Skip to Content

  Nghiên cứu trao đổi

C.MÁC - TỪ BÀI THI TỐT NGHIỆP “SUY NGHĨ CỦA THANH NIÊN KHI CHỌN NGHỀ” ĐẾN NGƯỜI GÓP PHẦN HIỆN THỰC HÓA KHÁT VỌNG CỦA NHÂN LOẠI
Publish date 19/04/2024 | 11:14 AM  | View count: 277

ThS, GVC Phạm Thùy Liên - Khoa Lý luận cơ sở

      Tóm tắt:

       C.Mác là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới thế kỷ XIX. Ông đã có những cống hiến to lớn cho nhân loại cả về lý luận lẫn thực tiễn trên nhiều lĩnh vực khác nhau: triết học, kinh tế chính  trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử, phong trào đấu tranh của giai cấp  công nhân...Bài luận ngay từ thời trẻ của ông: “Suy nghĩ của thanh niên khi chọn nghề” giúp chúng ta hiểu thêm về tư tưởng cách mạng đã được ông theo đuổi trọn cuộc đời.

       Từ khóa: thanh niên, chọn nghề, hạnh phúc.

      Từ thuở thiếu thời C.Mác đã tỏ ra là một học sinh có trí tuệ thông minh đặc biệt. Ngày 12/8/1835, Trường Trung học phổ thông Phridich Vinhem ở thành phố Tơria nước Đức tổ chức thi tốt nghiêp. Đề thi tốt nghiệp với chủ đề: “Suy nghĩ của thanh niên khi chọn nghề”. Kết quả thi, một trong những bài khóa luận hay nhất là của một trong những học sinh trẻ nhất, đó chính là C.Mác. Trong khóa luận ấy, chàng thanh niên C.Mác đã hé lộ những tư tưởng cách mạng đã được anh theo đuổi trọn cuộc đời. Tác phẩm được trình bày bằng tiếng Đức. Tác phẩm không được chia thành các đề mục, các phần cụ thể, việc thể hiện tư tưởng,   quan điểm ở đây có phần tự do, phóng khoáng. Song, nó có nhiều nét đặc sắc về mặt tư tưởng của một người trẻ - chàng thanh niên 17 tuổi chuẩn bị tốt nghiệp trung học phổ thông về việc chọn nghề.

      Mở đầu bài khóa luận tốt nghiệp, C.Mác đã chỉ ra sự khác biệt giữa con người và các động vật khác trong các hoạt động của mình, trong khi con vật chỉ hoạt động sinh tồn trong khuôn khổ tạo hóa có tính chất bản năng thì con người hoạt động có ý thức với mục tiêu, lý tưởng sống trong việc chọn nghề, khẳng định bản thân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, C.Mác cho rằng đối với một thanh niên, việc nghiêm túc lựa chọn cho mình một nghề nghiệp là bổn phận trước nhất khi bước vào đời nếu không muốn phó mặc cuộc đời mình cho số phận và sự may rủi. Mỗi thanh niên khi lựa chọn nghề cần xác định cho mình một mục tiêu đáng để theo đuổi, một mục tiêu mà mình cho là vĩ đại. C.Mác viết: “Vì thế chúng ta phải nghiêm túc cân nhắc xem làm nghề nghiệp được lựa chọn có thật sự cổ vũ chúng ta không, tiếng nói nội tâm của ta có tâm đồng nghề đó hay không” [1].

      Theo C.Mác, mỗi người muốn làm việc tốt phải tìm ra động lực, sự khích lệ mục tiêu hành động của bản thân. Động lực, sự khích lệ mục tiêu ấy luôn thôi thúc chúng ta vươn lên tìm tòi, cống hiến không ngừng để hoàn thiện bản thân. Động lực và sự khích lệ mục tiêu ấy không phải là địa vị, uy quyền vật chất trong xã hội mà nó xuất phát từ năng lực, khả năng, sự đam mê công hiến cho phẩm giá của con người và mục tiêu, lý tưởng xã hội cao đẹp. C.Mác viết: “Sức mạnh của chúng ta tuyệt nhiên không phải là kiếm lấy cái địa vị xã hội, trong đó chúng ta có được khả năng lớn nhất để nổi bật, một địa vị như thế không có nghĩa là khi có được nó thì có thể là trong một loạt năm dài chúng ta không thấy mệt mỏi, sự hăng say của chúng ta không bao giờ cạn kiệt, sự khích lệ chúng ta sẽ không bao giờ nguội lạnh” [2].

      C.Mác cũng cho rằng, cần phải có định hướng bằng lý trí, lý tưởng vì sự đam mê cống hiến cho nghề, đồng thời phải chọn nghề phù hợp với khả năng của bản thân để từ đó thoát khỏi sự háo danh, hư danh địa vị của xã hội. Ông viết: “Nếu chúng ta lựa chọn một nghề mà chúng ta không có năng lực cần thiết để làm nghề ấy thì chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện nó một cách xứng đáng và ta sẽ mau chóng nhận ra, với những nỗi hổ thẹn, rằng bản thân ta bất lực và phải tự nhủ rằng chúng ta là những sinh vật vô dụng của tạo hóa, rằng trong xã hội chúng ta là những thành viên không có khả năng thực hiện sứ mệnh của mình”[3].

      Theo C.Mác, nghề nghiệp chỉ mang lạị niềm vui và hạnh phúc và sự thành công khi sự lựa chọn ấy phải vượi qua danh lợi, địa vị hư danh xã hội để hướng tới xây dựng phẩm giá con người. Sự lựa chọn của mỗi người có thể không phải bao giờ cũng là nghề cao nhất, nhưng lại luôn là nghề đáng mong muốn nhất, là nghề sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, hạnh phúc và sự đam mê trong công việc.

      Và khi chúng ta cân nhắc tất cả những điều đó, và chúng ta đã đáp ứng được tất cả những điều kiện đó, khi chúng ta đã có thể lựa chọn tất cả các nghề trong khả năng của chúng ta thì chúng ta sẽ chọn nghề nào? Theo C.Mác, khi ấy chúng ta có thể lựa chọn cái nghề sẽ đem lại cho chúng ta phẩm giá lớn nhất.

      Vậy kim chỉ nam nào sẽ giúp ta chọn nghề mà làm ta hạnh phúc nhất? Theo C.Mác, kim chỉ nam chủ yếu phải định hướng cho chúng ta trong việc lựa chọn nghề nghiệp chính là phúc lợi của loài người, là sự hoàn thiện của chính chúng ta. Ông cho rằng sự hoàn thiện cá nhân và phúc lợi loài người không hề mâu thuẫn nhau, bởi bản chất con người được cấu tạo khiến cho con người chỉ có thể đạt được sự hoàn thiện của mình bằng hoạt động cho sự hoàn thiện của những người cùng thời với mình và vì phúc lợi của họ: “Nếu con người chỉ lao động cho bản thân mình thì người đó có thể trở thành nhà khoa học nổi tiếng, một triết gia vĩ đại, một nhà thơ tuyệt vời, nhưng không bao giờ người đó có thể trở thành một người thật sự và vĩ đại” [4].

      Với suy nghĩ và phương châm hành động như vậy cùng với trí tuệ vượt trội, tầm nhìn vượt thời đại, sức làm việc phi thường, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã để lại những di sản tư tưởng lý luận to lớn, có thể khái quát thành 3 thành tựu lớn nhất sau:

       Thứ nhất, C.Mác đã sáng tạo ra triết học duy vật biện chứng, tạo nên một cuộc cách mạng trong nhận thức và cải tạo thế giới. Kế thừa có chọn lọc những thành tựu của tư duy nhân loại, C.Mác đã làm một cuộc cách mạng triệt để trong lĩnh vực triết học, sáng lập ra một nền triết học mới là Triết học duy vật biện chứng bao gồm hai bộ phận chính là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử để giúp nhân loại giải thích và cải tạo thế giới.

       Thứ hai, C.Mác đã tìm ra quy luật giá trị thặng dư - quy luật vận động và phát triển của chủ nghĩa tư bản. Với việc tìm ra quy luật giá trị thặng dư, C.Mác đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực kinh tế chính trị học, chỉ ra quy luật vận động kinh tế của xã hội tư bản, vạch trần “bí mật” của xã hội tư bản là bóc lột giá trị thặng dư của những người lao động làm thuê tạo ra.

       Thứ ba, C.Mác đã phát hiện ra vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trên thế giới. Trên cơ sở phân tích một cách khách quan, khoa học những điều kiện kinh tế của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng như những điều kiện chính trị, xã hội đã tạo nên các mối quan hệ giai cấp trong xã hội tư bản; C.Mác và Ph.Ăng-ghen nhận thấy giai cấp công nhân gắn liền với lực lượng sản xuất tiên tiến dưới chủ nghĩa tư bản, là con đẻ của nền sản xuất đại công nghiệp, được nền đại công nghiệp tôi luyện, tổ chức thành một giai cấp có ý chí cách mạng triệt để, có vai trò và sứ mệnh lịch sử tiến hành cách mạng vô sản tự giải phóng mình và giải phóng toàn xã hội khỏi chế độ tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa.

      Theo C.Mác, để có được hạnh phúc, con người cần có tự do, mà để có tự do con người cần phải đấu tranh chống lại sự áp bức, bóc lột để giải phóng mình. Mang trong mình chủ nghĩa nhân đạo cao cả, với lòng trắc ẩn và những trăn trở, ưu tư, cảm thông đối với những người lao động, những người cùng cực trong xã hội, C.Mác quan niệm: hạnh phúc chính là sự tự do, là được làm chủ chính mình, được quyết định vận mệnh của mình, thoát khỏi xiềng xích nô lệ và mọi sự áp bức, bất công. Do đó, mọi hoạt động lý luận và thực tiễn của ông đều vì mục tiêu mưu cầu sự tự do, hạnh phúc cho giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Với khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”, C.Mác cùng với Ph.Ăng-ghen đã liên hiệp, đoàn kết những người cùng khổ trên toàn thế giới đấu tranh để mưu cầu tự do, hạnh phúc, chống lại mọi sự áp bức, bóc lột, bất công, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại và giải phóng con người.

      Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” chúng ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử; khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín đất nước trên tầm cao mới.

      Kỷ niệm 206 năm ngày sinh C.Mác là dịp để chúng ta bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn vinh và tri ân một con người đã cống hiến cả cuộc đời cho một xã hội mà ở đó "sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người". Ðây cũng là dịp để một lần nữa chúng ta nhìn nhận lại giá trị những di sản tư tưởng của C.Mác; đồng thời đấu tranh, phản bác những luận điệu, quan điểm sai trái, phủ định giá trị, sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và công lao, cống hiến vĩ đại của C.Mác đối với nhân loại, để không ngừng nuôi dưỡng niềm tin, lý tưởng và khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

 

 

                                           TÀI LIỆU THAM KHẢO      

[1]. C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2000, tập 40, tr12.

[2]. Sđd, tr13.

[3]. Sđd, tr15.

[4]. Sđd, tr18.

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh