Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

THIẾT LẬP CÁC “VÙNG XANH” PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 Ở HÀ NỘI TRONG LÀN SÓNG DỊCH THỨ TƯ
Ngày đăng 20/08/2021 | 12:00 PM  | View count: 1915

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội đã triển khai các biện pháp quyết liệt, kịp thời, linh hoạt. Trong đó, từ 6h ngày 24/7/2021, toàn thành phố bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

     Mặc dù nhiệm vụ đặt ra rất khó khăn, nhưng biện pháp này đã phát huy hiệu quả giúp Hà Nội vừa kiềm chế đà lây lan của dịch, vừa bóc tách hiệu quả các F0 tiềm ẩn ra khỏi cộng đồng. Đây là kết quả chung nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân. Không chỉ vậy, nhiều nơi, các lực lượng tuyến đầu còn phát huy tinh thần sáng tạo, tổ chức nhiều cách làm hay, tham mưu những mô hình hiệu quả, tiêu biểu như "3 trước" trong chuẩn bị, "3 lớp" trong cách ly ở huyện Đông Anh, 3 “tại chỗ” ở các doanh nghiệp, đặc biệt là thiết lập các "vùng xanh" an toàn ở quận Hoàng Mai và đã được nhân rộng ở nhiều nơi trên địa bàn Thành phố.

     Chiều ngày 06/8/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND về việc tiếp tục thực hiện dãn cách trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đề cập đến “Vùng xanh”, “vùng da cam”, “vùng đỏ” trong phòng chống dịch Covid-19. “Vùng xanh” được hiểu là vùng an toàn, là vùng không có dịch; “Vùng da cam” được hiểu là vùng nguy cơ, vùng có khả năng lây nhiễm Covid-19 lớn; “Vùng đỏ” là khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly. Theo đó, mỗi “vùng xanh” sẽ thiết lập chốt bảo vệ do chính khu dân cư, tổ dân phố lập nên với sự ủng hộ, vào cuộc của người dân, chủ động phòng ngừa dịch ngay khi dịch bệnh chưa xảy ra ở và phát huy được lực lượng quần chúng, Nhân dân trong giữ gìn an toàn cho khu dân cư. Theo đó, chỉ để 1-2 lối ra vào có chốt kiểm soát vào khu dân cư; người dân ra đường phải có giấy tờ theo quy định như: phiếu đi chợ, giấy đi đường, giấy công tác hay giấy tờ tùy thân ...; những người không thường trú trên địa bàn khi vào khu dân cư phải khai báo y tế, đảm bảo thực hiện 5K và chỉ được vào trong trường hợp thực sự cần thiết; hàng hóa chỉ được đưa vào khu vực trực chốt, không được đưa vào từng gia đình, các tình nguyện viên sẽ hỗ trợ nhận và khử khuẩn hàng hóa cho người dân. Ở nhiều chung cư trên địa bàn cũng đã thiết lập “vùng xanh”. Một số tòa nhà đã tự thiết kế mã QR cho người dân thuận tiện trong khai báo y tế, hạn chế tiếp xúc. Ở các vùng ngoại thành Hà Nội, không chỉ “vùng xanh” huyện mà xã, thôn cũng thiết lập "vùng xanh" nhằm kiểm soát chặt chẽ sự ra vào, đảm bảo an toàn cho người dân. Có những đội tự quản thôn ngày đêm không quản ngại vất vả để cùng người dân bảo vệ thôn làng của mình.

     Về cơ bản, việc thiếp lập “vùng xanh” trên địa bàn dân cư đã phát huy hiệu quả rất cao trong việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, không để dịch bệnh bên ngoài xâm nhập vào khu dân cư và giảm áp lực cho tuyến đầu phòng, chống dịch. Và điều này đã được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm tổ chức phổ biến, thiết lập và nhân rộng các "vùng xanh" ở địa bàn dân cư.

     Tuy nhiên, để việc thiết lập các “vùng xanh” trên địa bàn Hà Nội hiện nay được hiệu quả hơn, tác giả xin để xuất một số giải pháp sau:

     Một là, đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, cách làm của việc thiết lập “vùng xanh” trên địa bàn thành phố Hà Nội

     Thiết lập và mở rộng vùng xanh là một trong những giải pháp quan trọng để chúng ta chiến thắng dịch bệnh. Vì vậy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn cần đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông về mục đích, ý nghĩa của việc thiết lập và nhân rộng các “vùng xanh” tới tất cả nhân dân trên địa bàn nhằm phát huy tính tự giác thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh và tinh thần tự nguyện tham gia vào lực lượng bảo vệ “vùng xanh” trên địa bàn dân cư. Tuyên truyền, vận động để mỗi người dân thực sự là một "chiến sĩ", mỗi gia đình là một "pháo đài" chống dịch; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các di biến động trên địa bàn... nhằm giảm “vùng đỏ”; bảo đảm giữ vững, dần mở rộng “vùng xanh”, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

     Bên cạnh đó, cần có những cần hướng dẫn cụ thể, chi tiết về tiêu chí xác định “vùng xanh”, cách thức tổ chức cho người dân tự quản lý nhằm đảm bảo thực hiện thống nhất trên địa bàn thành phố. Chúng ta có thể thiết lập “vùng xanh” trên quận, huyện, một xã, phường, thị trấn hay một khu dân cư, một tòa nếu đảm bảo các điều kiện cơ bản như: Phải là vùng an toàn, không có dịch; Mỗi khu vực “vùng xanh” cần thiết lập các chốt kiểm soát 24/24 do người dân tự nguyện tham gia dưới sự kiểm tra, giám sát của chính quyền cơ sở; mỗi khu vực “vùng xanh” cần niêm yết nội quy, quy định về quyền và trách nhiệm của những người là nhiệm phòng chống dịch; quyền, trách nhiệm của mỗi người dân; quy định về người ngoài khu vực dân cư khi ra, vào; niêm yết số điện thoại đường dây nóng để người dân liên hệ khi cần thiết ... ở mỗi khu vực để người dân dễ dàng theo dõi và thực hiện nhưng phải phù hợp với những quy định về phòng, chống dịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

      Hai là, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, nhân dân khu vực “vùng xanh”, đặc biệt là lực lượng tham gia tình nguyện khu vực chốt kiểm soát.

     Ý thức của mỗi người dân trên địa bàn nói chung, dân khu vực “vùng xanh” nói riêng và lực lượng tham gia bảo vệ “vùng xanh” có vai trò quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Theo đó, mỗi bộ phận có quyền và trách nhiệm riêng của mình trong công tác phòng chống dịch ở khu vực dân cư.

     Đối với lực lượng tham gia bảo vệ “vùng xanh”, chủ yếu được huy động tại chỗ phải do UBND phường, xã, thị trấn ra quyết định thành lập, có chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên, được cấp thẻ công vụ để thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng tham gia bảo vệ “vùng xanh” có nhiệm vụ tổ chức thiết lập, quản lý, kiểm soát ra vào, đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức công tác đảm bảo lương thực, thực phẩm và cung ứng, phân phối trong khu vực thuộc “vùng xanh”. Tuy nhiên, cần tăng cường sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, của các tổ chức chính trị -xã hội, người dân trên địa bàn để tránh những đối tượng lợi dụng sự “tự nguyện” này để thu lợi ích bất chính cho bản thân và gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân.

     Bên cạnh đó, phường, xã, thị trấn cần thành lập ít nhất 1 tổ phản ứng nhanh tại mỗi “vùng xanh” để cơ động nhanh, giải quyết kịp thời những trường hợp liên quan đến trợ giúp y tế, xử lý người chống đối, gây rối khi người dân hoặc tổ công tác ở các khu vực yêu cầu.

      Ba là, khuyến khích duy trì và nhân rộng các “vùng xanh” an toàn trên địa bàn dân cư và trong sản xuất.

     Đại dịch Covid-19 đã xảy ra ở Việt Nam được gần hai năm và được chia thành nhiều đợt khác nhau, xuất hiện nhiều biến thể nguy hiếm khác khiến số người mắc và tử vong ở Việt Nam trong đợt dịch từ tháng 4/2021 này rất cao. Mặc dù Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội kịp thời, số ca nhiễm đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn cần có nhiều “vùng xanh”, chốt kiểm soát “vùng xanh” nhiều hơn nữa cần được thiết lập để góp phần cho cả nước và Hà Nội chiến thắng dịch bệnh. Và ngay cả khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh thì các “vùng xanh” này vẫn nên duy trì để đảm bảo giữ gìn và phát huy các thành quả trong phòng, chống dịch Covid - 19 của Hà Nội.

     “Vùng xanh” không chỉ cần được thiết lập và nhân rộng  ở khu dân cư mà cũng được khuyến khích xây dựng trong trong sản xuất, kinh doanh. Mặc dù, việc xây dựng “vùng xanh” trong sản xuất kinh doanh là một điều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đã thực hiện 3 “tại chỗ” ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và sản xuất tại chỗ để duy trì sản xuất kinh doanh nhưng vẫn chỉ được coi là một “điểm xanh” mặc dù họ phải chi phí rất nhiều cho điều này. Vì một doanh nghiệp sản xuất, một siêu thị để trở thành “vùng xanh” thì phải đảm bảo “xanh” cả vùng lân cận và phải “xanh” cả quy trình sản xuất, “xanh” cả các chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng hóa, vật tư nhưng các chuỗi cung ứng, tiêu thụ này ở các doanh nghiệp, siêu thị là rất đa dạng, nhiều nguồn cung cấp, nhiều địa điểm, đối tượng tiêu thụ.

     Dù khó khăn nhưng không có nghĩa là chúng ta không làm được. Để làm được điều đó, đầu tiên là cần sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo của Chính phủ, chính quyền các cấp và đồng hành là ý thức của từng cá nhân, từng tổ chức, doanh nghiệp trong phòng chống dịch để tạo nên từng “điểm xanh”, từ đó có thể tạo nên được “vùng xanh” cho sản xuất. Bởi sản xuất như một cỗ máy mà các doanh nghiệp đơn lẻ là những mắt xích trong cả dây chuyền, vì thế, nếu chỉ có “điểm xanh” mà không có "vùng xanh" cũng rất khó để duy trì sản xtrì. Và nếu không thể duy trì được sản xuất thì không thể tạo công ăn việc làm cho người lao động và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và cả nước.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dăn dạy chúng ta "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", chúng ta tin tưởng rằng với những nòng cốt là lực lượng tuyến đầu, các lực lượng hỗ trợ và sự chung sức, đồng lòng, chấp hành nghiêm của nhân dân trong phòng chống dịch thì chắc chắn Hà Nội sẽ xóa sổ được các “vùng đỏ”, đảm bảo an toàn “vùng da cam” và có thêm nhiều “vùng xanh” hơn nữa.

Đỗ Thị Thúy Hằng -  GV K hoa Nhà nước và Pháp luật

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh