Truy cập nội dung luôn

  TIn mới nhận

PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA NHÂN DÂN TRONG TĂNG CƯỜNG ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC
Ngày đăng 02/09/2024 | 10:38 AM  | View count: 46

Phạm Thị Thu Giang - ThS. GVC Khoa Lý luận cơ sở

        Tóm tắt: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, giá trị văn hóa bất diệt trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trước những biến cố của thiên tai, địch họa, tinh thần đại đoàn kết, truyền thống “cố kết dân tộc” càng được bồi đắp và phát huy qua nhiều thế hệ. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi đất nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội, việc phát huy sức mạnh này càng trở nên quan trọng. Củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của Nhân dân sẽ là nguồnlực nội sinh to lớn giúp đất nước vươn lên mạnh mẽ và ngày càng tiến xa trên con đường đi tới phồn vinh và thịnh vượng.

         Từ khóa: Đại đoàn kết; sức mạnh Nhân dân

        Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là từ khi Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ra đời, đã có nhiều chủ trương mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc được ban hành. Quan điểm nhất quán đó được Đảng ta tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.

        Để thực hiện thành công Nghị quyết số 43, ta thấy xuyên suốt là tư tưởng phát huy sức mạnh của Nhân dân trong điều kiện mới để phát triển đất nước một cách mạnh mẽ và bền vững hơn, khắc phục những hạn chế, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đó chính là công tác dân vận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, dân vận là vận động tất cả các lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc nên làm, những nhiệm vụ được giao. Có thể rút ra mấy đặc điểm của việc vận động phát huy sức mạnh Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là:

        1) Phải khơi dậy mọi tiềm năng của từng người dân để phát huy tính tích cực xã hội của họ, không khả năng nào bị lãng quên và bỏ phí, theo kinh nghiệm của người xưa “dụng nhân như dụng mộc”.

        2) Vận động mọi người dân, không phân biệt đối xử và bỏ sót một ai. Mọi người dân đều có cơ hội, có vị trí xứng đáng trong xã hội, đều được tạo điều kiện thể hiện vai trò làm chủ của mình nếu như họ không đi ngược lại lợi ích của Nhân dân.

        3) Mục đích của việc phát huy sức mạnh của Nhân dân là tạo nên lực lượng của cả cộng đồng để hoàn thành những việc nên làm, những nhiệm vụ được giao có lợi ích cho dân, cho nước và cho bản thân mỗi người.

        4) Cách vận động, phát huy sức mạnh Nhân dân tốt nhất là tạo điều kiện cho mọi người có thể hành động tự nguyện, tự giác trên cơ sở hiểu biết sâu sắc ý nghĩa của công việc mình làm, có sự hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm soát từ phía cộng đồng, từ phía cơ quan lãnh đạo và quản lý. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa tính tự giác của người làm chủ xã hội và làm chủ bản thân của mỗi công dân với tinh thần phụ trách của người lãnh đạo, người quản lý với tư cách là người phục vụ, là công bộc của dân.

        Những đặc điểm trên đây thể hiện sự tin cậy, sự tôn trọng, sự am hiểu, sự trung thành… đối với dân, là triết lý cơ bản và định hướng lớn cho việc phát huy sức mạnh của Nhân dân nhằm phát triển đất nước. Đó cũng chính là những điều kiện cốt yếu để phát huy sức mạnh của toàn dân, không có những điều kiện ấy thì việc ca ngợi sức mạnh toàn dân sẽ chỉ là lý thuyết suông. Tạo được 4 điều kiện đó quả không dễ dàng, nhưng với sự đổi mới sâu sắc về nhận thức đó, chắc chắn chúng ta sẽ có cơ sở để thực hiện được ý tưởng: Dễ trăm lần, không dân cũng chịu; Khó vạn lần, dân liệu cũng xong.

        Nhờ quán triệt, thực hiện quan điểm đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cường, tạo sức mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, thành phần dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường, phát huy, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

        Tuy nhiên, thời gian qua, việc cụ thể hoá và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở một số lĩnh vực, địa bàn hiệu quả chưa cao, chưa khơi dậy, phát huy được tiềm năng to lớn trong Nhân dân. Một số chính sách chưa sát với thực tiễn, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của các tầng lớp Nhân dân ở một số nơi chưa được lắng nghe, quan tâm, giải quyết thấu đáo. Sự công bằng, bình đẳng của mỗi người trong đóng góp cho sự phát triển đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển chưa được như mong muốn. Vấn đề phân hóa giàu nghèo, đất đai, tệ nạn xã hội… diễn biến phức tạp.

        Đời sống của một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn khó khăn; phân hoá giàu - nghèo và chênh lệch giữa các vùng, miền còn lớn. Việc bảo đảm cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" có mặt còn hạn chế; quyền làm chủ của Nhân dân có lúc, có nơi chưa được bảo đảm. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các hội quần chúng, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu.

        Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mở ra cho công cuộc đổi mới đất nước ta những cơ hội, thuận lợi cơ bản nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức đối với sự nghiệp đổi mới nói chung, chiến lược xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói riêng. Lợi dụng quá trình mở cửa, hội nhập, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, kích động tư tưởng ly khai, chia rẽ dân tộc, tạo ra mâu thuẫn, gây xung đột xã hội, làm mất ổn định chính trị - xã hội.

        Chủ trương, quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về quyền và lợi ích hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân chưa được kịp thời thể chế hóa, hoặc đã thể chế hóa nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc đã tác động trực tiếp đến xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, cần phải “tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”[1]

        Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân trong phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

         Thứ nhất,cần cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc gắn triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức rõ âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng những mặt còn hạn chế, yếu kém của các cấp chính quyền và vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện và tích cực tham gia đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.

         Thứ hai,phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phải là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân để nhân dân tin tưởng, chủ động phản ánh, góp ý kiến, tham gia bàn bạc những vấn đề quan trọng của đất nước; chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết triệt để những vấn đề xã hội bức xúc, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân trên cơ sở tin nhân dân và tôn trọng nhân dân. Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, ổn định xã hội, phát triển toàn diện và bền vững đất nước.

         Thứ ba, quán triệt thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “... vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân”; “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ” để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

         Thứ tư, phát huy quyền dân chủ của người dân là cách tích cực nhất động viên mạnh mẽ người dân tham gia công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Nhân dân khát khao đòi hỏi, chờ đợi và cũng là một trọng điểm chống phá của thế lực chống đối. Ngày nay, yêu cầu về dân chủ của Nhân dân đã có nhiều đổi mới so với trước khi đổi mới cách đây 38 năm. Cơ cấu dân cư thay đổi, trình độ dân trí nâng cao, nhu cầu và lợi ích ngày càng đa dạng… làm cho nhu cầu về dân chủ trong Nhân dân cùng biến đổi theo.

        Nhân dân đòi hỏi được biết nhiều thông tin hơn nên cần có cơ chế giám sát và về công khai, minh bạch; Nhân dân đòi hỏi được bàn bạc nhiều hơn nên cần có cơ chế phản biện và góp ý về chủ trương, chính sách từ khâu soạn thảo đến khâu thực hiện, nên cần có cơ chế về tự do ngôn luận. Nhân dân đòi hỏi được kiểm tra và thụ hưởng những thành quả chính đáng và hợp pháp một cách công bằng, công khai, công tâm.

        Nhà nước ban hành không ít văn bản quy phạm pháp luật và chính sách nhưng giữa các chính sách còn trùng lặp, đối chọi nhau, ảnh hưởng đến Nhân dân. Nay cần tăng cường hiệp thương và phối hợp giữa các ngành, các cấp để dân được hưởng thành quả của hiệp thương dân chủ, tránh tình trạng phân tán, biệt lập trong quá trình hoạch định và thực hiện chính sách, pháp luật.

        Có thể nói đoàn kết và dân chủ là hai vế của động lực chủ yếu khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng hùng hậu của Nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Ở đâu và khi nào thực hiện tốt dân chủ, thì Nhân dân đoàn kết tốt, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, đất nước phát triển, Nhân dân sống ấm no, hạnh phúc, bình yên và họ sẽ ra sức đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước.

        Như vậy, con đường phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân chính là, và chỉ có thể là đoàn kết toàn dân. “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết” là bài học lịch sử của dân tộc ta trong quá trình dựng nước và giữ nước suốt hàng nghìn năm qua. Đảng ta đã tổng kết và chỉ rõ: “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế toàn xã hội” [2]./.

 

 


[1]ĐCSVN – Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb CTQGST, H. 2023, tr. 139.

[2]ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 23.

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh