Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ HÀ NỘI VỚI LỒNG GHÉP GIỚI TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ngày đăng 18/03/2022 | 3:23 PM  | View count: 377

Ths. Nguyễn Thị Phương Liên - Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

     Năm 1997, Hội đồng kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc đã đưa ra quan điểm về lồng ghép giới. Theo đó, lồng ghép giới là một chiến lược làm cho các mối quan tâm và kinh nghiệm của nữ và nam là một phần không thể tách rời trong thiết kế, thực hiện, giám sát và đánh giá các chính sách và chương trình trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, nhằm đảm bảo phụ nữ và nam giới hưởng lợi như nhau[1]. Theo Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, lồng ghép giới là biện pháp chiến lược nhằm đạt được bình đẳng giới trong phạm vi toàn xã hội[2]. Như vậy, lồng ghép giới được hiểu là biện pháp hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới một cách có hệ thống, nhất quán và xuyên suốt. Đó là biện pháp hướng tới giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây nên bất bình đẳng giới, qua đó tạo dựng mối quan hệ bình đẳng và bền vững giữa nam và nữ. Trong những năm gần đây, lồng ghép giới ngày càng được thừa nhận là giải pháp bền vững. Cách tiếp cận này đảm bảo sự thay đổi và điều chỉnh về thể chế, chính sách và chương trình phát triển theo hướng có trách nhiệm giới.

     Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Với truyền thống đó, phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà” tiếp tục vượt qua mọi khó khăn và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng rộng rãi vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực như: xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; tham gia quản lý nhà nước; tham gia xóa đói giảm nghèo…Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Hà Nội ngày càng khẳng định vị trí, vai trò và có những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

     Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt nguồn từ Nghị quyết số 26 ngày 05/8/2008 tại Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã đề ra mục tiêu: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường. Đánh giá việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định: Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới, tổng mức vốn huy động đầu tư trung bình hằng năm trên 12 nghìn tỷ đồng. Đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa, hệ thống thoát nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; các công trình thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất; nâng cấp và xây dựng các trường học, nhà văn hóa thôn đảm bảo nhu cầu giảng dạy, học tập và sinh hoạt của cộng đồng. Hầu hết các hộ dân có điện thoại, 100% xã có kết nối Internet. Đến cuối năm 2020, có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Triển khai và xây dựng được 15 xã nông thôn mới nâng cao[3].

     Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, các cấp Hội liên hiệp phụ nữ Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân tham gia phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn như: hiến đất làm đường; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tích cực hỗ trợ giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội; tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa, các mô hình tham gia bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ gìn an ninh và trật tự xã hội nông thôn…

     Triển khai thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp); Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các cấp Hội đã duy trì và tham gia xây dựng các “Điểm sinh hoạt cộng đồng xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường”, tại các khu dân cư, đảm nhận các phần việc trồng cây cảnh, cây hoa các loại, tổ chức vẽ tranh, trang trí bích hoạ, làm đẹp cho khuôn viên nhà văn hóa tại dân cư. Xây dựng hàng nghìn đoạn đường nở hoa; xây dựng mô hình “Sạch đồng ruộng”; xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết phát triển kinh tế như hợp tác xã, tổ/nhóm liên kết. Tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ thành lập mô hình kinh tế tập thể khu vực nông thôn, vận động phụ nữ thực hiện tốt trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hiệu quả ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng các hoạt động hình thành chuỗi kết nối trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

     Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tập trung hỗ trợ phụ nữ một cách đồng bộ, toàn diện với các tiêu chí cụ thể, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân phụ nữ, gia đình và cộng đồng, vừa là hoạt động phù hợp để phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Nhiều mô hình tuyên truyền, vận động hỗ trợ xây dựng gia đình văn hóa, gia đình văn minh hạnh phúc “5 không 3 sạch”, chăm sóc bảo vệ trẻ em được triển khai hiệu quả. Số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình văn minh hạnh phúc và gia đình “5 không 3 sạch” ngày càng tăng, nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em, dân số kế hoạch hóa gia đình ngày càng được quan tâm.

     Công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội đẩy mạnh gắn với tập trung phát huy nội lực của hội viên, phụ nữ; hỗ trợ thành lập, nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết phát triển kinh tế; tăng trưởng và quản lý tốt các nguồn vốn vay; phát triển phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên, phụ nữ. Các cấp Hội tăng cường phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chương trình, dự án tín chấp giúp cho hội viên, phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh có nhiều khởi sắc. Hơn 162.000 lượt phụ nữ được hỗ trợ phát triển kinh tế với số vốn 6.985 tỷ đồng, tăng 138 % so với đầu nhiệm kỳ; 10.070 hộ do phụ nữ làm chủ được giúp thoát nghèo[4]

     Những năm qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội thường xuyên phối hợp với các sở, ngành để hỗ trợ và vận động phụ nữ thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của chị em phụ nữ ở các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu, văn hoá truyền thống gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, góp phần tạo việc làm cho người lao động; là nội dung và nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. 

     Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ XVI nhiệm kỳ 2021-2026 xác định mục tiêu tổng quát: Đoàn kết, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên, xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch”; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và vị thế của tổ chức Hội; huy động sự tham gia của xã hội vì sự phát triển toàn diện và hạnh phúc của phụ nữ, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại. Trong đó xác định mục tiêu: Hàng năm, toàn Thành phố vận động, hỗ trợ 1.200 hộ gia đình đạt tiêu chí 5 không 3 sạch, văn minh hạnh phúc; mỗi cơ sở Hội có 01 một công trình/phần việc tham gia xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại, nông thôn mới nâng cao; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 15.000 lao động (trong đó có 70% lao động nữ); vận động, hỗ trợ 300 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; hỗ trợ nâng cao năng lực cho 1500 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh. 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ nâng cao mức sống. Đến cuối nhiệm kỳ, toàn Thành phố giúp 10.000 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, ra khỏi diện cận nghèo; hỗ trợ thành lập 15 hợp tác xã do phụ nữ quản lý, điều hành.

     Để thực hiện việc lồng ghép giới và thực hiện các mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới, các cấp hội Phụ nữ xác định tập trung một số giải pháp trong thời gian tới:

      Một là, tiếp tục tục tuyên truyền, triển khai thực hiện hiệu quả các Phong trào, vận động phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, hợp lòng dân. Trong thời gian qua, các phong trào thi đua, cuộc vận động do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố phát động đã được Hội Phụ nữ các cấp triển khai, thực hiện hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, tổ chức Hội đã phát huy vai trò cầu nối, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo đã vận động cán bộ, hội viên phụ nữ hiến đất, góp công, góp sức làm đường giao thông nông thôn; tham gia bảo vệ các tuyến đường tự quản; vệ sinh môi trường, tích cực tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội…

      Hai là, tiếp tục đưa các phong trào thi đua, trong đó có Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” đi vào chiều sâu, xem đây là bước đột phá, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên, góp phần xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tập hợp, thu hút đông đảo hơn nữa các tầng lớp phụ nữ tham gia tổ chức Hội, quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ.

      Ba là, phụ nữ cần là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết các thành viên cùng chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, luôn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gia đình, nuôi dạy thế hệ công dân tương lai của đất nước đáp ứng yêu cầu hội nhập…; tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; sôi nổi tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và các lễ hội văn hóa tại cộng đồng góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thay đổi, loại bỏ dần những hủ tục lạc hậu, hình thành nếp sống văn minh, sống và làm việc theo pháp luật. 

      Bốn là, các cấp Hội Phụ nữ cần chú trọng đổi mới toàn diện, đồng bộ hơn nữa về nội dung, phương thức hoạt động; phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tiêu biểu là “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, xây dựng người phụ nữ Thủ đô “Trung hậu- Sáng tạo- Đảm đang-Thanh lịch”. Đổi mới toàn diện, đồng bộ hơn nữa về nội dung, phương thức hoạt động; tích cực tham gia giải quyết những vấn đề mới, khó, được xã hội và phụ nữ quan tâm. Đồng thời, đa dạng hóa các mô hình tập hợp, thu hút hội viên; tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.

     Lồng ghép giới là một khía cạnh quan trọng trong quản lý xã hội bằng pháp luật có hiệu quả. Lồng ghép giới sẽ góp phần vào tiến bộ xã hội, kinh tế, văn hoá, mang lại sự công bằng cho phụ nữ và nam giới, qua đó nâng cao trách nhiệm của chính quyền nhằm mang lại mọi thành tựu cho mọi công dân. Chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, trong xây dựng nông thôn mới nói riêng. Với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đoàn kết, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới. Việc xác định giới là một vấn đề quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là đáp ứng những yêu cầu đặt ra của Chương trình cũng như khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong việc thực hiện mục tiêu của Chương trình.

 

[1]UNDP và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới, H.2011, tr.11.

  1. Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ cửa phụ nữ Việt Nam: Hướng dẫn lồng ghép giới trong hoạch định và thực thi chính sách, Hà Nội, 2004.

[3] Thành ủy Hà Nội: Văn kiện đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb.Thông tấn, H.2020, tr.49-50.

[4] Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội lần thứ XVI nhiệm kỳ 2021-2026.

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh