Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

“QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN NHẤT” TRONG CUỘC ĐỜI CHỈ HUY CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Ngày đăng 18/08/2021 | 3:38 PM  | View count: 585

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước. Ông nội Đại tướng từng tham gia phò tá vua Hàm Nghi trong Phong trào Cần Vương. Cha ông, Võ Quang Nghiêm, là một thầy giáo cũng là thầy thuốc Đông y trong làng. Ông ngoại Đại tướng từng tham gia Phong trào Văn Thân và Phong trào Cần Vương.

     Sinh ra trong gia đình, vùng quê giàu truyền thống yêu nước, trực tiếp chứng kiến cảnh người dân quê hương bị thực dân Pháp và tay sai đàn áp, bóc lột đến tận cùng, mặt khác trong thời gian ở Huế  ôn thi vào trường  Quốc học Huế , Võ Nguyên Giáp đã có vài lần được đến thăm nhà yêu nước  Phan Bội Châu  để nghe thuyết giảng về lý tưởng Cách mạng, nên đã dần nung nấu trong Võ Nguyên Giáp ý chí và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

     Từ năm 1925 đến 1926, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào học sinh ở Huế, năm 1927 ông tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn). Tháng 10 năm 1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa phủ (Huế). Cuối năm 1931, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị cấm không cho ở lại Huế. Ông ra Hà Nội học và đã nhận được bằng cử nhân luật năm 1937.

     Từ 1936 đến 1939, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ. Năm 1940, Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng.

     Tháng 12/1944, Võ Nguyên Giáp được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc kỳ tháng 4/1945, Võ Nguyên Giáp được cử vào Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc kỳ. Tháng 5/1945, là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Kể từ đây với cương vị Tổng Tư lệnh - người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Võ Nguyên Giáp đã có công lao to lớn xây dựng một đội quân hùng mạnh, góp phần quyết định cùng toàn đảng, toàn quân, toàn dân đánh thắng 2 đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc, đưa nước ta từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

     Là vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, sự nghiệp quân sự lẫy lừng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng từng gặp “quyết định khăn nhất” trong sự nghiệp chỉ huy của mình, đó là quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh  chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

     Hiện nay, với góc nhìn lịch sử cùng các tư liệu khoa học, rõ ràng, chúng ta chứng minh quyết định chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” không phải là mong muốn, suy nghĩ nhất thời, quyết định chủ quan của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng thời, bác bỏ ý kiến cho rằng: Pháp thua tại Điện Biên Phủ không phải là thua Việt Nam mà là thua Trung quốc trên chiến trường Việt Nam và chiến thắng Điện Biên Phủ không phải là chiến thắng của Việt Nam.

     Trước hết, về quyết định phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”:

     (1) Đầu tháng 10-1953, tại Tỉn Keo (Định Hóa, Thái Nguyên), hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Bác Hồ chủ trì họp bàn về chủ trương chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Tại hội nghị Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã báo cáo về những mưu đồ của kế hoạch Nava, đi sâu phân tích hình thái chiến sự trên chiến trường và xem xét đề án kế hoạch tác chiến Đông Xuân của Tổng quân ủy. Đây là một kế hoạch lớn, chứa đựng nhiều chủ trương quan trọng nhằm làm phá sản mọi mưu đồ của địch. Sau khi nghiên cứu, trao đổi ý kiến và phân tích kỹ tình hình, hội nghị thông qua bản đề án của Tổng quân ủy, đặc biệt nhấn mạnh phương châm: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt.

     (2) Phương án tập trung toàn bộ chủ lực, tổ chức hiệp đồng giữa các binh chủng, mở cuộc tiến công từ nhiều hướng, tiêu diệt toàn bộ quân địch trong khoảng thời gian 3 ngày 2 đêm. Vì vậy, ta đã có sự chuẩn bị, quyết định chuyển quân lên Tây Bắc, ngày 15 tháng 11 năm 1953, đại đoàn đầu tiên của ta tiến lên hướng Tây Bắc (đại đoàn 316), tiếp đó là đại đoàn 308. Đại đoàn 312 đang đóng quân ở Yên Bái cũng được lệnh di chuyển tiến lên Điện Biên Phủ, đại đoàn 351 được lệnh vượt sông Hồng để tham gia chiến dịch. Một thời gian ngắn sau đại đoàn 304 cũng được điều động lên Điện Biên Phủ. Như vậy cùng với việc tập trung lực lượng và sự xuất hiện lần đầu tiên của pháo cao xạ 37 ly, pháo 105 ly, súng cối 120 ly trong chiến dịch đã tạo ra khí thế rất cao của bộ đội ta.

     (3) Nếu thời gian chiến dịch kéo dài, đây sẽ là vấn đề lớn trong cung cấp, tiếp tế vũ khí, lượng thực. Chiến trường Điện biên Phủ ở cách xa hậu phương (400 -500km), các tuyến đường chi viện nhiều đoạn là độc đạo, nguy hiểm. Đặc biệt khi thời tết không thuận lợi, mưa nhiều có thể dẫn tới sạt, lở núi và chặn, cắt đứt hoàn toàn việc di chuyển. Mặt khác, nếu công sự ẩm ướt, sức khỏe của bộ đội và dân công có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy chiến dịch nếu diễn ra nhanh và kết thúc sớm cũng là một thuận lợi theo nhận định ban đầu.

     (4) Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc có cử đoàn chuyên gia quân sự để hỗ trợ cho chúng ta, bạn đã giúp chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu rút ra từ cách mạng của Trung Quốc và chiến tranh chống Mỹ ở Triều Tiên. Khi tình hình chiến sự có diễn biến mới, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp có gặp Trưởng đoàn quân sự của bạn - Tướng Vi Quốc Thanh để bàn về chiến dịch. “Đồng chí Trưởng  đoàn quân sự của bạn, sau giây lát cân nhắc, nói đã gặp những chuyên gia cùng đi chuẩn bị chiến trường với cán bộ Việt Nam. Các chuyên gia đều nhất trí với các đồng chí Việt Nam là cần đánh sớm, có khả năng giành chiến thắng bằng “đánh nhanh thắng nhanh”. Nếu để địch tăng cường thêm quân và củng cố quân sự thì cuối cùng sẽ khó có khả năng đánh thắng”[1]

     Tuy nhiên, với nhãn quan chính trị và thiên tài quân sự của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có “quyết định khó khăn nhất” trong sự nghiệp cầm quân của mình để đem đến thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Cơ sở của quyết định “đánh chắc tiến chắc”:

     (1) Cuối 1953, lực lượng của Pháp ở Điện Biên Phủ có khoảng sáu tiểu đoàn, để đối phó với cuộc tấn công của ta, Pháp đã điều động tăng lên 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh. Về sau, vào lúc cao điểm tăng lên 21 tiểu đoàn, bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải và 1 phi đội không quân thường trực có 14 chiếc (Pháp đã huy động cho mặt trận Điện Biên Phủ 2/3 số máy bay chiến đấu và 2/3 số máy bay vận tải của chúng ở Đông Dương). Tổng số binh lực là 16.200 quân.

     Lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ được bố trí thành tập đoàn cứ điểm - là hình thức phòng ngự mới nhất của địch trên chiến trường Đông Dương lúc bấy giờ, tất cả có 49 cứ điểm. Mỗi cứ điểm đều có khả năng phòng ngự, nhiều cứ điểm được tổ chức lại thành cụm cứ điểm gọi là: Trung tâm đề kháng theo kiểu phức tạp, có lực lượng cơ động, có hỏa lực riêng, xung quanh có hào giao thông, có bãi mìn kết hợp với hàng rào dây thép gai bao quanh, khả năng độc lập phòng ngự rất mạnh.

     (2) Với khả năng không quân vượt trội, Pháp đã thực hiện nhiều cuộc không kích đánh phá các tuyến đường giao thông huyết mạch, nhằm cắt đứt đường di chuyển, tiến quân và vận chuyển vũ khí, lương thực của ta. Nhiều tuyến đường độc đạo bị địch phá hủy và thả bom nổ chậm nên việc sửa đường, tiếp vận của ta gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm (tuyến đường độc đạo từ Tuần Giáo đi Điện Biên).

     (3) Thông tin về ngày, giờ nổ súng của chiến dịch đã không giữ được bí mật. Ngày nổ súng được ta quyết định là 17 giờ ngày  25 tháng 01 năm 1954. Tuy nhiên, gần tới ngày nổ súng, một chiến sỹ của đại đoàn 312 bị địch bắt. Ta nắm được thông tin địch đã biết về thời gian tiến công của bộ đội ta - yếu tố bất ngờ đã không còn nữa.

     (4) Trong công tác tư tưởng đối với cán bộ, chiến sỹ, chúng ta mới nhắc đến quyết tâm mà ít, chưa bàn tới cách khắc phục những khó khăn trong trận đánh, cụ thể:

     Thứ nhất, bộ đội chủ lực ta đến nay chỉ mới tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc như ở Nghĩa Lộ. Khi đánh vào tập đoàn cứ điểm Nà Sản, chúng ta mới đánh từng tiểu đoàn địch trong công sự dã chiến, mà còn đánh rất dở!

      Thứ hai, trận này ta không có xe tăng, máy bay nhưng hợp đồng bộ binh, pháo binh quy mô cũng là lần đầu, bộ đội lại chưa qua diễn tập. Vừa qua đã có trung đoàn trưởng xin trả bớt súng, vì không biết phối hợp thế nào!

      Thứ ba, bộ đội từ trước đến nay chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những địa hình dễ ẩn náu. Chủ lực ta chưa có kinh nghiệm tác chiến ban ngày trên địa hình bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về máy bay, pháo binh và xe tăng. Trận đánh sẽ diễn ra trên một cánh đồng dài 13 kilômét và rộng 6 kilômét…Tất cả những khó khăn này ta đều chưa bàn cách giải quyết”[2]

     (5) Trước khi ra trận, Đại tướng được Bác căn dặn: “Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn”[3]

     Từ những cơ sở và phân tích kỹ lưỡng trên, với thiên tài quân sự của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định dứt khoát chuyển từ phương châm “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang phương châm “đánh chắc tiến chắc”.

     Sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục (13/3/1954-07/5/1954), quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điển Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, thiết lập lại hoà bình ở Việt Nam, đánh dấu cho sự thất bại hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam, Đông Dương và trên toàn thế giới, nó còn chứng minh cho thế giới thấy nghệ thuật quân sự Việt Nam và chiến tranh nhân dân Việt Nam với những điều đặc biệt chưa từng có trong lịch sử chiến tranh trên thế giới.

ThS Đỗ Lê Triều -  Trưởng khoa Xây dựng Đảng

Tài liệu tham khảo

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện biên Phủ 50 năm nhìn lại, Nxb QĐND, H, 2004

2. Ban Tuyên giáo Trung ương - Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 ngày Sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021
 

[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện biên Phủ 50 năm nhìn lại, Nxb QĐND, H, 2004, tr 301

[2] Sđd, tr 308

[3] Sđd, tr 307

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh