Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

GIẢNG VIÊN KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ NÊU CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM, GƯƠNG MẪU, KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG TRONG THỰC THI CÔNG VỤ
Ngày đăng 19/05/2023 | 3:12 AM  | View count: 553

TS. Nguyễn Thị Hải Yến - Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

           Tóm tắt: Hồ Chí Minh là một mẫu mực về tinh thần làm việc và ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Với Người, có tinh thần, trách nhiệm là phải “nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ”; bất kỳ việc to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải “đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công”. Việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được xác định là công việc thường xuyên của cán bộ, đảng viên nói chúng, của đội ngũ giảng viên khoa Lý luận cơ sở nói riêng trong thực thi công vụ.

          Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực thi công vụ; Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm rất cần thiết, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta.

           Khái quát về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

          Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã ghi rõ: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi [4].

           Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của người cách mạng xuất hiện trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn yêu thương, quý trọng con người, sống có tình, có nghĩa và tinh thần quốc tế trong sáng… Đạo đức cách mạng là cái gốc của nhân cách, là nền tảng của người cách mạng.

           Phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với tư tưởng, đạo đức của Người; thể hiện một nhân cách lớn, siêu việt, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, nhân văn. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ. Có thể nói, phong cách Hồ Chí Minh là phong cách của một người cộng sản chân chính mà mỗi đảng viên cần học tập và noi theo.

           Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm

          Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần trách nhiệm “Là khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm” [3].

          Như vậy, có thể hiểu trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình, phải bảo đảm làm tròn nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao, với sự ràng buộc đối với lời hứa của mình, nếu kết quả thực hiện không tốt, hoặc nếu thực hiện sai thì phải gánh chịu hậu quả. Tinh thần trách nhiệm chính là kết quả của một quá trình rèn luyện, nhận thức và hành động đúng đắn, tích cực, tự giác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

          Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Trách nhiệm đó được thể hiện trong mọi hoạt động của Người: trong học tập, lao động, nghiên cứu lý luận, hoạt động thực tiễn, cùng Đảng lãnh đạo toàn thể dân tộc Việt Nam tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một đất nước có nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, kém phát triển...

          Là một người dân sinh ra khi đất nước mất độc lập, dân nô lệ, lầm than, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ trách nhiệm của một người dân mất nước, quyết tâm đi tìm đường cứu nước, giải phóng đồng bào. Trách nhiệm đó thấm sâu vào từng suy nghĩ và hành động của Người, để rồi trong suốt 30 năm, người thanh niên yêu nước ấy đã tìm đến nhiều nước khác nhau trên cả năm châu, sẵn sàng làm nhiều nghề để vừa nuôi sống bản thân, vừa hoạt động cách mạng. Người đã thể hiện trách nhiệm và quyết tâm cháy bỏng tìm con đường cứu nước bằng cách khám phá thế giới, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” rồi trở về giúp đồng bào. Không từ nan, không sợ hãi trước những hiểm nguy bản thân phải đối diện, Người sẵn sàng tranh luận, trao đổi các vấn đề lớn liên quan tới vận mệnh của Nhân dân Việt Nam cũng như các dân tộc thuộc địa.

          Khi trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Bác vẫn thể hiện rõ trách nhiệm của một người đứng ở vị trí cao nhất. Người khẳng định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thực thi công vụ với ý thức trách nhiệm của một người lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu không phải bằng việc sử dụng hay lạm dụng quyền lực mà thuyết phục bằng cảm hóa, bằng phong cách nói đi đôi với làm. Ý thức trách nhiệm của Người thể hiện từ những việc lớn như hoạch định đường lối, chính sách đến những việc nhỏ như bữa ăn, manh áo của người dân.

          Ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm, hành động có trách nhiệm là nhân tố có tính quyết định trong hoạt động thực tiễn của con người, là khía cạnh quan trọng nhất của đạo đức nghề nghiệp. Ngày 20/5/1950, Người đã ký Sắc lệnh số 76/SL ban hành Quy chế công chức Việt Nam, trong đó, Điều 2 quy định: “Công chức Việt Nam phải phục vụ Nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước”. Theo đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức phải đặt lên hàng đầu ý thức và tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết sức phục sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

           Tư tưởng Hồ Chí Minh về tính gương mẫu

          Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người là tấm gương mẫu mực về đạo đức và nhân cách người đảng viên cộng sản, luôn tiên phong, gương mẫu trong lời nói, việc làm, hành động; những điều đó đã kết tinh thành những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

          Tính tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên phải được thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều đó không thể tự nhiên mà có, mà phải do chính người cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện hằng ngày, thông qua quá trình phấn đấu không ngừng mới có được. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng... Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”. Người yêu cầu, cán bộ, đảng viên “phải làm gương mẫu trong lao động sản xuất và trong học tập”; “phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”; “phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân”. Trong bài nói chuyện tại buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến... Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người cho rằng, nếu mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu làm tròn nhiệm vụ của mình, tức là làm đầu tàu trong mọi công việc, thì công việc dù khó mấy làm cũng làm nên, kế hoạch to mấy cũng hoàn thành tốt.

          Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu bởi họ là những người nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vì thế “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, dẫn dắt quần chúng, trong phong trào cách mạng. Cán bộ, đảng viên muốn quần chúng làm theo thì bản thân phải là tấm gương, phải “cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc”. Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên không những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn phải là tấm gương để nhân dân noi theo làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu; và Người chính là tấm gương sáng về sự tiên phong, gương mẫu, cả trong mọi suy nghĩ, hành động, lời nói và việc làm từ nhỏ đến lớn, qua đó kết tinh thành những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

           Tư tưởng Hồ Chí Minh về kỷ luật, kỷ cương

          Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Kỷ luật của Đảng là “kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”. Kỷ luật của Đảng phải chặt chẽ, nghiêm minh, là điều kiện quan trọng để bảo đảm Đảng thật sự là khối đoàn kết, thống nhất trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức; bảo đảm cho đường lối, chủ trương của Đảng được chấp hành nghiêm chỉnh. Kỷ luật của Đảng là kỷ luật dựa trên tình đồng chí, của những người cùng chung lý tưởng, tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc. Kỷ luật đó xuất phát từ ý chí của toàn Đảng nhằm bảo đảm cho sự thống nhất, tập trung cao trong Đảng, đồng thời để phát huy dân chủ, phát huy tính tích cực và sáng tạo của toàn thể đảng viên và các tổ chức đảng.

          Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là cán bộ, đảng viên cộng sản phải khiêm tốn, không được “tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật”, phải “giữ gìn kỷ luật của chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân”, khi nào và ở đâu cũng phải chịu sự phân công, quản lý của tổ chức đảng, phải hành động theo phạm vi kỷ luật của tổ chức, phải báo cáo, phải chấp hành nghị quyết, chỉ thị một cách nghiêm túc, đúng đắn, sáng tạo. Đó là tính Đảng, không có ngoại lệ.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc thiết lập kỷ luật, kỷ cương. Người luôn gương mẫu thực hiện, từ sinh hoạt hàng ngày đến việc chấp hành điều lệ, nghị quyết bởi “một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì vậy, suốt cuộc đời Bác luôn lấy mình làm gương thực hiện những điều mình yêu cầu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện. Lãnh đạo nói đi đôi với làm, chắc chắn ở dưới không thể có sự tùy tiện, vô tổ chức, phải luôn đặt kỷ cương phép nước lên trên, không lấy tình riêng để giải quyết công việc

          Không chỉ lấy đức trị để giáo dục, răn đe, động viên các cấp cán bộ và nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chú trọng ban hành các quy định pháp luật để xử lý các hành vi sai lệch. Một tháng sau ngày lập nước, ngày 17/10/1945, Hồ Chí Minh đã gửi thư cho UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, nêu rõ 6 căn bệnh cần đề phòng là: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Người phê bình: “Lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?... Chúng ta phải ghi sâu những chữ công bình, chính trực vào lòng”. Trong trả lời chất vấn của Quốc hội vào năm 1946, Người nói: “Chính phủ hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ, đã trừng trị, đang trừng trị và sẽ trừng trị cho kỳ hết”.

          Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải chịu khó, chăm chỉ trong công việc được giao, làm việc phải có tổ chức thì mới đạt kết quả cao nhất; thực hiện công việc phải có chương trình, kế hoạch cụ thể; làm việc phải bảo đảm thời gian theo quy định, không được lấy thời gian làm việc công để làm việc tư: "Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa"[1]. Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Trước khi làm một việc gì phải cẩn thận suy xét xem việc đó thành công thì ảnh hưởng thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào" [2].

           Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của đội ngũ giảng viên Khoa Lý luận cơ sở - Trường ĐTCB Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội

          Là giảng viên trường chính trị Thủ đô, với trách nhiệm tham gia giảng dạy góp phần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Là một môi trường đặc thù, bởi đối tượng người học đều là những cán bộ, lãnh đạo hoặc nguồn cán bộ lãnh đạo trong các chức danh của bộ máy các cấp của Thành phố; là những người tham gia hoạt động thực tiễn, có kiến thức thực tiễn phong phú, đều có trình độ nhất định về quản lý hành chính nhà nước, kinh tế, chính trị, xã hội. Điều này đặt ra những yêu cầu đòi hỏi đội ngũ cán bộ giảng viên của Khoa phải có được sự rèn luyện và phông kiến thức lý luận chính trị, văn hóa, xã hội khá cao nhằm đáp ứng quá trình học tập cũng như trong trao đổi, giao tiếp với người học. Hơn ai hết, đội ngũ giảng viên phải nắm vững, đồng thời thực hành nêu gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

          Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị, toàn thể giảng viên Khoa Lý luận cơ sở quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên quyết học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức của Người ở trên tất cả các mặt, từ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đến tu dưỡng đạo đức, lối sống. Toàn thể giảng viên Khoa có trách nhiệm cao với công tác giảng dạy, luôn thực hiện tốt quy định, quy chế của Nhà trường, có lối sống mẫu mực, thượng tôn pháp luật; mỗi giảng viên đều đăng ký kế hoạch thực hiện học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh hàng năm và thực hiện kế hoạch một cách nghiêm túc. Các giảng viên chấp hành và thực hiện tốt mọi nhiệm vụ thường xuyên và nhiệm vụ đột xuất khi được phân công. Đặc biệt trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, đội ngũ giảng viên của Khoa luôn tham gia thực hiện khá đầy đủ và có kết quả tốt. Trong giảng dạy và công tác, tính nghiêm túc luôn được đề cao, bởi vậy việc chấp hành nội quy, ngày giờ lên lớp, làm việc, hội họp, học tập, của giảng viên trong khoa được chấp hành tốt.

          Đối với đội ngũ lãnh đạo Khoa, luôn thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trong quy chế làm việc, trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thuộc thẩm quyền và phân cấp; quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; thực hiện tốt tính nêu gương trong học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh; là những người đi đầu trong thực hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.

          Tuy nhiên, trong quá trình học tập và làm theo Bác vẫn còn những tồn tại cần khắc phục đối với việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, kỷ luật, kỷ cương. Cụ thể, còn có những trường hợp chưa chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao, chưa chịu khó học hỏi trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, thiếu tập trung, làm việc riêng trong giờ làm việc; đôi khi còn có sự né tránh, ngại va chạm - chưa mạnh dạn trong bộc lộ quan điểm cá nhân; có lúc còn tình trạng nể nang trong quản lý học viên trên lớp.

          Đứng trước một số tồn tại hạn chế đó, mỗi giảng viên cần nêu cao hơn nữa việc nêu gương; ở một số giảng viên cần phát huy hơn tinh thần chủ động học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nhằm phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn công việc đào tạo, bồi dưỡng được phân công; cần phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, tự vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là những tác động của cơ chế thị trường, xây dựng niềm tin, sự tâm huyết với nghề, gắn bó với nghề; từ đó hoàn thành công việc với chất lượng và hiệu quả cao, góp phần phát triển toàn diện nhà trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị.

          Khuyến khích việc tự thể hiện năng lực bản thân, chủ động, sáng tạo của mỗi giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đề xuất hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với những hành động tiêu biểu, mang tính nêu gương.

Mỗi giảng viên của Khoa Lý luận cơ sở phải luôn thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, có tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp trên tinh thân xây dựng để điều chỉnh bản thân và việc thực hiện nhiệm vụ được giao mang đến hiệu quả cao nhất, vì lợi ích chung của Khoa và Nhà trường.

          Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt mỗi bước đi lên và thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với toàn Đảng và toàn dân ta là công việc thường xuyên lâu dài, quan trọng và đặc biệt cần được chú trọng hơn trong việc rèn luyện của giảng viên Khoa Lý luận cơ sở nói riêng, của toàn thể cán bộ, viên chức Nhà trường nói chung. Hơn ai hết, đội ngũ này cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phong cách gương mẫu, kỷ luật, kỷ cương, nói đi đôi với làm, trực tiếp góp phần tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng đào tạo lý luận chính trị, đáp ứng ngày càng hiệu quả công cuộc bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ các cấp của Thủ đô ngang tầm nhiệm vụ như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta đặt ra.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr. 43
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr.122
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.345
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, tr.88

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh