Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

QUAN ĐIỂM KHÁCH QUAN TẠI NGHỊ QUYẾT 45-NQ/TW, HỘI NGHỊ LẦN THỨ TÁM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XIII
Ngày đăng 12/04/2024 | 9:46 AM  | View count: 227

TS Nguyễn Thị Hải Yến - GVC khoa Lý luận cơ sở

          Tóm tắt: Trí thức là những người không chỉ có trình độ học vấn, chuyên môn cao, mà còn là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị - xã hội của thời cuộc. Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong thời đại ngày nay, Nghị quyết số 45-NQ/TW Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới” đã nhấn mạnh những nội dung cơ bản, cốt lõi của việc tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức và đã thể hiện sự quán triệt quan điểm khách quan của triết học Mác - Lênin một cách sâu sắc.

           Từ khóa: Quan điểm khách quan; Nghị quyết 45-NQ/TW.

          Trong mọi thời đại, ở mọi quốc gia, đội ngũ trí thức luôn luôn là một lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng, đề cao vai trò của tri thức và đội ngũ trí thức. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 03/9/1945, Người đã nói: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức"; "Trí thức là vốn quý của Dân tộc. Ở các nước như thế, ở Việt Nam càng như thế"[1].

          Tiếp nối truyền thống của dân tộc, vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác vận động, tập hợp và phát triển trí thức. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo công tác vận động đội ngũ trí thức. Ngày 06/8/2008, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, khẳng định: "Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của Dân tộc, sức mạnh của Đất nước; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững".

          Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thoả đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thực sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”[2].

          Đây là những yêu cầu thiết thực được đặt ra về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới. Như chúng ta đều biết, trong mọi thời đại và ở bất cứ quốc gia nào, đội ngũ trí thức luôn luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Thế giới ngày nay đã, đang và sẽ đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen đối với sự phát triển nhanh và bền vững dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trí tuệ nhân tạo và một số thành tựu công nghệ mới có khả năng thay thế con người trên một số lĩnh vực, tạo ra khối lượng thông tin, tri thức khổng lồ và những hiệu ứng làm thay đổi cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, con người và lối sống.

          Nghị quyết số 45-NQ/TW Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới” đã nhấn mạnh những nội dung cơ bản, cốt lõi của việc tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới đã thể hiện sự quán triệt quan điểm khách quan của triết học Mác - Lênin một cách sâu sắc. 

          Quan điểm khách quan trong triết học Mác - Lênin yêu cầu:

           Một là, trong nhận thức phải nhận thức sự vật vốn như nó có, không “tô hồng, không bôi đen” sự vật, hiện tượng. “Tô hồng, bôi đen” trong nhận nhận thức đều là phản ánh không đúng sự vật, từ phản ánh không đúng này sẽ dẫn tới sai lầm trong hành động.

           Hai là, trong hoạt động thực tiễn luôn luôn phải xuất phát từ thực tế khách quan, tôn trọng quy luật khách quan và hành động theo quy luật khách quan. Chúng ta không thể lấy mong muốn chủ quan thay cho thực tế khách quan, không thể hành động không đúng quy luật khách quan. Vì như vậy sẽ phải trả giá.

           Ba là, không được lấy chủ quan áp đặt cho hiện thực khách quan. Nhận thức, cải tạo sự vật, hiện tượng phải xuất từ chính bản thân sự vật, hiện tượng đó với những thuộc tính, mối liên hệ bên trong vốn có của nó.

Bốn là, quan điểm khách quan cũng yêu cầu trong hoạt động thực tiễn phải biết phát huy tính năng động, sáng tạo của ý thức, tinh thần trong cải tạo thế giới. Chủ động phát huy sức mạnh của tri thức trong nền kinh tế tri thức và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

          Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới” đã thể hiện rõ quan điểm khách quan trong từng phần nội dung cụ thể.

           Quan điểm khách quan thể hiện trong lựa chọn vấn đề đưa ra quyết nghị. Với quan điểm khách quan, Đảng ta đã nhận thức rằng, bối cảnh tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải quan tâm xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nước nhà - nguyên khí của quốc gia - đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Trong lịch sử phát triển của nhân loại, chưa bao giờ yêu cầu việc phát huy tính năng động, sáng tạo của ý thức có vai trò to lớn như hiện nay và đây cũng là xu hướng trong sự vận động, biến đổi của xã hội loài người. Nghị quyết số 45-NQ/TW thể hiện việc nắm rõ yếu tố khách quan lịch sử xã hội và hành động theo đúng quy luật vận động của nó. Điều này cũng được thể hiện rất rõ trong từng quan điểm và mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết.

           Quan điểm thứ nhất, đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc; là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng… Đội ngũ trí thức có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ. 

           Quan điểm thứ hai, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội,… Có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận,… Tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức.

           Quan điểm thứ ba, động viên đội ngũ trí thức Việt Nam nêu cao lòng tự hào, vinh dự và trách nhiệm đối với Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ đóng góp cho phát triển của đất nước.

          Trên cơ sở đó, tại Nghị quyết cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn:

           Mục tiêu đến năm 2030

          - Phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

          - Hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho đất nước.

          - Phát triển một số cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu Châu Á; trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới.

          - Tăng số lượng phát minh, sáng chế, công trình khoa học trong bảng xếp hạng của khu vực và thế giới; sản phẩm khoa học, công nghệ, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao; công trình công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. Nâng chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam đạt trình độ khu vực và quốc tế.

           Tầm nhìn đến năm 2045

          Đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, thuộc tốp đầu khu vực và tiệm cận với các nước phát triển; nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực; nhiều tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu của quốc gia phát triển.

          Để hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, Nghị quyết cũng đề xuất những mục tiêu và giải pháp cụ thể. Những giải pháp đưa ra thể hiện sự phù hợp với yêu cầu khách quan hiện nay về sự cần thiết phát triển đội ngũ trí thức trong giai đoạn mới. Đó là yêu cầu về sự thay đổi trong nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, thấy được vai trò của đội ngũ trí thức như đúng những đóng góp mà đội ngũ này đang thể hiện nhằm phát huy tốt nhất vai trò sáng tạo của ý thức; đó là phát huy vai trò của trí thức thông qua đào tạo, bồi dưỡng; đó là tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó cũng không quên giải pháp nhằm phát huy vai trò yếu tố chủ quan của đội ngũ trí thức, không trông chờ, ỷ lại mà cũng cần tích cực thay đổi để phát huy tính năng động, sáng tạo của bản thân đội ngũ trí thức. Những giải pháp cụ thể được Nghị quyết đề ra đó là:

           Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức: Đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao, thống nhất nhận thức trong các cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường đồng thuận của đội ngũ trí thức đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể nhằm thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thoả đáng, tôn vinh đội ngũ trí thức phù hợp với yêu cầu và thực tiễn của ngành, địa phương.

           Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài: Tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài trong các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học; xác định lĩnh vực, hướng nghiên cứu trọng điểm; kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là chính sách tuyển dụng, tiền lương, tạo môi trường làm việc, tập trung vào các nhà khoa học giỏi, có trình độ chuyên môn cao.

           Tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức: Khẩn trương thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm khả thi, đồng bộ, hiệu quả; có cơ chế phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao đạo đức, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo; trong văn hoá, văn học, nghệ thuật; xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ trí thức, làm tốt công tác dự báo, yêu cầu, kế hoạch phát triển đội ngũ trí thức trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối giữa các ngành, lĩnh vực, vùng, miền; xây dựng kế hoạch thu hút, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức kế cận; hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với hoạt động của đội ngũ trí thức; đổi mới công tác quản lý khoa học, công nghệ; chú trọng hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiếp thu và truyền bá tri thức tiên tiến; tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật; hỗ trợ, tạo điều kiện cho phát triển đội ngũ trí thức; xử lý nghiêm hành vi vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng đội ngũ trí thức.

           Tăng cường nguồn lực xây dựng đội ngũ trí thức chủ động, tích cực hội nhập quốc tế: Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực nước ngoài đầu tư phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, các quỹ đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo môi trường thuận lợi cho trí thức làm việc, nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến; nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ; xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp và đội ngũ trí thức, giữa các tập đoàn kinh tế với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, hội trí thức thông qua mô hình trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác với trí thức người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài, trí thức người nước ngoài trong chuyển giao, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những lĩnh vực mới, quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; mở rộng hợp tác quốc tế, giao lưu học thuật, liên kết, hợp tác chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ với các quốc gia, tổ chức đối tác có nền khoa học và công nghệ tiên tiến.

           Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các hội trí thức: Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học giỏi, chuyên gia đầu ngành, nhân tài, trí thức trẻ nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tin tưởng và ủng hộ đường lối, chủ trương của Đảng; nhận thức sâu sắc về sứ mệnh của trí thức đối với đất nước; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, chủ động tham gia nghiên cứu nâng cao năng lực, trình độ. Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của đội ngũ trí thức Việt Nam góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

          Vận dụng những tư tưởng khoa học và cách mạng của triết học Mác - Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, việc xây dựng một quan hệ xã hội tiến bộ, lành mạnh, dân chủ, công bằng, khắc phục những tha hóa bản chất người của xã hội cũ, tạo điều kiện để giải phóng triệt để và phát triển toàn diện con người là mục tiêu cao nhất trong đường lối chính trị. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi con người là vốn quý nhất, là mục tiêu, động lực của cách mạng, là yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, từ Đại hội VI (năm 1986) của Đảng, với sự đổi mới toàn diện và sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn trên mọi lĩnh vực, nhận thức về vị trí, vai trò của con người cũng ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển, là đối tượng, mục tiêu và động lực của mọi hoạt động kinh tế- xã hội. Nghị quyết số 45/NQ-TW của Đảng là sự quán triệt quan điểm của triết học Mác - Lênin, là sự tiếp nối và phát triển quan điểm về nhân tố con người nói chung trong quá trình vận động khách quan từ khi Đảng ra đời và lãnh đạo cho tới nay.

          Là một trường chính trị, Trường ĐTCB Lê Hồng Phong có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác. Qua đó thấy rằng trường có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng bởi ở đây đào tạo, bồi dưỡng những thế hệ cán bộ lãnh đạo - là những người đi đầu trong đội ngũ trí thức bởi họ đều ở những vị trí trong cơ quan đầu não của toàn thành phố. Hoàn cảnh lịch sử hiện nay của thời đại và đất nước ta, đời sống chính trị xã hội có nhiều điều mới mẻ, lại đang diễn ra hết sức phức tạp và đa dạng, thời cơ và thách thức đan xen nhau. Công tác lý luận và công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị tới đội ngũ trí thức ấy, nhằm khơi dậy và để họ phát huy tốt vai trò người trí thức lãnh đạo ở từng cương vị của mình càng hết sức quan trọng.

          Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, Trường ĐTCB Lê Hồng Phong thực sự là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức là cán bộ của thành phố, góp phần tạo ra những người cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”. Làm tốt vai trò giảng dạy lý luận chính trị tới đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp của thành phố cũng chính là thực hiện một trong những nội dung tại mục tiêu giải pháp tại Nghị quyết đã đề ra với yêu cầu cụ thể “Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tăng cường đồng thuận của đội ngũ trí thức đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng đề cao vinh dự, đạo đức, tinh thần cống hiến, trách nhiệm của trí thức đối với Tổ quốc và dân tộc”[3] góp phần đưa Nghị quyết số 45/NQ-TW của Đảng vào cuộc sống, từng bước hiện thực hóa những mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra.

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”

          2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2021.

          3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị: Nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr.235.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia - sự thật, Hà Nội, 2021, tr.137-138

[3] Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh