hà Nội phải đối mặt với một số khó khăn:

         Thứ nhất, cơ sở hạ tầng và không gian sáng tạo còn thiếu và chưa hoàn thiện. Mặc dù quỹ di sản lớn và Hà Nội đang phát triển nhanh chóng, nhưng cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông, viễn thông và các tiện ích công cộng vẫn còn nhiều bất cập. Để hỗ trợ một môi trường sáng tạo, cần có một hạ tầng hiện đại và đồng bộ, không gian công cộng đủ lớn đảm bảo kết nối dễ dàng và thuận tiện cho hoạt động sáng tạo.

        Đơn cử không gian cho sáng tạo, đòi hỏi sự hỗ trợ thử nghiệm, tạo điều kiện hiện thực hóa cảm hứng sáng tạo cho các bạn trẻ và các nghệ sĩ; thu hẹp khoảng cách giữa những lý thuyết khô khan, hay môi trường thực hành chỉnh trang quen thuộc để tìm đến sự đa dạng với nhiều cung bậc khác nhau của cuộc sống. Như vậy, không gian công cộng phải đủ lớn là điều kiện cần để có nhiều không gian sáng tạo. Tuy nhiên, không gian công cộng trên đầu người tại Hà Nội đang rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,3% diện tích toàn Thành phố, với mức dưới 1m² trên đầu người; diện tích không gian xanh bình quân đạt khoảng 11,2 m²/người, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 39 m²/người của các thành phố lớn khác ở châu Á​.[5] Rõ ràng, nhu cầu để người dân có không gian sống rộng hơn, xanh hơn, tốt hơn, nhất là các không gian văn hóa sáng tạo dành cho cộng đồng đang là vấn đề cấp bách. 

         Thứ hai, kinh nghiệm quản lý đối với văn hóa sáng tạo còn ít ỏi

        Tuy có một nền văn hóa phong phú, Hà Nội vẫn phải đối mặt với thách thức trong việc thúc đẩy tư duy sáng tạo và đổi mới. Các quy trình hành chính phức tạp, tư duy quản lý còn nặng tính truyền thống và sự e dè trong việc chấp nhận các ý tưởng mới lạ có thể làm cản trở quá trình sáng tạo. Đặc biệt, áp lực về bảo tồn di sản và phát triển đô thị, làm thế nào để cân bằng là một thách thức không nhỏ. Hà Nội là một thành phố có bề dày lịch sử và văn hóa, sở hữu một di sản văn hóa phong phú, từ các di tích lịch sử đến nghệ thuật truyền thống. Việc bảo tồn những giá trị này luôn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, để trở thành một thành phố sáng tạo, Hà Nội cần phải phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo,… điều này đòi hỏi sự đổi mới và đôi khi phải thay đổi cấu trúc xã hội và không gian đô thị. Ranh giới mong manh này đòi hỏi công tác quản lý phải rất khéo léo, người làm công tác quản lý phải rất am hiểu.

        Từ khó khăn trên dễ dẫn đến e dè trong việc ra các quyết sách ủng hộ sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo. Môi trường pháp lý hạn chế tất yếu khiến các doanh nghiệp sáng tạo có thể gặp phải khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thực hiện các dự án mới…

         Thứ ba, thách thức về môi trường và chất lượng cuộc sống. Ô nhiễm không khí, giao thông tắc nghẽn và chất lượng môi trường sống thấp là những vấn đề đang làm giảm sức hấp dẫn của Hà Nội đối với các tài năng và doanh nghiệp sáng tạo. Để trở thành một thành phố sáng tạo, Hà Nội cần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho cư dân và tạo ra một môi trường sống và làm việc lý tưởng. Dự báo đến năm 2030, dân số Hà Nội sẽ đạt trên 9,2 triệu người, quá trình đô thị hóa tăng nhanh cũng như sự gia tăng dân số quá cao đã và đang gây áp lực lớn cho việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quy hoạch kiến trúc đô thị. Làm thế nào để Hà Nội dung hòa được mọi thành phần của dân số, đồng thời giảm được áp lực quá tải giao thông đang là vấn đề rất lớn phải giải quyết.

        Ngoài ra, việc phân cấp quản lý di tích còn nhiều yếu kém, nhiều di tích đang bị xuống cấp nhưng thủ tục xin phép cơ quan có thẩm quyền, huy động nguồn vốn còn nhiều khó khăn; Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ liên quan đến thiết kế sáng tạo còn lạc hậu so với trình độ phát triển của nhiều nước trên thế giới; Tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra; Thị trường thiết kế sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; sự phối hợp giữa các lĩnh vực như công nghệ, nghệ thuật, và giáo dục vẫn còn rời rạc, chưa tạo được môi trường cộng sinh cần thiết cho sự phát triển sáng tạo…

         3. Sự kết nối giữa "Thành phố Hòa bình" và "Thành phố Sáng tạo"

        Mặc dù còn có khó khăn nhưng Hà Nội vẫn đang “thay da đổi thịt” từng ngày, thể hiện quá trình phát triển liên tục, từ gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống đến đẩy mạnh các sáng kiến đổi mới hướng tới một tương lai bền vững và sáng tạo.

        Từ nền tảng Thành phố vì hòa bình được UNESCO vinh danh năm 2009, Hà Nội đã tiến xa hơn bằng cách chuyển mình thành một Thành phố sáng tạo trong mạng lưới của UNESCO vào năm 2019. Sự sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế và nghệ thuật không chỉ giúp Hà Nội giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phong phú mà còn thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo phát triển. Đó chính là sự giao thoa giữa hòa bình và sáng tạo, sự kết nối giữa hòa bình và sáng tạo. Các hoạt động nghệ thuật, lễ hội văn hóa, các sự kiện quốc tế tại Hà Nội không chỉ là nơi thể hiện sự sáng tạo mà còn là nơi xây dựng và củng cố các giá trị hòa bình. Những sự kiện này giúp tăng cường sự hiểu biết và hợp tác giữa các nền văn hóa khác nhau, từ đó thúc đẩy sự đoàn kết và hòa bình trên toàn cầu.

        Trong phát triển, bên cạnh yếu tố phát huy truyền thống, văn hiến nghìn năm lịch sử, Hà Nội còn là đô thị rất nhạy bén với hội nhập, tiếp cận với cái mới. Bằng chứng là Hà Nội đang xây dựng nhiều khu đô thị sinh thái, từng bước phát triển các đô thị thông minh và bước đầu thành công trong xây dựng chính quyền điện tử, tạo ra mạng lưới kết nối để hội nhập… Người Hà Nội luôn hiểu rằng, hòa bình chính là môi trường quan trọng nhất để hiện thực hóa quyết tâm xây dựng một Thủ đô sáng tạo, hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới./.

 

 

[1] Dẫn theo https://hanoimoi.vn/duy-tri-phat-trien-cac-khong-gian-sang-tao-ha-noi-bai-toan-khong-de-tim-loi-giai

[2] Dẫn theo https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/tripadvisor-vinh-danh-nhieu-diem-den-cua-viet-nam.

[3] Dẫn theo https://vnexpress.net/ha-noi-duoc-yeu-thich-nhat-the-gioi-de-du-lich-mot-minh-4619110.html

[4] Dẫn theo https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/dinh-vi-thuong-hieu-thanh-pho-sang-tao-ha-noi.html

[5] Theo https://healthbridge.ca/projects/hanoi-youth-public-spaces

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh