Truy cập nội dung luôn

  TIn mới nhận

GIỮ VỮNG VÀ PHÁT HUY BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Ngày đăng 25/03/2024 | 9:42 AM  | View count: 57

Ths. Phạm Thùy Liên - Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

      Tóm tắt bài viết:

       Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, giai cấp công nhân luôn là lực lượng tiên phong của cách mạng, luôn giữ vai trò, vị trí trung tâm trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Hiện nay, Đảng ta luôn khẳng định việc nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ công nhân là nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

       Từ khóa: bản lĩnh chính trị, giai cấp công nhân Việt Nam, bản chất giai cấp công nhân.

      Bản lĩnh chính trị là phần cốt lõi, cơ bản nhất, là phẩm chất quan trọng cần phải có hàng đầu của mỗi cán bộ, đảng viên; là tập hợp những phẩm chất tích cực, tiến bộ của mỗi người được thể hiện trong hoạt động chính trị, thể hiện trình độ làm chủ các tình huống chính trị, sự vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, kiên định mục đích chính trị đã lựa chọn và mang lại những thắng lợi nhất định.

      Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, một trong những yếu tố quyết định đưa đất nước giành được những thành tựu vĩ đại, vẻ vang là nhờ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, khắc phục khó khăn của Đảng Cộng sản Việt Nam, của toàn dân tộc Việt Nam nói chung và bản lĩnh chính trị của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức nói riêng trong những chiến thắng vĩ đại, vẻ vang đó.

       Vai trò chính trị của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay

       Giai cấp công nhân Việt Nam là chỗ dựa và cơ sở xã hội chính trị tin cậy của hệ thống chính trị.

      Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đặt ra yêu cầu cao đối với giai cấp công nhân đó là giai cấp công nhân phải là chỗ dựa tin cậy của Đảng, giúp đỡ, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân lao động khác khắc phục khó khăn, ra sức phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, tham gia giải quyết các công việc chung của xã hội.

      Trong thực tế giai cấp công nhân cùng toàn dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị bằng nhiều hình thức khác nhau: đóng góp ý kiến hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần xây dựng các tổ chức Đảng, Nhà nước trong các buổi tiếp dân, trước cử tri… Và nhất là bằng lá phiếu để lựa chọn những đại biểu xứng đáng của mình trong hệ thống chính trị. Hơn nữa, có nhiều công nhân trưởng thành, tin cậy đã trở thành những thành viên tích cực của các tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.

      Giai cấp công nhân Việt Nam tin tưởng vào công cuộc đổi mới đất nước, gương mẫu thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phần lớn công nhân đã kiên định trước những biến động phức tạp, khó khăn trong nước và trên thế giới, tham gia đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” bảo vệ chế độ, tích cực đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực và tệ nạn xã hội.

Giai cấp công nhân Việt Nam là nòng cốt trong liên minh công - nông - trí thức, nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc.

      Liên minh công - nông - trí thức mang tính tất yếu trong mọi quá trình cách mạng và đặc biệt trong công cuộc xây dựng xã hội mới, trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong thực tế, trên cơ sở phân công lao động xã hội của mình mà công - nông - trí thức đoàn kết để hợp lực cùng xây dựng và bảo vệ vững chắc chế độ chính trị mới và định hướng xã hội chủ nghĩa để cùng xây dựng nền kinh tế mới trong thời kỳ quá độ là nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, để cùng xây dựng nền văn hóa mới, con người mới góp phần hình thành một xã hội văn minh ở nước ta. Liên minh công nông trí thức mang tính toàn diện. Trong đó, liên minh về kinh tế là quan trọng, thường xuyên và khó khăn hơn.

      Trong sự liên minh ấy, giai cấp công nhân là nòng cốt thông qua vai trò quan trọng của kinh tế công nghiệp trong nền kinh tế quốc gia, tính chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế nhiều thành phần, tính trọng tâm gương mẫu của kinh tế trung ương trong quản lý phát triển vùng miền, đường lối chính sách sát thực và đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong định hướng, động viên, trọng tài cho sự liên minh, chính là sự gương mẫu sáng tạo của người công nhân, tổ chức của công nhân trong quá trình liên minh, liên kết.

      Khi công - nông - trí thức - lực lượng đông đảo nhất, nguồn lực phát triển quan trọng nhất của liên minh chặt chẽ sẽ tạo ra nền tảng để đoàn kết, lôi cuốn mọi giai tầng khác kể cả các cá nhân, đồng thời ngăn chặn được những âm mưu chia rẽ nhân dân và mâu thuẫn dân tộc. Từ đó khối đại đoàn kết toàn dân sẽ được mở rộng, là động lực chủ yếu cho thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

       Giai cấp công nhân Việt Nam góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn trật tự an ninh xã hội.

      Bộ phận công nhân trong quân đội góp phần xây dựng và thể hiện đường lối quốc phòng toàn dân và tăng cường bản chất giai cấp công nhân cho các tổ chức, đơn vị vũ trang, qua đó bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đường lối quốc phòng toàn dân phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong đó có công nhân nước ta.

       Giữ vững bản lĩnh chính trị, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng trong giai đoạn hiện nay

      Trong những năm gần đây, các thế lực thù địch phản động tăng cường chống phá trên mặt trận tư tưởng, lý luận, trong đó có sự xuyên tạc, phủ nhận bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tung ra rất nhiều luận điệu như: chúng cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam không còn là Đảng mang bản chất giai cấp công nhân, mà là Đảng của nông dân và trí thức; trong điều kiện đổi mới và phát triển kinh tế thị trường, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã làm cho Đảng biến chất, không còn mang bản chất giai cấp công nhân. Sự xuyên tạc, chống phá này đã được tiến hành một cách toàn diện và tác hại của nó diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ.

      Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước chân chính. Việc khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta không có nghĩa là tách rời Đảng, giai cấp với các tầng lớp nhân dân lao động, với toàn thể dân tộc, mà còn khẳng định một cách sâu sắc Đảng ta là người đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc.

      Như vậy, khi nói đến bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta nghĩa là nói đến tính cách mạng, khoa học, tiên phong về trí tuệ, bản lĩnh và hành động; ý thức tổ chức, kỷ luật chặt chẽ và thể hiện đạo đức, văn minh và phẩm giá của con người. Bản chất đó xuyên suốt, thấm sâu vào tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng thể hiện không phải chỉ ở số lượng đơn thuần nhiều hay ít đảng viên xuất thân từ thành phần công nhân, mà còn gồm cả lập trường, tư tưởng, quan điểm, đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức của Đảng và việc thực hiện các vấn đề này còn thể hiện ở quan điểm của giai cấp công nhân - giai cấp tiên tiến nhất, giai cấp cách mạng nhất, giai cấp có ý thức tổ chức kỷ luật nhất và có bản chất quốc tế trong sáng. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng không hề đối lập với tính dân tộc, mà còn thấm đượm tinh thần dân tộc, nâng dân tộc lên tầm cao mới.

       Đề xuất một số giải pháp giữ vững và phát huy bản lĩnh chính trị của giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay:

       Một là, Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cần phải chăm lo xây dựng và bồi dưỡng toàn diện cho giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn cả về chính trị, tư tưởng tổ chức, hoạt động và nghề nghiệp. Ở đâu có doanh nghiệp, có công nhân, ở đó có tổ chức công đoàn hoạt động.

      Xây dựng và phát triển giai cấp công nhân phải chú trọng cả về số lượng và chất lượng, nhất là chất lượng chính trị, chuyên môn, tác phong công nghiệp, đạo đức và lối sống. Đặc biệt, xây dựng thế hệ công nhân trẻ, sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ đổi mới, trở thành bộ phận nòng cốt của giai cấp, có học vấn, có học thức hiện đại, có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn cao ngang tầm khu vực và quốc tế

       Hai là, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, thể hiện bằng cơ chế chính sách, pháp luật của nhà nước, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa phát triển, tăng trưởng kinh tế với việc chăm lo xây dựng giai cấp công nhân, nâng cao địa vị của giai cấp công nhân trong đời sống tinh thần, văn hóa của xã hội, đồng thời phải quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân hiện nay, nâng cao đời sống vật chất tinh thần văn hóa của giai cấp công nhân.

       Ba là, trí thức hóa công nhân, bản thân giai cấp công nhân phải phát huy đầy đủ vai trò là đội ngũ chủ lực, lực lượng tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, lực lượng đi đầu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

       Bốn là, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng của Nhà nước và của toàn xã hội và của mỗi người công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, gắn liền với Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng giai cấp công nhân phải gắn liền với xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, xây dựng cùng cố khối đoàn kết vững chắc giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức để làm nền tảng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

      Xây dựng và phát triển giai cấp công nhân phải gắn liền với nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng, nhiệm trọng tâm là phát triển kinh tế và phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Giữ vững và phát huy bản lĩnh chính trị của giai cấp công nhân là trách nhiệm của toàn Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, trong đó công nhân và công đoàn, chủ động, tích cực trong việc đề xuất cho Đảng, Nhà nước về những biện pháp thiết thực, có hiệu quả nhằm xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, xứng đáng với vị trí, vai trò của của lực lượng cách mạng này trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước./.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Chí Bảo (2012): Chủ nghĩa xã hội hiện thực và quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1.

3. Nguyễn Phú Trọng (2022): Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội.

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh