Skip to Content

  Nghiên cứu trao đổi

DẤU ẤN CỦA TRUNG TƯỚNG VƯƠNG THỪA VŨ VỚI THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Publish date 06/10/2024 | 10:50 AM  | View count: 106

TS Hoàng Thị Phương - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

        Từ khóa : Vương Thừa Vũ, Thủ đô Hà Nội, nghệ thuật quân sự, giải phóng Thủ đô

         Đồng chí Vương Thừa Vũ là một trong những người con ưu tú của Hà Nội , là chỉ huy đầu tiên của mặt trận Hà Nội , C hủ tịch đầu tiên của y ban quân chính Hà Nội . Đồng chí đã cùng hàng nghìn , hàng vạn quân , dân , chiến sĩ chiến đấu hy sinh để bảo vệ T hủ đô ngàn năm văn hiến . Không chỉ vậy, đồng chí còn là một trong những vị tướng tài ba của quân đội nhân dân Việt Nam . Đồng chí có nhiều đóng góp cho hai cuộc kháng chiến của đất nước, cho khoa học quân sự hiện đại Việt Nam.

         Vương Thừa Vũ người con ưu tú của Hà Nội và các cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô

        Trung tướng Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sinh năm 1910 tại thôn Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Lúc nhỏ, đồng chí theo cha sang Vân Nam (Trung Quốc) sinh sống, rồi vào làm thợ cơ khí trong ngành hỏa xa tại Vân Nam. Năm 1940, đồng chí về nước, tổ chức hoạt động cách mạng; năm 1941 bị thực dân Pháp bắt giam và năm 1942 bị đày tại trại giam Bá Vân (Thái Nguyên). Được các chiến sĩ cộng sản vận động, đồng chí tham gia công tác binh vận, phụ trách huấn luyện quân sự trong tù và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1943. Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương. Khi đó, đồng chí đang bị giam tại Nghĩa Lộ (Yên Bái), cùng bạn tù phá ngục, sau đó dự định tổ chức bạo động giành chính quyền ở Nghĩa Lộ nhưng không thành. Đồng chí buộc phải lẩn trốn sự truy bắt của địch - việc này lại dẫn đến chuyện đồng chí mang tên Vương Thừa Vũ. Trong hồi ký Những chặng đường chiến đấu, đồng chí đã ghi lại sự ra đời của cái tên “Vương Thừa Vũ”. Sau khi trốn nhà tù Nghĩa Lộ, bị lạc vào núi Pá Hu, dân bản nhầm đồng chí là người của Pháp nên bắt và định đem xử bắn. May thay, đồng chí hiểu tiếng của dân bản. Nghe mọi người nói chuyện và biết rằng họ đều mang họ Vương. Trước khi bị đem đi xử bắn, được hỏi “mày họ gì”, đồng chí buột miệng trả lời là “họ Vương”. Do cùng họ với người trong bản, nên đồng chí được đón chào và giúp đỡ, nuôi giấu một thời gian. Từ đó đồng chí lấy tên là Vương Thừa Vũ để họat động cách mạng.

        Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, với tài năng của mình, đồng chí được giao giữ nhiều trọng trách: Năm 1946, đồng chí Chỉ huy trưởng bộ đội Hà Nội, Khu trưởng Khu 11 (Hà Nội), chỉ huy quân sự khu 2 bảo vệ Hà Nội.

        Dấu ấn lớn của đồng chí Vương Thừa Vũ với Hà Nội trước hết là cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân dân Thủ đô, khởi đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Theo kế hoạch, toàn mặt trận Hà Nội phải kìm chân địch để chính phủ di chuyển và ổn định ở cơ sở mới, các vùng phụ cận có thời gian tiêu thổ kháng chiến và tổ chức các đội du kích sẵn sàng đánh địch, nhân dân chủ động chuẩn bị kháng chiến. Để thực hiện được chỉ thị của cấp trên và kế hoạch chiến đấu, đồng chí đã cùng các đồng chí khác trong bộ chỉ huy liên khu và các đơn vị đi thị sát trận địa, xây dựng các phương án chiến đấu cụ thể ở từng khu vực, đồng thời xây dựng các lực lượng chiến đấu. Dấu ấn của đồng chí Vương Thừa Vũ trong cuộc chiến giam chân địch tại Hà Nội là nghệ thuật “trùng độc chiến” mà đồng chí là tác giả. Trong một lần chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ hỏi chuyện một anh đội trưởng đội tự vệ. Sau khi nghe anh trình bày ý định chuẩn bị tác chiến, Vương Thừa Vũ chợt nghĩ ra hướng chuẩn bị tích cực cho thành phố là cần xây dựng nhiều lớp chiến lũy, kết hợp với đào chiến hào và bố trí lực lượng chặn đánh thì mới có thể chống tăng, cơ giới và bộ binh địch hiệu quả. Vì đường phố đã có những chiến lũy chắn ngang nên cần đục tường từ nhà nọ thông sang nhà kia để bảo đảm sự cơ động cho lực lượng của ta. Từ suy nghĩ này, đồng chí Vương Thừa Vũ đã cùng với Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội xây dựng nhiều tầng lớp chiến lũy, có thể tổ chức cố thủ ngay trong thành phố dài ngày, hạn chế địch từ trung tâm đánh ra ngoại ô. Khi báo cáo kế hoạch, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tán thành ngay.[1] Với tác phong sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, đồng chí đến tận cơ sở giúp cho cán bộ chuẩn bị chiến đấu, làm các chướng ngại vật, đào hầm hào để chặn địch, đồng thời đục tường từ nhà nọ sang nhà kia. Quân và dân Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy mặt trận và sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy do đồng chí Vương Thừa Vũ là Chỉ huy trưởng mặt trận đã làm nên kỳ tích giam chân địch (khoảng 6.500 quân Pháp) ở Hà Nội trong hai tháng, gấp đôi thời gian dự kiến ban đầu. Với cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô, Hà Nội đã thực hiện xuất sắc chủ trương diệt địch đi đôi với giữ gìn lực lượng để kháng chiến lâu dài.

        Tám năm sau, đồng chí Vương Thừa Vũ đã chỉ huy Đại đoàn 308, Đại đoàn đầu tiên của quân đội Việt Nam tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Vinh dự đó của Đại đoàn được Trung ương Đảng, Bộ Tư lệnh giao cho không phải chỉ vì Đại đoàn có Trung đoàn Thủ đô ra đi hẹn “ngày về” mà còn vì nhiều chiến công trong kháng chiến chống Pháp ở các chiến dịch lớn. Đồng chí được giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đoàn 308, thay mặt cho toàn quân từ năm cửa ô tiến vào giải phóng Thủ đô Hà Nội với cương vị là Chủ tịch Ủy ban quân chính Hà Nội. Đây là cuộc trở về “độc nhất vô nhị”, bởi ta không đánh vào Thủ đô mà giải phóng được Thủ đô. Cảm xúc vui mừng đến nghẹn ngào của “ngày trở về” còn nguyên vẹn trong trong hồi ký Trưởng thành trong chiến đấu của đồng chí: “Hôm nay Hà Nội là rừng cờ hoa. Càng tiến sâu vào trong lòng Hà Nội, càng khó nén nổi xúc động, mắt nhòa lệ vì niềm vui gặp mặt, niềm vui về lại Thủ đô. Nhất là các cán bộ; chiến sĩ năm xưa đã chiến đấu trên mảnh đất này khi được lệnh ra đi đã hứa với Hà Nội sẽ trở về: “Ra đi hẹn một ngày về, Ba Đình còn đó, người thề còn đây”. Lời hứa đó hôm nay đã thành sự thật!”.

        Từ năm 1955-1963, đồng chí nhận nhiệm vụ là Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn; từ năm 1964 -1980 (lúc mất), là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện Quân chính, kiêm Tư lệnh Quân khu 4 (1964-1971). Đồng chí được phong quân hàm Trung tướng năm 1974.

        Không chỉ có nhiều công lao trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, đồng chí còn có nhiều đóng góp cho khoa học quân sự Việt Nam hiện đại, luôn chăm lo tổng kết kinh nghiệm chiến đấu, nâng lên thành lý luận và khái quát cô đọng, dễ nhớ để huấn luyện cán bộ, chiến sĩ.

Trong quá trình hoạt động, chiến đấu, đồng chí đã viết nhiều tác phẩm quan trọng như: Hà Nội 60 ngày khói lửa , N hững ngày ở chiến khu 2 , M ấy vấn đề về quản lý bộ đội , K inh nghiệm chỉ huy chiến đấu , K ế thừa quá khứ hướng về tương lai Đây chính là những tri thức quân sự quý báu về sự vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự của Đảng, nghệ thuật quân sự truyền thống vào cách đánh cụ thể, đào tạo cán bộ và huấn luyện bộ đội. Đồng chí đã cùng nhiều tướng lĩnh, cán bộ sưu tầm, nghiên cứu, chỉ huy bộ đội lập nên nhiều chiến công; vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự của Đảng, tổng kết thành lý luận và từ lý luận chỉ đạo thực tiễn làm cho chiến thuật Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ phát triển phong phú. Cùng với toàn dân, toàn quân, những tri thức quân sự của đồng chí Vương Thừa Vũ đã góp phần đưa nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh phát triển lên những đỉnh cao mới, đánh địch trong điều kiện địch được trang bị vũ khí hiện đại hơn ta nhiều lần.

         Học tập trung tướng Vương Thừa vũ, người con của Thủ đô, gắn bó và cống hiến hết sức mình cho cuộc đấu tranh bảo vệ Thủ đô

Trong quá trình hoạt động cách mạng, với nhiều nhiệm vụ được giao, trên cương vị nào đồng chí Vương Thừa Vũ cũng luôn đem hết tinh thần, nghị lực và trí tuệ của mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Thủ đô, giải phóng dân tộc và xây dựng quân đội. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi nhận: “Bao trùm lên trên hết, Vương Thừa Vũ là một người cộng sản có đạo đức cách mạng; một vị tướng dũng, nhân, tín, liêm, trung như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy”. Có thể nói, trung tướng Vương Thừa Vũ là một tấm gương về học tập, tổng kết thực tiễn và luyện quân. Với những cống hiến lớn lao cho quân đội, cho đất nước, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương khác.

        Lịch sử đã có độ lùi cần thiết để thêm một lần nữa chúng ta khẳng định lại những đóng góp to lớn của đồng chí Vương Thừa Vũ. Tên của Trung tướng đã được đặt cho một đường phố ở Hà Nội. Đó là nghĩa tình của quân dân, của chính quyền và Đảng bộ thành phố Hà Nội đối với đồng chí. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nhắc nhớ lại những năm tháng hào hùng để nhân dân Thủ đô tiếp tục học tập tấm gương sáng của đồng chí Vương Thừa Vũ, một vị tướng tài ba của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, một người con ưu tú của Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, gắn bó và cống hiến hết sức mình cho cuộc đấu tranh bảo vệ Thủ đô, giải phóng đất nước. Học tập tấm gương đồng chí Vương Thừa Vũ, toàn Đảng bộ, quân và dân Thủ đô tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội  "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

        Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội với các nữ sinh trường Trưng Vương vây quanh tặng hoa chúc mừng bên hồ Hoàn Kiếm trong ngày giải phóng Thủ đô.

 

Ảnh: Tư liệu TTXVN

 


[1] Theo Báo Quân đội Nhân dân điện tử ngày 02/10/2023, Trung tướng Vương Thừa Vũ - người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội, https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-vuong-thua-vu-nguoi-con-uu-tu-cua-thu-do-ha-noi-745229

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh