Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH NÓI VỀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 01-5
Ngày đăng 28/04/2023 | 6:55 AM  | View count: 257

Th.S Nguyễn Thị Hải Vân - Khoa Lý luận cơ sở

      Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giá trị và ý nghĩa của Ngày Quốc tế lao động 01-5. Người đã mang đến cho ngày lễ này thêm nhiều giá trị và ý nghĩa so với ý nghĩa và giá trị ban đầu của nó. Những bài viết của Người nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 01-5 k hông chỉ giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử của ngày Quốc tế lao động, biểu dương tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, mà còn để kêu gọi nhân dân ta tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

      Từ khóa: Hồ Chí Minh, ngày Quốc tế lao động

      Cuối thế kỷ XIX, mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản trên thế giới ngày càng sâu sắc, biểu hiện bằng các cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống ách áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn. Một trong những nội dung quan trọng của các cuộc đấu tranh đó chính là vấn đề thời gian lao động. Đây cũng là một nội dung được các nhà mác xít coi là nhiệm vụ đấu tranh quan trọng của giai cấp vô sản. Ngày 01-5-1886, hàng chục nghìn công nhân Mỹ đã đấu tranh tại Chicago, đòi giới chủ thực hiện yêu sách ngày làm 8 giờ. Ba năm sau ngày đó, dưới sự lãnh đạo của Ph.Ăngghen, Quốc tế II được thành lập (1889). Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế II đã quyết định lấy Ngày 01- 5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của giai cấp vô sản các nước.

      Từ quan điểm của những nhà mác xít cùng với những bài học kinh nghiệm trong phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản trên thế giới, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Biến những điều đó thành quan điểm và những hành động cụ thể đối với cách mạng Việt Nam. Những vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân lao động, nhất là ngày làm việc 8 giờ đã được Người ghi rõ trong Chánh cương vắn tắt của Đảng và được thông qua tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản (1930): "thi hành luật ngày làm 8 giờ"[1]

      Ngày 18-02-1946, với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22-C/NV/CC về những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo; trong đó, công bố: Ngày 01-5 là một trong những ngày lễ chính thức. Ngày 29-4-1946, Người ký Sắc lệnh số 56/SL quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 01-5. Kể từ đây, Ngày Quốc tế Lao động 01-5 được coi là một trong những ngày lễ chính thức hằng năm ở Việt Nam. Và cũng từ đó, mỗi năm, đến dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có bài viết để tuyên truyền cho nhân dân ta, với những nội dung như sau:

       1- Về ý nghĩa của ngày Quốc tế Lao động 01-5

      Thông qua các bài viết, bài nói của mình nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 01-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp nhân dân Việt Nam nói chung và giúp giai cấp công nhân, người lao động Việt Nam nói riêng hiểu rõ về phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và ngày Quốc tế Lao động 01-5. Trong số các tác phẩm của Người về vấn đề này có "Đường kách mệnh" – tác phẩm mang tính chất lý luận về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam được xuất bản năm 1927. Trong đó, Người đã nhấn mạnh nghị quyết Đại hội I về ý nghĩa của ngày Quốc tế Lao động 01-5: “Mỗi năm đến ngày 1 tháng 5 thợ thuyền cả thế giới đều bãi công và thỉnh nguyện; Tất cả công nhân trong thế giới ra sức đòi chỉ làm công mỗi ngày 8 giờ mà thôi”[2].

      Trong Thư gửi đồng bào lao động toàn quốc đăng trên Báo Cứu quốc (ngày 01-5-1948), Người đã viết về giá trị và ý nghĩa của lao động và ngày Quốc tế lao động đối với nhân loại nói chung và với nhân dân Việt Nam nói riêng như sau:

      “Xã hội có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, là nhờ lao động. Xây nên giàu có, tự do, dân chủ cũng là nhờ lao động. Trí thức mở mang cũng nhờ lao động (lao động trí thức). Vì vậy lao động là sức chính của sự tiến bộ loài người. Cũng là sức mạnh của sự giải phóng dân tộc”[3]; “Ngày Hội Lao động thế giới 1-5-1948 phải là ngày kỷ nguyên mới cho sự hoạt động và sự thắng lợi của công nhân lao động nước ta”[4].

      Người đã phân tích rất rõ về ý nghĩa của ngày Quốc tế lao động 01-5 đối với nước ta và đối với thế giới: “Ý nghĩa quan trọng ở nước ta: Nhân dân lao động nước ta (công nhân, nông dân, lao động trí óc) chúc mừng chính đảng của mình, một chính đảng thật trong sạch, thật mạnh mẽ, thật yêu nước, thật cách mạng, là Đảng Lao động Việt Nam. Từ đây, nhân dân lao động và toàn thể đồng bào ta đã đoàn kết càng đoàn kết thêm, đã hăng hái càng hăng hái thêm, đã kiên quyết kháng chiến càng kiên quyết thêm, đã tin tưởng về thắng lợi càng tin tưởng thêm…

Ý nghĩa quan trọng ở thế giới: Nước ta là một bộ phận trong phe dân chủ. Dân ta phải góp sức vào công cuộc gìn giữ hòa bình thế giới. Ta phải tiêu diệt lũ thực dân Pháp, đánh bại bọn can thiệp Mỹ, làm cho thế lực của phe đế quốc yếu đi. Đó là nhiệm vụ quốc tế của nhân dân lao động nước ta và của toàn thể đồng bào ta”[5].

       2- Thông qua các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01-5 để biểu thị tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Vào ngày 01-5-1946, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày Quốc tế Lao động 01-5 được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Từ đây, giá trị của ngày Quốc tế Lao động 01-5 đã được Người bổ sung thêm từ thực tiễn cách mạng Việt Nam. Các hoạt động kỷ niệm ngày 01-5 của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để biểu thị tinh thần đoàn kết đấu tranh chống áp bức của giai cấp công nhân mà còn biểu thị tinh thần đoàn kết giữa các giai tầng trong xã hội, đại đoàn kết dân tộc để giữ vững tự do, dân chủ, đoàn kết trong cuộc đấu tranh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, qua những hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01-5, Người cũng cùng nhân dân ta thể hiện tinh thần đại đoàn kết quốc tế của nhân dân Việt Nam với thế giới.

      Trên Báo Cứu quốc, số 229, ngày 01-5-1946, Người đã nhấn mạnh: “Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà.       Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới… để tỏ tình thân thiện quốc tế”[6].

Cũng trong các bài viết này, Người đã ca ngợi tinh thần đấu tranh cho hòa bình thế giới và tinh thần hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc: “Hoà bình thế giới và hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc muôn năm!”[7].

      Như vậy, bằng những bài viết và những hành động cụ thể của mình, Người không chỉ làm cho những dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động trở thành ngày biểu dương lực lượng đại đoàn kết dân tộc mà còn biểu dương tình đoàn kết quốc tế.

      3- Chỉ rõ sự khác nhau về nội dung và hình thức tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01-5 đối với các chế độ xã hội khác nhau để làm nổi bật lên ý nghĩa của ngày lễ này đối với cách mạng Việt Nam.

Bên cạnh việc nhấn mạnh ý nghĩa của ngày Quốc tế Lao động 01-5, Hồ Chí Minh còn phân tích, so sánh về nội dung và hình thức tổ chức kỷ niệm ngày này ở mỗi chế độ xã hội khác nhau, mà cụ thể ở đây là giữa các nước các nước tư bản chủ nghĩa với các nước xã hội chủ nghĩa nói chung và cả ở Việt Nam nói riêng, để đồng bào hiểu rõ được bản chất của chế độ xã hội mà chúng ta đang xây dựng. Đồng thời, cũng qua bài viết này, Người đã tỏ rõ cách nhìn nhận khác của mình về ngày Quốc tế Lao động 01-5 ở Việt Nam, đó là ngày nhân dân ta kiểm điểm lại kết quả các cuộc thi đua chiến đấu, học tập và lao động đã qua và chuẩn bị tinh thần cho cuộc thi đua sắp tới quyết liệt hơn, hiệu quả hơn: “Khắp thế giới, Ngày Quốc tế lao động là một. Nhưng ở hai xã hội khác nhau, nội dung và hình thức chúc mừng ngày ấy cũng khác nhau: Ở các nước tư bản, 1-5 là ngày mà giai cấp lao động tỏ rõ ý chí và lực lượng đấu tranh của mình, đòi cải thiện đời sống, đòi bỏ chế độ bóc lột, đòi nắm chính quyền, v.v.; Ở các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ, giai cấp lao động đã nắm chính quyền, đã làm chủ nước nhà, thì 1-5 là ngày mà giai cấp lao động tỏ rõ quyết tâm và lực lượng xây dựng của mình để làm cho dân giàu, nước mạnh; Ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chúng ta, 1-5 là ngày mà giai cấp lao động (lao động chân tay và lao động trí óc) kiểm điểm lại kết quả cuộc thi đua vừa qua và chuẩn bị cuộc thi đua sắp tới”[8].

      4- Động viên tinh thần nhân dân tham gia thi đua yêu nước nhân dịp lễ Quốc tế Lao động 01-5.

Qua những bài viết nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01-5, Hồ Chí Minh đã căn dặn, khen ngợi, động viên người lao động thuộc các ngành nghề dù khó khăn đến đâu thì cũng phải ra sức thi đua, cố gắng, kiên trì chịu đựngvượt qua gian khổ thực hiện tốt các nhiệm vụ góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước ngày một tươi đẹp hơn: “Muốn ăn quả thì phải chịu khó trồng cây.  Muốn uống nước thì phải ra sức đào giếng. 

Hiện nay, chúng ta đang ở trong giai đoạn trồng cây, đào giếng.

      Sự chịu đựng và cố gắng ngày nay, sẽ biến thành kết quả tốt đẹp ngày sau. Mọi người, mọi ngành cố gắng thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, thì mai đây dân ta nhất định giàu, nước ta nhất định mạnh, và hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ khắp cả nước nhất định thành công”[9]

      Ngày 01-5-1951, trong lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động, Người xác định “Trọng tâm thi đua là: Quân đội thi đua giết giặc lập công. Công nhân thi đua tăng gia sản xuất. Nông dân thi đua sản xuất lương thực. Trí thức thi đua sáng tác, phát minh. Cán bộ thi đua cần, kiệm, liêm, chính. Toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến”[10].

      Đặc biệt, trong những Lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ, người lao động nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 01-5, Người không quên nhắc tới một bộ phận quan trọng trong cộng đồng người Việt Nam, đó là kiều bào ta ở nước ngoài, để mở rộng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Hỏi thăm kiều bào ở nước ngoài luôn luôn hướng về Tổ quốc và hưởng ứng mọi chính sách của Chính phủ ta”[11].

      Riêng đối với trí thức, Người chỉ rõ: “lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội” và “Muốn đạt mục đích ấy, trí thức ta cần cải tạo tư tưởng, sửa đổi lề lối làm việc”[12].

       5- Chỉ ra các nhiệm vụ lớn, công việc lớn của nhân dân ta trong giai đoạn cách mạng tiếp theo.

Trong các bài viết nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, Người thường tóm tắt thông tin thời sự chung nhất về tình hình thế giới, trong nước để cho đồng bào nắm được, đồng thời chỉ rõ nội dung cơ bản những công việc lớn mà Đảng và nhân dân ta cần thực hiện trong giai đoạn cách mạng đó.

      Cụ thể như: trong Lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động 01-5 (1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Một mặt, chúng ta phải ra sức cải tiến quản lý kinh tế, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường kỷ luật lao động, kiên quyết chống lãng phí, tham ô; ra sức học tập để nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật; khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm tiên tiến của các nước anh em.  Mặt khác, chúng ta cần nâng cao cảnh giác, ngăn ngừa bọn phá hoại, kiên quyết giữ vững trật tự an ninh; tiếp tục chống đầu cơ tích trữ, ổn định thị trường, ổn định tiền tệ hơn nữa. Đồng thời, chúng ta phải thực hiện chuyển thêm lực lượng về mặt trận sản xuất, sửa lại chế độ tiền lương để cải thiện dần dần đời sống cho công nhân, cán bộ, bộ đội và nhân viên ta”[13].

      Phát huy tinh thần, ý nghĩa và giá trị thiết thực của ngày Quốc tế Lao động, học tập và làm theo lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 24-2-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý chủ trương lấy tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân. Ngày 01-5 hàng năm đã trở thành ngày hội của công nhân, viên chức và người lao động cả nước, vừa là ngày kỷ niệm Quốc tế Lao động, đồng thời là dịp phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương phát động của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta – những người lao động – viên chức, công chức Việt Nam cần cải tạo tư tưởng, sửa đổi lối làm việc theo hướng khoa học và cách mạng, nâng cao hiệu quả công việc, tích cực hăng hái thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 

Tài liệu tham khảo

1- TS. Văn Thị Thanh Mai: Chủ tịch Hồ Chí Minh với Ngày Quốc tế Lao động 1/5, Tạp chí Tuyên giáo điện tử, Thứ Bảy, 1/5/2021 8:35'(GMT+7)

2- Thu Hiền: Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngày Quốc tế Lao động 1/5, Trang tin điện tử Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, 01/5/2021

 


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.3, tr.2

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.2, tr.307

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2011,t.5, tr.514

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2011,t.5, tr.515

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.7, tr.69

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.4, tr.251

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.12, tr.187

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2011,t.9, tr.446

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.9, tr.447

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.7,tr.69

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2011,t.11, tr.393

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.7,tr.72

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2011,t.11, tr.391

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh