LỊCH CÔNG TÁC
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 23/12/2024 - 27/12/2024) (20/12/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 16/12/2024 - 20/12/2024) (13/12/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 09/12/2024 - 13/12/2024) (06/12/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 02/12/2024 - 06/12/2024) Thay thế lịch đã phát hành (02/12/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 02/12/2024 - 06/12/2024) (29/11/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 25/11/2024 - 29/11/2024) (22/11/2024)
Nghiên cứu trao đổi
GVC, TS. Nguyễn Thị Thu - Đơn vị: Khoa Lý luận cơ sở
Tóm tắt: Vấn đề thời cơ cách mạng là một trong những nội dung có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu và phát triển sáng tạo trên nền tảng học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam để làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị to lớn trong đó có bài học nắm bắt đúng thời cơ cách mạng của Đảng.
Từ khóa: thời cơ cách mạng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Lịch sử đã chứng minh, thành công đó có được là nhờ một đảng tiên phong thật sự cách mạng, tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, được tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng đã nắm vững hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn lịch sử, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để dẫn dắt quần chúng đứng lên giành và giữ chính quyền và đặc biệt Đảng ta đã nắm bắt được thời cơ cách mạng để xây dựng và tổ chức lực lượng đưa cách mạng tới thành công.
Khi nói đến thời cơ cách mạng, chúng ta hiểu rằng thời cơ của cách mạng phải xét từ góc độ bên trong và từ bên ngoài. Thời cơ cách mạng xét từ bên trong chính là thời điểm mà địa vị thống trị của các lực lượng phản cách mạng tỏ ra lung lay nhất, bản thân chúng bị chia sẻ bởi sự giằng xé của những mâu thuẫn nội bộ, chúng bị choáng váng và tỏ ra hoang mang trước sự lớn mạnh của các lực lượng cách mạng; còn các lực lượng cách mạng thì đã sẵn sàng hành động với lòng quả cảm và thái độ tự giác cao. Xét từ bên ngoài, thời cơ cách mạng là thời điểm mà những nhân tố quốc tế, khu vực… ảnh hưởng mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực tạo nên điều kiện thuận lợi cho cách mạng bùng nổ và thắng lợi.
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, làm cho lực lượng cách mạng đủ mạnh, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia; từ đó làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, tạo ra những thời cơ chín muồi để đưa cách mạng đến thành công. Bàn về thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không thể không nhắc đến bài học về vấn đề nắm bắt thời cơ, đề ra những quyết sách chính xác và kịp thời của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Thời điểm đó, tình hình chính trị vô cùng phức tạp, ngày 09/03/1945 phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp. Việc nắm bắt thời cơ được thể hiện ngay khi Đảng đưa ra những dự báo về tình thế cách mạng để dân tộc Việt Nam vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Ngay trong đêm ngày 09/03/1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho Tổng khởi nghĩa. Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Trong Chỉ thị đã nhận xét tình hình cụ thể của Đông Dương, đồng thời khẳng định: "Mặc dù tình hình chính trị khủng hoảng sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương chưa thực sự chín muồi"1. Bởi vì:
Thứ nhất, cuộc kháng chiến của Pháp quá yếu và cuộc đảo chính của Nhật tương đối dễ dàng; nên tuy giữa hai bọn thống trị Nhật, Pháp có sự chia rẽ cực điểm; tuy hàng ngũ bọn Pháp ở Đông Dương hoang mang, tan rã đến cực điểm; nhưng xét riêng bọn thống trị Nhật, ta thấy chúng chưa chia rẽ, hoang mang, do dự đến cực điểm. Thứ hai, các tầng lớp nhân dân đứng giữa tất nhiên trải qua một thời kỳ chán ngán những kết quả tai hại của cuộc đảo chính, lúc ấy mới ngả hẳn về phe cách mạng, mới quyết tâm giúp đỡ đội tiền phong. Thứ ba, trừ những nơi có địa hình, địa thế, có bộ đội chiến đấu không kể, nói chung toàn quốc, đội tiền phong còn đang lúng túng ở chỗ sửa soạn khởi nghĩa, chưa sẵn sàng chiến đấu, chưa quyết tâm hy sinh2.
Đồng thời, Chỉ thị cũng đã đưa ra dự báo "ba cơ hội tốt" sẽ giúp cho những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương chín muồi một cách mau chóng và một cao trào cách mạng nổi dậy: Chính trị khủng hoảng (quân thù không rảnh tay đối phó với cách mạng); Nạn đói ghê gớm (quần chúng oán ghét quân cướp nước); Chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt (Đồng minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật)3.
Chớp đúng thời cơ khởi nghĩa là một vấn đề có ý nghĩa quyết định tới thắng lợi của mọi cuộc cách mạng. Nhận thức rõ tính chất quyết định, ý nghĩa chiến lược của thời cơ khởi nghĩa, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hành động kịp thời và kiên quyết trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Thời cơ của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ xuất hiện khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện, hàng ngũ chỉ huy của Nhật ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm, quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần, bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ. Đây là thời cơ cách mạng xét từ bên ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đồng thời, thời cơ cách mạng xuất hiện cũng là lúc mọi chuẩn bị của Đảng ta về lực lượng, đường lối, phương châm tác chiến đã hoàn thiện, khi mà cao trào cứu nước của toàn dân đã dâng lên tới đỉnh cao nhất. Các cuộc khởi nghĩa từng phần đã nổ ra và thắng lợi ở nhiều vùng. Khu giải phóng và căn cứ địa được lập ra trong cả nước, quân đội cách mạng đã được thành lập, chiến tranh du kích phát triển và lan rộng; “đội quân chính trị” của quần chúng nhân dân bao gồm hàng chục triệu người được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh đã sẵn sàng chiến đấu. Đây chính là thời cơ cách mạng xét từ bên trong đảm bảo cho sự thắng lợi của cách mạng Tháng tám.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, thời cơ của Cách mạng Tháng Tám không tồn tại vĩnh viễn, mà sẽ biến mất khi quân Đồng minh tiến vào nước ta để tước vũ khí của phát xít Nhật. Với bản chất của chủ nghĩa thực dân đế quốc, quân Đồng minh chắc chắn sẽ cấu kết với lực lượng phản cách mạng mà đàn áp lực lượng cách mạng trong cả nước, dựng ra một chính quyền tay sai bù nhìn trái với ý chí và nguyện vọng của dân tộc ta. Cùng với đó, đế quốc Pháp dưới sự ủng hộ của Chính phủ Anh cũng đang lăm le khôi phục lại địa vị cũ ở Đông Dương. Bọn phản động ở trong nước cũng đang tìm cách “thay thầy đổi chủ”, mong tìm cơ hội cho bản thân. Thời cơ cách mạng chỉ tồn tại từ khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh đến trước khi quân Đồng minh vào Việt Nam. Đó là lúc kẻ thù cũ đã đứng im, nhưng kẻ thù mới chưa kịp đến, tạo thành tình thế so sánh lực lượng có lợi nhất cho cách mạng. Trong Lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản Đông Dương đã nêu rõ: “Phát xít Nhật đã chết gục theo phát xít Đức, Ý. Quân đội Nhật đang bị tan rã và bị tước khí giới ở khắp các mặt trận. Quân Đồng minh sắp kéo vào Đông Dương. Giờ hành động quyết liệt đã đến”4. Đây là lúc thời cơ cách mạng đã xuất hiện và chín muồi, trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh đã viết Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa:
“Hỡi đồng bào yêu quý!
Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ra mà tự giải phóng cho ta”5.
Ngay khi nhận được tin “12 giờ trưa ngày 13-8-1945 phát xít Nhật đã đầu hàng quân Đồng minh, quân đội Nhật đã bị tan rã tại khắp các mặt trận. Kẻ thù của chúng ta đã ngã gục”6, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) quyết định: Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới và phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc Việt Nam nhất tề nổi dậy với tinh thần: Dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập. Cách mạng Việt Nam nhanh chóng chuyển từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa. Nhờ có sự chuẩn bị lực lượng chu đáo, lại nổ ra đúng lúc, chớp đúng thời cơ, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giành được thắng lợi “nhanh, gọn, ít đổ máu”. Đó là một điển hình thành công về nghệ thuật tạo thời cơ, dự đoán thời cơ, nhận định chính xác thời cơ; đồng thời, kiên quyết chớp thời cơ, phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Cách mạng Tháng Tám là một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đã đập tan ách xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp kéo dài gần 90 năm, đồng thời lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót ngàn năm Bắc thuộc. Cách mạng Tháng Tám thành công đã tạo nên bước ngoặt trọng đại trong tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ đây, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta là người làm chủ đất nước, đoàn kết một lòng cùng nhau bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Cuộc cách mạng này còn là sự kiện mang tầm vóc thời đại, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc, đã cổ vũ các dân tộc thuộc địa, nhân dân bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sự kiện này đã khắc vào dòng chảy lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, biểu tượng của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do.
Nhân dân Việt Nam mãi mãi tự hào về thành quả Cách mạng Tháng Tám bởi đó là sự kết tinh của truyền thống yêu nước nồng nàn, trí tuệ và ý chí quật cường của dân tộc được phát huy lên tầm cao mới dưới sự lãnh đạo thiên tài của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Cách mạng Tháng Tám đã để lại những bài học có giá trị vĩ đại trường tồn cùng đất nước và dân tộc. Đó là những bài học về xây dựng Đảng, về tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường để làm nên chiến thắng, và đặc biệt là bài học về nắm bắt đúng thời cơ cách mạng của Đảng ta.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Minh Thảo: “Thế và thời trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 8-2003.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7.
1Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.365.
2 Xem Văn kiện Đảng Toàn tập, Sdd, tập 7, tr.365-366.
3 Xem Văn kiện Đảng Toàn tập, Sdd, tập 7, tr.365-366.
4Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 416.
5Văn kiện Đảng Toàn tập, Sdd, tập 7, tr.418.
6Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 421.
TIN MỚI NHẬN
Lịch giảng dạy
Văn bản Nhà trường
thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |