Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP XÃ NHIỆM KỲ 2021 – 2026
Ngày đăng 05/09/2022 | 3:06 PM  | View count: 453

Bùi Thị Phương Liên, Khoa Nhà nước và Pháp luật

     Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của HĐND trong bộ máy nhà nước là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân địa phương, thực hiện chức năng quyết định và chức năng giám sát để xây dựng, phát triển địa phương về mọi mặt, làm tròn nghĩa vụ của địa phương với cả nước và bảo đảm thực hiện quyền lực nhân dân. Trong đó, HĐND cấp xã là cấp gần dân nhất, sát dân nhất, là nơi chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến các cấp chính quyền. Vì thế, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND cấp xã có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và uy tín của Đảng, chính quyền trước nhân dân.

     Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn của các đại biểu HĐND nói chung, HĐND cấp xã nói riêng trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã được nâng lên đáng kể so với các khóa trước. Tính trên cả nước, HĐND cấp xã bầu được 239.788 đại biểu. Trong đó, 69.487 đại biểu là phụ nữ (tỷ lệ 28,98%); 49.286 đại biểu là người dân tộc thiểu số (tỷ lệ 20,55%); 88.324 đại biểu trẻ dưới 40 tuổi (tỷ lệ 36,83%); 129.458 đại biểu tái cử (tỷ lệ 53,99%); 28.092 đại biểu là người ngoài Đảng; đại biểu tự ứng cử: 51 người. Về trình độ chuyên môn: tỷ lệ trên đại học 2,56%; đại học 52,56%; dưới đại học 44,88%[1]. Đây là tiền đề, điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã trong thời gian tới. Tuy nhiên, mặc dù trình độ học vấn, trình độ chuyên môn của đại biểu đã được nâng lên nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ của đại biểu từ đầu nhiệm kỳ đến nay chưa được cải thiện rõ rệt. Trên thực tế vẫn còn không ít đại biểu HĐND cấp xã chưa nắm vững vị trí, vai trò, thẩm quyền của HĐND cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND nên hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của cử tri[2]. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là do công tác đào tạo, bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã trong thời gian qua chưa đạt được chất lượng, hiệu quả như mong muốn, dẫn đến còn một tỷ lệ không nhỏ đại biểu HĐND cấp xã chưa được đào tạo về lý luận chính trị và bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng hoạt động đại biểu nên các đại biểu chủ yếu phải tự học, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Mặt khác, công tác bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã trước đây thường chỉ được các địa phương tiến hành một lần vào đầu nhiệm kỳ với thời lượng từ nửa ngày đến một ngày nên chất lượng kiến thức, kỹ năng thu được sau khóa tập huấn tương đối hạn chế và không giúp ích được nhiều cho hoạt động của đại biểu trong suốt nhiệm kỳ. Đại biểu không được cập nhật thường xuyên các quy định mới của pháp luật nên nhiều đại biểu không nắm vững quy trình, thủ tục, nội dung công việc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, nhất là đối với các đại biểu tham gia lần đầu chưa có nhiều kinh nghiệm. Về chương trình bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã trong các nhiệm kỳ gần đây thường được thực hiện theo Tài liệu hướng dẫn bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã do Bộ Nội vụ ban hành chung cho tất cả các địa phương trong cả nước nên khi các quận, huyện, thị xã tổ chức các lớp bồi dưỡng đại biểu nếu không có giảng viên, báo cáo viên giàu kinh nghiệm cũng như kiến thức thực tiễn về hoạt động của HĐND cấp xã và am hiểu đặc điểm tình hình địa phương tham gia truyền đạt thì nội dung bồi dưỡng sẽ mang tính chung chung, các đại biểu khó vận dụng vào địa phương mình do mỗi địa phương có đặc thù khác nhau về kinh tế, văn hóa, truyền thống và trình độ dân trí, từ đó phương pháp hoạt động của đại biểu và nội dung nhiệm vụ cụ thể của HĐND các xã, phường, thị trấn cũng không hoàn toàn giống nhau. Không những thế, các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã do các địa phương tổ chức từ trước đến nay thường không có sự phân biệt đối tượng theo chức danh công tác trong HĐND mà gộp chung đại biểu HĐND cấp xã trên địa bàn mỗi quận, huyện, thị xã vào trong cùng một hoặc hai lớp tập huấn với số lượng người tham gia các lớp học rất đông, dẫn đến hạn chế khả năng trao đổi, thực hành chuyên sâu trên lớp về kiến thức, kỹ năng hoạt động đối với các đại biểu. Mặt khác, mỗi chức danh công tác trong HĐND có nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò khác nhau nên yêu cầu về phương pháp, kỹ năng hoạt động cũng không giống nhau. Vì thế, nội dung tập huấn chung cho tất cả các đại biểu sẽ không đáp ứng được yêu cầu công tác của một số nhóm đại biểu, nhất là các cán bộ chủ chốt của HĐND cấp xã, trong khi đây lại là đội ngũ có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND ở cơ sở.

     Để khắc phục những hạn chế nêu trên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã, góp phần nâng cao năng lực của đại biểu và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã trong nhiệm kỳ 2021 – 2026, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây:

      Một là, cần đổi mới nội dung bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã theo hướng xây dựng nội dung tập huấn phù hợp với từng nhóm chức danh.

     Cơ cấu tổ chức của HĐND cấp xã theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi năm 2019) bao gồm: Thường trực HĐND, 02 Ban (ban Kinh tế - Xã hội và ban Pháp chế) và các đại biểu HĐND. Thường trực HĐND gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và Trưởng các ban. Phó Chủ tịch HĐND và Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách còn Chủ tịch HĐND và Trưởng các ban có thể hoạt động chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Trong đó:

     Chủ tịch HĐND lãnh đạo hoạt động của Thường trực HĐND cùng cấp, thay mặt Thường trực HĐND giữ mối liên hệ với UBND, các cơ quan nhà nước, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp, các tổ chức xã hội khác và công dân.

Phó Chủ tịch HĐND giúp Chủ tịch HĐND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Chủ tịch HĐND. Khi Chủ tịch HĐND vắng mặt thì Phó Chủ tịch thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐND theo phân công hoặc ủy quyền; được ký văn bản của Thường trực HĐND theo lĩnh vực được phân công. Phó Chủ tịch HĐND có trách nhiệm duy trì hoạt động thường xuyên của Thường trực HĐND cấp xã.

Ban của HĐND là cơ quan của HĐND, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình HĐND, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND. Nhiệm vụ cụ thể của từng ban như sau:

Ban Pháp chế của HĐND cấp xã chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực thi hành Hiến pháp và pháp luật, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính ở địa phương.

     Ban Kinh tế - Xã hội của HĐND cấp xã chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đô thị, giao thông, xây dựng, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường, chính sách tôn giáo ở địa phương.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và quy chế hoạt động của HĐND cấp xã, đối với các đại biểu HĐND cần bồi dưỡng chung về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và đại biểu HĐND cấp xã cũng như các kỹ năng hoạt động chung của đại biểu như: kỹ năng tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; kỹ năng chất vấn, thuyết trình, tranh luận; kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, thực hiện giám sát…Ngoài ra, Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND cấp xã cần được bồi dưỡng chuyên sâu về các kỹ năng lãnh đạo, điều hành hoạt động của HĐND cấp xã như: kỹ năng tổ chức, điều hành kỳ họp HĐND và phiên họp Thường trực HĐND; kỹ năng tổ chức giám sát chuyên đề; kỹ năng phân công và phối hợp công tác. Thành viên Thường trực HĐND cần được bồi dưỡng các kiến thức về đổi mới hoạt động của HĐND trong chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, thực hiện các nhiệm vụ của địa phương theo định hướng lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Các Ban của HĐND cần được bồi dưỡng sâu về kỹ năng thực hiện giám sát chuyên đề trên từng lĩnh vực…

     Nội dung chương trình, tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã phải được xây dựng bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành; tích hợp, lồng ghép các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng; không được trùng lặp. Chương trình, tài liệu phải thường xuyên được bổ sung, cập nhật, nâng cao phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương theo đúng quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017/NĐ-CP.

      Hai là, cần đổi mới hình thức bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã theo hướng phân nhóm chức danh và tổ chức bồi dưỡng nhiều lần trong suốt nhiệm kỳ HĐND.

     Do số lượng đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021 của các địa phương rất lớn nên cần tổ chức thành nhiều lớp tập huấn sao cho mỗi lớp khoảng 40 đến 50 học viên để học viên có thể thực hành các kỹ năng ngay trên lớp. Thành phần lớp tập huấn nên triệu tập theo từng nhóm chức danh để phù hợp với nội dung bồi dưỡng chuyên sâu như: lớp dành cho Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND; lớp dành cho Thường trực HĐND; lớp dành cho thành viên ban Kinh tế - Xã hội, thành viên ban Pháp chế; lớp dành cho đại biểu HĐND không giữ các chức danh chủ chốt của HĐND cấp xã.

     Các lớp bồi dưỡng nên được tổ chức định kỳ hàng năm trong 4 năm đầu nhiệm kỳ của HĐND và chia làm nhiều đợt, mỗi đợt học từ 01 đến 02 ngày và bố trí vào thời gian giữa 02 kỳ họp HĐND để không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của HĐND, đảm bảo tổng thời gian thực hiện mỗi chương trình không quá 01 tuần theo đúng quy định của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm và  bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức, cấp xã.

      Ba là, cần đổi mới phương pháp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã.

     Đại biểu HĐND cấp xã là những người trực tiếp sinh sống, gắn bó với cử tri địa phương nơi mình đại diện và HĐND cấp xã chủ yếu quyết định những vấn đề cụ thể, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân nên hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã có nhiều nét riêng so với HĐND các cấp trên. Ngoài những kỹ năng chung của các đại biểu HĐND, thì đại biểu HĐND cấp xã còn phải rất am tường tình hình phát triển mọi mặt của địa phương và đời sống, đặc điểm dân cư trên địa bàn. Vì thế, phương pháp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã không nên nặng về lý thuyết, quy định chung chung hoặc các kiến thức vĩ mô phức tạp mà nên theo hướng “cầm tay chỉ việc” cụ thể, gắn lý luận với thực tiễn, tăng cường trao đổi kinh nghiệm và thảo luận trên lớp để giải quyết những tình huống nảy sinh trong thực tế công tác của HĐND cấp xã, qua đó giúp các đại biểu hình thành kỹ năng hoạt động cho riêng mình.

      Bốn là, các cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương cần coi trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực hoạt động cho đại biểu HĐND cấp xã và ưu tiên bố trí kinh phí hợp lý cho công tác này để tạo điều kiện cho giảng viên, học viên và các đơn vị liên quan có thể tổ chức những lớp bồi dưỡng thực sự chất lượng, hiệu quả.

     Thông qua các khóa học, lãnh đạo cấp ủy, HĐND cấp huyện, cấp xã có thể đánh giá được khả năng cũng như tinh thần trách nhiệm của từng đại biểu để từ đó có định hướng phù hợp cho công tác quy hoạch cán bộ các nhiệm kỳ tiếp theo, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

[1] https://hoidongbaucu.quochoi.vn/tintuc/pages/chi-tiet.aspx?ItemID=11787

[2] Đề án số 15-ĐA/TU ngày 13/5/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2026, gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh