Truy cập nội dung luôn

  TIn mới nhận

ĐOÀN CÁN BỘ, VIÊN CHỨC TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ LÊ HỒNG PHONG ĐI NGHIÊN CỨU THỰC TẾ TẠI TỈNH BẮC NINH
Ngày đăng 02/12/2024 | 3:58 PM  | View count: 79

Ngày 01/12/2024, Đoàn cán bộ, viên chức Trường ĐTCB Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội đã đi nghiên cứu thực tế tại tỉnh Bắc Ninh, đoàn do PGS,TS Phạm Minh Anh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường làm trưởng đoàn.

        Tham dự đoàn có các đồng chí trong Ban Giám hiệu Nhà trường cùng đông đảo cán bộ, viên chức của Nhà trường.

        Tại tỉnh Bắc Ninh, đoàn đã đến tìm hiểu công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và công tác bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chùa Dâu (thị xã Thuận Thành). Tại đây, đoàn đã được nghe thuyết minh về lịch sử của Di tích, theo đó Chùa Dâu còn có tên là chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Pháp Vân tự. Chùa Dâu tọa lạc tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Chùa Dâu là công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị lịch sử về văn hóa hết sức lớn lao và sâu sắc, bao gồm giá trị lịch sử văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và kiến trúc nghệ thuật. Năm 2013, chùa Dâu được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.Quá trình hình thành và tồn tại của chùa Dâu gắn bó mật thiết với lịch sử phát triển của nước ta. Cùng với một số chùa lân cận, chùa Dâu tạo nên một trung tâm Phật giáo lớn nhất của Việt Nam và khu vực. Đây là trung tâm Phật giáo được hình thành sớm hơn cả hai trung tâm Phật giáo nổi tiếng của Trung Quốc thời kỳ nhà Hán là Bành Thành và Lạc Dương. Nhiều đại sư danh tiếng thời xưa đã từng tu hành, trụ trì ở chùa Dâu như: Mâu Bác ở thế kỷ II, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương ở thế kỷ III và Thiển sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi ở thế kỷ VI. Chùa Dâu còn là chùa Cả trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp, chùa Dâu thờ Thần Mây (Pháp Vân), chùa Thành Đạo thờ Thần Mưa (Pháp Vũ), chùa Phi Tướng thờ Thần Sấm (Pháp Lôi), và chùa Phương Quan thờ các lực lượng thiên nhiên của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và cũng là sự biểu hiện của cả tục thờ Mẫu, một tôn giáo bản địa thuần Việt. Chùa còn thờ “Đức Thạnh Quang” – biểu tượng của thần SiVa trong Ấn Độ giáo.

Đoàn nghe giới thiệu về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chùa Dâu

        Tiếp đó, đoàn đã đến thăm Nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ (phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), đây là nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ tư nhân đầu tiên trên địa bàn, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Đoàn đã được nghe Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế giới thiệu đầy đủ, thú vị về các quy trình vẽ mẫu, tạo màu, in tranh của một dòng tranh dân gian đã tồn tại từ nhiều thế kỷ ở Việt Nam, về lịch sử của làng nghề tranh dân gian Đông Hồ. Đây cũng là không gian lưu giữ những ký ức, tư liệu, hình ảnh, kỷ vật tiêu biểu về cuộc đời đam mê, sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của làng Đông Hồ của dân tộc Việt Nam và của gia đình Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế.

Đoàn nghe giới thiệu về làng tranh dân gian Đông Hồ

        Đến thăm quan Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, đoàn đã được nghe lãnh đạo Nhà hát giới thiệu về cảnh quan, kiến trúc, giá trị văn hóa của Nhà hát. Theo đó, Nhà hát nằm trên diện tích rộng hơn 19.000m2 tại khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Công trình được xây dựng theo phong cách hiện đại kết hợp truyền thống với mái che dài hơn 60m cong cong như mái đình làng Việt. Phía dưới có những hình khối cách điệu như chiếc nón ba tầm tạo nên sắc thái riêng của nhà hát ở vùng Kinh Bắc. Trong quy hoạch và xây dựng thì bên cạnh có hồ nước lớn, gọi là hồ bán nguyệt để hát quan họ trên thuyền vào những dịp lễ, tết.

Đoàn đến thăm Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh

        Tọa lạc ở trung tâm của làng Diềm, ngôi làng cổ ven sông Cầu, cũng là quê hương sản sinh ra Dân ca Quan họ đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hiện ở đây đã xây dựng nhà thờ Thủy tổ quan họ để tưởng nhớ các thế hệ xa xưa đã tạo ra những điệu hát tha thiết, trữ tình truyền lại đến đời nay. Nơi đây còn có Đền Giếng, chùa Hưng Phúc, đặc biệt là đình Diềm có từ thời Lê. Cùng với Nhà hát Dân ca Quan họ, các di tích ở đây đã tạo nên một quần thể kiến trúc văn hóa đẹp và nhiều ý nghĩa để thu hút mọi người đến đây vừa đi lễ và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử. Nhà hát ở trong làng cổ như một đòn bẩy mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa ở địa phương, đồng thời tạo ra một sản phẩm du lịch đặc biệt hấp dẫn cho du khách gần xa.

Lãnh đạo Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong

tặng quà lưu niệm Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh.

        Kết thúc chương trình đi nghiên cứu thực tế, đoàn đã đến thăm và giao lưu với cán bộ, viên chức Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí Trần Văn Vững, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí trong Ban Giám hiệu Nhà trường đã đón tiếp và giao lưu với Đoàn./.

 

Tin và ảnh: Vũ Hoài Nam

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh