Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG ĐOÀN VÀ CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN - VẬN DỤNG Ở CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ LÊ HỒNG PHONG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ngày đăng 20/04/2023 | 8:28 AM  | View count: 1807

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngân - Chủ tịch Công đoàn Trường

     Tóm tắt: Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn; dù bận trăm công, nghìn việc nhưng Người vẫn dành nhiều thời gian đến công trường, nhà máy, xí nghiệp để thăm hỏi, hướng dẫn, căn dặn công nhân, người lao động những bài học quý bá u ; đồng thời động viên công nhân, người lao động tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng giai cấp công nhân hoàn thiện, tiên tiến và hiện đại.

     Từ khóa: tổ chức Công đoàn

     Sau khi trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực tìm kiếm những hình thức nhằm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân Việt Nam, đặt nền móng xây dựng những cơ sở đầu tiên cho tổ chức Công đoàn nước ta. Cuối tháng 12-1920, anh Nguyễn cùng 160 đại biểu của Đảng Xã hội trong Đại hội Tua đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tuyên bố thành lập Đảng cộng sản Pháp. Trước đó, ngay từ năm 1914, Người đã tham gia tổ chức “Lao động hải ngoại”, tổ chức nghiệp đoàn của những người thợ thuyền thuộc địa sống trên đất Anh. Năm 1919, Người gia nhập “Công đoàn kim khí” quận 17 Pa-ri. Cùng lúc đó, phong trào yêu nước và thợ thuyền Việt Nam ở Pháp bừng tỉnh. Cùng với luật sư yêu nước Phan Văn Trường và nhà chí sĩ cách mạng Phan Chu Trinh, Người tham gia lập “Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp”. Đây là cầu nối đầu tiên giữa Người với công nhân, lính thợ, thủy thủ người Việt ở Pháp. Sau khi Người tham gia sáng lập “Hội liên hiệp thuộc địa” (10-1921) và nhất là khi tờ “Người cùng khổ” ra mắt vào tháng 4-1922 thì những tổ chức Công đoàn đầu tiên của người Việt Nam trên đất Pháp càng phát triển mạnh mẽ. Đồng chí Tôn Đức Thắng, một trong những người sáng lập phong trào Công đoàn Việt Nam, đã 2 lần đến Pa-ri để tìm Nguyễn Ái Quốc. Đồng chí đã tham gia cuộc nổi dậy phản chiến nổi tiếng ở Biển Đen và sau khi bị trục xuất về Sài Gòn (1922-1923), đã gieo những hạt giống đầu tiên của Công hội đỏ Việt Nam tại xưởng đóng tàu Ba Son. 

     Tháng 7-1924, Người tham gia Đại hội III “Quốc tế công hội đỏ” tại Mat-xcơ-va, là đại biểu duy nhất cho giai cấp công nhân thuộc địa và đọc bản tham luận chính thức trong phiên họp thứ 15 ngày 21-7-1924. Đây là tiếng nói chính thức đầu tiên của một đại biểu của phong trào công nhân và Công đoàn nước ta trên diễn đàn quốc tế. Người kêu gọi: “... tổ chức công nhân cách mạng Pháp phải tích cực giúp đỡ chúng tôi trong cuộc đấu tranh giải phóng của chúng tôi"[1]. Năm 1925, “Bản án chế độ thực dân Pháp” được “Thư quán lao động”  xuất bản tại Pa-ri. Trong Chương XII mang tên “Nô lệ thức tỉnh”, tác giả cổ vũ cuộc bãi công của 600 công nhân nhuộm vừa nổ ra ở Chợ Lớn, “Đây là lần đầu tiên, một phong trào như thế nhóm lên ở thuộc địa”[2]. Năm 1926, ngoài tờ báo “Thanh niên” có đăng một số bài của Người về tổ chức Công đoàn Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc sáng lập thêm báo “Công Nông”, tờ báo đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.

     Năm 1927, tác phẩm “Đường Kách mệnh” được xuất bản. Đây là tác phẩm quan trọng nhất của Người về cách mạng Việt Nam nói chung và có tính lý luận về Công đoàn nói riêng. Người xác định: “Tổ chức công hội trước là để  cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang lại cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân...”[3]. Như vậy là vào thời kỳ này, Người đã rất chú ý đến chức năng bảo vệ quyền lợi của người lao động. Quả thực, cho đến nay, chức năng cơ bản của công đoàn vẫn là bảo vệ lợi ích của người lao động. Khi xa rời chức năng đó thì người công nhân tự nhiên sẽ xa lánh hoặc thờ ơ với sự tồn tại của tổ chức công đoàn và công đoàn đến lượt nó mất đi tính đại diện của người lao động. Đề cập đến vấn đề này, trong bài nói chuyện tại Trường cán bộ Công đoàn ngày 19-1-1957, Người nói: “Công đoàn phải tuyên truyền đường lối, chính sách chung của Đảng, vì Đảng mình là Đảng của giai cấp vô sản. Đường lối chung là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được, Đảng mà không có giai cấp công nhân cũng không làm được gì. Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc”[4], “Mục đích công đoàn là phải cải thiện dần đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung”[5]. Hồ Chủ tịch cũng đã không ít lần bàn về đồng lương thực tế cho người thợ: “Bây giờ anh em mong được lên lương có chính đáng không? Có. Nhưng lương tăng gấp đôi mà hàng đắt, vẫn không ăn thua gì”[6]. Tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, tháng 2-1961, Người nhấn mạnh: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Phải nhận rằng đại đa số công nhân ta đều cần cù, thông minh và có nhiều sáng kiến hay... Nếu công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”[7]. Người còn dạy: “Công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của công nhân, phải tùy khả năng cộng với cố gắng mà nâng cao dần đời sống vật chất của họ; phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh...”[8]. Cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung là khát vọng luôn canh cánh bên Người.

     Từ những lời dạy, căn dặn, nhắc nhở quý báu của Người, những năm qua hoạt động của tổ chức Công đoàn Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng được tổ chức Công đoàn rộng khắp thu hút được cán bộ, viên chức, người lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn (tính đến nay có 105 công đoàn viên). Tổ chức Công đoàn có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, đó là: bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động; giáo dục, động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ; đoàn viên tham gia quản lý, nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (tính đến nay, Trường có 13 công đoàn viên có trình độ tiến sĩ (trong đó 01 công đoàn viên có học hàm Phó Giáo sư), 62 công đoàn viên có trình độ thạc sĩ). Công đoàn Trường cũng đã tích cực chăm lo đời sống cho cán bộ, viên chức, người lao động (nhiệm kỳ 2017-2022 đã trao 447 suất quà Tết Nguyên đán cho công đoàn viên với tổng giá trị 90.712.000 đồng; đặc biệt, trong hai năm 2019 và 2020, Công đoàn đã tổ chức vận động ủng hộ Quỹ thăm hỏi các gia đình đoàn viên, hội viên của Trường nhân dịp Tết Nguyên đán với số tiền 39.244.000 đồng; thăm và tặng quà Tết Nguyên đán cho 14 lượt gia đình đoàn viên công đoàn; chuyển 18 suất quà của Liên đoàn Lao động Thành phố tới 18 lượt gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; trao quà sinh nhật cho 590 lượt đoàn viên công đoàn với tổng số tiền 117.400.000 đồng; duy trì hoạt động thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỉ tới đoàn viên và gia đình đoàn viên công đoàn).

Với những kết quả đó, Công đoàn Trường ngày càng khẳng định vai trò, vị thế, tạo được niềm tin và sự đồng thuận, hài hoà trong cán bộ, viên chức, người lao động. Công đoàn Trường 5 năm liên tục được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động Thành phố ghi nhận và tặng Bằng khen vì có “thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh” từ năm học 2017 - 2018 đến năm học 2021 - 2022.

     Muốn phong trào Công đoàn mạnh cần có cán bộ Công đoàn tốt. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ Công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu về quản lý kinh tế khoa học kĩ thuật. Cán bộ Công đoàn “phải giỏi về chính trị, thạo về kinh tế”[9] thì mới lãnh đạo được đội ngũ công nhân ngày càng phát triển lại có trình độ cả về tư tưởng văn hoá, kĩ thuật. “Cán bộ công đoàn phải tham gia lao động gần gũi công nhân, viên chức’’[10]phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng, học tập kinh ngiệm của quần chúng “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc với công nhân”[11]. Có như thế mới có thể biết được công nhân muốn gì, nghĩ gì, lo gì?... “Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thật sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng”[12].

     Cán bộ Công đoàn phải là trung tâm của đoàn kết, phải có trách nhiệm cao, vì lợi ích giai cấp, vì lợi ích cách mạng. “Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn phải đoàn kết nhất trí’’[13] phải là nòng cốt của khối đoàn kết trong hệ thống Công đoàn, phải làm gương cho công nhân noi theo.

     Trong công tác tuyên truyền, giáo dục phải nhẹ nhàng, có ích, nếu không chỉ làm cho công nhân mệt mỏi, có hại cho sản xuất. Việc “ra chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sửa chữa. Bất cứ làm gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt, có kế hoạch làm cho thiết thực”[14]. “Công đoàn các cấp cần cải tiến lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc kiểm tra, cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù. Cán bộ cấp trên cần thường xuyên đi đến cơ sở để giúp đỡ họ một cách thiết thực hơn”[15].

      “Cán bộ công đoàn phải tùy khả năng mà cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của công nhân, vì đời sống vật chất và văn hóa có khá thì làm việc mới tốt”[16]. Quan tâm chăm nom đến chỗ ăn, ở, chỗ làm việc của công nhân, gia đình, con cái của anh chị em công nhân. Theo Người, “Công nhân sản xuất tốt hay xấu, có đoàn kết hăng hái sản xuất hay không, đó là những tiêu chuẩn để biết cán bộ công đoàn tốt hay không”[17].

     Cán bộ Công đoàn Trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết nhất trí, phát huy dân chủ, chủ động triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn; có bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh; có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo trong công tác; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của Nhà trường; các nghị quyết của Công đoàn cấp trên; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiệm kỳ 2017-2022 có 05 cán bộ Công đoàn được Liên đoàn Lao động Thành phố tặng Bằng khen. Đặc biệt đồng chí Chủ tịch Nguyễn Như Khánh được tuyên dương “Chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu” tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019).

     Tổ chức Công đoàn và cán bộ Công đoàn Trường đã đóng góp không nhỏ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Nhà trường do Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô giao phó trong nhiều thời kỳ.

Những tư tưởng của Hồ Chí Minh về Công đoàn và cán bộ Công đoàn đến nay vẫn là định hướng quý báu cho sự phát triển tổ chức Công đoàn và cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn Thủ đô nói chung và Công đoàn Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong nói riêng./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 1.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 2.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 10.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 13.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15.

7. Báo cáo của BCH Công đoàn Trường ĐTCB Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội khóa IX, nhiệm kỳ 2017 - 2022 tại Đại hội Công đoàn Trường khóa X, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

8.http://www.congdoan.vn/tin-tuc/hoc-tap-va-lam-theo-tam-guong-dao-duc-ho-chi-minh-3559/50-nam-nho-mai-loi-can-dan-cua-chu-tich-ho-chi-minh-voi-can-bo-cong-doan-378695.tld.

9.http://congdoanthainguyen.org.vn/hoc-tap-va-lam-theo-tam-guong-dao-duc-hcm/-/asset_publisher/mLHPz9VbmFm3/content/nhung-loi-day-cua-bac-ho-oi-voi-cong-oan.

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.315.

[2] Sđd, t.2, tr.123.

[3] Sđd, t.2, tr.330.

[4] Sđd, t.10, tr.477.

[5] Sđd, t.10, tr.479.

[6] Sđd, t.10, tr.479.

[7] Sđd, t.13, tr.53.

[8] Sđd, t.13, tr.53.

[9] Sđd, t.15, tr.683.

[10] Sđd, t.15, tr.683.

[11] Sđd, t.12, tr.634.

[12] Sđd, t.12, tr.128.

[13] Sđd, t.15, tr.683.

[14] Sđd, t.15, tr.684.

[15] Sđd, t.13, tr.434.

[16] Sđd, t.12, tr.119.

[17] Sđd, t.12, tr.120.

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh