Skip to Content

  Nghiên cứu trao đổi

MỘT SỐ TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM CHUẨN BỊ CHO CUỘC THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ ĐẠT HIỆU QUẢ TỐT
Publish date 13/08/2024 | 4:06 PM  | View count: 96

TS. Nguyễn Thị Hải Yến - Giảng viên chính khoa Lý luận cơ sở

        Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp khoa, sau đó là cấp trường ở các trường chính trị được tổ chức hàng năm là một hoạt động chuyên môn, nhiệm vụ hết sức quan trọng của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thông qua Hội thi, giảng viên có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, học tập, làm sâu sắc, phong phú nội dung chuyên môn, đổi mới phương pháp, rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm; đồng thời cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho cuộc thi ở cấp cao hơn tại Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức theo định kỳ 5 năm/02 lần.

        Từ thao giảng cấp khoa là cơ sở lựa chọn giảng viên dạy giỏi tham gia Hội thi cấp trường và sau đó, những giảng viên có số điểm cao hơn sẽ là ứng cử viên dự thi Hội thi cấp Quốc gia. Đứng trước mỗi cuộc thi, từ yêu cầu các khoa, phòng chuẩn bị tích cực, kỹ lưỡng, nghiêm túc từ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp giảng dạy cho giảng viên đến điều kiện về cơ sở vật chất, bố trí lịch giảng, phối hợp tổ chức thao giảng cấp khoa tiến tới Hội thi cấp trường.

        Với vị trí là trường chính trị Thủ đô, trung tâm chính trị của cả nước, thực tế là mục tiêu đặt ra về yêu cầu đối với giảng viên được cử dự thi cấp toàn quốc khá cao, với kỳ vọng mỗi giảng viên được cử đi dự thi đều thu được kết quả tốt nhất. Một năm mới, một chu kỳ mới cho cuộc thi bắt đầu được khởi động, bằng một số những trải nghiệm còn tươi mới thông qua việc dự thi cấp toàn quốc các trường chính trị năm vừa qua, tôi xin mạnh dạn chia sẻ một số kinh nghiệm về những yếu tố tạo nên kết quả hoàn chỉnh cho bài giảng để những giảng viên kế tiếp được cử tham gia cuộc thi có thêm kinh nghiệm có thể đạt kết quả như mong đợi cho cá nhân giảng viên cũng như Nhà trường.

         Thứ nhất, sự chuẩn bị của bản thân giảng viên

        Các giảng viên dự thi cần hoàn thành 3 nội dung thi: thi giáo án, thi viết, thi giảng trên lớp.

        Đối với phần thi giáo án, giảng viên giành thời gian nghiên cứu, lựa chọn  01 bài trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị; giáo án được soạn 4 tiết, nếu bài dài hơn 04 tiết thì soạn hoàn chỉnh 04 tiết liền nhau, các tiết còn lại của bài chỉ cần ghi tên mục; giáo án trình bày chia nội dung tương ứng từng tiết. Các giáo án đều theo đúng hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; xây dựng được kế hoạch bài giảng khoa học, xác định đúng mục đích, yêu cầu, lực chọn phương pháp, phương tiện giảng dạy, phân chia thời gian khá phù hợp với nội dung bài giảng, tiết giảng; tài liệu sử dụng soạn giáo án phong phú, đa dạng, nguồn gốc rõ ràng,.. Nội dung giáo án thể hiện được ý thức của giảng viên trong vận dụng kiến thức lý luận và thực tiễn, cập nhật các văn bản, hướng dẫn mới của Trung ương và địa phương vào bài giảng; các ví dụ, tư liệu, số liệu minh hoạ, chứng minh, hướng dẫn nghiệp vụ công tác phù hợp với đối tượng học viên. Bên cạnh đó, giáo án còn thể hiện sự lồng ghép, tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giảng dạy Trung cấp lý luận chính trị.

        Đối với phần thi viết tự luận với thời gian 120 phút, bắt đầu từ năm 2023 đưa phần thi này vào nội dung thi giảng viên giỏi ở Trường ĐTCB Lê Hồng Phong. Ban Tổ chức Hội thi đã định hướng nội dung thi viết tập trung vào các chủ đề: công tác giáo dục lý luận chính trị; quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và về trường chính trị chuẩn; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; quy chế, quy định đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của trường chính trị cấp tỉnh do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà trường ban hành. Các giảng viên dự thi tích cực nghiên cứu, cập nhật tư liệu thực tế, chuẩn bị tốt cho việc thi viết nhằm đảm bảo bài thi chất lượng tốt, hành văn mạch lạc, trình bày khoa học, lập luận chặt chẽ, liên hệ, vận dụng thực tiễn phong phú, sinh động, sát với tình hình của Trường và trách nhiệm của bản thân.

        Đối với phần thi giảng trên lớp, giảng viên chuẩn bị 04 tiết giảng tương ứng với phần nội dung thể hiện trong phần giáo án; giảng viên thực hiện bắt thăm ngẫu nhiên thứ tự giảng và tiết giảng trong 04 tiết đã soạn của giáo án dự thi. Trong phần thi này, các giảng viên đều thực hiện đầy đủ các bước lên lớp, trình bày đúng kiến thức cơ bản, tuân thủ giáo trình, gắn lý luận với thực tế đất nước, địa phương; mở rộng, cập nhật các văn bản của Trung ượng địa phương, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, hiện tượng tiêu cực phù hợp với nội dung tiết giảng; chú ý định hướng, chốt kiến thức trọng tâm và hướng dẫn học viên ôn tập; chủ động, bình tĩnh, tự tin, sử dụng thuần thục phương pháp tích cực, phương tiện giảng dạy hiện đại; ngôn ngữ diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, tác phong chững trạc, gần gũi học viên, khả năng bao quát lớp học và xử lý tình huống khá tốt, trang phục thể hiện tính sư phạm,…

        Về công trình nghiên cứu khoa học, hai Hội thi gần đây, bên cạnh việc bổ sung nội dung thi viết, Quy chế  Hội thi còn quy định điểm nghiên cứu khoa học là điều kiện bắt buộc để xét danh hiệu giảng viên dạy giỏi. Điểm nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy là điểm quy đổi từ các đề tại khoa học do giảng viên dự thi trực tiếp nghiên cứu, đã được nghiệm thu đạt yêu cầu trở lên; các bài nghiên cứu khoa học công bố trên các phương tiện truyền thông được cấp phép; các bài tham luận tham gia hội thảo từ cấp trường trở lên được in trong kỷ yếu; các công trình khoa học trên phải được nghiệm thu hoặc công bố giữa 2 kỳ hội thi. Điểm nghiên cứu khoa học là điều kiện để Hội đồng Giám khảo xếp loại “Giảng viên dạy giỏi”, “Giảng viên dạy xuất sắc”.

        Cách tính điểm khoa học như sau:

        - Chủ nhiệm đề tại nghiên cứu khoa học cấp nhà nước được tính 5,0 điểm;

        - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh hoặc tương đương được tính 4,0 điểm;

        - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở (cấp trường) được tính 1,5 điểm;

        - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa được tính 0,5 điểm; nếu là cộng tác viên có bài viết hoặc thư ký đề tài thì được tính 1/4 số điểm của mỗi công trình.

        - Chủ biên giáo trình, tập bài giảng “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương” đã được xuất bản tình 4,0 điểm;

        - Chủ biên các loại sách, tài liệu bồi dưỡng, tài liệu tham khảo đã xuất bản hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt được tính 3,0 điểm; nếu là cộng tác viên được tính 1/4 số điểm của mỗi công trình.

        - Mỗi bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học trong nước có mã ISSN được tính 1,5 điểm;

        - Mỗi bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có mã ISSN được tính 2,0 điểm;

        - Mỗi bài nghiên cứu được đăng trên trang mạng (website) khoa học quốc tế được tính 1,0 điểm;

        - Mỗi bài nghiên cứu được đăng trên bản tin hoặc website của cơ quan Trung ương, trang Việt Nam Thịnh Vượng được tính 0,5 điểm;

        - Mỗi bài nghiên cứu được đăng trên bản tin hoặc website của trường, của tỉnh/thành phố được tính 0,25 điểm;

        - Mỗi bài nghiên cứu được đăng trên báo (báo giấy, báo điện tử) Trung ương được tính 0,5 điểm;

        - Mỗi bài nghiên cứu được đăng trên báo (báo giấy, báo điện tử) địa phương được tính 0,25 điểm;

        - Mỗi bài tham luận (bao gồm cả bài đề dẫn của chủ trì hội thảo) được công bố trong kỷ yếu của hội thảo quốc tế được tính 2,0 điểm;

        - Bài đăng kỷ yếu hội thảo khoa học cấp quốc gia được tính 1,5 điểm;

        - Bài đăng kỷ yếu hội thảo khoa học cấp tỉnh hoặc liên trường được tính 0,5 điểm;

        - Bài đăng kỷ yếu hội thảo khoa học cấp trường được tính 0,25 điểm;

        Đối với điều kiện xếp hạng danh hiệu giảng viên dạy giỏi trên cơ sở tổng số điểm thi  (thi giáo án, thi viết, thi giảng bài trên lớp) và xét điểm nghiên cứu khoa học của giảng viên dự thi. Tổng số điểm thi của giảng viên  dự thi phải đtạ từ 80 điểm trở lên (trong đó thi giáo án, thi viết phải xếp từ loại khá trở lên); điểm nghiên cứu khoa học của giảng viên dự thi phải từ 2,5 điểm trở lên;

        Đạt danh hiệu “Giảng viên dạy xuất sắc”  khi tổng điểm thi đạt từ 90 điểm đến 100 điểm (trong đó điểm các nội dung thi đạt loại giỏi trở lên); điểm nghiên cứu khoa học của giảng viên dự thi phải từ 5,0 điểm trở lên;

        Đạt danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi”  khi tổng điểm thi đạt từ 80 điểm đến 100 điểm (trong đó điểm thi giảng trên lớp đạt loại giỏi trở lên, các nội dung thi khác xếp từ loại khá trở lên); điểm nghiên cứu khoa học của giảng viên dự thi phải từ 2,5 điểm trở lên;

         Thứ hai, sự giúp đỡ của đồng nghiệp, giảng viên cùng chuyên môn

        Việc hoàn thành các phần việc dự thi của giảng viên thành công trước hết là ở sự nỗ lực, chủ động của mỗi người dự thi; tuy nhiên để giáo án được hoàn thiện, phương pháp trình bày được chỉnh chu thì trước mỗi cuộc thi, giảng viên dự thi luôn nhận được sự phân công hỗ trợ từ lãnh đạo trực tiếp ở khoa về nhiều mặt như: tạo điều kiện về mặt thời gian để giảng viên có thể tập trung sự chuẩn bị tốt nhất cho bài dự thi; giảng viên khoa chuyên môn cùng xem, dự và tham gia góp ý để có nội dung tốt nhất thể hiện trong cả giáo án viết và phần trình diễn bài giảng. Thông qua đây, bài giảng dự thi của giảng viên được tập dượt phương pháp và có cơ sở thực tiễn để căn chỉnh, sử dụng thời gian chính xác hơn cho tiết dự thi.

         Thứ ba, trường hợp giảng viên được chọn tham gia dự thi toàn quốc các trường chính trị thì sự chuẩn bị của Hội đồng khoa học Nhà trường cho giảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Bằng kinh nghiệm qua các Hội thi, với tâm thế của Ban giám khảo chấm thi, Hội đồng khoa học bố trí thời gian nghe và góp ý trực tiếp bài dự thi của giảng viên ở tất cả những nội dung dự thi là bước chuẩn bị rất cần thiết cho giảng viên. Qua đây, giảng viên sẽ có sự điều chỉnh tốt nhất, có thêm những chỉ dẫn giá trị, có thể mang tính bước ngoặt để có những sự chỉnh sửa phù hợp cho bài dự thi của mình.

         Thứ tư, không thể thiếu sự cổ vũ, động viên của đội ngũ hỗ trợ trong quá trình đi dự thi. Đội ngũ này là giảng viên, cán bộ, chuyên viên trong nhà trường hỗ trợ giảng viên trong quá trình thực hiện bài thi. Mặc dù đội ngũ giảng viên là những người đã thường xuyên thực hiện một cách tự tin bài giảng của mình trên giảng đường; tuy nhiên, đối với việc dự thi không phải ai cũng sẵn sàng với tâm lý hoàn toàn thoải mái. Bài dự thi sẽ có sự khiên cưỡng hơn về mặt thời gian, thêm vào đó, chỉ với 45 phút giảng (1 tiết) lại đòi hỏi sử dụng nhiều phương pháp khác nhau cho bài giảng lý luận chính trị.

        Đội ngũ hỗ trợ người dự thi sẽ giúp hoàn thành các thủ tục liên quan về các điều kiện vật chất, nắm bắt thông tin trong quá trình di chuyển và lưu trú trong hội thi để giảng viên dự thi dành toàn tâm cho nội dung dự thi của mình.

        Đội ngũ hỗ trợ là những người sẽ “đóng vai học viên” trong những lớp giả định của cuộc thi để giảng viên hoàn thành các phương pháp tương tác cùng học viên, góp phần làm cho bài giảng sinh động và đạt mục đích, yêu cầu. 

        Đội ngũ hỗ trợ góp phần làm cho tâm lý người dự thi trở nên bình tĩnh, tự tin hơn. Trước một lớp giả định cùng áp lực thi cử, ánh mắt đầy động viên, khích lệ của những người hỗ trợ “đóng vai học viên” sẽ làm cho người giảng trở nên vững tâm hơn, tạo tâm lý phấn chấn trong quá trình thực hiện bài giảng dự thi của mình.

        Trên đây là những yêu cầu cơ bản đối với giảng viên tham gia hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường và cấp toàn quốc các trường chính trị cùng một số kinh nghiệm để giảng viên thực hiện bài thi đạt kết quả tốt nhất.

        Đứng trước thềm Hội thi đang diễn ra tại trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, kính chúc các thầy cô đạt kết quả tốt nhất với phần bài dự thi của mình; trở thành những ngôi sao sáng cho cuộc thi ở cấp tiếp theo!

 

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh