Skip to Content

  TIn mới nhận

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC
Publish date 29/08/2024 | 9:53 AM  | View count: 27

Trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong 94 năm qua, đặc biệt là sau gần 40 năm đổi mới, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước.

        Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, gìn giữ, phát huy văn hóa Việt Nam cũng còn không ít bất cập, hạn chế, yếu kém, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người và môi trường văn hóa. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu rộng đặt ra nhiều thách thức với việc giữ gìn, phát huy các giá trị của văn hóa truyền thống. Do vậy, trong những năm qua, sự quan tâm lãnh đạo công tác văn hóa của Đảng ta ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn, coi văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, đột phá chiến lược, đặt phát triển văn hóa ngang hàng với phát triển kinh tế, phát huy giá trị của văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, xây dựng quốc gia văn hiến, anh hùng.

        Nhằm hệ thống sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giúp các ngành, các cấp, các địa phương, cán bộ, đảng viên, Nhân dân xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực nội sinh cho phát triển đất nước, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng

Cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

        Cuốn sách tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian gần 60 năm qua. Nội dung các bài phát biểu, bài viết thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đồng chí cố Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

        Nội dung cuốn sách gồm ba phần:

         Phần thứ nhất: Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, gồm 19 bài phát biểu, bài viết của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị công tác tư tưởng - văn hóa toàn quốc, Hội nghị Tuyên giáo toàn quốc,... thể hiện tư tưởng nhất quán của người đứng đầu Đảng ta đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các bài viết, bài phát biểu của  đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên nhiều cương vị, qua các thời kỳ cho thấy tư duy sâu sắc, toàn diện của đồng chí về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa, truyền thống lịch sử vẻ vang nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam và mối quan hệ biện chứng gắn kết giữa lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp văn hóa do Đảng lãnh đạo. Năm 1998, sau khi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa được ban hành, để luận giải rõ hơn những nhiệm vụ được chỉ ra trong Nghị quyết, đồng chí đã giải thích: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, với những đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bao gồm trong lòng nó các mối quan hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại; kế thừa và phát triển; dân tộc và quốc tế, trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Mục tiêu của xây dựngvà phát triển nền văn hóa được đồng chí chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mĩ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học, làm cho văn hóa phải thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

        Bằng những lập luận chắc chắn và đầy sức thuyết phục, những dẫn chứng rất phong phú và sinh động, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định quan điểm, đường lối nhất quán của Đảng về văn hóa; đồng thời nhận thức rất chi tiết, đầy đủ, định hướng chính xác và khoa học về các lĩnh vực văn hóa, từ diện mạo, đặc điểm, loại hình, khuynh hướng, trường phái đến đội ngũ văn nghệ sĩ... Đồng chí cũng lý giải cụ thể nội hàm của khái niệm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phân tích mục tiêu, nhiệm vụ, những yếu tố tác động và định hướng giải pháp cần thực hiện để nền văn hóa Việt Nam ngàn năm văn hiến tiếp tục được kế thừa và phát triển trong thời kỳ mới.

         Phần thứ hai: Phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững, tuyển chọn 73 bài phát biểu, bài viết, thư của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các lĩnh vực văn hóa cũng như quá trình xây dựng, phát triển của từng cơ quan văn hóa cụ thể.

        Văn hóa bao gồm nhiều lĩnh vực, phong phú và rộng lớn, như văn hóa nghệ thuật, đạo đức, lối sống, văn hóa yêu nước, văn hóa giáo dục, báo chí - xuất bản,... Là một nhà văn hóa, chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã quan tâm và có ý kiến rất sâu sắc đối với từng ngành, từng lĩnh vực văn hóa. Xét về loại hình, đồng chí quan tâm và có ý kiến chỉ đạo cụ thể, từ văn học, nghệ thuật đến giáo dục, khoa học, từ báo chí - xuất bản đến xây dựng phong trào học tập, phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ, phát động các phong trào thi đua, khơi dậy tinh thần yêu nước... Đồng chí quan tâm sâu sát đến từng lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, rèn luyện cách nói, cách viết, ngôn ngữ biểu hiện của người nghệ sĩ, người cầm bút, người sáng tác,...

        Với kiến thức chuyên sâu và sự am hiểu về đặc trưng của từng loại hình văn hóa, từ văn học, sân khấu đến mỹ thuật, nhiếp ảnh, thể dục thể thao, từ ca dao, dân ca đến ca trù, quan họ, từ những làn điệu chèo đến những câu hò ví dặm, hay đờn ca tài tử,... phản ánh bản sắc văn hóa của từng vùng, miền, địa phương trên cả nước như Thăng Long - Hà Nội, Bắc Ninh - Kinh Bắc đến Phú Thọ, Thái Bình, dân ca Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ... đồng chí Nguyễn Phú Trọng có những dẫn chứng rất sinh động và lập luận thuyết phục, định hướng vừa mang tầm chiến lược, bao quát, nhìn xa trông rộng, lại vừa rất cụ thể, gần gũi. Nói về vai trò của văn học, nghệ thuật - “tiếng nói của tình cảm” và các nhà văn - “người dự báo”, “thư ký của thời đại”, đồng chí chỉ rõ: “Mỗi tác phẩm văn học, nghệ thuật thật sự có giá trị phải có sức lay động công chúng, độc giả bằng trách nhiệm, tấm lòng, trái tim của người nghệ sĩ"; “Sự nghiệp sáng tạo văn học đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn”. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, nhà văn cần có “khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn vĩ đại của cuộc sống nhân dân, chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn chương như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường”, làm cho người đọc sau khi gấp sách lại đều cảm thấy “mạch đời đập dưới bìa sách như mạch máu đập dưới làn da".

        Trong các bài phát biểu, bài viết, đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, cán bộ làm công tác văn hóa. Đồng chí luôn luôn nhấn mạnh phải chú ý phát huy tài năng, tâm huyết, động viên sự sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong việc tham gia phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước; khuyến khích các tài năng trẻ và có hình thức tôn vinh xứng đáng các văn nghệ sĩ có công lao đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa. Văn hóa là sự nghiệp của Nhân dân, do vậy mỗi người dân phải tích cực tham gia, đóng góp vào việc sáng tạo nên những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, vun đắp cho nền văn hóa dân tộc ngày một hoàn thiện, cao đẹp hơn.

        Đồng chí Tổng Bí thư đánh giá cao vai trò, trách nhiệm và những đóng góp nổi bật của các địa phương, cơ quan, đơn vị; cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thông qua các hoạt động thiết thực như đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; biểu dương những tấm gương điển hình trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới; kịp thời phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc,...

        Những bài nói, bài viết, bài phát biểu, thư,... của đồng chí Nguyễn Phú Trọng được chọn lọc trong Phần thứ hai của cuốn sách cho thấy sự am hiểu sâu sắc, toàn diện về bản chất và đặc trưng văn hóa Việt Nam của người đứng đầu Đảng ta.

         Phần thứ ba: Từ luận điểm văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống, chọn lọc 32 bài viết, trả lời phỏng vấn của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong nghiên cứu, học tập và triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng cũng như ý kiến chỉ đạo của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

        Việc triển khai trong thực tiễn nhiệm vụ xây dựng văn hóa từ chiến lược chung đến các lĩnh vực cụ thể của các cơ quan, ban, bộ, ngành, địa phương cho thấy sự vào cuộc nhanh chóng, khẩn trương của cả hệ thống chính trị, đúng với tinh thần: văn hóa là sự nghiệp của Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng các hình thức sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương, mang hơi thở cuộc sống. Với góc nhìn đa chiều, phong phú, sáng tạo, nhiều vấn đề bất cập tồn tại từ lâu đã được giải quyết, nhiều cách làm hay, hiệu quả được áp dụng, tiềm năng của địa phương được khai thác và phát huy. Văn hóa từng bước thấm sâu vào các lĩnh vực của cuộc sống, đồng hành với phát triển kinh tế - xã hội. Các bài viết đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời phát huy và quảng bá văn hóa Việt Nam với cộng đồng quốc tế, góp phần thực hiện đường lối ngoại giao văn hóa rất đặc sắc của Việt Nam.

        Trong nhiều bài phát biểu, bài viết, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn khẳng định nguyên tắc: phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong nước, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh, lành mạnh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người. Đó là công việc rất rộng lớn, vô cùng khó khăn, phức tạp, không riêng của một tổ chức, một cơ quan hay ngành Văn hóa, mà phải làm cho văn hóa “thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người".

        Cuốn sách cũng tuyển chọn hơn 100 bức ảnh tư liệu quý, ghi lại những hình ảnh của Tổng Bí thư trong các hoạt động văn hóa, hội nghị văn hóa; các chuyến đi thăm, làm việc với các địa phương; các cuộc làm việc với các cơ quan, đơn vị trong ngành Văn hóa; các buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa trên mọi miền Tổ quốc. Các bức ảnh đều cho thấy, bên cạnh tầm văn hóa, tư duy văn hóa, đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là con người văn hóa, đồng thời là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của Đảng.

        Cuốn sách được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành tháng 5 năm 2024.

        Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!

 

                   Tin và ảnh: Phan Thị Thu Hiền – Phòng TC,HC,TT,TL

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh