Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19
Ngày đăng 17/08/2021 | 3:50 PM  | View count: 550

Dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam, tác động mạnh mẽ đến đời sống nhân dân trên cả nước.

     Tình hình lây nhiễm và dịch ở Việt Nam hiện nay cao hơn nhiều so với ba làn sóng lây nhiễm trước. Thực tế chúng ta đã bước vào trạng thái một nước có dịch Covid-19, tốc độ lây lan rất nhanh, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021) đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố (tính đến ngày 20/7/2021 chỉ có 05 tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh trong đợt dịch thứ 4 này là Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Bình, Kon Tum[1]). Tính đến ngày 13/8/2021, Việt Nam có có 246.568 ca mắc Covid-19, tổng số ca được điều trị khỏi 89.145 ca, số ca tử vong 4.813 ca .

     Với việc số lượng các ca nhiễm ngày càng tăng tại các tỉnh, thành đã tạo tâm lý lo lắng cho người dân. Nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, đi lại của nhân dân, nhất là cộng đồng yếu thế, các nhóm có thu nhập thấp càng gặp nhiều khó khăn do mất việc, ảnh hưởng đến thu nhập để duy trì cuộc sống. Trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày có trên vài nghìn ca mắc mới, thậm chí có hiện tượng người dân ở nhiều tỉnh, thành phố kỳ thị người trở về từ TP.Hồ Chí Minh vì lo sợ lây lan mầm bệnh.

     Trong đại dịch covid, mặc dù đã có sự tăng cường đội ngũ y, bác sĩ chống dịch, tuy nhiên sự quá tải ở nhiều cơ sở chữa bệnh, khu cách ly khiến lực lượng tuyến đầu ở đây phải vô cùng vất vả. Công tác phòng chống dịch bệnh tại khu cách ly tập trung chưa thực sự hiệu quả, để xảy ra một số trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, lo ngại bị cách ly đã che giấu, không khai báo y tế trung thực, không tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, thậm chí còn trốn khỏi khu cách ly, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tình trạng xuất nhập cảnh trái phép vẫn diễn ra ở một số tỉnh, thành phố, trốn khai báo y tế có những diễn biến phức tạp phát sinh nhiều vấn đề, ảnh hưởng an ninh quốc gia, mất trật tự an toàn xã hội, đặc biệt tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh và các sinh hoạt thường ngày đã tạm dừng; sự quá tải ở nhiều cơ sở chữa bệnh, khu cách ly... Sự dao động trong một bộ phận người dân cũng đã thể hiện ở nhiều trạng thái, như vội vã đi mua hàng hóa dự trữ, phản ứng với tình trạng thiếu nhu yếu phẩm cục bộ hay điều kiện sinh hoạt các khu cách ly chưa được chu đáo bằng các status nóng vội, thiếu thông cảm… Lúc này, các clip, các hình ảnh chia sẻ chưa được kiểm chứng, thiếu sự thận trọng có thể gây phản ứng không tốt trong dư luận… 

     Để thực hiện việc phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả, ngoài những giải pháp theo chỉ đạo chung của Đảng, Nhà nước, khuyến cáo của Bộ Y tế, các tỉnh, thành đã có nhiều giải pháp sáng tạo, phát huy được hiệu quả như:

     - Tuyên truyền phòng chống dịch dưới nhiều hình thức là cập nhật thông tin, tài liệu, hướng dẫn liên quan đến dịch bệnh trên báo in, phát thanh, truyền hình; phát thanh trên loa truyền thanh; tuyên truyền bằng xe lưu động; phát tờ rơi; băng rôn, pa nô, áp phích; qua mạng xã hội…

     - Phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép”; vận động đồng bào ký cam kết phòng, chống dịch Covid-19 và không xuất nhập cảnh trái phép; đối với những gia đình có người thân đang ở nước ngoài, người dân xung quanh cũng cùng vận động gia đình đó không qua lại thăm thân và báo cho người thân đừng về; nếu phát hiện trường hợp xuất nhập cảnh trái phép sẽ được người dân xung quanh cảnh giới, báo tin đến cơ quan chức năng.

     - Phát huy vai trò của nhân dân cùng chung tay chống dịch Covid-19. Đã xuất hiện những mô hình, cách làm hay về tinh thần yêu thương con người, san sẻ, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn như “cây ATM gạo miễn phí”, “siêu thị 0 đồng”;…mô hình hỗ trợ bữa ăn cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, cho công nhân lao động; vận động các chủ nhà trọ không tăng giá trọ cho những công nhân, lao động nhập cư vượt qua khó khăn cùng nhau chống dịch Covid-19.

     - Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với nhiều ca F0 trong cộng đồng, lo cho sự an nguy của người dân, những “chiến sỹ” áo Blouse trắng nơi tuyến đầu đã không quản ngại khó khăn, bất kể ngày hay đêm đến ngay các "điểm nóng" để chống dịch Covid – 19; cùng với đó là lực lượng bộ đội biên phòng đã huy động tối đa lực lượng, ngày đêm bám chốt, tăng cường tuần tra, kiểm soát, không để lọt các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép.

     - Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín và các chức sắc tôn giáo trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào theo tôn giáo trong việc nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng trước dịch bệnh; chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

     - Kêu gọi, vận động nhân dân tham gia, ủng hộ chủ trương xã hội hóa vaccine giảm thiểu áp lực cho ngân sách nhà nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm nghìn tổ chức, cá nhân đã tham gia đóng góp với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng vào Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 Việt Nam. Thật xúc động khi được biết trong những đóng góp đó có những em bé dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu, tiền tiết kiệm, những phụ nữ tiết kiệm chi tiêu, những công chức, viên chức, công nhân, người lao động tiết kiệm một ngày lương để ủng hộ Quỹ, kiều bào ta ở nước ngoài trực tiếp hoặc nhờ người thân đóng góp Quỹ với tinh thần “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.

     - Phát huy vai trò Tổ Covid cộng đồng, các tổ chức chính trị-xã hội để nắm thật chắc tình hình của người dân trên địa bàn, chăm lo cho người lao động tự do, người có hoàn cảnh khó khăn mùa dịch. Từ đó, cần có một trang thông tin chính thức nhằm nêu cụ thể nhu cầu để các mạnh thường quân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước biết cùng tham gia hỗ trợ hiệu quả.

      Để góp phần nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng chống dịch Covid-19, xin đề xuất một số giải pháp sau đây:

     - Đa dạng công tác thông tin, tuyên truyền: Cần làm thêm phim khoa học, phim hoạt hình, kịch truyền hình, kịch truyền thanh, tờ rơi để hướng dẫn người dân và người bệnh. Các khu cách ly chỉ có loa phóng thanh nhắc nhở nhưng thiếu hẳn phương tiện truyền thông giáo dục.

     - Cần tiếp tục nắm sát tình hình nhân dân, kịp thời phản ánh và đề ra hướng giải quyết phù hợp cho nhân dân, nhất là đối với đời sống người lao động tự do, công nhân trực tiếp sản xuất. Công tác hỗ trợ thông qua các gói an sinh xã hội của Chính phủ cần thực hiện nhanh, chính xác, hiệu quả.

     - Có các giải pháp đồng bộ trợ giúp người dân, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh như: điều tra, rà soát, xác định chính xác, hỗ trợ kịp thời đối tượng bị ảnh hưởng; tạo điều kiện thuận lợi, nhanh gọn hơn cho doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn, vay trả lương cho người lao động.

     - Nghiên cứu, nhân rộng mô hình Cổng thông tin chung về lương thực thực phẩm từ cấp thôn đến cấp tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiêu thụ hàng hóa, đồng thời hỗ trợ kịp thời cho những người dân, người lao động gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

     - Phát động phong trào hàng ngàn y bác sĩ đến tận nhà khám, tư vấn online cho bệnh nhân: Khi các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách, nhiều phòng khám tư đóng cửa, bệnh viện cũng hạn chế ra vào vì vậy các y, bác sĩ ở địa phương đã cùng lập nhóm 'Giúp nhau mùa dịch'. Khi có bệnh nhân cần là các anh chị lập tức lên đường.

     - Kiến nghị hãy đối xử với những người bệnh một cách văn minh nhất có thể, xin đừng hụ còi, bắt loa phóng thanh, hãy bảo mật cho người bệnh và cư xử nhẹ nhàng nhất có thể. Hãy nhờ các chuyên gia tâm lý cố vấn để làm cách nào tốt nhất cho người bệnh và gia đình để họ đừng bị mang mặc cảm tội lỗi và hàng xóm xa lánh. 

     - Sớm cho phép các nhà thuốc được bán dụng cụ tự test covid cho người dân có nhu cầu tự thử. Khi biết mình âm hay dương tính, người dân chủ động hơn trong phòng chống, điều trị, giảm tải áp lực cho các cơ quan chức năng. Đồng thời, nên có tỉ lệ thích hợp cung cấp vaccine theo hướng dịch vụ nhằm xã hội hóa và cung cấp cho nhu cầu của người dân nhiều hơn.

     - Cần có quy định thống nhất về vấn đề giấy xác nhận âm tính được sử dụng trong trường hợp nào. Cần có quy định về giấy thông hành đi lại giữa các địa phương sao cho thuận lợi, nên áp dụng ứng dụng CNTT trên cơ sở mã hóa cá nhân, quản lý công dân (giải pháp lâu dài và có giá trị sử dụng dài lâu).

TS. Nguyễn Thị Hải Hà – Khoa Lý luận cơ sở

 


[1] https://ncov.moh.gov.vn/en/-/6847426-5998

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh