Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

VẤN ĐỀ CÁN BỘ TRONG TÁC PHẨM “SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Ngày đăng 07/10/2022 | 8:42 AM  | View count: 1194

Ths Trần Đình Anh - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

       Năm nay, tròn 75 năm (10/1947 - 10/2022) tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời, mặc dù đã trải qua hơn 7 thập kỷ song những nội dung của tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận ngày hôm nay.

(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

       Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm tới công tác xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh. Trong công tác xây dựng Đảng, Bác đặc biệt chú trọng đến công tác cán bộ. Suốt cuộc đời Người đi nhiều, viết nhiều. Những bài viết của Người thật ngắn gọn, súc tích, cô đọng mà hàm ý sâu xa.

       Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Bác viết xong vào tháng 10/1947, sau 2 năm đất nước giành được chính quyền, tình hình trong nước đang có nhiều khó khăn phức tạp: Đảng cầm quyền, nắm quyền lãnh đạo xã hội nhưng lại rút vào hoạt động bí mật; cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn quyết liệt. Chiến dịch Thu - Đông 1947 đang diễn ra, Đảng phải tiến hành chỉnh đốn, “sốc lại đội hình”, tăng thêm sức mạnh để chuẩn bị cho tổng tấn công Chiến dịch Tây Bắc 1950 và Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954; trong cán bộ, đảng viên xuất hiện một số biểu hiện quan liêu, tiêu cực. Công tác xây dựng Đảng bộc lộ một số thiếu sót, khuyết điểm, lúng túng trong nhận thức và thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một số bài viết: “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ” tháng 3/1947; “Thư gửi các đồng chí Trung bộ” giữa năm 1947… phê phán, chấn chỉnh, nhắc nhở những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên nhưng sự chuyển biến còn chậm. Người thấy cần có một tác phẩm hoàn chỉnh hơn nhằm định hướng, chấn chỉnh kịp thời công tác xây dựng Đảng để cho cán bộ, đảng viên toàn Đảng nghiên cứu, học tập. Tháng 10/1947, với bút danh XYZ, Bác đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với mục đích nâng cao trình độ lý luận, nâng cao tư tưởng và tình cảm cách mạng, nâng cao phẩm chất đạo đức, tác phong công tác của người cán bộ cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo nhằm đáp ứng nhu cầu mới của cách mạng. Trong bối cảnh đó, tác phẩm ra đời có ý nghĩa to lớn đối với cán bộ, đảng viên ta. Ngày nay, trước yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, tác phẩm có giá trị giáo dục cán bộ, đảng viên ta hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trước Nhân dân, trước Đảng.

       Theo cấu trúc, tác phẩm có 6 chương:

        Chương  I: Phê bình và sửa chữa, từ trang 231 đến trang 239 (9 trang) [1]

        Chương II: Mấy điều kinh nghiệm , từ trang 240 đến trang 248 (9 trang)

        Chương III: Tư cách và đạo đức cách mạng, từ trang 249 đến trang 268 (21 trang)

        Chương  IV: Vấn đề cán bộ , từ trang 269 đến trang 284 (16 trang)

        Chương V: Cách lãnh đạo, từ trang 285 đến trang 298 (14 trang)

        Chương VI: Chống thói ba hoa, từ trang 299 đến trang 306 (8 trang)

       Bài viết xin được tập trung vào Chương IV: Vấn đề cán bộ. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu, được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn kỹ nhất trong tác phẩm này. Trong “Vấn đề cán bộ”, Bác đề cập tương đối toàn diện 5 mặt của công tác cán bộ:

        Một là, huấn luyện cán bộ. Vấn đề này được Bác đặt lên trước nhất, để thấy tầm quan trọng to lớn của công tác huấn luyện cán bộ. Nếu như không huấn luyện cán bộ thì cán bộ sẽ làm việc kém hiệu quả, không có hiệu quả thậm chí dễ dẫn đến sai lầm trong quá trình làm việc.        Trong phần này, Bác tập trung vào bốn vấn đề cơ bản: đó là người đi huấn luyện; người được huấn luyện; cách thức tổ chức huấn luyện như thế nào; nội dung huấn luyện những gì?

        Thứ nhất, đối với người đi huấn luyện. Bác căn dặn: “Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy” [2] . Có như vậy mới bảo đảm được chất lượng đội ngũ cán bộ sau khi được đào tạo. Người thầy tốt, giỏi có trình độ chuyên môn cao thì mới có thể đào tạo được những thế hệ học trò sau này ra trường đời, ra công tác mới làm được việc. “Những nhân viên phụ trách” ấy phải vừa “hồng” vừa “chuyên”, phải có cái tâm với nghề nghiệp. Nếu được thì người lãnh đạo cần trực tiếp tham gia việc giảng dạy như vậy sẽ đảm bảo được nhiều vấn đề lớn trong huấn luyện. Vì người lãnh đạo là người có tầm nhìn sâu, rộng, có kinh nghiệm thực tiễn, đi nhiều biết nhiều và ngược lại giúp cho người lãnh đạo hiểu được cán bộ của mình sau này ra trường sẽ là người như thế nào. Vấn đề lựa chọn người dạy không chỉ có tính lý luận, tính thời đại mà nó còn có tính thực tiễn, còn có giá trị đến ngày nay. Nền giáo dục quốc dân Việt Nam hiện nay cần phải có “những nhân viên phụ trách” - người thầy đủ năng lực và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp như Bác căn dặn.

        Thứ hai, đối với người được huấn luyện ở đây là những cán bộ của Đảng phải nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” [3] . Cho nên “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” [4] . Những người được huấn luyện phải dành thời gian để mà nghiên cứu, học tập. Tùy theo thời gian, hoàn cảnh của mình mà tìm cách học cho hợp lí. Nếu rảnh thì phải đến lớp ngồi nghe giảng. Nếu bận thì tìm tài liệu tự nghiên cứu. Những người được huấn luyện của chúng ta “phần đông là công nhân và nông dân, văn hóa rất kém[5]. Cho nên Đảng phải tìm cách nâng cao trình độ văn hóa của họ.

        Thứ ba, cách thức tổ chức lớp học sao cho đạt hiệu quả. Tùy theo tình hình thực tiễn của địa phương mình mà tìm cách huấn luyện cho hợp lí. Về địa điểm có thể huấn luyện ở mọi nơi. Về tài chính “không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện” [6]. Về đối tượng huấn luyện không phân biệt cán bộ cao cấp hay cán bộ trung cấp mà phải lấy tiêu chí trình độ thực tế của cán bộ để phân lớp cho phù hợp.

        Thứ tư, nội dung huấn luyện tập trung vào bốn mảng lớn là huấn luyện nghề nghiệp, huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hóa và huấn luyện lý luận. Đối với huấn luyện nghề nghiệp, Người dạy: “làm việc gì học việc ấy[7]. Có nghĩa là dạy cho người ta làm tốt chuyên môn, làm tốt công việc của mình. Tránh tình trạng dạy trái với nghề của người ta hoặc dạy chuyên môn thì ít mà dạy những thứ khác thì nhiều, sau này ra trường làm sao làm được việc. Như vậy rất lãng phí thời gian, tiền của và nhân tài. Đối với huấn luyện chính trị phải chú trọng vào hai thứ “thời sự và chính sách” [8]. Cách huấn luyện thời sự thì phải xem báo và thảo luận. Huấn luyện chính sách thì phải nghiên cứu, thảo luận những chính sách của Đảng, của Chính phủ. Đối với huấn luyện văn hóa và huấn luyện lý luận cũng phải tương tự như vậy. Phải căn cứ vào đặc điểm tình hình của từng môn mà tìm phương pháp giảng dạy cho phù hợp.

       Đối với huấn luyện cán bộ: làm việc gì cũng phải nghiêm với bản thân, nếu yêu cầu quá dễ dãi, bản thân là người bị thiệt trước tiên.

        Hai là , dạy cán bộ và dùng cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung vào vai trò của việc dạy và dùng cán bộ; cách thức dùng cán bộ như thế nào cho hợp lí.

       Về vai trò, Người nói: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém” [9] . Dạy cán bộ mà không khéo để sau này cán bộ không làm được việc hoặc có khi mắc sai lầm thì đó là lỗi của Đảng, nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng, chăm sóc cho cây cối. Vun trồng, chăm sóc khéo thì cây cối sinh sôi, nảy nở, đơm hoa kết trái và ngược lại.

Về cách thức dùng cán bộ, Người tập trung vào sáu vấn đề:

        Thứ nhất, biết rõ cán bộ. Đó là thuật hiểu người. Mà muốn hiểu người trước hết phải hiểu mình. Hiểu được mình mới hiểu được người. Hiểu hết mình là một điều cũng rất khó song không phải không làm được. Cổ nhân nói: dù có nhìn xa vạn dặm cũng không nhìn thấy được lông mi của chính mình là có ý như vậy. Muốn hiểu được cán bộ thì phải đưa vào thử thách. Có câu: vàng thật không sợ lửa, lúc gian nguy gặp chân tình. Đó là cách thử thách để hiểu cán bộ tốt nhất.

        Thứ hai, cất nhắc cán bộ. Đây là một khâu rất quan trọng mà từ xưa đến nay người lãnh đạo hay mắc sai lầm. Tránh cất nhắc người nịnh bợ, gian xảo, người thân tín, bà con hàng xóm. Tránh tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ”. Tránh cất nhắc kẻ lòng dạ hẹp hòi, ti tiện, chủ nghĩa cá nhân. Là lãnh đạo cần phải dựa vào tài năng của mỗi người mà cất nhắc vào công việc cụ thể, cất nhắc người hiền tài, ngay thẳng, trung thực, dám nói và có tinh thần đấu tranh, phê bình và tự phê bình. Ngày nay, vấn đề cất nhắc cán bộ của chúng ta cũng đang mắc phải những thiếu sót, sai lầm dẫn đến đặt nhầm chỗ, cán bộ “ngồi nhầm ghế” làm tổn hại cho Đảng, cho Nhà nước, cho Nhân dân. Cần phải thực sự cầu thị học hỏi tinh thần cất nhắc cán bộ của Bác mà nghiêm khắc với mình.

       “Á Thánh” Mạnh Tử từng nói: Vua chọn hiền tài, nếu bất đắc dĩ phải dùng người mới, thì phải đưa người thấp kém lên trên người cao sang, đưa người xa lạ lên trên người thân thiết, đối với sự việc này có thể không thận trọng hay sao? Do đó, những người thân nói ai đó tốt thì không thể vội vàng tin ngay, các quan nói ai đó tốt thì cũng không thể vội vàng tin ngay, nhưng cả thiên hạ nói ai đó tốt thì cần đi tìm người đó. Những người thân nói ai đó không tốt thì không thể vội vàng tin ngay, các quan nói ai đó không tốt thì cũng không thể vội vàng tin ngay, nhưng cả thiên hạ nói ai đó không tốt thì đi tìm hiểu, nếu quả thật không tốt thì bãi miễn người đó. Những người thân nói ai đó đáng chết thì không thể vội vàng tin ngay, các quan nói ai đó đáng chết thì cũng không thể vội vàng tin ngay, nhưng toàn thiên hạ nói ai đó đáng chết thì đi tìm hiểu, nếu quả thật đáng chết thì hãy giết người đó. Như thế mới có thể làm cha mẹ của muôn dân. Vậy nên, đối với hiền tài dưới mình, phải quan sát tìm hiểu để trọng dụng, không biết dùng hiền tài nhất tất là phải diệt vong.

        Thứ ba, phải khéo dùng cán bộ. Cán bộ cũng là con người, mà là con người thì ai cũng có cái tốt, cái xấu. Chúng ta dùng cán bộ là làm sao để cán bộ phát huy được mặt mạnh của mình và hạn chế mặt yếu kém của mình. Người xưa nói: “dụng nhân như dụng mộc”. Không thể vì một chỗ mọt, hay một điểm cong mà chê cây gỗ đó, vứt đi không dùng. Dùng cán bộ cũng vậy, phải uốn nắn những thiếu sót, sai lầm, cổ vũ, động viên để cán bộ phát huy thế mạnh của mình.

        Thứ tư, phân phối cán bộ phải căn cứ vào nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương, cơ quan, tổ chức mà bố trí cán bộ nhiều hay ít. Những “điểm nóng” phải tăng cường cán bộ lão luyện, có quan hệ mật thiết tốt với quần chúng. Nếu chúng ta khéo phân phối cán bộ thì không lo “thừa” cán bộ cũng chẳng lo “thiếu” cán bộ. Nếu không khéo phân phối cán bộ thì lúc cần đến lại chẳng thấy đâu, không có cán bộ nào chịu đi vào những vùng khó khăn, gian nguy.

        Thứ năm, giúp cán bộ cho đúng. Trong quá trình công tác của cán bộ, chúng ta phải giúp cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Giúp cán bộ không phải là che giấu, bao biện cho hành động sai trái của cán bộ. Giúp trên tinh thần thương yêu, thân ái thực sự. Có như vậy, cán bộ mới an tâm làm nhiệm vụ, mới gắn bó với cơ quan nơi mình công tác.

        Thứ sáu, phải giữ gìn cán bộ. Cán bộ là vốn quý báu của Đảng. Nơi cán bộ làm nhiệm vụ bí mật thì phải giữ gìn bí mật. Nếu thấy không an toàn thì phải rút ngay ra, chuyển công tác, điều cán bộ khác về làm nhiệm vụ.

        Ba là , lựa chọn cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra bốn cách lựa chọn cán bộ. Đây còn là những tiêu chuẩn để nhìn nhận, đánh giá, phân loại cán bộ.

        Cách thứ nhất, lựa chọn những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh. Đây là những con người nhiệt tình trong công việc, trung thành với lí tưởng của Đảng.

        Cách thứ hai, lựa chọn những người liên lạc mật thiết với quần chúng, hiểu quần chúng, được quần chúng tin yêu. Cán bộ ta hầu hết xuất phát từ phong trào đấu tranh của quần chúng mà lên, họ hiểu quần chúng mình hơn ai hết và là những thành phần tích cực được quần chúng tín nhiệm bầu vào các cơ quan của Đảng và Chính phủ. Họ thay mặt cho quần chúng điều hành công việc chung.

        Cách thứ ba, lựa chọn những người có thể giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Đây là những cán bộ có bản lĩnh chính trị, tư duy phân tích tình hình và có khả năng đưa ra quyết sách nhanh, hiệu quả. Cán bộ này có thể gánh những trọng trách lớn, những công việc lớn lao của Đảng giao phó, đặc biệt là những “điểm nóng” chính trị.

        Cách thứ tư, lựa chọn những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật. Đây là những người trung thực, nói là làm, không văn vẻ, không nói hay làm dở. Những cán bộ này nên sắp xếp làm những việc giữ gìn kỷ cương, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, hạn chế của cán bộ loại này là hay cố chấp, bảo thủ.

       Lựa chọn cán bộ và sắp xếp họ vào những vị trí phù hợp là một vấn đề có ý nghĩa sống còn trong công tác cán bộ. Lựa chọn sai lầm sẽ dẫn đến tổn thất cho Đảng, cho Chính phủ. Cần phải lựa chọn những cán bộ có tấm lòng bao dung, độ lượng, có tấm lòng tha thứ cho người khác. Cán bộ lãnh đạo mà hẹp hòi thì nhân tài trong cơ quan cũng lần lượt “đội nón” ra đi mà “hạng cán bộ” này lại không dung nạp nhân tài mới đến. Dần dần cơ quan, tổ chức đó ngày càng làm việc kém hiệu quả. Người ta thường nói: Lãng phí lớn nhất của đời người, không có gì hơn là nhận nhầm đường. Có người gọi đời người như con đường một chiều, đi nhầm thì không có cách gì quay trở lại.

        Bốn là , cách đối với cán bộ. Bác đã chỉ ra năm cách ứng xử đối với cán bộ. Năm cách này là nghệ thuật quản người được đúc kết từ văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây được nâng lên thành tư tưởng Hồ Chí Minh và được soi sáng dưới ánh sáng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta đối đãi với người, với cán bộ hết sức đặc biệt, trân trọng hiền tài. Người có tài thu phục nhân tâm, kêu gọi các nhân sĩ cùng hướng về Tổ quốc. Điển hình như Bác đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra làm việc cho Chính phủ.

        Thứ nhất, “chỉ đạo”, chỉ đạo ở đây không có nghĩa là cầm tay chỉ việc cho cán bộ ta phải làm thế này, phải làm thế kia; chỉ đạo cũng không có nghĩa là đứng từ trên cao mà chỉ tay năm ngón. Mà “chỉ đạo” ở đây với nghĩa là chỉ ra phương hướng, cách thức, con đường cho cán bộ làm, là định hướng tư tưởng cho cán bộ. Phải để cho họ phát huy óc sáng tạo, phát huy sáng kiến. Tránh tình trạng chỉ đạo làm cho cán bộ sợ sệt, không dám kiến nghị.

        Thứ hai, “nâng cao”, nghĩa là làm cho cán bộ luôn luôn được nâng cao về trình độ lý luận và kinh nghiệm thực tiễn. Sự học là không bao giờ cùng. Càng tiến bộ càng cần phải học và học là để tiến bộ hơn nữa. Khổng Tử dạy: “ Sáng được học, tối có chết cũng được”. Học là để nhận thức chân lý, để làm việc tốt hơn. Có như thế, cán bộ ta mới không mắc sai lầm, khuyết điểm.

        Thứ ba, “kiểm tra”, vậy kiểm tra như thế nào là hợp lý. Có phải lúc nào cũng đi theo sau, rình mò xem cán bộ làm những gì, làm như thế nào? Đó là cách kiểm tra lỗi thời, lạc hậu. Kiểm tra có thể đột xuất hoặc thường xuyên, hoặc khi thấy có dấu hiệu vi phạm cần kiểm tra. Kiểm tra cán bộ không phải là “bới lông tìm vết”, “bới bèo ra bọ” mà để uốn nắn cán bộ, để cán bộ làm việc tốt hơn. Kiểm tra để đề phòng, răn đe.

        Thứ tư, “cải tạo” tức là làm thay đổi nhận thức của cán bộ. Khi cán bộ mắc sai lầm cần đưa đi “cải tạo” nhưng không phải ai đi “cải tạo” đều là hỏng, là bỏ đi. “Cải tạo” là một hình thức giúp họ nhận thức sai lầm, có đầu óc minh mẫn hơn, để sau này làm việc tốt hơn.

        Thứ năm, “giúp đỡ”. Phải luôn luôn chú ý quan tâm, giúp đỡ cán bộ để cán bộ hoàn thành tốt nhệm vụ được giao.“Khi đau ốm, phải thuốc thang”. Làm cách mạng, là người cộng sản cốt sống với nhau cho có nghĩa, có tình. Tránh tư duy giúp đỡ bằng cách thấy cán bộ khó khăn là tạo điều kiện cho cán bộ lấy của công làm của tư. “Giúp đỡ” như vậy là làm hại cán bộ.

        Năm là , chính sách đối với cán bộ là những quan điểm, tư tưởng mới tiến bộ so với thời đại của Người. Chính sách là cách đối đãi với cán bộ. Trong chính sách với cán bộ, Bác căn dặn phải chú ý mấy việc dưới đây:

        Việc đầu tiên, “hiểu biết cán bộ”. Vậy chúng ta làm thế nào để hiểu đúng cán bộ. Muốn hiểu được người trước hết phải hiểu được mình, muốn hiểu người phải đoán được lòng người; hiểu người trong chốc lát, dùng được lúc cấp bách, hiểu người cả cuộc đời, dùng được mãi mãi. Việc hiểu được cán bộ không phải là một sớm một chiều, nó phải có thời gian, thời gian là liều thuốc thử hiệu nghiệm nhất. Đường xa mới biết sức ngựa, ngày dài mới hiểu lòng người.

       Trong hiểu biết cán bộ, Người căn dặn tránh phạm vào một trong bốn điểm dưới đây:

        “1. Tự cao tự đại,

        2. Ưa người ta nịnh mình,

        3. Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người,

        4. Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người như nhau” [10] .

       Con người không những là một thực thể sinh học mà là tổng hòa các mối quan hệ, có tư duy, có tâm tư, tình cảm, mà những thứ đó thì biến hóa không ngừng. Nay là người tốt, mai có thể là người xấu và ngược lại. Cho nên cách đối với cán bộ phải hết sức chú ý. Nhìn nhận một con người phải có quá trình lịch sử lâu dài từ quá khứ - hiện tại - tương lai. Chỉ cần một sai lầm nhỏ trong chính sách cán bộ sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

        Việc thứ hai, “khéo dùng cán bộ”. Trong lúc dùng cán bộ tránh ba căn bệnh thường gặp sau đây:

        “ 1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.

        2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực.

        3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình. Mà tránh những người không hợp với mình” [11] .

       Nếu phạm vào một trong ba chứng bệnh trên thì rất tổn nguy cho phong trào cách mạng, cho tổ chức, cho sự nghiệp của Đảng. Từ đó, Bác đưa ra cách dùng cán bộ đúng là phải: “để cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến” [12]. Trong thực tế không ít lãnh đạo làm việc mà cấp dưới chưa kịp nói là lấp liếm, bịt miệng. Như thế còn ai dám nói nữa. Có dám nói thì mới có ý kiến hay nảy sinh. Mình là người lãnh đạo phải biết lắng nghe “thấu triệt” ý kiến của cấp dưới. Lúc đó, cấp dưới thấy lãnh đạo tôn trọng mình mới dám nói tiếp. Thực tế cho thấy, những sáng kiến hay xuất phát từ dân chủ, từ ý kiến của mọi người. Tiếp theo nữa là phải để cho cán bộ “có gan phụ trách” [13] . Làm người lãnh đạo phải động viên, giúp đỡ cấp dưới. Dám giao việc cho cấp dưới, tránh ôm đồm. Công việc của Đảng, của Chính phủ là công việc to tát, vĩ đại, mỗi người phải chung sức mà làm, đâu phải một, hai cá nhân có thể cáng đáng hết được. Cuối cùng “phải nghe hỏi ý kiến cấp dưới” [14] , có những “ông lãnh đạo” chưa kịp nghe cấp dưới trình bày, chưa rõ “đầu cua tai nheo” ra sao đã “phồng mang trợn má”, đập bàn, đập ghế phản đối kịch liệt kiến nghị của cấp dưới. Phong cách lãnh đạo như vậy là chưa được, cần phải sửa chữa ngay. Là lãnh đạo chân phải đi nhiều, tay phải hành động, mắt phải quan sát, đầu phải suy nghĩ, tâm phải chính trực, phải tin yêu cấp dưới. Phân tích xem ý kiến cấp dưới hay dở như thế nào rồi chỉ cho người ta. Có thế công việc của Đảng mới chảy trôi. Mọi người nhìn nhau với ánh mắt trìu mến, hòa nhã, tin tưởng nhau.

        Việc thứ ba là cất nhắc cán bộ phải công bình, phải đặt lợi ích tập thể lên trên hết, lợi ích quốc gia lên trước hết. Tránh vì tư thù, vì chủ nghĩa cá nhân mà cất nhắc sai lầm cán bộ. Phải cất nhắc những người có tài năng, có phẩm chất, đạo đức. Đọc lại những trang viết này của Bác và soi vào thực tiễn hiện nay, chúng ta càng thấm thía những lời dạy của Người về công tác cán bộ.

        Việc thứ tư là yêu thương cán bộ. Thế nào là yêu thương cán bộ? “Thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc. Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt[15]. Các cụ ta xưa đã có câu: Thương thì cho roi, cho vọt, ghét thì cho ngọt, cho bùi. Có thế, cán bộ ta mới trưởng thành, mới lên người.

        Việc thứ năm là phê bình cán bộ. Đã là con người thì không thể tránh được những sai lầm, khuyết điểm. Đã làm việc thì ắt có sai. Điều quan trọng là phải biết rút kinh nghiệm, nhận trách nhiệm về mình. Sai thì phải sửa. Có như vậy mới mong tiến bộ. Sai lầm có thể do “vô ý” hoặc “cố ý”. Đối với lỗi sai vô ý thì chúng ta phải có cách phê bình nhẹ nhàng, tình cảm cốt để đồng chí mình nhận ra sai mà sửa. Còn lỗi sai do cố ý vi phạm thì phải kiên quyết phê bình, thậm chí nếu mức độ vi phạm nặng thì phải tiến hành xem xét kỷ luật. Như vậy mới đảm bảo tính kỷ luật cao của Đảng. Bác dạy: “Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm” [16] .

        “Sửa đổi lối làm việc” là tác phẩm lý luận về xây dựng Đảng hoàn chỉnh nhất, đề cập đến nhiều mặt hoạt động của công tác xây dựng Đảng trong đó có công tác cán bộ; là tác phẩm chỉ đạo thực tiễn cụ thể nhất, tác phẩm lý luận được viết dài nhất của Hồ Chí Minh, (dài 76 trang, từ trang 271 đến trang 346 trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2011).

        Tóm lại, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ là một cẩm nang chỉnh thể của nghệ thuật hiểu người, dùng người và quản người. Đó là sự biện chứng trong tư duy và hành động của công tác cán bộ và là sự trải nghiệm của thực tiễn. Khâu đầu tiên trong công tác cán bộ là huấn luyện, dạy bảo cán bộ để cán bộ làm được việc và làm với một cái tâm trong sáng. Sau khi huấn luyện xong thì phải dùng cán bộ vào công việc hữu ích của Đảng. Muốn dùng đúng cán bộ phải hiểu rõ cán bộ và lựa chọn, sắp xếp cán bộ vào từng công việc phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi người. Khâu cuối cùng là chính sách đối với cán bộ. Chính sách đúng thì cán bộ làm việc tích cực, nhiệt thành hơn. Chính sách sai thì rất nguy hại cho cán bộ và công tác cán bộ.

       Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, xong những lời dạy của Người còn mãi soi đường, chỉ lối cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta học tập và noi theo. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã để lại cho chúng ta nhiều bài học có ý nghĩa vượt thời đại. Một trong những vô vàn bài học ấy, đó là bài học về cán bộ và công tác cán bộ - một khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đây còn là bài học về làm người chiến sĩ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Trong bối cảnh ngày nay, khi mà đất nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, đang từng giờ, từng ngày “thay da đổi thịt”; công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đang đi vào chiều sâu, chúng ta nghiên cứu và làm theo lời dạy của Người, thì càng thấy thấm thía hơn. Mỗi lời dạy của vị cha già dân tộc như vang lên cùng non song đất nước. Thực hiện tốt mỗi lời dạy của Người là góp phần nhỏ vào công cuộc xây dựng đất nước. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta. Nguyện thực hiện ước mong của Bác, chúng ta phải chung tay ra sức xây dựng non nước Việt Nam ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!

Ths Trần Đình Anh - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

 

Tài liệu tham khảo

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H. 2011.

[2], [6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H. 2011, tr.313.

[3], [4], [5], [7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật,           H. 2011, tr.309.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H. 2011, tr.310.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H. 2011, tr.280.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H. 2011, tr.317.

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H. 2011, tr.318.

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H. 2011, tr.319.

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H. 2011, tr.320.

[14], [15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H. 2011, tr.321.

[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, H. 2011, tr.324.

 

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh