Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

QUÂN DÂN THỦ ĐÔ GÓP SỨC TRONG CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ NĂM 1954
Ngày đăng 28/03/2024 | 8:10 AM  | View count: 88

ThS Phùng Thị Kim Oanh - Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở

      Tóm tắt: Với ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” . Lúc chính quyền cách mạng còn non trẻ, đời sống Nhân dân còn muôn vàn khó khăn, toàn thể Nhân dân Việt Nam vẫn một lòng, một dạ đoàn kết xung quanh Đảng, Mặt trận Việt Minh, nhất tề đứng lên hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm bảo vệ đất nước với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng.

       Từ khóa: Quân dân Thủ đô; thực dân Pháp; Điện Biên Phủ.

      Năm tháng đã trôi qua, nhưng bụi thời gian không thể phủ mờ trước thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Với ý chí “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (1). Dù chính quyền cách mạng còn non trẻ, đời sống Nhân dân còn muôn vàn khó khăn, toàn thể Nhân dân Việt Nam vẫn một lòng, một dạ đoàn kết xung quanh Đảng, Mặt trận Việt Minh, nhất tề đứng lên hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm bảo vệ đất nước với niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng.

      Thực hiện đường lối kháng chiến: toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các kế hoạch quân sự của thực dân Pháp, làm nên các chiến thắng vang dội, tạo bước chuyển cơ bản cho cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn mới - giai đoạn ta nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, mở các cuộc tấn công và phản công địch. 

      Từ ngày 11/02/1951 đến 19/02/1951, để đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng, Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp, định rõ chính cương, sách lược của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân, đưa Đảng ra hoạt động công khai và đổi tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội đã vạch ra đường lối cơ bản về các mặt xây dựng, củng cố Đảng, phát triển kinh tế văn hóa, xây dựng hậu phương kháng chiến, đẩy mạnh đấu tranh trong vùng tạm bị chiếm, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

      Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II, Hội nghị Thành ủy Hà Nội họp từ ngày 14/4/1951 đến 24/4/1951 đã đề ra các chủ trương, biện pháp để giữ vững, phát triển phong trào kháng chiến ở Hà Nội trong tình hình mới. Thành ủy quyết định tạm đình chỉ các hoạt động vũ trang làm bộc lộ lực lượng, đình chỉ việc xây dựng khu kháng chiến liên hoàn, lãnh đạo cán bộ, đảng viên tích cực vận động quần chúng giữ vững cơ sở, lợi dụng công khai, hợp pháp để che giấu lực lượng.

      Quán triệt và thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ II và Chỉ thị của Tổng Bí thư Trường Chinh đối với Hà Nội, phong trào kháng chiến ở Thủ đô vượt qua khó khăn, từng bước đi lên. Tháng 01/1952, Trần Quốc Hoàn được phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Từ ngày 15/01/1952 đến 25/01/1952, Hội nghị Thành ủy đề ra chủ trương chuyển hướng toàn diện hoạt động ở Hà Nội. Hội nghị đề ra nhiệm vụ chính của Đảng bộ Hà Nội lúc này là: tích cực tranh thủ quần chúng, phục hồi và phát triển cơ sở trong lòng địch, đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại những cố gắng chiến tranh của địch, phá âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp.

      Tháng 8/1952, đồng chí Trần Quốc Hoàn được Trung ương Đảng chuyển công tác khác. Đồng chí Lê Thanh Nghị - Bí thư Liên khu ủy III được phân công kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Từ tháng 8/1952 đến hết năm 1953, lần lượt cán bộ đảng, chính quyền, dân vận, quân sự ở Hà Nội đã được chỉnh huấn. Cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn đường lối chiến lược của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ, chính sách mặt trận dân tộc thống nhất và quan điểm kháng chiến lâu dài, tự lực cánh sinh. Những biểu hiện hẹp hòi, xa rời quần chúng, bi quan, dao động, nôn nóng, ỷ lại đã được phê phán. Phong trào kháng chiến ở Hà Nội dần dần được khôi phục.

      Trong khi đó, bị thất bại nặng nề ở Hòa Bình, địch co về Hà Nội cố thủ và càng tăng cường phòng vệ Thành phố, càn quét dữ dội đồng bằng Bắc Bộ. Thực dân Pháp chú trọng thực hiện những thủ đoạn mua chuộc, chia rẽ Nhân dân. Địch cho công nhân một số nhà máy hoặc ở các ngành lập “Công đoàn vàng”, cho hưởng một số quyền lợi “nhỏ giọt”. Sách báo có nội dung phản động, chống cộng sản, nói xấu và hạ thấp thanh thế của kháng chiến được chính quyền địch cho xuất bản, lưu hành trong Thành phố.

      Vượt qua các thủ đoạn đàn áp và mua chuộc của chính quyền thực dân, phong trào kháng chiến được khôi phục, phát triển với những hình thức đấu tranh mới. Nhiều cơ sở kháng chiến vào hoạt động trong một số tổ chức công khai do địch cho lập ra, như Hội Ái hữu máy nước, Hội Phụ nữ tương tế, Hội Cấp tế nạn nhân chiến tranh... Cán bộ Ban Công chức vận đã vận động công chức các sở công, sở tư ủng hộ kháng chiến, quyên góp thuốc men, sách báo gửi ra vùng tự do, nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật, cung cấp tin tức nội bộ địch cho công an nội thành. Trong hoàn cảnh bị o ép, nhiều giáo viên ở các trường trung học, giáo sư ở các trường đại học vẫn nêu cao tinh thần dân tộc, chống văn hóa nô dịch, ủng hộ học sinh, sinh viên chống bắt lính, đi học sĩ quan. Ban cán sự thanh vận vận động thanh niên, học sinh, sinh viên đấu tranh chống bắt lính, tổ chức đưa một số ra vùng tự do. Cuối năm 1952, có 200 học sinh, sinh viên bỏ trốn ra vùng tự do, được bố trí cho đi học tiếp hoặc vào bộ đội, vào các cơ quan kháng chiến ở vùng tự do. Nhân dân ở ngoại thành tìm mọi cách không đi phu đắp đường, xây bốt, không vào bảo an, không nộp phạt cho đồn, không nộp tô quá điền cho địa chủ, đòi địch miễn thuế ruộng hoang, bồi thường ruộng bị chiếm làm công sự, chia tiền thầu đầm cho dân... Những cuộc đấu tranh đó minh chứng phong trào kháng chiến ở Hà Nội đã vượt qua thời kỳ hết sức khó khăn để gây dựng lại cơ sở, khôi phục phong trào kháng chiến, tiến lên phối hợp với chiến trường cả nước.

      Bước sang năm 1953, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, việc xây dựng và mở rộng phong trào công nhân và nhân dân lao động được đẩy mạnh. Ban Cán sự Nội thành đã tích cực khôi phục và xây dựng cơ sở ở các xí nghiệp yết hầu của địch như Đèn Bờ Hồ, Kho binh lương trong Thành..., đồng thời phát triển mạnh cơ sở trong công nhân Hà Nội và các tầng lớp lao động khác. Việc đưa người của ta vào nắm các tổ chức quần chúng công khai của địch cũng được chú trọng, nhất là từ khi địch bắt đầu cho phát triển các nghiệp đoàn vàng. Ta đã tranh thủ được ban trị sự nghiệp đoàn Nhà máy Nước, Xe điện...; tranh thủ được quần chúng ở các nghiệp đoàn Hỏa xa Hà Nội, Hỏa xa Gia Lâm... Ta còn chủ động đứng ra tổ chức nghiệp đoàn khuân vác ở bến Phà Đen, buộc địch phải công nhận cho hoạt động. Các tổ chức trung kiên bí mật tiếp tục được củng cố. Công đoàn bí mật ở Nhà máy Điện, Nhà máy Nước, AVIAT... được phục hồi, bắt đầu phát triển. Nhiều cơ sở mới được gây dựng ở những nơi tập trung công nhân lao động, kể cả xí nghiệp của tư bản tư nhân và ngoại kiều. Tại Phà Đen, Công đoàn của công nhân khuân vác trở thành đầu mối liên lạc giữa nội thành và vùng tự do.

      Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội, nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra, như nhân dân tẩy chay cuộc bầu cử Hội đồng thành phố bù nhìn và bầu Hội đồng hương chính ở các xã (25/01/1953); vận động nhân dân đến các trại lính Ngọc Hà, Sinh Từ, Lò Đúc... đòi chồng con, anh em và tuyên truyền thanh niên bị bắt lính bỏ trại về gia đình (tháng 5/1953). Ở các xã ngoại thành, nhân dân làm đơn đòi ngụy quyền miễn thuế. Nhiều tư sản có cơ sở sản xuất kinh doanh cũng lẩn tránh kê khai, trốn thuế “bù trừ” đánh vào hàng hóa.v.v…

      Trên chiến trường toàn quốc, kế hoạch De Tassigny đã cơ bản bị phá sản. Thực dân Pháp hiếu chiến và ngoan cố, được Mỹ tăng viện trợ, đã chuẩn bị một kế hoạch chiến tranh mới. Tháng 5/1953, Đại tướng H.Navarre - Tham mưu trưởng Lục quân khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) được cử làm Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương. Tháng 7/1953, kế hoạch Navarre được Hội đồng quốc phòng và Chính phủ Pháp thông qua, được Chính phủ Mỹ đồng tình. Kế hoạch Navarre là cố gắng cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, nhằm trong vòng 18 tháng giành lại thế chủ động chiến lược và sẽ chuyển bại thành thắng. Trong kế hoạch Navarre, Hà Nội vẫn là một trọng điểm, là địa bàn quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng ngự của Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ. Do đó, địch đã bố trí một bộ phận quan trọng lực lượng dự trữ chiến lược ở Hà Nội.

      Chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” tiếp tục được thực hiện với quy mô lớn. Ngụy quyền trở thành công cụ đắc lực giúp thực dân Pháp bắt lính, vét thuế. Thực dân Pháp còn ra sức bóc lột nhân dân bằng chế độ thuế khóa nặng nề để có chi phí cho chiến tranh, như đặt ra thuế “đảm phụ”, tăng thuế môn bài, thuế cửa hàng, thuế chợ, thuế vỉa hè, thuế hàng rong... tăng thuế vệ sinh 20%; mở chợ phiên tết từ 29/01/1954 đến 27/02/1954 để vơ vét thêm tiền bạc.

      Trước âm mưu kéo dài chiến tranh của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn về kế hoạch quân sự Đông Xuân 1953 - 1954 và ra nghị quyết lịch sử, nêu rõ quyết tâm phá tan kế hoạch Navarre. Nghị quyết của Bộ Chính trị mở đường đi tới thắng lợi lịch sử trong Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, phá tan kế hoạch Navarre.

      Dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Ban Cán sự Nội thành đã chỉ đạo quần chúng đấu tranh, phối hợp với chiến trường cả nước trong Đông - Xuân 1953-1954, như đấu tranh chống bắt lính, sĩ quan, hạ sĩ quan. Thanh niên cam kết với nhau không đi lính cho địch, chống lại âm mưu “quân sự hóa” học đường của chính quyền thực dân, không ghi tên vào các kỳ thi tuyển sĩ quan, ký kiến nghị gửi ngụy quyền phản đối lệnh cưỡng bách đi lính. Một số thanh niên bị tập trung ở Lò Đúc, ở Trường Lý Thường Kiệt đã bỏ trốn và đánh lại chỉ huy. Nhân dân đã bảo vệ, che chở cho thanh niên trốn lính với các hình thức trốn tại chỗ, trốn về quê, trốn ra vùng tự do. Ở một số xã, nhân dân không chịu lập “địa phương quân”, không cho địch bắt lính.

      Công tác địch vận ở Hà Nội được chú trọng. Ban Địch vận của Mặt trận Hà Nội quyết định phát triển rộng rãi các tổ chức thấp hơn như “Nhóm đồng hương”, “Nhóm tâm giao”, “Nhóm tri kỷ”. Phong trào đấu tranh đòi quyền lợi hàng ngày cũng lên cao, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Năm 1953, ta nắm được hơn 40 nghiệp đoàn được địch cho phép thành lập ở Hà Nội. Dựa vào “Luật Lao động”, “Luật Tự do nghiệp đoàn” của chính quyền bù nhìn, các tổ chức cơ sở đảng và công đoàn bí mật của ta đã vận động quần chúng đấu tranh đòi định lại lương tối thiểu, tăng lương theo giá sinh hoạt, tăng phụ cấp gia đình, chống giãn thợ đuổi thợ. Nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra ở các xí nghiệp Ga, Nhà máy Điện, Nhà máy Nước, Nhà máy Rượu, Kho dù, Sở binh lương trong Thành, Sở Lục lộ. Cuộc đấu tranh lan sang các công tư sở, bệnh viện... và đã giành được thắng lợi, buộc địch phải giải quyết những yêu sách của công nhân, viên chức, tiểu thương.

      Phong trào đấu tranh chống văn hóa nô dịch có những chuyển biến tích cực. Ngày 23/02/1954, tại “Hội nghị giáo dục toàn quốc” do chính quyền bù nhìn tổ chức ở Hà Nội, đại biểu của giáo viên và học sinh đã đưa ra yêu cầu: dùng tiếng Việt làm chuyên ngữ ở bậc đại học, xây dựng ngành đại học Việt Nam, giảm bớt chương trình học, chống học nhồi sọ.

Ngày 13/3/1954, quân ta bắt đầu cuộc tiến công Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, tháng 3/1954, Thành ủy Hà Nội quyết định đánh sân bay Gia Lâm, căn cứ hậu cần bằng đường hàng không lớn nhất của thực dân Pháp ở miền Bắc Đông Dương.

      Được Nhân dân các thôn Ái Mộ, Thạch Cầu, Trạm Nha che chở, đêm ngày mồng 3, rạng sáng ngày 04/3/1954, 16 chiến sĩ đại đội 8, có 3 dân quân địa phương phối hợp, đã tập kích sân bay Gia Lâm, đốt cháy 18 máy bay vận tải, 2 máy phát điện và kho xăng, tiêu diệt 16 quân địch. Đây là trận đánh lớn thứ hai của lực lượng vũ trang Hà Nội làm cho quân địch hết sức kinh hoàng. Cuộc tập kích sân bay Gia Lâm đã gây nhiều khó khăn cho Pháp trong việc tiếp tế ứng cứu cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bằng đường hàng không. Đúng một tháng sau, chiều ngày 04/4/1954, quân dân Gia Lâm lại đánh mìn trên Đường số 5, lật nhào một đoàn tàu chở quân lương và vũ khí từ Hải Phòng lên Hà Nội. Cuối tháng 4/1954, công nhân Sở binh lương trong Thành đốt kho, làm cháy hàng ngàn chiếc dù, chặn nguồn tiếp tế lên chiến trường Điện Biên Phủ của địch.

      Phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ, ở Hà Nội, ta tiếp tục đẩy mạnh công tác địch vận. Truyền đơn, giấy thông hành được in ngay trong nội thành để kịp thời phân phát cho binh lính đào ngũ. Ban Địch vận của Mặt trận Hà Nội còn cho chụp truyền đơn vào phim rồi chuyển đến các cơ sở, in ra thành ảnh, binh lính có thể dùng thay cho “giấy thông hành” ra vùng tự do. Các ngành, các đoàn thể quần chúng đều tích cực tham gia công tác địch vận. Hiện tượng binh lính địch rã ngũ tập thể xuất hiện, như tiểu đoàn dù số 5 đóng ở Trường Bưởi, tiểu đoàn dù số 7 đóng ở Việt Nam học xá không muốn tham chiến ở Điện Biên Phủ, 1.200 lính đóng ở khu vực sân bay Bạch Mai.

      Trước thất bại quân sự ở chiến trường, thực dân Pháp buộc phải ngồi vào bàn Hội nghị Genève đàm phán với ta. Theo chủ trương của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã phát động phong trào đấu tranh đòi hòa bình, đòi Chính phủ Pháp phải thành thật thương lượng với Chính phủ Hồ Chí Minh. Thành ủy chủ trương vận động rộng rãi quần chúng, trước hết là tầng lớp trí thức, đưa vấn đề ra công khai, trên cơ sở đó tiếp tục mở rộng phong trào. Ngày 26/3/1954, bản kiến nghị đòi lập lại hòa bình của giới trí thức Sài Gòn, đứng đầu là kỹ sư Lưu Văn Lang, luật sư Trịnh Đình Thảo... được công bố trên báo chí Hà Nội.

      Phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội trong Đông - Xuân 1953-1954 là một bước phát triển mới của chiến tranh nhân dân ở thành thị bị địch tạm chiếm, tiêu biểu cho sự phối hợp chiến đấu giữa thành thị với rừng núi và nông thôn, góp phần phân tán, kìm chân, tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để bộ đội ta tấn công, tiêu diệt địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

      Sau 56 ngày đêm chiến đấu (13/3/1954 - 7/5/1954), qua 3 đợt tiến công ác liệt, quân và dân đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ của địch. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ là chiến thắng lớn nhất của quân dân ta trong cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao. Bằng cuộc đấu tranh toàn diện trong vùng bị địch tạm chiếm, quân dân Hà Nội đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng vĩ đại đó.

      Chiến thắng Điện Biên Phủ làm cho nhân dân Hà Nội càng nức lòng phấn khởi, tự hào, tin tưởng vào sức mạnh của kháng chiến. Với nhiều hình thức sinh động, phong phú, nhân dân đã tổ chức mừng chiến thắng ngay trước mũi súng quân thù.

      Các ngành thanh vận và phụ vận đã tích cực mở rộng phong trào đấu tranh chống bắt lính. Từ ngày 11/5/1954 đến 15/5/1954, hàng trăm học sinh các trường trung học Minh Tân, Khai Thành, Chu Văn An bãi khóa chống học tập quân sự, chống động viên. Ở đơn vị vận tải của địch đóng tại Đấu Xảo, anh em binh lính phá hỏng hàng trăm xe ô tô, rồi về với kháng chiến.

      Cuộc đấu tranh của chị em tiểu thương ngày 15/5/1954 đã phát triển thành bãi thị ở 4 chợ là: Đồng Xuân, chợ Hôm, Cửa Nam và Hàng Da. Cùng ngày 15/5/1954, 50 đại biểu các chợ và hàng rong kéo đến Tòa Thị chính đưa yêu sách, làm cho ngụy quyền càng thêm bối rối. Quần chúng còn đấu tranh với địch đòi lập các tổ chức để bảo vệ quyền lợi của giới mình.

      Ngày 21/7/1954, Hội nghị quốc tế họp tại Genève (Thụy Sĩ) về việc kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương đã kết thúc với một bản hiệp định được ký kết. Theo hiệp định, Pháp và các nước tham dự Hội nghị Genève cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Ở Việt Nam, Pháp rút quân về phía nam, dưới vĩ tuyến 17. Vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời. Tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956 để thống nhất đất nước. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lâu dài và gian khổ của Nhân dân ta đã giành được thắng lợi vẻ vang. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng.

      Quân và dân Hà Nội đã góp sức xứng đáng đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Từ đây, cuộc đấu tranh của quân và dân Hà Nội chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh đòi thực dân Pháp chuyển giao thành phố cho Chính phủ kháng chiến theo đúng tinh thần Hiệp định Genève, giải phóng Hà Nội khỏi ách đế quốc xâm lược và xây dựng Hà Nội thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Từ đó, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội quyết tâm trong từng kế hoạch để thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khoẻ cả về vật chất và tinh thần”(2).

      70 năm đã trôi qua nhưng ký ức lịch sử mãi còn đó. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”(3). ./.

 

---------------------------------

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.534.

(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.78.

(3). Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, H.1970, tr.90.

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh