Skip to Content

  Nghiên cứu trao đổi

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Publish date 27/07/2024 | 11:36 PM  | View count: 59

ThS Trần Thị Ngân - Khoa Xây dựng Đảng

        Tóm tắt: Chính sách chăm lo đối với người có công, gia đình người có công với cách mạng luôn là chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước nhằm tôn vinh, tri ân đối với người có công với cách mạng. Công tác Thương binh Liệt sĩ và chính sách chăm lo đối với những người có công, gia đình ngưới có công với cách mạng chính là thể hiện tính ưu việt và bản chất của Đảng và Nhà nước ta. Tạo điều kiện củng cố niềm tin vào nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự quản lý của nhà nước. Góp phần tăng thêm tiềm lực cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và cơ sở để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần chống lại thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, bôi nhọ quá khứ hào hùng của dân tộc.

         Từ khóa : Chính sách người có công; thương binh, liệt sỹ.

 

         1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”[1]. Nhằm bảo đảm tốt cuộc sống của thương, bệnh binh, thân nhân các gia đình có công với cách mạng, với tư cách người đứng đầu Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng, như Sắc lệnh số 20-SL, ngày 16-2-1947, quy định chế độ hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ; Sắc lệnh số 58-SL, ngày 6-6-1947, đặt Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập và quy định việc tặng thưởng để thưởng hoặc truy tặng cho đoàn thể hay những người có công với nước, với dân hoặc tặng cho các nhân vật ngoại quốc đã có công với nước Việt Nam.

        Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Người căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, kháng chiến. “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”[2]. Tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng là sự kế tục và phát triển những tư tưởng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đó là sự trân trọng, biết ơn những thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh bảo vệ nền độc lập, tự do; đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, trân trọng lịch sử, quá khứ hào hùng của ông cha. Chính truyền thống, giá trị văn hóa đó hun đúc tinh thần đoàn kết, ý chí, nghị lực kiên cường của lớp lớp người Việt Nam “đồng tâm, hiệp lực”, quyết chiến thắng kẻ thù xâm lược, xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

        Với quan điểm, mục tiêu nhất quán của Đảng: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình "đền ơn đáp nghĩa"[3]. Trong những năm qua, cùng với những bước tiến trong phát triển kinh tế, chính sách chăm lo người có công, gia đình người có công với cách mạng tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện; công tác giải quyết, công nhận người có công, nhất là việc giải quyết hồ sơ tồn đọng có nhiều đột phá quan trọng; công tác xây dựng, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ và công tác hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng được quan tâm; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác: Tiếp tục hoàn thiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác người có công, gia đình người có công với cách mạng; Tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng; Hỗ trợ người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở; Tiếp tục thực hiện quy hoạch, đầu tư, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng; tiếp tục thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

        Với việc triển khai đồng bộ và toàn diện, sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đến nay đời sống của người có công với cách mạng tiếp tục được cải thiện và nâng cao, chỉ tiêu hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi người có công cư trú đạt 99,29%, và xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công đạt 99,04%. Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công đã có ý chí vươn lên, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

         2. Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả, đồng bộ, toàn diện các chính sách chăm lo người có công, gia đình người có công với cách mạng, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

         Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới tới các cấp, các ngành trong giai đoạn tiếp theo kết hợp với triển khai đồng bộ, kịp thời hệ thống văn bản pháp luật về chính sách ưu đãi đối với người có công tới tận cơ sở.

         Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan chức năng liên quan nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện chính sách ưu đãi của nhà nước ở địa phương.

         Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tuyên truyền và triển khai thực hiện tại địa phương, tạo sự thống nhất, liên tục trong công tác thông tin tuyên truyền đến người dân. Tăng cường kết nối nguyện vọng của người dân với các cấp chính quyền, đồng thời giúp người dân biết, hiểu, thực hiện đúng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

         Bốn là, nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ các cấp trong quản lý, điều hành; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách có đầy đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn, đủ khả năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người có công.

         Năm là, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Thực hiện xã hội hoá sâu hơn, thường xuyên hơn các phong trào tình nghĩa như: ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây nhà tình nghĩa; chăm sóc giúp đỡ thương bệnh binh nặng, bố, mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Quan tâm, chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với con liệt sỹ, con thương bệnh binh; thường xuyên rà soát đối tượng người có công còn khó khăn để phân tích, đánh giá điều kiện, hoàn cảnh và có kế hoạch giúp đỡ sát, đúng với từng hoàn cảnh của đối tượng.

         Sáu là, bố trí tăng ngân sách nhà nước của địa phương từ ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện và huy động từ các nguồn lực khác thực hiện công tác xây dựng, tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công; rà soát, nắm bắt kịp thời về thực trạng nhà ở của người có công để có kế hoạch huy động các nguồn lực cùng nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công trong giai đoạn tiếp theo.

         Bảy là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công; nâng cao vai trò của mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, Nhân dân trong công tác chăm sóc người có công. Phát hiện, kiên quyết xử lý kịp thời những vi phạm, tiêu cực trong việc xác nhận, thực hiện chế độ ưu đãi người có công theo quy định của pháp luật, đồng thời kiến nghị giải quyết những vấn đề vướng mắc còn tồn đọng trong việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng.

        Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) là dịp để Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta thể hiện ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn, tri ân với người có công, gia đình đã có công đã hy sinh vì Tổ Quốc. Qua đó, nhằm phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cách mạng và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, lãnh đạo và động viên, phát huy truyền thống cách mạng trong công cuộc đổi mới đất nước./.

-------------

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15.

(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I.

(4)  Nguyễn Xuân Long - Phó Cục trưởng Cục Người có công,  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Thực hiện đồng bộ, toàn diện chính sách người có công với cách mạng, tiếp tục điều chính mức trợ cấp phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước”, Thông tin Báo cáo viên, số 07/2024.

 

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, 204

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, 616

[3]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 113

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh