Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

KINH TẾ PHI CHÍNH THỨC Ở VIỆT NAM
Ngày đăng 13/11/2019 | 4:46 PM  | View count: 1961

Khu vực kinh tế phi chính thức là một trong những bộ phận cấu thành của nền kinh tế.

Có rất nhiều khái niệm khác nhau về khu vực kinh tế phi chính thức, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một tên gọi, một khái niệm thống nhất về khu vực kinh tế này. Nguyên nhân là do thứ nhất, đây là khu vực kinh tế rất phức tạp; thứ hai, ở mỗi quốc gia, khu vực này có những đặc điểm rất khác biệt; thứ ba, khu vực này có thể được nghiên cứu, xem xét dưới những góc độ khác nhau.Chính vì vậy kinh tế phi chính thức còn được gọi là kinh tế chìm, kinh tế bóng đen, kinh tế không được giám sát, kinh tế xám, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế giấu diếm, khu vực kinh tế phi doanh nghiệp, khu vực dịch vụ phi chính thức, kinh tế nhân dân…

Dù tên gọi được dùng khác nhau, chung quy lại các khái niệm trên đều đề cập đến các hoạt động kinh tế của một khu vực trái ngược với khu vực kinh tế chính thống và nó là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế mỗi quốc gia.

Mới đây, trong Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình Thủ tướng Chính phủ, cơ quan này cho rằng, cần phải làm rõ khái niệm khu vực kinh tế phi chính thức (kinh tế chưa được quan sát), trên cơ sở quan điểm gồm 5 thành tố như sau:

- Thứ nhất, các hoạt động kinh tế ngầm, đây là những hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu diếm có chủ ý nhằm tránh phải nộp thuế (thuế thu nhập, thuế GTGT), đóng bảo hiểm xã hội và thực hiện các quy định của Nhà nước. Ví dụ, về mức lương tối thiểu, số giờ làm việc tối đa, điều kiện sức khỏe cho người lao động… tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính cũng như thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thống kê.

- Thứ hai, các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, bao gồm các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm, ví dụ như sản xuất, buôn bán ma túy, mại dâm, buôn người… Các hoạt động kinh tế không bị pháp luật cấm nhưng do các nhà sản xuất trái phép thực hiện cũng thuộc vào các hoạt động kinh tế bất hợp pháp.

- Thứ ba, hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia quá trình sản xuất hàng hóa, dịch vụ với mục tiêu cơ bản là tạo công ăn việc làm, thu nhập cho những người thực hiện hoạt động kinh tế đó.

Các hoạt động này thường hoạt động quy mô nhỏ, tổ chức sản xuất đơn giản, chưa phân định rõ ràng giữa lao động và vốn của cơ sở kinh doanh với hộ gia đình. Mối quan hệ giữa người lao động và sử dụng lao động dựa trên nền tảng tạm thời, gia đình không dựa trên hợp đồng chính thức.

- Thứ tư, hoạt động kinh tế hộ gia đình, tự sản tự tiêu của hộ gia đình, bao gồm các hoạt đông sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm để tự tiêu dùng và tích lũy cho chính những thành viên trong gia đình (như trồng trọt, chăn nuôi, hoạt động tạo ra sản phẩm vật chất khác phục vụ nhu cầu trong hộ gia đình), các hoạt động xây nhà để ở, tự sửa chữa nhà, tự tích lũy tài sản cố định khác, hoạt động giúp việc cho gia đình.

Cần lưu ý, một số hoạt động phục vụ đời sống hằng ngày (như nấu cơm, lau nhà, giặt quần áo…) nếu được thực hiện bằng hình thức thuê người ngoài làm thì được tính là hoạt động kinh tế phi chính thức.

- Thứ năm: Là hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản, bao gồm cả các hoạt động kinh tế đáng lý phải thu thập thông tin nhưng bị bỏ sót trong quá trình thu thập số liệu do điều tra không bao phủ đầy đủ phạm vi hoặc đối tượng điều tra không hợp tác…

Vài nét về kinh tế phi chính thức ở Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế phi chính thức đã được quan sát trong chỉ tiêu GDP cả nước năm 2015 là 14,34%; hoạt động tự sản, tự tiêu hộ gia đình đã được quan sát là 2,09%. Báo cáo kinh tế và tài chính quốc tế cũng cho thấy, Việt Nam có khu vực kinh tế phi chính thức rất lớn, nếu tính được giá trị của toàn bộ khu vực này có thể làm cho GDP tăng lên khoảng 30%. 

Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy, cả nước có hơn 5.144 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông nghiệp. Trong đó, có khoảng 77% hoạt động dịch vụ xe ôm, hàng rong, bán lẻ hàng hóa ở chợ cóc… Mặc dù, kinh tế phi chính thức tản mát, rời rạc song chiếm tới 87,7% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh và chiếm tới 32% tổng số lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh tế, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.[i]

Gần 98% lao động khu vực phi chính thức không được đóng bảo hiểm xã hội… Nhìn về trung và dài hạn, khu vực lao động phi chính thức còn phải chịu sức ép gián tiếp từ cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang hình thành ngày càng rõ nét. Trong đó, hai yếu tố chính đáng lưu ý đó là trí thông minh nhân tạo (AI) và robot - công nghệ tự động hóa.

Việc robot tham gia vào các dây chuyền sản xuất hay AI thay người lái xe, lái máy bay làm dịch vụ giao nhận hàng... đã được thí nghiệm thành công và từng bước ứng dụng vào thực tế, sẽ làm cho hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức co hẹp lại.

 Nghiên cứu về vai trò của hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức đối với tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Pháp nhận định: Khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức đóng góp đáng kể cho nền kinh tế với việc tạo ra gần 1/3 GDP phi nông nghiệp, 57% việc làm phi nông nghiệp và 23% tổng GDP năm 2014.[ii]

Có thể thấy khu vực kinh tế phi chính thức đó chiếm một tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu GDP, lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ lớn trong toàn bộ lực lượng lao động, vậy nhưng chưa có một thống kê chính xác nào cho khu vực này để đưa ra những chính sách phù hợp thúc đẩy sự phát triển. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 146/QĐ-TTg (ngày 1/2/2019) phê duyệt bố Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế; đồng thời góp phần bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với nền kinh tế

Một số giải pháp đề ra đối với khu vực kinh tế phi chính thức

Sự tồn tại của khu vực kinh tế phi chính thức là lâu dài, nhìn chung phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, phải thừa nhận và khẳng định trên thực tế vai trò và vị trí của khu vực kinh tế phi chính thức trong sự phát triển kinh tế-xã hội. Đây là một bộ phận của nền kinh tế, có cấu trúc riêng, có phương thức vận hành riêng, đóng góp không nhỏ trong quá trình tăng trưởng kinh tế; đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động; xoá đói, giảm nghèo, góp phần ổn định xã hội... Do đó, khu vực kinh tế phi chính thức sẽ tồn tại lâu dài ở nước ta; cần được tạo mọi điều kiện để phát triển. Hơn nữa, Việt Nam hiện vẫn là nước nông nghiệp, đa số dân, đa số người nghèo sống ở nông thôn. Do đó, khu vực kinh tế phi chính thức ở nông thôn cần được chú ý đặc biệt. Việc phát triển khu vực kinh tế chính thức thành thị cũng phải hướng tới giải quyết các vấn đề của khu vực kinh tế phi chính thức nông thôn. Mặt khác, khu vực kinh tế phi chính thức có không ít vấn đề cần được giải quyết. Đó là quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, sức cạnh tranh kém; người lao động ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm, y tế, giáo dục; nhiều tệ nạn xã hội... Do đó, quản lý Nhà nước với khu vực kinh tế phi chính thức là hết sức cần thiết. Những biện pháp quản lý phải toàn diện, đồng bộ và hết sức coi trọng biện pháp kinh tế.

Thứ nhất, phát triển khu vực nông thôn là một giải pháp quan trọng hàng đầu. Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam năm 2019 là, chiếm 34,4%; ở khu vực nông thôn chiếm 65,6%[iii], trong đó đại đa số lao động nông thôn ở khu vực kinh tế phi chính thức. Và quá trình dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị thì không phải số lao động này có cơ hội việc làm ngay và có thu nhập xứng đáng. Do vậy đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là hết sức cần thiết. Thực hiện quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn đi kèm với phát triển các khu công nghiệp, phát triển làng nghề truyền thống theo hướng hiện đại

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải chọn chiến lược phát triển theo định hướng vào xuất khẩu, tạo việc làm cho ngư­ời lao động. Chiến lư­ợc công nghiệp hoá, hiện đại hoá thu hút lao động vào làm việc ở các ngành sử dụng nhiều lao động như­ các ngành chế biến lư­ơng thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, các ngành công nghiệp chế biến, ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tập trung nâng cao chất lư­ợng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nh­ư lúa gạo, thuỷ sản, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, chè, cao su, rau quả, thịt lợn... trên thị trư­ờng trong nư­ớc và quốc tế. Đây là chiến l­ược không chỉ khai thác lợi thế so sánh t­ương đối về sức lao động rẻ mà còn kích thích phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại, hợp tác khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ mới.

Hai là: phát triển khu vực kinh tế chính thức thành thị

Sự phát triển của khu vực kinh tế chính thức thành thị chính là trung tâm của quá trình phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống dân cư. Đó cũng chính là giải pháp căn bản để giải quyết khu vực kinh tế phi chính thức thành thị. Công nghiệp hoá ở nước ta nên được bắt đầu vào việc tập trung phát triển công nghiệp nhẹ, sản xuất cho xuất khẩu và các ngành dịch vụ nhằm giải quyết được nhiều việc làm. Chiến lược đô thị hoá nước ta cũng gắn liền với quá trình công nghiệp hoá theo hướng này ít ra trong 1 - 2 thập kỷ tới. Do vậy, các dòng di dân từ nông thôn ra thành thị (mà chủ yếu là đến các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…) sẽ là hướng di dân chủ yếu. Để hạn chế dòng di dân này, cần thực hiện chiến lược tạo việc làm ở khu vực kinh tế chính thức trên địa bàn đô thị lớn, vừa và nhỏ và  ngay trên địa bàn nông thôn.

Ba là: tập trung phát triển nguồn nhân lực

“Lao động giản đơn” thu hút nhiều nhân lực nhất trong thị trường lao động tại Việt Nam, chiếm 35,0% lao động có việc làm trên toàn quốc. Tỷ lệ người làm các công việc giản đơn còn cao trong bối cảnh đào tạo chuyên môn kỹ thuật (từ trình độ “Sơ cấp nghề” trở lên) cho người lao động còn thấp (khoảng 22,5% đối với lực lượng lao động và 22,2% đối với lao động có việc làm)[iv].

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, tạo việc làm cho người lao động, phát triển nguồn nhân lực là nội dung quan trọng. Để phát triển nguồn nhân lực cần phải:

- Nâng cao chất lượng và định hướng thị trường của hệ thống giáo dục đào tạo. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, sớm đạt trình độ khu vực và từng bước tiếp cận với trình độ thế giới. Đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy phải xuất phát từ yêu cầu của thị trường lao động.

- Trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước có vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực. Nhà nước cần có định hướng dài hạn cho sự phát triển giáo dục-đào tạo, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục-đào tạo, thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục-đào tạo...

- Nâng cao sức khoẻ thể lực cho người lao động bằng việc phát triển y tế; thể dục, thể thao; cải thiện điều kiện dinh dưỡng và môi trường...

Bốn là: hoàn thiện chính sách pháp luật, tạo môi trường thể chế để phát triển nền kinh tế một cách toàn diện, trong đó cần chú trọng đối tượng là lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức.  

Theo đó, Chính phủ cần cân đối ngân sách để triển khai thực hiện Đề án “Thống kê khu vực kinh tế phi chính thức” nhằm đo lường đầy đủ khu vực kinh tế này. Từ đó đưa ra các chính sách đào tạo nghề hiệu quả, tăng cường sự trợ giúp pháp lý cũng như tăng tính hiệu quả, hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện để giúp một phần lao động phi chính thức hiện nay chuyển dịch sang khu vực chính thức. Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Độ bao phủ của bảo hiểm y tế thời gian qua đã tăng lên đáng kể trong toàn xã hội, nhưng đối với lao động khu vực kinh tế phi chính thức thì mức tăng vẫn còn khiêm tốn. Vì vậy, trong thời gian tới cần có chính sách tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các đối tượng lao động khu vực kinh tế phi chính thức tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình người lao động khu vực kinh tế phi chính thức về mặt chăm sóc sức khỏe. Xây dựng hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến việc bảo đảm môi trường an toàn lao động, tăng cường chính sách công và sự bảo vệ đối với lao động khu vực kinh tế phi chính thức, hỗ trợ người lao động thực thi đúng và đủ các chính sách, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ trong lao động và cuộc sống./.

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh