Truy cập nội dung luôn

  TIn mới nhận

SƠ THẢO LẦN THỨ NHẤT NHỮNG LUẬN CƯƠNG VỀ VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ VẤN ĐỀ THUỘC ĐỊA CỦA V.I.LÊNIN ĐÃ GỢI MỞ LÝ LUẬN CÁCH MẠNG CHO NGUYỄN ÁI QUỐC
Ngày đăng 19/04/2024 | 11:07 AM  | View count: 118

ThS Nguyễn Thị Ngân - Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở

      Tóm tắt: Kỷ niệm 154 năm ngày sinh của V.I.Lênin (22/4/1870-22/4/2024)  là dịp chúng ta thêm một lần nữa nhìn nhận, khẳng định những công lao, cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng vì sự tiến bộ của nhân loại. Đó cũng chính là thực hiện tốt lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta kỷ niệm đồng chí Lênin, thương nhớ đồng chí Lênin thì càng phải học tập và thực hành chủ nghĩa Mác - Lênin”1, “là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”2.

       Từ khóa: Sơ thảo Luận cương của V.I.Lênin ; V.I.Lênin ; Hồ Chí Minh.

       Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin

      Quan điểm về dân tộc, thuộc địa được V.I.Lênin bàn đến nhiều ở các tác phẩm được viết vào những năm đầu thế kỷ XX, trong đó, được thể hiện tập trung nhất, đậm nét nhất trong bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa (gọi tắt là Luận cương) được trình bày tại Đại hội II Quốc tế cộng sản.

      Luận cương ra đời trong điều kiện lịch sử hết sức phức tạp. Trên thế giới, do cuộc khủng hoảng sau chiến tranh thế giới thứ nhất, các nước tư bản đã trút gánh nặng của cuộc khủng hoảng kinh tế đó lên đầu giai cấp vô sản và quần chúng lao động cả ở chính quốc và các nước thuộc địa, khiến họ càng lún sâu vào cảnh khốn cùng. Điều đó đã khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản ở cả chính quốc và các nước thuộc địa với giai cấp tư sản. Từ Đại hội I đến Đại hội II của Quốc tế Cộng sản là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng thế giới và ngày càng có thêm nhiều quần chúng lao động được thu hút vào cuộc đấu tranh.

      Trong phong trào cộng sản đang phát triển nhanh chóng lúc bấy giờ, V.I.Lênin đặc biệt chú ý đến bộ phận các lãnh tụ của các đảng thuộc Quốc tế II - tuy ban đầu xuất thân từ những người cộng sản nhưng trên thực tế, họ lại là những phần tử cơ hội chủ nghĩa. Bộ phận này đã thao túng phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Bản chất của họ mang tính dân tộc tư sản hẹp hòi và sô vanh nước lớn. Trong vấn đề dân tộc và thuộc địa, những kẻ cơ hội chỉ đơn giản thừa nhận một cách hình thức quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Trên thực tế hoàn toàn ngược lại, họ núp dưới chiêu bài “bảo vệ Tổ quốc” để che đậy việc bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản trong việc đi áp bức các dân tộc thuộc địa. Chúng khơi dậy những thành kiến và tô đậm sự nghi kỵ dân tộc nhằm chia rẽ các dân tộc thuộc địa với giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở chính quốc, ở các nước tư bản khác. Đó là điều vô cùng nguy hại cho phong trào cộng sản thế giới lúc bấy giờ.

      Vào thời điểm này, Nhà nước Xôviết non trẻ đang cần được bảo vệ hơn bao giờ hết trước sự can thiệp vũ trang của liên minh các cường quốc tư bản đế quốc. Bảo vệ nước Nga Xôviết lúc này có ý nghĩa là bảo vệ thành trì của cách mạng vô sản thế giới. Do vậy, việc củng cố các đảng chuẩn bị cho việc tiến hành chuyên chính vô sản trên phạm vi toàn thế giới và liên hiệp tất cả những người vô sản cách mạng ở những nước tư bản tiên tiến với quần chúng cách mạng bị áp bức, bóc lột ở các nước thuộc địa, ở các nước phương Đông được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự của Đại hội II Quốc tế Cộng sản.

Trong điều kiện như vậy, V.I.Lênin đã soạn thảo những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đây là một trong những văn kiện được V.I.Lênin viết vào tháng 6/1920 để trình bày tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản, họp từ 19/7 đến 7/8/1920; ngay sau đó, bản Luận cương này đã được đăng trên tạp chí Quốc tế cộng sản số 11, ngày 14/7/1920 và trên báo Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp. Tác phẩm tuy ngắn gọn nhưng có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh bấy giờ vì nó đã củng cố những nguyên tắc mácxít về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Những luận cương đó đã được Đại hội II Quốc tế Cộng sản thông qua và coi là cương lĩnh hành động của Quốc tế Cộng sản và các Đảng Cộng sản trong tình hình lúc bấy giờ.

      Luận cương của V.I. Lênin đã trình bày một cách hệ thống những vấn đề chiến lược của cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa và lệ thuộc. Trong luận cương, mười hai luận điểm được V.I.Lênin đưa ra đã toát lên năm tư tưởng chiến lược lớn: 

       Một là, đặt vấn đề dân tộc đi đôi với vấn đề thuộc địa; quyền tự quyết của các dân tộc gồm quyền tự quyết của các dân tộc thuộc địa phải đi đến công nhận, thực hiện quyền độc lập tự chủ chứ không chỉ có tự trị văn hóa. 

       Hai là, chỉ rõ trách nhiệm trọng đại của các Đảng Cộng sản ở các nước đế quốc là phải ủng hộ, giúp đỡ một cách tích cực nhất đối với phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. 

       Ba là, khẳng định các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc không những có nhiệm vụ giải phóng khỏi ách thống trị của nước ngoài, mà còn phải đấu tranh chống lại các lực lượng phản động ở ngay trong nước mình, những lực lượng đó thường là đồng minh của đế quốc, thực dân. 

       Bốn là, đề ra một nhiệm vụ lớn của cách mạng thế giới là sự đoàn kết chặt chẽ giữa phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa bị áp bức với các nước đã làm cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công. 

       Năm là, Quốc tế III đóng vai trò bộ tham mưu chung của cách mạng thế giới, nước Nga xô viết là ngọn cờ đầu, căn cứ địa, thành trì của cách mạng thế giới.

       Luận cương đã gợi mở lý luận cách mạng cho Nguyễn Ái Quốc

      Luận cương là văn bản chính thức đầu tiên bênh vực cho các nước thuộc địa, các dân tộc “nhược tiểu”. Những tư tưởng trong Luận cương đã làm cho Nguyễn Ái Quốc phấn khởi và tin theo, dứt khoát đi theo Quốc tế III. Dưới ánh sáng của Luận cương, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy rằng, tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc cần phải gắn bó chặt chẽ với tinh thần quốc tế vô sản và vấn đề độc lập dân tộc của Việt Nam cần phải gắn bó khăng khít với phong trào cách mạng thế giới. Người đã tìm thấy ở Luận cương con đường giải phóng đất nước và nhân dân mình. Nguyễn Ái Quốc đã rút ra kết luận quan trọng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”3.

      Luận cương của Lênin cũng đã mở ra con đường đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Do nhu cầu của cách mạng, Người càng ra sức tìm hiểu và thấu suốt được tinh túy của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn cách mạng nước ta đặt ra. Luận cương đã giúp Nguyễn Ái Quốc nhận thức rõ ràng rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản, con đường mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra. Luận cương đã trực tiếp chỉ ra con đường cứu nước của các dân tộc thuộc địa: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”4. Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn tin tưởng V.I.Lênin và Quốc tế Cộng sản. 

      Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc rằng, chủ nghĩa thực dân không chỉ là kẻ thù trực tiếp, nguy hại nhất của các thuộc địa mà còn là kẻ thù chung của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Do đó, cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa có mối quan hệ khăng khít với cách mạng vô sản ở chính quốc. Vì vậy, phải thực hiện sự liên minh chiến đấu giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng vô sản chính quốc theo khẩu hiệu của Quốc tế Cộng sản: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. Khi vận dụng nội dung Luận cương của V.I.Lênin vào thực tiễn cách mạng ở thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy rằng: “chủ nghĩa đế quốc hiện đại đặt nền móng trên sự bóc lột hàng triệu người lao động ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Bởi thế, nó chỉ tan rã hoàn toàn và vĩnh viễn khi nào chúng ta phá bỏ được nền móng đó của lâu đài đế quốc chủ nghĩa”5 . Đó là cơ sở để cách mạng vô sản ở thuộc địa có tính độc lập, chủ động không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc, nó có thể nổ ra và thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc, góp phần thúc đẩy cách mạng chính quốc tiến lên.

      Với điều kiện và thực tế lịch sử Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy rằng, cách mạng vô sản và độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ con đường này chẳng những giải phóng hoàn toàn dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa đế quốc, mà còn giải phóng nhân dân Việt Nam khỏi mọi sự áp bức bóc lột, đi đến ấm no, hạnh phúc thực sự. Sự lựa chọn này vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của dân tộc Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của nhân loại và thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội đã được mở ra, bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.

      Tư tưởng gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội đã trở thành đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đây là lý luận cách mạng không ngừng của C.Mác, V.I.Lênin được Nguyễn Ái Quốc vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng dân tộc, trước hết thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là đánh đuổi đế quốc xâm lược như “An Nam đuổi Pháp, Ấn Độ đuổi Anh, Cao Ly đuổi Nhật, Philíppin đuổi Mỹ, Tàu đuổi các đế quốc chủ nghĩa để giành lấy quyền tự do, bình đẳng cho dân nước mình”6. Người chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, gắn nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập cho dân tộc là nhiệm vụ chống phong kiến Việt Nam lỗi thời, phản bội quyền lợi dân tộc, giành quyền dân chủ cho nhân dân. Để làm được điều đó phải tiến hành cách mạng đến cùng, phải “cách mệnh đến nơi”, phải đem chính quyền “giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người”; có như thế dân chúng mới được hạnh phúc.

      Người xác định nòng cốt của cách mạng là liên minh công - nông, lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc là lực lượng toàn dân, cách mạng là sự nghiệp chung của dân chúng. Để đưa cuộc cách mạng đến thắng lợi, cần phải hình thành mặt trận dân tộc rộng rãi, đoàn kết tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội mong muốn được giải phóng khỏi ách thuộc địa. Người cho rằng, vì dân tộc cách mệnh thì chưa phân giai cấp, nghĩa là sỹ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền do bị áp bức mà sinh ra cách mạng, ai bị áp bức càng nặng, lòng cách mạng càng bền, chí cách mạng càng quyết. Do đó, giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam: “công, nông là gốc của cách mạng; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư sản áp bức song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mạng của công nông”7. Theo Người, Việt Nam là một quốc gia ở phương Đông, có chung một dân tộc, một dòng máu, chung phong tục, chung lịch sử và truyền thống, tiếng nói... Ở Việt Nam, các giai cấp trong xã hội chưa phân chia sâu sắc như trong xã hội các nước tư bản phương Tây. Do đó, tất cả các lực lượng ấy cần được tập hợp dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.

      Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đã trở thành “cẩm nang thần kỳ” cho con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Nhờ những quan điểm, đường lối đúng đắn của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo, đưa cách mạng Việt Nam đến bến bờ vinh quang. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của đất nước hiện nay, Đảng ta khẳng định:“Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được nghiêng ngả, dao động”8./.

 

 

Chú thích:

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H. 2011, t.8, tr.14.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.611.

[3], [4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 30, 562.      

[5], [6], [7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.136, 287, 288.

[8]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia - sự thật, H. 2021, t.I, tr.33.

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh