Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

THÀNH PHỐ HÀ NỘI TẬP TRUNG NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TỐT CÁC CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI TRONG BỐI CẢNH ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19
Ngày đăng 05/10/2021 | 10:47 AM  | View count: 442

Thực hiện an sinh xã hội trở thành vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước, là một trong những nội dung được đề cập toàn diện, xuyên suốt trong hệ thống quan điểm, chính sách của Đảng ta.

     Theo Tổ chức Lao động Quốc tế: An sinh xã hội là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình thông qua một loạt biện pháp công cộng, nhằm chống lại những khó khăn về kinh tế và xã hội do bị ngừng hoặc giảm thu nhập, gây ra bởi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, thương tật, tuổi già và chết; đồng thời, đảm bảo các chăm sóc y tế và trợ cấp cho các gia đình đông con. Về mặt bản chất, chính sách an sinh xã hội góp phần đảm bảo thu nhập và đời sống cho các công dân trong xã hội khi họ không may gặp phải những “rủi ro xã hội” hoặc các “biến cố xã hội” dẫn đến ngừng hoặc giảm thu nhập.

     Ở Việt Nam, an sinh xã hội là hệ thống các chính sách và chương trình do Nhà nước và các lực lượng xã hội thực hiện nhằm bảo đảm cho mọi người dân ít nhất có được mức tối thiểu về thu nhập, có cơ hội tiếp cận ở mức tối thiểu về các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin,... thông qua việc nâng cao năng lực tự an sinh của người dân và sự trợ giúp của Nhà nước. Giai đoạn hiện nay, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước tập trung vào các nội dung chính: Một là, tăng cường cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động. Hai là, mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già. Ba là, hỗ trợ thường xuyên đối với người có hoàn cảnh đặc thù và hỗ trợ đột xuất cho người dân khi gặp các rủi ro không lường trước hoặc vượt quá khả năng kiểm soát thông qua các khoản tiền mặt và hiện vật do ngân sách nhà nước bảo đảm. Bốn là, tăng cường tiếp cận của người dân đến hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản, như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin.

     Trong những năm qua, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm, coi trọng việc thực hiện các mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Các chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật người dân tộc thiểu số… được thực hiện đúng, đủ và kịp thời; ngoài ra còn ban hành và thực hiện nhiều chính sách đặc thù, riêng có của Hà Nội về phúc lợi xã hội. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế 90,1%; lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm xã hội đạt 37,5%, tham gia Bảo hiểm thất nghiệp đạt 32%. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; huy động nhiều nguồn lực tài chính phục vụ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; hoàn thành xây dựng nhà ở cho người có công, hoàn thành xây dựng mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo. Hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 2 năm. Thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều[1]…Là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, đối ngoại của cả nước, với dân số đông so với các tỉnh, thành phố khác, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư (từ tháng 4/2021) đã tác động rất lớn về kinh tế, đời sống của Nhân dân của Thủ đô Hà Nội. Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, nhất là trong 8 tháng năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã và đang tác động tiêu cực đến đời sống của người nghèo, đối tượng được bảo trợ xã hội, người thu nhập thấp, người lao động ngoại tỉnh trên địa bàn Hà Nội.Thực hiện Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH ngày 6/8/2021 và Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cùng với việc tăng cường thực hiện các giải pháp quyết liệt để phòng, chống dịch, Thành phố đã đẩy mạnh các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ngày 13/8/2021, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của HĐND thành phố về quy định một số chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, Thành phố đã quy định những nhóm người và mức hỗ trợ được hưởng chính sách đặc thù trong giai đoạn hiện nay. Các đối tượng cụ thể gồm:

     1) Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo, chuẩn cận nghèo của thành phố Hà Nội được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận; 2) Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp nhận vào các trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng đang sống tại gia đình, chưa quay trở lại trung tâm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; 3) Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; 4) Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo điều kiện quy định tại khoản 1, 2 Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 5) người lao động làm việc tại hộ kinh doanh chấm dứt hợp đồng lao động do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp và đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 21 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 6)Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 và không thuộc đối tượng được quy định tại Chương IV Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 7) người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 do cơ sở giáo dục dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động) và không thuộc đối tượng quy định tại Chương VI Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; 8) chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động (có trụ sở chính trên địa bàn thành phố Hà Nội) phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19; 9) hỗ trợ bổ sung cho người lao động đang mang thai, đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi. Cùng với việc ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ cho những nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, UBND TP Hà Nội bổ sung 500 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội để người lao động và người sử dụng lao động được vay vốn phục hồi kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội. Đây là những chính sách đặc thù, được ban hành kịp thời để hỗ trợ nhân dân, đảm bảo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của thành phố Hà Nội.

     Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến có nhiều phức tạp, đặc biệt, Hà Nội là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, có mật độ dân số cao. Cùng với việc thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đảm bảo đời sống của nhân dân, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố đang tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19, đồng thời để thực hiện tốt Chương trình 08-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025, Thành phố xác định tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản:

     Thứ nhất, tiếp tục phát triển thị trường lao động, tạo việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và có sự quản lý, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước, hướng đến việc làm bền vững; quan tâm giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

     Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân. Tăng cường các giải pháp, biện pháp khắc phục tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo các quyền lợi, chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; tập trung thực hiện kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chặt chẽ; tăng cường phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

     Thứ ba, triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Giúp hộ nghèo tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện sinh kế, có thu nhập ổn định và nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, trong đó tập trung nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

     Thứ tư, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phù toàn dân, mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, từng bước giảm độ tuổi người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội, nâng mực trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ hằng tháng phù hợp với tình hình phát triển - xã hội và khả năng cân đối ngân sách của Thành phố. Chủ động bố trí nguồn lực và tăng khả năng tiếp cận ngân sách của Thành phố. Chủ động bố trí nguồn lực và tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, phương tiện công cộng…Thực hiện chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; nâng cao chất lượng dân số, chất lượng y tế cơ sở và y tế dự phòng. Trợ giúp kịp thời cho các cá nhân, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gặp rủi ro. Khuyến khích các mô hình, sáng kiến trong cộng đồng về xây dựng và củng cố mạng lưới an sinh xã hội phi chính thức.

     Thứ năm, phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đa dạng, linh hoạt cả về chất lượng và số lượng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số.

     Thứ sáu, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội hằng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tạo nên việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng sống của Nhân dân.

     Có thể thấy,chính sách bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội của Đảng và Nhà nước ta đã mang lại những thành công lớn, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hệ thống an sinh xã hội với các chính sách cụ thể vẫn là một trong những công cụ hữu ích để bình ổn xã hội, góp phần cải thiện đời sống cho Nhân dân Thủ đô trước sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Nguyễn Thị Phương Liên - Giảng viên khoa Lý luận cơ sở.

 

[1]Thành ủy Hà Nội, Văn kiện ĐHĐB lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb Thông Tấn, H.2020, tr.59-60.

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh