Truy cập nội dung luôn

  KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA VỀ PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Ngày đăng 10/01/2025 | 3:51 PM  | View count: 46

Th.S Nguyễn Thị Hải Vân - GVC Khoa Lý luận cơ sở

        Tóm tắt: Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm và sự chỉ đạo xuyên suốt về xây dựng, bảo vệ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là động lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Đảng luôn xác định, “đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

        Từ khóa: phát huy sức mạnh đại đoàn kết; đại đoàn kết toàn dân tộc; quan điểm của Đảng về đại đoàn kết.

        Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra một hệ thống quan điểm, luận điểm sâu sắc về đại đoàn kết dân tộc làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trước lúc đi xa, Người còn để lại Di chúc thiêng liêng căn dặn những điều vô cùng giá trị: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình[1]. Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, tua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, đường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực chung sức, chung lòng cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

         1. Q uan điểm, chủ trương của Đ ảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc qua các kỳ Đại hội

        Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thấy động lực cách mạng từ quảng đại quần chúng và xác định nhiệm vụ tổ chức, tập hợp, đoàn kết, coi đây là chiến lược xuyên suốt, nhất quán, là cội nguồn của sức mạnh trong mọi thời kỳ cách mạng. Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 đã thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, trong đó hàm chứa những luận điểm về xây dựng khối đại đoàn kết, bao gồm lực lượng của nhiều giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam. Sách lược vắn tắt của Đảng ghi rõ: Đảng phải thu phục đại bộ phận và làm cho giai cấp công nhân đóng vai trò lãnh đạo dân chúng, phải thu phục đại bộ phận giai cấp nông dân, đồng thời “phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh Niên, Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập[2].

        Trước tình hình Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, nhân dân Việt Nam và Đông Dương đứng trước nguy cơ tồn vong dưới sự cai trị của thực dân Pháp và quân phiệt Nhật, Đảng chủ trương tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi thống nhất lực lượng dân tộc là điều kiện cốt yếu để đánh đổ đế quốc Pháp. Đảng chủ trương xây dựng Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), nhằm huy động sức mạnh toàn dân tộc, phát huy tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, chớp thời cơ tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945). Và với sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy đến mức cao nhất, đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp, đánh đuổi thành công đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc và cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; tiếp tục giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam.

        Trước sự khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, kéo dài của đất nước, việc đổi mới toàn diện là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh dân tộc. Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của chiến lược đại đoàn kết dân tộc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng – Đại hội của công cuộc đổi mới đất nước đã xác định: "Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động"[3].

        Để tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc và làm tốt công tác xây dựng Mặt trận đối với công cuộc đổi mới đất nước, ngày 17/11/1993, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 07-NQ/TW “về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất”. Nghị quyết nhấn mạnh: Đoàn kết dân tộc trở thành một nội dung quan trọng trong phát triển đất nước, phát triển xã hội.

        Kế thừa và phát triển quan điểm của Đại hội VI, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, khẳng định: "Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hôm nay"[4].

        Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001), diễn ra trong bối cảnh nhân loại đã kết thúc thế kỷ XX, bắt đầu bước vào thế kỷ XXI, những thời cơ và thách thức đặt ra cho cách mạng Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX đã nhấn mạnh: "Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội"[5]. Nhờ có phát huy sức mạnh của khối đoàn kết trong Đảng và đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà cách mạng Việt Nam đã có được sức mạnh tổng hợp vượt qua thời kỳ khủng hoảng, vô cùng khó khăn đối với sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội. Trước sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô, cách mạng Việt Nam không những giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa mà còn đưa đất nước tiếp tục quá độ lên chủ nghĩa xã hội với sự kiên định vô cùng đặc biệt: “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” [6].

        Để tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã ra Nghị quyết về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Cụm từ “Đại đoàn kết toàn dân” được bổ sung, hoàn chỉnh thành “Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đoàn kết không chỉ đối với nhân dân trong nước mà còn với cả cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

        Tiếp tục kế thừa và phát triển quan điểm của các kỳ Đại hội trước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X nhấn mạnh: phát huy sức mạnh toàn dân tộc là "nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"[7].

        Phát triển thêm một bước từ quan điểm của Đại hội X, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, lần đầu tiên Đảng ta đề cập đến yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đó là: "Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…"[8]

        Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (1-2016) của Đảng nhấn mạnh đến nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc, đó chính là liên minh công – nông và trí thức: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo [9].

        Trên cơ sở kế thừa và bổ sung quan điểm tại các kỳ Đại hội trước về những nhân tố tạo thành động lực phát triển đất nước, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…” [10].

        Như vậy, quan điểm về phát huy sức mạnh toàn dân tộc của Đảng ta qua các kỳ đại hội được thể hiện qua các nội dung sau:

         Một là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

        Đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là động lực và nguồn sức mạnh to lớn, là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

         Hai là, đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng. Được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

         Ba là, vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc bắt đầu từ sự đặt đúng vị trí của yếu tố lợi ích, theo quan điểm được xác định từ Nghị quyết Trung ương 8 khóa VI là: "Động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hòa các lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ công dân"[11].

         Bốn là, thực hiện dân chủ và phát huy chủ nghĩa yêu nước là những yếu tố quan trọng để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước luôn luôn là động lực lớn nhất của dân tộc ta trong quá trình lịch sử. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng.

        Với sự khẳng định này, Đảng đề cao vai trò của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng đất nước giai đoạn mới, khẳng định mạnh mẽ hơn và thể hiện mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội với “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” chính là điểm hội tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

         2. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay

        Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó cán bộ, đảng viên có vai trò rất quan trọng. Trong giai đoạn hiện nay, cán bộ, đảng viên cần thực hiện một số trách nhiệm sau:

         - Thứ nhất, cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc.

        Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức: Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nội dung tư tưởng, chính trị và giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng nhằm phát huy sức mạnh nội lực, tạo động lực cho công cuộc đổi mới đất nước của Đảng, của dân tộc. Mỗi cán bộ, đảng viên cần coi đây là một niềm vinh dự, hạnh phúc khi được tham gia cống hiến và phục vụ cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

         - Thứ hai, cán bộ, đảng viên phải xung phong, gương mẫu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đấu tranh tự rèn luyện phẩm chất đạo đức: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư để giữ gìn phẩm chất đạo đức, xứng đáng là “công bộc” của dân.

        -Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên phải gần dân, sát cơ sở, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm cho mọi người dân đều được tiếp cận một cách minh bạch, công bằng với các điều kiện phát triển. Đây chính là yếu tố vững chắc để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nền tảng để đưa đất nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI.

         - Thứ tư, cán bộ, đảng viên cần phải có lập trường tư tưởng vững vàng, có khát vọng.

        Cán bộ, đảng viên xác định phấn đấu vì một mục tiêu chung - đó là hiệu quả công việc, phát huy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm , dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng; thực hiện đầy đủ quyền hạn, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác; hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao với chất lượng, hiệu quả cao. Có như vậy thì thi đua sẽ không trở thành ganh đua, gây mất đoàn kết. Khi đã có chung một lý tưởng thì mọi người sẽ chung sức, chung lòng và thân ái với nhau hơn.

         - Thứ năm, cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt đoàn kết trên tinh thần tự phê bình và phê bình.

        Đoàn kết không có nghĩa là im lặng, làm ngơ, là bao che cho những khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp của mình. Để giúp cho bản thân và đồng chí, đồng nghiệp của mình cùng tiến bộ, mỗi cá nhân phải nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Dũng cảm, thẳng thắn nhận ra những thiếu sót, sai lầm, của chính bản thân, của đồng chí, đồng nghiệp và thẳng thắn góp ý để chỉ ra những cái sai của nhau, và chỉ ra phương hướng để cùng sửa chữa. Đồng thời, động viên, khuyến khích đồng chí, đồng nghiệp phát huy ưu điểm, tham gia xây dựng, cùng chia sẻ và tiếp thu những cái hay, cái tốt để phát triển bản thân và tổ chức. Tuy nhiên việc góp ý kiến cần phải có thái độ thành khẩn, trung thực, đúng lúc, đúng nơi, khéo kết hợp tự phê bình và phê bình.

         - Thứ sáu, cán bộ, đảng viên cần luôn phát huy và giữ vững tinh thần đoàn kết, xây dựng cơ quan, đơn vị đoàn kết, trong sạch, vững mạnh.

        Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên là một thực thể không thể tách rời trong tập thể. Để có thể tập hợp, đoàn kết mọi người trong đơn vị, cần tôn trọng những điểm khác biệt của mỗi cá nhân; thống nhất giữa lợi ích chung của tập thể với lợi ích riêng của từng cá nhân, tôn trọng lợi ích cá nhân nhưng không trái với lợi ích chung của tập thể. Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải biết đặt lợi ích chung của tập thể, của cơ quan lên trên lợi ích cá nhân. Đó là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết nội bộ ngày càng vững chắc.

         - Thứ bảy, xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

        Cán bộ, đảng viên cần nắm vững quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc; thường xuyên nâng cao ý thức trách nhiệm về thực hành theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

         - Thứ tám, tham gia tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng những mặt còn hạn chế, yếu kém của các cấp chính quyền và vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuyên truyền, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, mọi người Việt Nam nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc để làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mỗi người.

         Tóm lại, đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc. Cần ra sức chăm lo bồi đắp, bảo vệ, gìn giữ khối đại đoàn kết là trách nhiệm của hệ thống chính trị và đặc biệt là của đội ngũ cán bộ, đảng viên.  Điều đó đã được khẳng định rất rõ ngay trong chủ đề đại hội XIII của Đảng “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [12] . Hiện nay, trong giai đoạn Đảng ta thực hiện cuộc cách mạng về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy và chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XIV của Đảng, việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng cần tăng cường hơn nữa. Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện thành công.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I (1930-1954), Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2018.

2. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng: Tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, 2022

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011 (bộ 15 tập).

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb.Sự thật, H.1991.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần VIII, IX, X, XI, XII, XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.1996, 2001, 2006, 2011, 2016, 2021.

 

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 611

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.3

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, t. 47, tr. 549

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.73

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.23

[6] Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, 24 /9/ 2015

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr. 116

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr. 240

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.158.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. l10.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, t. 50, tr. 83

[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại  hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQG Sự thật, Hà Nội, 2021,t.1,tr.111-112.

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh