LỊCH CÔNG TÁC
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 27/01/2024 - 07/02/2025) (24/01/2025)
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 20/01/2024 - 24/01/2025) (17/01/2025)
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 13/01/2024 - 17/01/2025) (10/01/2025)
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 06/01/2024 - 10/01/2025) (03/01/2025)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 30/12/2024 - 03/01/2024) (27/12/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 23/12/2024 - 27/12/2024) (20/12/2024)
Nghiên cứu trao đổi
Ngày 21/01/2021, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ra Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG về ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp Lý luận chính trị (LLCT)).
Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/5/2021 và thay thế Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2014 về việc ban hành Chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính (LLCT – HC), Quyết định số 3136/QĐ-HVCTQG ngày 14/7/2016 và Quyết định số 8008-QĐ/HVCTQG ngày 24/12/2018 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về điều chỉnh Chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính.
Chương trình Trung cấp LLCT có hiệu lực từ ngày 01/5/2021, gồm 13 học phần, nghiên cứu thực tế, thi tốt nghiệp hoặc viết khoá luận tốt nghiệp. Chương trình này vẫn có tổng số 1.056 tiết, song kết cấu, nội dung được cải tiến, đổi mới, bổ sung và biên soạn theo hướng rõ hơn về lý luận, sát với đối tượng, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được mục đích, yêu cầu, chất lượng đào tạo lý luận chính trị so với Chương trình Trung cấp LLCT - HC.
Học phần “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội” có vị trí, vai trò quan trọng trong Chương trình Trung cấp LLCT nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản nhất về Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; giúp học viên nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn, tổ chức quần chúng thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Học phần “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội” trước năm 2009 được gọi là môn Dân vận. Đến năm 2009, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1845/QĐ-HVCT-HCQG ngày 29/7/2009 về Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở thì môn dân vận đổi tên thành phần học “Nghiệp vụ công tác Đảng, Đoàn thể ở cơ sở” (tập 2). Theo Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2014 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về sửa đổi, bổ sung chương trình Trung cấp LLCT - HC, phần học này đổi tên thành “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở”. Theo Quyết định số Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG ngày 21/01/2021, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở (hệ Trung cấp LLCT), phần học này lại thay đổi tên gọi thành “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”.
Học phần “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội” gồm 06 bài:
1. Mặt trận Tổ quốc và công tác vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
2. Công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
3. Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
4. Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
5. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội và bình đẳng giới.
6. Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trước đây, phần học “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở” trong Chương trình Trung cấp LLCT - HC là phần học về “cách thức, biện pháp thực hiện công việc chuyên môn”, nó đòi hỏi rất cao ở tính “nghiệp vụ” và tính thực tiễn. Tuy nhiên, qua thực tiễn giảng dạy tôi nhận thấy, phần học này vẫn còn một số hạn chế nhất định là: Nội dung soạn thảo thiên về cán bộ cấp cơ sở nên ở một số chuyên đề khi giảng dạy cho các đối tượng là cán bộ, công chức cấp huyện trở lên … là không phù hợp. Khối lượng kiến thức quá nhiều, còn nặng về lý luận; một số mục kết cấu chưa rõ ràng, nội dung còn dàn trải, trùng lặp; một số nội dung còn lạc hậu chưa bắt kịp thay đổi của thực tiễn. Trong khi môn học về nghiệp vụ đòi hỏi tính thực tiễn rất cao, thế nhưng trong giáo trình tính nghiệp vụ hết sức hạn chế, tức hướng dẫn phương thức, cách thực hiện một hoạt động cụ thể nào đó của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể gần như không có mà chỉ đề cập đến nội dung của hoạt động đó. Chính điều này dẫn đến nhiều trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu, sự đòi hỏi của học viên. Bên cạnh đó, giảng viên cũng gặp phải những khó khăn nhất định khi giảng dạy phần học này. Hầu hết giảng viên đều không được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành dân vận mà phải tự nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ thầy cô đi trước, nhất là tổng kết thực tiễn để vận dụng trong mỗi bài giảng. Một số giảng viên còn hạn chế kinh nghiệm thực tiễn; việc đánh giá, tổng kết có nội dung, có bài còn sơ lược, mang tính hình thức, chưa cắt nghĩa, luận giải được những vấn đề bất cập giữa lý luận và thực tiễn để định hướng người học, dẫn đến tình trạng học viên thì nắm kỹ hơn giảng viên (đối với đối tượng học viên đang làm công tác Mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở). Học viên đa số là cán bộ các sở, ban, ngành, do đó việc học tập phần nghiệp vụ công tác Mặt trận và đoàn thể nhân dân lại ít liên quan đến công việc của họ, nếu có chăng là bồi dưỡng, bổ sung thêm nhận thức về công Mặt trận và các đoàn thể nhân dân … Do đó, vô hình chung đã biến giờ giảng từ một phần học rất sinh động, thú vị thành những giờ giảng cứng nhắc, thiếu tính hấp dẫn.
Lần này, học phần “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội” trong Chương trình Trung cấp LLCT đã có sự đổi mới căn bản về cách tiếp cận, kết cấu, nội dung. Sự khác biệt về “cách tiếp cận” có thể được nhận thấy ngay từ tên gọi của phần học. Nếu phần học “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở” đi sâu về nghiệp vụ thì học phần “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội” lại tiếp cận một cách toàn diện hơn cả về lý luận và thực tiễn công tác Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Cụ thể:
Về kết cấu bài giảng: 5/6 bài trong học phần “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”, có kết cấu 3 phần, gồm:
Phần 1. Một số vấn đề chung về Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cung cấp kiến thức cơ bản về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Ở mục này, mỗi bài giảng đều bổ sung nội dung về lịch sử hình thành và phát triển của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Nội dung bổ sung này sẽ giúp người học có được cái nhìn tổng quát về tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của các tổ chức này.
Phần 2. Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội (riêng bài “Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay” không có nội dung này). Nội dung này không được đề cập trong phần học “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở”. Việc bổ sung nội dung “tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng…” vào mỗi bài giảng góp phần trang bị cho người học những kiến thức lý luận cơ bản, có hệ thống về công tác Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đó có thể xem là “kim chỉ nam” cho mỗi suy nghĩ và hành động của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay. Vì vậy, đây là nội dung bổ ích, thiết thực, phù hợp với đối tượng đào tạo. Đồng thời, đưa vào soạn giảng nội dung này cũng chính là góp phần phát huy thế mạnh của giảng viên trường chính trị.
Phần 3. Phát huy vai trò … của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây là nội dung trọng tâm của mỗi bài giảng, trang bị cho người học những kiến thức về thực tiễn hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và giúp giải quyết vấn đề đặt ra trong công tác Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay, đó là: trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, nhất là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy vị trí, vai trò có tính đặc thù của mình như thế nào để củng cố, phát triển hệ thống chính trị vững mạnh. Cách tiếp cận này sẽ góp phần phát huy tính chủ động của học viên, tạo ra hứng thú trong việc tiếp cận phần học, từ đó mang lại hiệu quả trong giảng dạy.
Về thời gian: Thời gian dành cho mỗi bài giảng là 8 tiết (tăng thêm 04 tiết so với bài giảng trong phần “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở”). Việc tăng thời gian giảng bài cho giảng viên sẽ giúp giảng viên có nhiều thời gian đi sâu phân tích để làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, giúp học viên tiếp cận vấn đề dễ dàng hơn. Đồng thời, nếu phần “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở” bố trí thảo luận theo cụm bài thì phần học “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội” lại lồng ghép thảo luận trong nội dung từng bài giảng. Theo đó, trong phạm vi mỗi bài giảng, giảng viên chỉ dành khoảng 3/4 thời gian để giảng lý thuyết, còn lại khoảng 1/4 thời gian thảo luận, tương tác với học viên, gắn lý luận với thực tiễn. Sự thay đổi này góp phần đổi mới phương pháp dạy - học LLCT, làm cho buổi học thêm sinh động, hấp dẫn hơn, giúp cho học viên nắm bắt kiến thức lý luận và thực tiễn sâu sắc hơn. Đây là sự thay đổi rất thiết thực và hữu ích đối với giảng viên và học viên.
Với sự thay đổi về kết cấu, nội dung, thời gian nêu trên, học phần “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội” đã có sự liên kết giữa các phần, các mục và các bài với nhau; giúp người học dễ nắm bắt được nội dung trong quá trình học và quá trình tự nghiên cứu. Học phần này cơ bản đã khắc phục được một số nhược điểm của phần học “Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở”, phù hợp với đối tượng người học trong giai đoạn hiện nay và thuận lợi cho giảng viên trong soạn giảng, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy bộ môn.
Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị trong tình hình mới, trong quá trình soạn giảng học phần “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”, mỗi giảng viên cần lưu ý một số vấn đề sau:
Đối tượng học viên lớp Trung cấp LLCT rất đa dạng, gồm: Cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở; trưởng, phó phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện và tương đương; trưởng, phó phòng của sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh trên; Cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác. Học viên là những người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, kiến thức thực tiễn khá phong phú. Vì vậy, khi soạn giảng, giảng viên cần xác định được đối tượng học viên để xác định được dung lượng kiến thức, lựa chọn kiến thức thực tiễn và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp để phát huy kiến thức, kinh nghiệm, tính tích cực học tập của họ.
Giáo trình phần “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội” do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành được sử dụng chung cho tất cả các tỉnh, vùng miền, các dân tộc và cho nhiều đối tượng học viên khác nhau trong cả nước. Vì vậy, trong quá trình soạn giảng, giảng viên phải nghiên cứu kỹ lưỡng từng chuyên đề, phải gia công tài liệu cho phù hợp, truyền thêm sức sống cho những kiến thức còn tiềm ẩn bên trong những nội dung của Giáo trình để phù hợp với từng đối tượng học viên. Đặc biệt cần cập nhật kịp thời văn kiện, nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước, điều lệ, hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để tránh bị lạc hậu hoặc không phù hợp, thậm chí là sai về mặt nội dung.
Tóm lại, học phần “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội” trong Chương trình đào tạo Trung cấp LLCT đã có sự thay đổi tích cực trong cách tiếp cận, kết cấu, nội dung, đáp ứng mục đích, yêu cầu, chất lượng đào tạo lý luận chính trị hiện nay. Với nhận thức hạn hẹp của bản thân, chắc chắn những nhận thức xoay quanh nội dung phần học nêu trên còn nhiều thiếu sót, rất mong sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp để góp phần đổi mới và hoàn thiện Chương trình mới.
ThS Nguyễn Thị Hương – Giảng viên chính Khoa Xây dựng Đảng
TIN MỚI NHẬN
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 27/01/2024 - 07/02/2025) (24/01/2025)
- BẾ GIẢNG LỚP TRUNG CẤP LLCT K.15B-24 (TW4) (18/01/2025)
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 20/01/2024 - 24/01/2025) (17/01/2025)
Lịch giảng dạy
Văn bản Nhà trường
thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |