LỊCH CÔNG TÁC
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 27/01/2024 - 07/02/2025) (24/01/2025)
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 20/01/2024 - 24/01/2025) (17/01/2025)
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 13/01/2024 - 17/01/2025) (10/01/2025)
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 06/01/2024 - 10/01/2025) (03/01/2025)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 30/12/2024 - 03/01/2024) (27/12/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 23/12/2024 - 27/12/2024) (20/12/2024)
Nghiên cứu trao đổi
Nguyễn Thị Hải Vân - Khoa Lý luận cơ sở
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao vai trò của những người thầy thuốc trong xã hội. Năm 1953, Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc đã nhận được một bức thư của Người nhờ Bộ trưởng Bộ Y tế chuyển đến Hội nghị. Trong bức thư này, Người không chỉ đề cập đến vấn đề y đức mà còn nói đến những vấn đề cơ bản quan trọng khác của ngành y tế Việt Nam. Mang tính chất gợi mở, Người “nêu ý kiến” về những nhiệm vụ của người cán bộ y tế “để giúp các bạn nghiên cứu”. Nhưng đến nay, những “ý kiến” quý báu đó của Người vẫn còn nguyên giá trị đối với sự phát triển của ngành y tế Việt Nam.
- “Ý kiến” trước hết mà Người nêu lên với Hội nghị cán bộ y tế là về vị trí, vai trò của việc “phòng bệnh”.
Theo Người, “Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh”. Với quan điểm này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện chủ trương xây dựng nền y tế mà trong đó dự phòng quan trọng ngang với điều trị. Xét trên nhiều phương diện, nhất là về hiệu quả xã hội, việc phòng bệnh để giúp nhân dân có sức khỏe, đồng thời ngǎn ngừa bệnh tật là hết sức quan trọng. Việc phòng bệnh so với trị bệnh thì vừa dễ thực hiện, vừa hiệu quả, vừa có thể tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của từng cá nhân và cả trên phạm vi toàn xã hội, vừa có thể giúp Nhà nước tập trung kinh phí cho các vấn đề cấp bách hơn của ngành Y tế. Do đó, đòi hỏi ngành y tế không chỉ thực hiện trách nhiệm khám và chữa bệnh cho nhân dân, mà còn phải làm nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và tổ chức toàn dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Với cách làm như vậy sẽ phát huy được vai trò của toàn dân, được nhân dân hưởng ứng tham gia tích cực, "ít tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân" và cũng giúp giảm bớt áp lực cho ngành y tế.
- “Ý kiến” thứ hai trong thư, Hồ Chí Minh đề cập đến y đức của cán bộ y tế.
Người cho rằng, “để làm tròn nhiệm vụ ấy cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải:
“Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt.
Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân.
“Lương y phải kiêm từ mẫu”[1].
Theo Người, thầy thuốc luôn phải đặt yếu tố đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu bởi đây là nghề trị bệnh, cứu người. Người thầy thuốc có coi người bệnh như anh em ruột thịt của mình, thì mới có tình thương yêu thực sự, và mới “tận tâm tận lực phụng sự”. Và ở đây, Người không ví thầy thuốc như “mẹ hiền” mà lại mong rằng thầy thuốc đồng thời phải là một người “mẹ hiền”. Nghĩa là người thầy thuốc trong khi khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân không chỉ phải làm đúng bổn phận, chức trách nhiệm vụ của mình, mà còn phải thể hiện tràn đầy tình thương yêu, lo lắng, đồng cảm, thương xót, quan tâm, động viên, chia sẻ và cố gắng hết lòng, hết sức vì người bệnh như tình thương yêu của người mẹ hiền đối với con của mình. Những điều đó không chỉ thể hiện bằng lời nói, mà còn bằng cả hành động. Vì người bệnh, người thầy thuốc có thể sẵn sàng chịu khó khăn, gian khổ, hy sinh thời gian, công sức, tiền bạc, thậm chí cả sức khỏe, sinh mệnh của bản thân để trị bệnh, cứu người, có thể vì người bệnh mà làm cả những việc mà bình thường chỉ có người mẹ mới có thể làm cho con mình. Hồ Chủ tịch khi viết thư này, còn nhấn mạnh chữ “phải” với lời dặn dò tâm huyết để người thầy thuốc khi làm việc bằng tình thương của người mẹ hiền thì sẽ tránh được những thói xấu như vụ lợi, tiêu cực, thái độ lạnh lùng, hách dịch, thờ ơ khi tiếp xúc với người bệnh, tắc trách trong công việc. Cho nên, khái niệm ‘lương y kiêm từ mẫu” mà Hồ Chí Minh dùng ở đây, có nội hàm rộng hơn khái niệm “lương y như từ mẫu” mà ta vẫn thường thấy.
- “Ý kiến” thứ ba, Người nêu lên để Hội nghị “nghiên cứu” là, việc học tập, nghiên cứu của cán bộ y tế.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ y tế cần phải cố gắng thực hiện cho được mấy điểm?? (diễn đạt, nên nối vào câu sau luôn). Trong đó, điểm rất quan trọng, đó là học tập, nghiên cứu. Người nhấn mạnh, “ Cần luôn luôn học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ…"[2]. Bởi vì, nghề y luôn luôn là nghề phức tạp, đối tượng của nghề là con người, là sức khỏe, vẻ đẹp và tính mạng của con người. Cho nên làm nghề y đòi hỏi phải luôn cẩn thận, tỉ mỉ, kịp thời và chính xác cao độ. Do đó, để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nếu chỉ có đạo đức thôi thì chưa đủ, muốn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình , đòi hỏi những người làm nghề y phải thành thạo giỏi chuyên môn nghiệp vụ, phải có sáng kiến cải tiến kỹ thuật…Cán bộ y tế phải thường xuyên học tập để ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tay nghề, đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng phức tạp của tình hình thực tiễn trong chăm sóc và điều trị bệnh. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng lưu ý cán bộ y tế là khi học cần “phải chú trọng cái gì thiết thực và thích hợp với hoàn cảnh…”[3], để vừa có chuyên môn sâu phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhưng vừa có thể tiết kiệm, tránh lãng phí trong đào tạo, bồi dưỡng để việc học trở nên thiết thực.
- “Ý kiến” thứ tư của Người là vấn đề chính trị trong ngành y.
Điểm đặc biệt trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị y tế toàn quốc ngoài vấn đề chuyên môn, Người còn căn dặn cán bộ y tế cần quan tâm đến vấn đề chính trị. Thông thường, đây là vấn đề không phải cán bộ y tế nào cũng quan tâm và hiểu đúng nó, bởi vì họ cho rằng, chính trị là việc của Đảng, chính quyền,… bản thân chỉ cần chú ý đến công tác chuyên môn là đủ. Nhưng với cách giải thích rất rõ về chính trị của Hồ Chí Minh thì đây lại là những điều vô cùng thiết thực, thường xuyên gắn bó với cán bộ ngành y. Người giải thích “Về chính trị: Người cán bộ y tế “cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ: yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác”[4].
- “Ý kiến” thứ năm, Hồ Chí Minh lưu ý Hội nghị cán bộ y tế quan tâm đến tổ chức bộ máy của ngành.
Hệ thống cơ quan y tế của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập cùng thời điểm ra đời của Chính phủ, tính đến lúc Người gửi thư mới được 8 năm, nhưng Người đã lưu ý “Cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy từ trên xuống dưới làm cho nó gọn gàng, hợp lý, ít tốn người tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân”[5]. Nghĩa là cần sắp đặt, tổ chức lại cho đúng phép tắc, có nền nếp và hoàn thiện đầy đủ bộ máy y tế. Gọn gàng, hợp lý tức là không có vị trí thiếu người làm việc nhưng cũng không có ai thừa ra trong bộ máy đó, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, bố trí đúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường của cán bộ, ít tốn người, tốn ít của mà mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân. Những sai phạm cần phải được sửa chữa, khắc phục, những bộ phận cồng kềnh, kém hiệu quả, những thủ tục rườm rà, phức tạp cần được chỉnh đốn, tinh giản.
- “Ý kiến” thứ sáu của Hồ Chủ tịch là về đào tạo cán bộ y tế.
Người căn dặn Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc rằng: “Về cán bộ: Cần lựa chọn và đào tạo nhiều cán bộ mới trong số thanh niên nam nữ, dạy cho họ những công tác cần thiết trong nhân dân…”[6].
Trong tư tưởng của Người, cán bộ có vai trò quyết định đối với thành bại của sự nghiệp cách mạng. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: cán bộ là gốc của mọi công việc, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”[7]. Điều đó cũng đúng với ngành y. Trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nguồn lực y tế là nguồn lực quan trọng, quyết định tới chất lượng y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Do đó đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ đáp ứng đủ cả về số lượng, năng lực, trình độ về chuyên môn, kỹ năng làm việc cũng như quản lý. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, ngành y tế còn thiếu nhân lực, do vậy, cần quan tâm đào tạo để vừa có thêm cán bộ, vừa có thể chia sẻ công việc cho tuyến cơ sở, để kịp thời phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân là điều hết sức cần thiết.
Bức thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay đã gần 30 năm, nhưng vẫn chứa đựng những điều vô cùng giá trị, có tác dụng định hướng cho ngành y tế phát triển. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa với những mặt trái của nền kinh tế thị trường. Đồng thời, cả nước ta và thế giới đã và vẫn đang phải đối mặt với nạn đại dịch Covid -19. Đội ngũ cán bộ y tế là những người phải chịu vất vả, hy sinh nhiều nhất để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ngành y tế cũng đang vì thế mà có nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra liên quan đến các loại dịch vụ về trang thiết bị y tế. Có một số cán bộ y tế có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có uy tín về chuyên môn đối với đồng nghiệp, với bệnh nhân, và có địa vị cao trong xã hội, nhưng lại bị “việc tư túi nó làm cho mù quáng” nên đã đánh mất phẩm chất đạo đức của mình, làm hoen ố thanh danh cao quý của ngành y tế.
Vì vậy, để tăng cường phát huy những “chiến công thầm lặng” đã đạt được trong suốt lịch sử hành nghề chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và cả trong cuộc chiến đấu chống lại dịch bệnh hiện nay, đòi hỏi cán bộ ngành y tế cần thường xuyên rèn luyện y đức, đấu tranh chống những hành vi tiêu cực, chủ động, tích cực nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng tiến bộ khoa học của y học thế giới vào hoạt động khám, chữa bệnh. Đó là những việc làm cần thiết để cán bộ ngành y tế xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với những lời căn dặn tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011,t.8, tr.154
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011,t.8, tr.154
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011,t.8, tr.154
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011,t.8, tr.154
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011,t.8,tr.155
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011,t.8, tr.155
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011,t.5, tr.280
TIN MỚI NHẬN
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 27/01/2024 - 07/02/2025) (24/01/2025)
- BẾ GIẢNG LỚP TRUNG CẤP LLCT K.15B-24 (TW4) (18/01/2025)
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 20/01/2024 - 24/01/2025) (17/01/2025)
Lịch giảng dạy
Văn bản Nhà trường
thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |