Truy cập nội dung luôn

  TIn mới nhận

HỌC TẬP CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC” ĐỂ XÂY DỰNG VÀ CHỈNH ĐỐN ĐẢNG
Ngày đăng 18/05/2024 | 11:20 AM  | View count: 51

Th.S Nguyễn Thị Hải Vân - GVC Khoa Lý luận cơ sở

      Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho cách mạng Việt Nam những bài học vô cùng giá trị về“Sửa đổi lối làm việc”. Học tập và làm theo những bài học ấy của Người vừa giúp Đảng sửa chữa khuyết điểm, vừa giúp nâng cao chất lượng hoạt động, củng cố, giữ vững, phát huy vai trò lãnh đạo đối với cách mạng Việt Nam. Đồng thời, việc học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng cũng góp phần bảo vệ giá trị cách mạng và khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

      Từ khóa: sửa đổi lối làm việc, sửa chữa khuyết điểm, học tập Hồ Chí Minh

      Cách đây 78 năm, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc", mang bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “PHẢI SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC CỦA ĐẢNG”[1]. Đó là yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, là nhiệm vụ thường xuyên, vừa lâu dài, vừa cấp bách của một Đảng chân chính, nhằm làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng trong tình hình mới. Những điều Người chỉ ra trong đó như một tất yếu cô đọng về học thuyết xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã đặt cơ sở khoa học chính xác và thiết thực nhất cho công tác này, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Đến nay, những lời chỉ dẫn của Người vẫn còn nguyên vẹn giá trị to lớn đối với cách mạng Việt Nam.

      1. Về sự cần thiết phải sửa đổi lối làm việc của Đảng

      Theo Hồ Chí Minh, Đảng cần sửa đổi lối làm việc, vì trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã bộc lộ những khuyết điểm mà Người gọi căn bệnh. Nhưng điều đặc biệt ở đây là, Người đã chỉ ra nguyên nhân của những khuyết điểm đó không phải là do bản chất của Đảng, mà là do cán bộ, đảng viên làm việc không đúng, không khéo: “Cán bộ và đảng viên làm việc không đúng, không khéo, thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều. Đó là lẽ tất nhiên”[2].

      Vì vậy, theo Người, muốn cho khuyết điểm ít đi và thành tích nhiều lên thì người cán bộ, đảng viên phải làm việc cho đúng, cho khéo. Người nhấn mạnh: “ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa, và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”. [3].

      2. Về các “căn bệnh” mà trong Đảng thường mắc phải và nguyên nhân của nó

      Hồ Chí Minh đã đóng vai một “thầy thuốc” lão luyện, biết kết hợp sử dụng tất cả các phương pháp chẩn đoán bệnh của cả “Đông y và Tây y”, “khám bệnh” cho Đảng một cách rất kỹ lưỡng, thông qua đó gợi cho Đảng những chẩn đoán chính xác về các “căn bệnh” mà Đảng đang mắc phải. Ba căn bệnh nguy hiểm mà Người cho rằng Đảng cần phải sửa chữa nhanh chóng, đó là “bệnh chủ quan; bệnh hẹp hòi; bệnh ba hoa: “Mỗi chứng bệnh sinh ra do nhiều nguyên nhân. Nhưng kết quả nó đều làm cho người ta ốm yếu”[4].

      Một là, bệnh chủ quan

      Theo Hồ Chí Minh, đây là căn bệnh thuộc về nhận thức: “Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông”[5]. Căn bệnh này xuất hiện khi cán bộ, đảng viên không quan tâm đến lý luận, cho rằng chỉ cốt công việc thực tế. Nhưng cũng có người học nhiều lý luận, thậm chí học giỏi nhưng không vận dụng vào thực tế cho nên học xong lý luận không có tác dụng, lý luận vẫn là một thứ gì đó trừu tượng, xa vời với cuộc sống. Cả hai trường hợp ấy đều dẫn đến cán bộ không có sự thay đổi, tiến bộ trong phương pháp và phong cách làm việc. Rõ ràng, đây là một căn bệnh rất nguy hiểm.

      Hai là, bệnh hẹp hòi. Hồ Chí Minh cho rằng đây là căn bệnh thuộc về thái độ và cách cư xử trong các mối quan hệ trong việc dùng người, dẫn đến giải quyết công việc một cách phiến diện. Bệnh này cũng khá nhiều cán bộ, đảng viên thường mắc phải. Những người mắc “bệnh” này thường có biểu hiện ích kỷ, chỉ biết bản thân mình, hoặc biết địa phương mình, không quan tâm đến người khác, địa phương khác. Họ ưa thích và tham vọng có danh tiếng, khao khát và tìm mọi cách để đạt đến địa vị trong xã hội, kể cả việc dìm người khác xuống và nâng mình lên. Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Bệnh này rất nguy hiểm, trong thì ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết, ngoài thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân”[6].

Người chỉ ra mức độ nguy hiểm của căn bệnh hẹp hòi chính là nguồn gốc sinh ra nhiều thứ bệnh khác trong Đảng như: “chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa…đều do bệnh hẹp hòi mà ra”[7].

Ba là, thói ba hoa. Hồ Chí Minh đã giải thích về biểu hiện của căn bệnh này như sau: "Thói ba hoa tỏ ra nhiều vẻ: dài dòng, rỗng tuếch”[9]; “cầu kỳ… khô khan, lúng túng”[10], “Báo cáo lông bông”[11, “Lụp chụp cẩu thả”[12];  “Bệnh theo "sáo cũ”[13].Thói ba hoa gắn với bệnh chủ quan và hẹp hòi. Thói ba hoa này bộc lộ ra khi cán bộ viết hoặc nói để tuyên truyền cho quần chúng nhân dân, nhưng viết hoặc nói dài dòng, không đi vào trọng tâm của vấn đề, không thể hiện được nội dung chủ đề cần tuyên truyền cho nhân dân. “Không nêu rõ vấn đề ra. Không phân tách, không đề nghị cách giải quyết các vấn đề. Không nói rõ tán thành hoặc phản đối”[14]. Người cán bộ, đảng viên mà mắc thói ba hoa thường đưa ra những báo cáo phản ánh không đúng tình hình thực tiễn, hoặc là không có các số liệu để chứng minh, hoặc là có nhưng số liệu giả, cốt để che đậy sự yếu kém, khuyết điểm, và lừa dối nhân dân, lừa dối cấp trên: “Thành thử cấp trên không hiểu rõ tình hình mà đặt chính sách cho đúng. Hoặc báo cáo chậm trễ. Thành thử khi cấp trên nhận được báo cáo, thì việc đã trễ rồi, không đối phó kịp.”[15].

      Từ quan sát, theo dõi những cuộc hội nghị ở các địa phương chỉ trong thời gian ngắn, Người đã rút ra kết luận về các triệu chứng của bệnh ba hoa mà các địa phương thường mắc phải như sau:

      - “Kém chuẩn bị”[16], tức là đảng viên trước khi đến dự hội nghị không được cung cấp tài liệu để nghiên cứu trước nên khi được hỏi ý kiến, không biết cần phát biểu đóng góp ý kiến về vấn đề gì, góp ý như thế nào?;

      - “Nói mênh mông”[17], nghĩa là có những đại biểu đã phát biểu khá nhiều, nhưng không có nội dung nào thiết thực, gắn liền với thực tiễn địa phương, với công việc mà quần chúng nhân dân địa phương phải thực hiện;

      - “Không đúng giờ”[18], đó là tình trạng người chủ trì hội nghị đến trễ, hoặc do chuẩn bị không kỹ lưỡng…dẫn đến làm mất thời gian của những người tham gia.

      -  “Giữ nếp cũ”[19], đó là tình trạng những người chủ trì hội nghị thực hiện quy trình để tổ chức hội nghị dù trong hoàn cảnh nào cũng vẫn theo trình tự cũ, từ tình hình quốc tế đến tình hình trong nước mà không linh hoạt cho phù hợp với điều kiện thực tế, không nói đến những “việc thiết thực, việc đáng làm”[20], nên nội dung quan trọng của hội nghị triển khai không giúp quần chúng nhân dân nắm được vấn đề;

      - “Nói không ai hiểu”[21], vì cán bộ, đảng viên dùng những từ ngữ “cao xa, mầu mè”, không gần gũi với cách nói của quần chúng nên làm cho không chỉ quần chúng nhân dân không hiểu mà ngay cả cán bộ cũng có người không hiểu được nội dung của vấn đề đó là gì;

      - “Bệnh hay nói chữ”[22], đó là căn bệnh do cán bộ sính dùng chữ mượn tạm của nước ngoài để đưa vào bài phát biểu của mình, nhưng lại không hiểu rõ từ đó, hoặc chỉ để “khoe với Đảng” hay để “lòe thiên hạ” cho nên dẫn đến tình trạng dùng từ không đúng nghĩa của nó; hoặc làm cho vấn đề trở nên khó hiểu đối với người nghe, nhất là đối với quần chúng nhân dân có trình độ học vấn thấp.

      Đó là một loạt các “căn bệnh” mà trong Đảng thường hay mắc phải. Từ việc “chẩn đoán” đúng, Hồ Chí Minh đã chỉ ra các phương “thuốc” để Đảng tự điều trị cho mình, trở nên ngày càng trong sạch và vững mạnh hơn.

      3. Về cách trị những “căn bệnh” trong Đảng

      Cách chữa bệnh chủ quan, theo Hồ Chí Minh, chỉ có học tốt lý luận và gắn liền với thực hành: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”, “chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”[23].

      Đối với bệnh hẹp hòi, Người yêu cầu: “mỗi một đảng viên, mỗi một bộ phận, mỗi một lời nói, việc làm, tuyệt đối phải nhằm vào lợi ích của toàn cuộc, lợi ích của toàn Đảng”[24]; “phải kết thành một khối, không phân biệt, không kèn cựa. . Phải cùng nhau chữa cho tiệt cái nọc bệnh hẹp hòi“[25], “phải tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau”[26]; “cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng…phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng”[27].

      Từ những biểu hiện của “thói ba hoa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “kê đơn” chỉ ngay phương thuốc để chữa căn bệnh này là:

      - “Phải học cách nói của quần chúng”[28]. Muốn vậy, trước khi nói, trước khi viết, người cán bộ, đảng viên phải gần gũi quần chúng để tìm hiểu, lắng nghe về tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của quần chúng nhân dân; phải luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình.

      - “Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu”[29]. Nghĩa là, người cán bộ phải học theo cách nói của quần chúng, dùng những từ ngữ thông dụng, lấy những ví dụ gần gũi từ trong chính cuộc sống của quần chúng để làm cho mọi người dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo.

      - “Khi viết, khi nói, phải cố gắng làm cho ai cũng hiểu được”[30], muốn thế, người cán bộ phải đặt mình vào vị trí của người nghe để có cách nói, cách viết có thể làm cho người có trình độ học vấn thấp nhất cũng có thể hiểu được.

      - “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ thì chưa nói, chưa viết”[31]; Với nội dung này, Người yêu cầu cán bộ trước khi nói, trước khi viết để tuyên truyền cho quần chúng nhân dân về bất kỳ vấn đề nào, cũng cần điều tra, nghiên cứu, nắm người, nắm việc, nắm tình hình cụ thể.

      - “Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: "Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói". Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần”. [32] Trước khi nói bất kỳ điều gì, người cán bộ, đảng viên phải đắn đo, cân nhắc, suy nghĩ thật kỹ, thật thấu đáo; phải sắp đặt lại cẩn thận thứ tự nội dung để vừa có thể làm nổi bật chủ đề cần nói, mặt khác có thể diễn giải vấn đề một cách trật tự logic và khoa học, giúp người nghe dễ theo dõi.

      Đặc biệt, Người đã nêu một phương thức quan trọng và hữu hiệu nhất để Đảng trở nên ngày càng “khỏe mạnh” hơn, đó là “Phê bình và sửa chữa”. Phê bình và tự phê bình trên cơ sở “thành thật”, “ráo riết” nhưng lại có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, chính là phương pháp để Đảng “chữa bệnh” một cách hiệu quả nhất: “Để chữa khỏi những bệnh kia, ta phải tự phê bình ráo riết, và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau. Trong lúc phê bình, khuyết điểm phải vạch ra rõ ràng, mà ưu điểm cũng phải nhắc đến. Một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau. Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khoẻ vô cùng”[33].

      Người đã có những chỉ dẫn cụ thể cách phê bình như sau:

      Một là, xác định mục đích, yêu cầu của phê bình và tự phê bình cho đúng đắn: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”[34].

      Việc xác định đúng mục đích, yêu cầu của tự phê bình và phê bình rất quan trọng. Bởi nếu không xác định đúng mục đích, yêu cầu thì dễ dẫn đến việc xác định sai cả đối tượng, nội dung và phương pháp tiến hành.

      Hai là, xác định đối tượng phê bình cho đúng đắn: Người nhấn mạnh: “Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”[35]. Nghĩa là, chỉ được tập trung phê bình những nhận thức, hành vi, những việc làm sai trái của người được phê bình, còn những nhận thức, hành vi, việc làm đúng đắn cần được ghi nhận, khen ngợi, động viên để họ phát huy.

      Ba là, về phương pháp, thái độ tự phê bình và phê bình.

Hồ Chí Minh đã nhìn thấu những sai lầm thường mắc phải của cán bộ, đảng viên trong phê bình, và tự phê bình. Nên Người nêu rõ: phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm”, nhưng “Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”[36]. Đặc biệt lưu ý là khi phê bình phải tôn trọng, không được xúc phạm nhân cách của đồng chí mình: “chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc” [37].

      Để phê bình và tự phê bình có hiệu quả, theo Hồ Chí Minh phải tôn trọng quyền dân chủ trong tự phê bình và phê bình:  “mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng cũng vậy.” [38]. Bởi vì có dân chủ thì người phê bình mới có thể, mạnh dạn nói hết, nói rõ về khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp và cả cấp trên của mình. Nhưng cần phải nói thẳng, nói thật, nói rõ vào trọng tâm của vấn đề đó, chứ không được “ nói gàn, nói vòng quanh”[39], để những người bị mắc khuyết điểm mới có thể biết được mà sửa chữa.

      Hồ Chí Minh rất coi trọng việc học tập trong Đảng, coi đó là để mở mang sự hiểu biết, nâng cao nhận thức, là điều kiện cần thiết để thực hiện việc “phê bình và sửa chữa”. Bởi có nhận thức tốt thì mới phê bình đúng việc, mới chỉ ra được nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm và cũng mới có thể chỉ ra được phương hướng để khắc phục và sửa chữa cho người bị phê bình có kết quả tốt.

      4. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để “sửa đổi lối làm việc” của Đảng trong giai đoạn hiện nay

      Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã thường xuyên “sửa đổi lối làm việc” để giữ vững và phát huy được vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ khi thành lập đến nay. Qua nhiều kỳ Đại hội của Đảng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn được đặc biệt quan tâm.

      Trong giai đoạn hiện nay, để tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, Đảng cần chú ý đến biểu hiện của các “căn bệnh” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra từ năm 1947. Để có thể khắc phục, sửa chữa những ‘căn bệnh” đó, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng cần tập trung thực hiện theo một số giải pháp sau:

      Một là, Đảng phải thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để sửa chữa các khuyết điểm.

Hồ Chí Minh đã nhiều lần dùng từ “thiết thực” để chỉ sự sát thực và phù hợp với những yêu cầu, những vấn đề thực tế trước mắt; có óc thực tế và luôn chú ý đến yêu cầu, đòi hỏi của thực tế khi hành động. Người đã vạch rõ khuyết điểm của chúng ta trong học tập: “Những cán bộ và đảng viên các nơi, hoặc chỉ nghiên cứu qua loa, hoặc nhận thấy khuyết điểm rồi nhưng không cố gắng sửa chữa. Đó là vì nghiên cứu một cách không thiết thực, không có tổ chức”[40].

      Hai là, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hàng tháng, và hàng năm.

Để những sai phạm của cán bộ, đảng viên được ngăn chặn và xử lý kịp thời, trong các buổi sinh hoạt Đảng theo định kỳ, các tổ chức cơ sở Đảng cần phải tiến hành tự phê bình và phê bình, đánh giá xếp loại chất lượng đảng viên hàng tháng, thậm chí cả hàng tuần và tiến hành họp bất thường nếu trong phát hiện trong đơn vị có dấu hiệu vi phạm. Trên cơ sở kết quả đánh giá từng tháng mà đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên cả năm dựa trên các tiêu chí học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

      Ba là, có cơ chế kiểm tra, giám sát chất lượng việc tự phê bình và phê bình trong các tổ chức cơ sở Đảng.

Muốn biết tổ chức cơ sở Đảng nào có tiến hành tự phê bình và phê bình thật sự hay không, Đảng cần có cơ chế kiểm tra, giám sát với những tiêu chí cụ thể. Căn cứ vào số lượt ý kiến và nội dung của các ý kiến đóng góp của đảng viên trong các cuộc họp cấp cơ sở trở lên, Đảng có thể đánh giá tổ chức cơ sở đảng đó hoạt động như thế nào. Chất lượng thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao của chính quyền được đánh giá tốt và đảng viên trong tổ chức đó có sự đoàn kết chặt chẽ là cơ sở đúng đắn nhất để đánh giá chất lượng sinh hoạt của tổ chức Đảng. Bởi vậy, Đảng cần có cơ chế để đảng viên vừa tự giác, vừa bắt buộc phải thực hiện phát huy dân chủ, tích cực phát biểu ý kiến trong tự phê bình và phê bình.

      Tóm lại, “sửa đổi lối làm việc” của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là một trong những phương pháp tốt nhất để Đảng củng cố, giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo. Nhưng cũng là phương pháp tốt nhất để Đảng có thể thành công trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bên cạnh đó, Đảng cần tiếp tục phát triển hệ thống các nguyên lý, lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận, giải quyết thành công những nhiệm vụ mới do thực tiễn đặt ra.

 

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

[1- 40] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.5, tr.272, 272, 273, 275, 276, 277, 278, 279, 339-340, 341, 342, 343, 344, 345, 346.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tài liệu bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tập 2, các tác phẩm kinh điển của Hồ Chí Minh, Nxb LLCT, 2021.

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh