LỊCH CÔNG TÁC
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 27/01/2024 - 07/02/2025) (24/01/2025)
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 20/01/2024 - 24/01/2025) (17/01/2025)
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 13/01/2024 - 17/01/2025) (10/01/2025)
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 06/01/2024 - 10/01/2025) (03/01/2025)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 30/12/2024 - 03/01/2024) (27/12/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 23/12/2024 - 27/12/2024) (20/12/2024)
Nghiên cứu trao đổi
Th.S Nguyễn Thị Hải Vân - Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở
Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ của cách mạng Việt Nam, đồng thời là người học trò xuất sắc của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin. Người đã đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn, trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành một trong những căn cứ lý luận quan trọng để Đảng ta vận dụng đề ra đường lối đúng đắn dẫn tới những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam. Người đã bảo vệ và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin để học thuyết ấy tỏ rõ sức sống mãnh liệt trong thời đại mới.
Từ khóa: chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tự nhận mình là “học trò nhỏ” của các nhà tư tưởng lớn trên thế giới như: Khổng Tử, Giê-su, Tôn Dật Tiên…Đặc biệt là các nhà mácxít: C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin. Bởi vì học thuyết của các ông chính là nguồn gốc lý luận chủ yếu dẫn đến sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Bằng những hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đã bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin - nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ngay từ khi nhận thức được giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với cách mạng thế giới nói chung và đối với cách mạng Việt Nam nói riêng, Hồ Chí Minh đã có những hoạt động rất tích cực để bảo vệ sự trong sáng của học thuyết này:
Trước hết, Người luôn khẳng định tính đúng đắn, cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Người luôn coi chủ nghĩa Mác-Lênin là “cái cẩm nang thần kỳ”[1], là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam, là cơ sở lý thuyết để Đảng Cộng sản Việt Nam có thể vận dụng đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn đem lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam. Ngay trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Người đã nhấn mạnh: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[2]. Và đó là lý do Người đã chọn con đường cách mạng vô sản theo chủ nghĩa Mác-Lênin để truyền bá vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.
Từ đó, trong các bài nói, bài viết của mình, Người nhiều lần khẳng định về giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với cách mạng thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng: “Đảng ta có chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ nghĩa cách mạng và khoa học nhất”[3]. Bởi vì, theo Người "Chủ nghĩa Mác-Lênin đã xây dựng lý luận đúng đắn và toàn diện cho cuộc cách mạng dân tộc chống đế quốc"[4]. Người coi chủ nghĩa Mác-Lênin như một phát minh vĩ đại nhất của xã hội loài người trong thế kỷ XX: “Trong khoảng mấy mươi năm nay, chúng ta đã thấy bao nhiêu phát minh mới mẻ…Nhưng phát minh vĩ đại nhất và phát triển nhanh chóng nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin"[5].
Đặc biệt, Người đã chứng minh tính đúng đắn, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin bằng những dẫn chứng từ thực tiễn. Theo Người, chủ nghĩa Mác-Lênin đã được kiểm nghiệm không chỉ trong thực tiễn phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mà học thuyết này cũng đã được kiểm nghiệm trong công cuộc giải phóng các dân tộc thuộc địa: "Những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin trong vấn đề giải phóng thuộc địa đã được chứng minh trong quá trình đấu tranh giải phóng của các dân tộc phương Đông"[6].
Thứ hai, Hồ Chí Minh xác định vị trí, vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với cách mạng Việt Nam.
Từ sự khẳng định về tính đúng đắn, cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã xác định đây chính là cơ sở lý luận của Đảng ta, soi phương hướng, đường lối cho Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong Báo cáo chính trị trình Đại hội II, Người đã khẳng định “Về lý luận, Đảng Lao động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin”[7]. Với nền tảng tư tưởng này, Đảng ta đã trở nên to lớn và mạnh mẽ, đủ khả năng đảm đương vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam: “Ta có một Đảng to lớn, mạnh mẽ. To lớn mạnh mẽ là vì có chủ nghĩa Mác-Lênin…”[8]; "Chủ nghĩa Mác-Lênin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng thì làm việc mới đúng"[9]. Trong bài “Bọn đế quốc cướp nước không bao giờ có thể nô dịch dân tộc Việt Nam anh dũng” mà Người viết cho tuần báo “Vì một nền hòa bình lâu dài, vì một nền dân chủ nhân dân”, đăng trong số ra ngày 4-4-1952, đã một lần nữa khẳng định về vai trò của học thuyết này đối với cách mạng Việt Nam: “Chúng tôi là những kẻ chiến thắng hiện tại cũng như trong tương lai, vì con đường đi của chúng tôi được học thuyết vĩ đại của chủ nghĩa Mác-Lênin soi sáng”[10].
Thứ ba, Hồ Chí Minh đã bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin bằng những bổ sung lý luận rút ra từ thực tiễn Việt Nam.
Hồ Chí Minh mặc dù coi chủ nghĩa Mác-Lênin là “cái cẩm nang thần kỳ”, và chủ nghĩa Mác-Lênin là nguồn gốc lý luận chủ yếu dẫn tới sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của mình, Người nhận định: Học thuyết Mác được hình thành ở thời kỳ của Mác - tức là thế kỷ XIX, dựa trên điều kiện thực tiễn tại các nước châu Âu. Cho nên học thuyết Mác rất đúng và phù hợp với điều kiện ở các nước châu Âu và các nước tư bản phát triển. Khi vận dụng vào các nước tư bản trung bình, các nước châu Á, hay vào các thuộc địa, và ở thế kỷ khác, chủ nghĩa Mác vẫn đúng, nhưng cần phải bổ sung thêm những điều rút ra ngay từ thực tiễn các nước đó, ở thời kỳ đó mới có thể đem lại thắng lợi. Cụ thể như đối với cách mạng Việt Nam nói riêng và ở các nước thuộc địa khác nói chung, xét về mặt cấu trúc kinh tế xã hội, không giống các nước tư bản phương Tây. Trong thời trung cổ, Việt Nam không trải qua chế độ chiếm hữu nô lệ, trong thời phong kiến, thực tiễn Việt Nam cũng có những điểm khác biệt so với phong kiến phương Tây. Những mối quan hệ truyền thống trong làng, xã…chế độ công điền, công thổ, tinh thần cộng đồng trong xây dựng hương ước…đã làm giảm thiểu những xung đột về quyền lợi, làm cho mâu thuẫn giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội chủ nghĩa Việt Nam không quá gay gắt như ở phương Tây. Cộng với đó, khi mà các quan hệ sở hữu tiền tư bản vẫn còn tồn tại, thì mục tiêu trước hết và quan trọng nhất đối với các nước thuộc địa chính là giải phóng dân tộc, chứ chưa phải giải phóng giai cấp: “Cuộc đấu tranh giai cấp ở đây không diễn ra giống như ở phương Tây”. Vì vậy, theo Hồ Chí Minh, để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác, cần phải “bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”[11].
Thứ tư, Hồ Chí Minh đã bằng thực tiễn cách mạng Việt Nam để chứng minh tính đúng đắn, chính xác và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Nhờ sự trung thành với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin mà Hồ Chí Minh cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập và rèn luyện đã có nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam đúng đắn cho hành động. Người cùng với Đảng ta đã đề ra được đường lối đúng đắn, đồng thời tổ chức lãnh đạo cách mạng Việt Nam thành công, từ thắng lợi giải phóng dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thành quả của nó là thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á, đến những kỳ tích trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống đế quốc Pháp, Mỹ để bảo vệ Tổ quốc, đến thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước hơn 35 năm qua. Hồ Chí Minh đã bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin bằng những lập luận đanh thép trong những bài viết, bài nói, nhưng sự bảo vệ vững chắc nhất đối với sự đúng đắn, cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin chính là từ thực tiễn cách mạng Việt Nam mà Người đã góp phần quan trọng để đưa nó tới thắng lợi.
Thứ năm, Hồ Chí Minh coi việc học tập, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn là nghĩa vụ hàng đầu của người cán bộ, đảng viên.
Người luôn căn dặn, yêu cầu người cách mạng phải nghiên cứu lý luận trước khi tiến hành công việc thực tế. Bởi vì vai trò quan trọng của lý luận: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[12]; "Đối với công việc kháng chiến và kiến quốc, lý luận là rất quan trọng. Không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm. Lý luận làm cho quần chúng giác ngộ, bày cho quần chúng tổ chức, động viên quần chúng để đấu tranh cho đúng…Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình"[13]. Mà lý luận đúng đắn, cần thiết cho người cách mạng Việt Nam đã được Hồ Chí Minh xác định, đó chính là chủ nghĩa Mác-Lênin. Người yêu cầu, cán bộ, đảng viên “Phải nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và áp dụng vào công tác hàng ngày”[14]. Bởi vì đó là vũ khí lý luận dẫn đường cho cách mạng Việt Nam: “Người cách mạng ắt phải học chủ nghĩa Mác. Không học hiểu chủ nghĩa Mác, thì như nhắm mắt đi đêm. Càng hiểu chủ nghĩa Mác, thì công tác càng tiến bộ, tư tưởng càng đứng đắn, lập trường càng vững chắc, tin tưởng càng nồng nàn, cách mạng càng mau thắng lợi”[15].
Người cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên khi đã nắm vững lý luận cần “căn cứ vào chủ nghĩa Mác - Lênin mà xem xét các vấn đề, quy định phương châm, đường lối và kế hoạch, để động viên quần chúng lao động đấu tranh, để giành lấy thắng lợi cho cách mạng”[16], tức là phải gắn lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn mới có thể giúp cách mạng giành thắng lợi.
Thứ sáu, Hồ Chí Minh coi việc học chủ nghĩa Mác-Lênin như một trong những tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng đảng viên.
Trong số tiêu chuẩn để kết nạp đảng viên vào đảng mà Người đặt ra, có đặt tiêu chuẩn về việc học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, nâng cao trình độ giác ngộ để trở thành người đảng viên cộng sản thành tiêu chuẩn số 1: “Nghĩa vụ của đảng viên đã nói trong tiêu chuẩn tức là: 1- Cố gắng học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, nâng cao trình độ giác ngộ. Vì nếu không hiểu chủ nghĩa, trình độ giác ngộ thấp, thì nhất định không thể hăng hái đấu tranh cho nhân dân, cho cách mạng”[17].
Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh cho rằng, người cách mạng ngoài việc phải thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin để vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của bản thân, còn phải tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu rõ và đi theo cách mạng, “cách mệnh phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu”[18]. Từ đó có thể làm tốt công tác phát triển Đảng, giúp cho Đảng có thể kết nạp thêm những đảng viên mới từ các giai cấp, tầng lớp khác, đặc biệt là giai cấp nông dân. Người đã từng biểu lộ sự tiếc nuối vì sự hạn chế trong thức lý luận về chủ nghĩa Mác-Lênin của một số cán bộ, đảng viên, làm ảnh hưởng đến công tác phát triển đảng “Tiếc thay, bản thân các đồng chí của chúng ta không hiểu thật sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin để tuyên truyền rộng hơn, và để tìm kiếm đảng viên cho Đảng từ trong hàng ngũ nông dân”[19].
Người luôn coi việc thấm nhuần, bảo vệ sự trong sáng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin là một trong những biểu hiện về sự giác ngộ lý tưởng cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Trong bài “Cách xem xét việc đời và cách tu dưỡng của người cách mạng”, Hồ Chí Minh cho rằng, việc đảng viên có giác ngộ hay chưa giác ngộ đều biểu hiện ở việc đã nghiên cứu về chủ nghĩa Mác-Lênin chưa. Bởi vì, theo Người, có hiểu rõ chủ nghĩa Mác-Lênin thì người đảng viên mới có căn cứ để kiên quyết, kiên trì đấu tranh góp phần đưa sự nghiệp cách mạng vô sản đến thắng lợi. Người đã viết: “Mỗi đảng viên cách mạng ắt phải do sự giác ngộ của mình, do sự nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, mà hiểu rõ địa vị và tác dụng của giai cấp công nhân, hiểu rõ ích lợi của giai cấp công nhân và sự nghiệp giải phóng của giai cấp công nhân, hiểu rõ chính sách và mục đích của đảng mình. Như thế, thì người đảng viên sẽ suốt đời kiên quyết phấn đấu, để thực hiện sự nghiệp cách mạng hoàn toàn”[20].
Bên cạnh đó, Người còn nhấn mạnh, việc học tập chủ nghĩa Mác-Lênin sẽ giúp cho đảng viên củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để làm tròn nhiệm vụ: "Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình"[21].
Nhưng nếu chỉ thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin thôi thì chưa đủ, theo Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải tham gia đấu tranh chống lại những tư tưởng không tích cực để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thông qua hoạt động này cũng là một cơ hội để đảng viên nâng cao trình độ lý luận chính trị, giúp đảng viên ngày càng củng cố bản lĩnh chính trị, kiên định con đường cách mạng vô sản trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi tới chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Trong bài “Những chỉ thị mà tôi nhớ và truyền đạt” gửi cho Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939, Người đã viết: “Đảng phải đấu tranh không nhân nhượng chống tư tưởng bè phái, và phải tổ chức học tập có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin để nâng cao trình độ văn hoá và chính trị cho các đảng viên”[22].
Thứ bẩy, Hồ Chí Minh chỉ ra những điểm cần lưu ý trong việc nghiên cứu, học tập và tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin để đảm bảo chất lượng.
- Học lý luận phải gắn với thực hành, gắn chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam, đưa lý luận vào cuộc sống: "Học chủ nghĩa Mác - Lênin không phải nhắc như con vẹt “Vô sản thế giới liên hiệp lại” mà phải thống nhất chủ nghĩa Mác - Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam"[23].
- Việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lênin phải luôn phù hợp với từng đối tượng. Bởi việc phù hợp với từng đối tượng sẽ nâng cao hiệu quả của việc nghiên cứu, học tập, tuyên truyền, giúp cho chủ nghĩa Mác-Lênin thấm sâu vào tư tưởng của không chỉ cán bộ, đảng viên mà cả trong quần chúng nhân dân, trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của người cách mạng và của cả quần chúng. Và đây cũng chính là một trong những lực lượng bảo vệ quan trọng của chủ nghĩa Mác-Lênin.
- Việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin phải luôn luôn phù hợp với từng hoàn cảnh. Bởi vì nếu vận dụng không phù hợp với hoàn cảnh, sẽ rơi vào chủ quan, máy móc, giáo điều dẫn đến thất bại hoặc kết quả kém chất lượng, điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến danh tiếng của chủ nghĩa Mác-Lênin:"Phải có đường lối cách mạng đúng, có đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đúng. Đường lối ấy chỉ có thể là đường lối của chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của dân tộc"[24].
- Trong quá trình hoạt động, Đảng ta phải chú ý học tập, kế thừa những kinh nghiệm tốt của các đảng cộng sản khác, đồng thời phải tổng kết kinh nghiệm của mình để bổ sung vào chủ nghĩa Mác- Lênin.
Việc học tập, kế thừa những kinh nghiệm tốt của các đảng cộng sản khác sẽ giúp cho đảng ta có thể bớt phải “đi đường vòng”, tự trải nghiệm, tự rút kinh nghiệm thực tế, và góp phần làm phong phú thêm kinh nghiệm của đảng ta. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thường xuyên dựa trên lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin để có thể đánh giá chính xác những ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị và tìm ra nguyên nhân của những ưu, khuyết điểm đó để tìm ra phương hướng, biện pháp khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, và tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam: " Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta"[25]; "Tổng kết kinh nghiệm một cách cẩn thận. Và dựa theo đó mà kiểm điểm lại xem mình hiểu và áp dụng chủ nghĩa Mác-Lênin có đúng không. Do đó mà thấy khuyết điểm của mình và sửa chữa nó"[26]. Những bài học đó, cần được khái quát thành lý luận, bổ sung làm phong phú chủ nghĩa Mác-Lênin, "Khi vận dụng thì bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn cách mạng của ta"[27].
Như vậy, bằng những hoạt động cách mạng tích cực của mình, Hồ Chí Minh đã thể hiện là người học trò xuất sắc của các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học, xứng đáng là người bảo vệ vững chắc chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại của Người. Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cùng nhìn nhận lại những công lao to lớn của Người đối với cách mạng Việt Nam và đối với cách mạng thế giới, trong đó có việc đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây cũng là một trong những bài học thiết thực mà Người đã để lại cho chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn hiện nay.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.15, tr.588
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.2, tr.289
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.7, tr.414
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.169
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.8, tr.299
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.171
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.7, tr.41
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.7, tr.42
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.10, tr.290
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.7, tr.313
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.1,tr.509-510
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr.273-274
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.8, tr. 277
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.8, tr.100
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.7, tr.559
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.6, tr.292
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.8, tr.284
[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.2, tr.289
[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.2, tr.213
[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.6, tr.280
[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr. 611
[22] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.3, tr.168
[23] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2011, t.6, tr.368
[24] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.14, tr.468
[25] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.92
[26] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.299
[27] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.11, tr.96
TIN MỚI NHẬN
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 27/01/2024 - 07/02/2025) (24/01/2025)
- BẾ GIẢNG LỚP TRUNG CẤP LLCT K.15B-24 (TW4) (18/01/2025)
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 20/01/2024 - 24/01/2025) (17/01/2025)
Lịch giảng dạy
Văn bản Nhà trường
thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |