LỊCH CÔNG TÁC
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 20/01/2024 - 24/01/2025) (17/01/2025)
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 13/01/2024 - 17/01/2025) (10/01/2025)
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 06/01/2024 - 10/01/2025) (03/01/2025)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 30/12/2024 - 03/01/2024) (27/12/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 23/12/2024 - 27/12/2024) (20/12/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 16/12/2024 - 20/12/2024) (13/12/2024)
Nghiên cứu trao đổi
ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Giảng viên, Khoa Xây dựng Đảng
Tóm tắt: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta với nhiều phương thức, thủ đoạn mới… Đội ngũ giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy lý luận chính trị, còn trực tiếp tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giúp củng cố niềm tin và định hướng nhận thức đúng đắn cho các thế hệ cán bộ, đảng viên của Thủ đô.
Từ khóa: giảng viên, Khoa Xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng.
1. Thực trạng phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên Khoa Xây dựng Đảng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Tính đến tháng 10/2024, Khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong có tổng số 22 giảng viên chuyên trách. Về trình độ chuyên môn, 100% giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên; trong đó, có 01 tiến sỹ; 01 đồng chí đang học nghiên cứu sinh. Về trình độ lý luận chính trị, 95,45% giảng viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; trong đó, có 13 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 05 đồng chí đang học cao cấp lý luận chính trị. Đội ngũ giảng viên của Khoa được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần đoàn kết thống nhất góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị và xây dựng Nhà trường vững mạnh về nhiều mặt. Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên của Khoa, là một bộ phận quan trọng, trực tiếp trong thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Những năm qua, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, lãnh đạo Khoa quan tâm, phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên, nhất là trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đội ngũ giảng viên Khoa Xây dựng Đảng là lực lượng quan trọng, trực tiếp truyền đạt, khẳng định bản chất khoa học, cách mạng nền tảng tư tưởng của Đảng cho học viên.
Thấm nhuần các quan điểm của Đảng, đội ngũ giảng viên của Khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong luôn nghiêm túc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiên định đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời tích cực tuyên truyền, quán triệt các Nghị quyết của Đảng như: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 22/10/2018) về tăng cường bảo vệ nền tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/12/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…
Bên cạnh đó, ngày 24/9/2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG-TCT về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hướng dẫn này đã được Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Chi ủy, Lãnh đạo Khoa triển khai đến tất cả các đồng chí đảng viên, giảng viên của Khoa. Từ đó, mỗi giảng viên càng nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mỗi giảng viên chủ động lồng ghép nội dung Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị vào nội dung những bài giảng cho mình đảm nhiệm; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần bổ sung lý luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tích cực tham gia viết bài, chuyên đề cho chuyên mục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên Bản tin “Thông tin Lý luận và thực tiễn”; tham gia viết bài cho Hội thảo khoa học các cấp, cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Trong năm 2022, 100% đồng chí giảng viên của Khoa đã tham gia học tập, quán triệt Kết luận số 21 - KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; và Quy định số 37 - QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; 100% các giảng viên đều viết bài để gửi tham dự cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022.
Trong năm 2023, Khoa đã đăng ký thực hiện 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường được Nhà trường phê duyệt, với chủ đề: Xây dựng khung chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội (đã được nghiệm thu đạt loại giỏi); Đồng chí Nguyễn Thị Mai chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Thành phố năm 2023, tên đề tài: Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội cựu chiến binh các cấp thành phố Hà Nội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay; 100% giảng viên viết bài tham dự cuộc thi chính luận năm 2023. Bên cạnh đó, đồng chí Đỗ Lê Triều - Trưởng khoa, đồng chí Nguyễn Thị Mai - Nguyên Phó trưởng khoa, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng khoa, đồng chí Hoàng Thị Phương, đồng chí Nguyễn Hương tham gia Ban chấm sơ khảo cuộc thi chính luận 2023 (đồng chí Nguyễn Thị Mai tiếp tục tham gia thư ký hội đồng chấm chung khảo).
Bên cạnh đó, phẩm chất chính trị và đạo đức là yếu tố quan trọng với đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Đội ngũ giảng viên của Khoa đã thực hiện tốt vai trò nêu gương bằng những hành động thiết thực, cụ thể gắn với công việc và cuộc sống hằng ngày, như: không lãng phí, xa hoa, không gây mất đoàn kết nội bộ, trung thực, tôn trọng và giữ vững các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; nâng cao nhận thức, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tăng “sức đề kháng” với những luồng thông tin xấu độc. Cùng với đó, giảng viên của Khoa đã chủ động, tích cực tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng từ đó góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin khoa học cho đồng nghiệp, học viên… góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị cốt lõi của nền tảng tư tưởng của Đảng.
2. Giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên Khoa Xây dựng Đảng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
2.1. Thách thức đối với đội ngũ giảng viên Khoa Xây dựng Đảng trong thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng trong bối cảnh hiện nay
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các lực lượng trong xã hội, trong đó có đội ngũ giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội - những người trực tiếp giảng dạy và truyền tải lý luận chính trị cho các thế hệ cán bộ, đảng viên Thủ đô. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, đội ngũ giảng viên cũng phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp và đa chiều từ cả môi trường bên ngoài lẫn nội tại.
Một là, sự tấn công từ các thế lực thù địch và sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số, mạng xã hội. Một trong những thách thức lớn đối với đội ngũ giảng viên Khoa Xây dựng Đảng là sự tấn công từ các thế lực thù địch thông qua các phương tiện truyền thông và không gian mạng. Với sự phát triển nhanh chóng của Internet, truyền thông số và mạng xã hội các thế lực thù địch đẩy mạnh việc phát tán các thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mục đích của chúng không chỉ làm suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân mà còn trực tiếp tác động đến nội bộ Đảng, hòng gây chia rẽ và phá vỡ khối đoàn kết trong Đảng. Đặc biệt, với sự lây lan nhanh chóng của các thông tin xấu độc trên mạng xã hội, các quan điểm sai trái có sức lây lan nhanh chóng, dễ gây hoang mang trong quần chúng nhân dân nếu không được xử lý kịp thời.
Hai là, sự phai nhạt niềm tin, lý tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, học viên có thái độ thờ ơ, lười học, chưa có động cơ đúng đắn khi học tập lý luận chính trị. Trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh chóng, đặc biệt với tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, một bộ phận cán bộ, đảng viên, học viên có biểu hiện hoài nghi về vai trò của lý luận chính trị, coi lý luận chính trị là khô khan, thiếu tính ứng dụng và không còn phù hợp với thực tiễn hiện đại.
Ba là, yêu cầu ngày càng cao trong đổi mới phương pháp giảng dạy, phương thức giảng dạy lý luận chính trị. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các phương thức truyền tải tư tưởng và giáo dục lý luận chính trị cũng đã có nhiều thay đổi. Trước đây, việc giảng dạy lý luận chính trị chủ yếu dựa trên các phương pháp truyền thống như thuyết trình, sử dụng sách giáo trình và tài liệu in. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và nhu cầu tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, phương pháp này đã bộc lộ những hạn chế nhất định và không còn đủ sức hấp dẫn đối với thế hệ học viên trẻ - những người đã quen với việc tiếp nhận thông tin qua các phương tiện truyền thông mới. Có thể thấy, sự thiếu hụt kỹ năng công nghệ thông tin và khả năng sử dụng các công cụ hiện đại vẫn là một trở ngại lớn đối với nhiều giảng viên của Khoa hiện nay.
Bốn là, áp lực nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị và nghiên cứu khoa học. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học công nghệ, yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu cũng đặt ra nhiều thách thức cho đội ngũ giảng viên Khoa Xây dựng Đảng. Giảng viên không chỉ phải nắm vững kiến thức lý luận chính trị mà còn phải thường xuyên cập nhật các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội mới nhất. Điều này đòi hỏi giảng viên không ngừng học hỏi, nghiên cứu và trau dồi kiến thức, kỹ năng để có thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới. Ngoài ra, việc nghiên cứu khoa học và viết bài chính luận cũng là một phần quan trọng của giảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, việc kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu đòi hỏi giảng viên phải có sự đầu tư về thời gian và công sức, trong khi khối lượng công việc giảng dạy và các nhiệm vụ khác ngày càng tăng. Điều này tạo ra áp lực lớn đối với giảng viên trong việc duy trì chất lượng giảng dạy và hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu.
Sáu là, khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường chính trị và xã hội. Bối cảnh chính trị, xã hội hiện nay đang có nhiều biến đổi nhanh chóng và phức tạp, với sự tác động của hội nhập quốc tế và các thách thức từ bên ngoài. Điều này điều này đặt ra thách thức cho giảng viên phải không ngừng cập nhật thông tin và nhận thức đúng đắn về những thay đổi đó để có thể giảng dạy hiệu quả và kịp thời bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sự biến đổi của môi trường quốc tế, với các cuộc xung đột, khủng hoảng và thách thức về an ninh, cũng như các xu hướng tư tưởng mới, đòi hỏi giảng viên phải có cái nhìn sâu sắc và linh hoạt trong việc giảng dạy. Đòi hỏi mỗi giảng viên phải phân tích một cách khoa học và thực tiễn các vấn đề này, từ đó giúp học viên hiểu rõ hơn về những tác động và cơ hội mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển đất nước.
2.2. Giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của toàn Đảng, mà còn là nhiệm vụ cốt lõi của từng cán bộ, đảng viên, trong đó đội ngũ giảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, giảng viên cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Bộ Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy Hà Nội về việc bảo vệ tư tưởng Đảng. Nâng cao nhận thức về vai trò của mình trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng không chỉ giúp giảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị, mà còn giúp họ chủ động hơn trong việc phòng ngừa và đối phó với các thế lực thù địch.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là bảo vệ Đảng mà còn là bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và bảo vệ công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên phải làm rõ được những nội dung này, qua đó truyền đạt có hiệu quả đến học viên. Điều này đòi hỏi giảng viên cần không ngừng tự giác, tích cực học tập và nâng cao nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng.
Hai là, tăng cường lồng ghép những nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng vào các hoạt động chuyên môn.
Một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục lý luận chính trị. Đội ngũ giảng viên Khoa Xây dựng Đảng cần chủ động tích cực lồng ghép các nội dung về bảo vệ tư tưởng của Đảng vào bài giảng, đề tài nghiên cứu khoa học và các bài viết hội thảo, tọa đàm và các diễn đàn khác.
Việc lồng ghép nội dung bảo vệ tư tưởng vào các giáo trình và bài giảng giúp học viên hiểu sâu hơn về lịch sử đấu tranh tư tưởng của Đảng, các âm mưu của các thế lực thù địch, cũng như các kỹ năng đấu tranh, phản bác các luận điểm sai trái. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên đề về bảo vệ tư tưởng Đảng cũng là một hình thức tuyên truyền, giáo dục hữu ích. Thông qua các hoạt động này, giảng viên không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giúp học viên rèn luyện kỹ năng nhận diện và phản bác các quan điểm thù địch.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên cần chủ động tham gia vào các kế hoạch, chương trình, đề án bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các cuộc thi viết bài, hội thảo chính luận về bảo vệ tư tưởng chính trị là cơ hội để giảng viên thể hiện khả năng nghiên cứu và phản biện của mình. Đồng thời, việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, các các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về bảo vệ tư tưởng Đảng cũng giúp giảng viên và học viên cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nhận diện và phản bác các quan điểm thù địch.
Ba là, nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức của đội ngũ giảng viên.
Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giảng viên cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời rèn luyện đạo đức cách mạng. Việc tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, cũng như tự học, nghiên cứu các tài liệu chính trị là cần thiết để giảng viên luôn cập nhật kiến thức mới và nâng cao khả năng giảng dạy.
Không chỉ giỏi chuyên môn, đội ngũ giảng viên còn cần có phẩm chất chính trị và đạo đức vững vàng. Giảng viên phải kiên định, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, đồng thời thể hiện vai trò tiên phong trong việc nghiêm túc chấp hành các quy định về đạo đức của cán bộ, đảng viên. Điều này giúp họ không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là tấm gương sáng cho học viên noi theo, góp phần xây dựng một đội ngũ giảng viên mẫu mực về mọi mặt.
Bốn là, nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng cần chủ động sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng như báo, tạp chí, website, và mạng xã hội để tuyên truyền về việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Việc tuyên truyền này giúp lan tỏa các giá trị tư tưởng chính trị của Đảng đến với đông đảo quần chúng nhân dân, đồng thời góp phần phản bác kịp thời các thông tin sai lệch được phát tán trên không gian mạng. Các giảng viên cần phải phát huy vai trò của mình trên các diễn đàn trực tuyến, nơi mà các thế lực thù địch thường xuyên lan truyền thông tin xấu độc. Sự chủ động, tích cực của giảng viên trong việc phản bác các quan điểm thù địch không chỉ góp phần bảo vệ tư tưởng Đảng mà còn tạo niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội.
Để làm được điều này, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cần quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn về sử dụng phương tiện truyền thông số, mạng xã hội cho cán bộ giảng viên. Từ đó, mỗi giảng viên nhận thức đúng đắn những lợi thế cũng như những bất cập của việc sử dụng những phương tiện này trong quá trình bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Năm là, xây dựng cơ chế động viên và khuyến khích giảng viên có nhiều đóng góp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Để phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trong việc bảo vệ tư tưởng Đảng, cần có cơ chế khuyến khích và động viên kịp thời. Những giảng viên có thành tích trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng cần được ghi nhận, động viên và khuyến khích kịp thời. Đồng thời, các đề tài nghiên cứu về nền tảng tư tưởng của Đảng cũng cần có chế độ hỗ trợ đặc biệt, nhằm khuyến khích sự sáng tạo và phát huy năng lực của giảng viên. Việc xây dựng cơ chế động viên không chỉ khuyến khích tính tích cực, chủ động của giảng viên mà còn giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng./.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ;
2. Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/10/2018 về tăng cường bảo vệ nền tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
3. Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/12/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
4. Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…
5. Hướng dẫn số 475-HD/HVCTQG-TCT ngày 24/9/2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
6. Báo cáo Kết quả công tác năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2023.
7. Báo cáo Kết quả công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2024.
TIN MỚI NHẬN
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 20/01/2024 - 24/01/2025) (17/01/2025)
Lịch giảng dạy
Văn bản Nhà trường
thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |