Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

THÚC ĐẨY DU LỊCH SINH THÁI VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI TỈNH TUYÊN QUANG
Ngày đăng 20/05/2024 | 11:37 AM  | View count: 447

(Cảm nhận từ chuyến đi nghiên cứu thực tế của Lớp trung cấp LLCT K.17B-23)

TS. GVC. Mai Hải Đăng.

TS. Vũ Thị Hòa

 

              Tóm tắt: Bài viết này p hân tích những điều kiện phát triển du lịch của tỉnh Tuyên Quang; đ ánh giá tiềm năng; những thuận lợi và khó khăn của tỉnh Tuyên Quang trong phát triển du lịch sinh thái và đưa ra một số đề xuất, giải pháp và kiến nghị để phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang theo hướng bền vững.

                Từ khóa:  Du lịch sinh thái, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, Tuyên Quang.

  1.                 Đặt vấn đề 

                Rừng là nguồn cung cấp thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu sinh học, bảo vệ đất và nước, lưu giữ hơn 3/4 đa dạng sinh học trên cạn của thế giới và giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Rừng và lâm sản có vai trò quan trọng trong đời sống của người dân địa phương. Việt Nam có ít nhất 25 triệu người sống phụ thuộc vào rừng, trung bình khoảng 20% thu nhập (bằng tiền và hiện vật) của những người này là từ rừng. Rừng không chỉ quan trọng đối với đời sống của người dân địa phương, mà Việt Nam còn được xếp thứ 16 trên thế giới độ đa dạng sinh học, là nơi sinh sống và trú ngụ của 6,5 % tổng số các loài trên toàn cầu (MONRE 2006) [1]. Có đến 70 % các loài thực vật và 90 % các loài động vật sống trong các hệ sinh thái rừng.  Rừng không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế lâm nghiệp, mà còn là lợi thế tiềm năng rất lớn để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các dịch vụ khác [2].

                Tuyên Quang là tỉnh thuộc vùng trung du - miền núi phía Bắc, với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng với các di tích lịch sử. Tổng diện tích đất có rừng của Tuyên Quang là 426.205 ha; trong đó diện tích rừng tự nhiên là 233.133 ha, diện tích rừng trồng 193.072 ha, tỷ lệ che phủ rừng là 65,21% [3]. Rừng tại Tuyên Quang góp phần quan trọng chống tác hại của biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế lâm nghiệp, du lịch sinh thái.

                Tăng trưởng du lịch sinh thái bền vững là vấn đề quan trọng hiện nay trên thế giới, trong đó có Việt nam. Sự đa dạng của di sản thiên nhiên và văn hóa của Tuyên Quang mang đến cơ hội tuyệt vời cho sự phát triển du lịch sinh thái. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định: “Phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh”.

                Sự phát triển du lịch ở Tuyên Quang trong thời gian vừa qua đã mang lại hiệu quả về nhiều mặt, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn tồn tại một số bất cập, nổi bật là sự chồng chéo giữa các ngành trong quản lý và khai thác tài nguyên du lịch, việc khai thác du lịch dẫn đến suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, trong quá trình phát triển du lịch còn nảy sinh nhiều mặt tiêu cực khác như phá huỷ cảnh quan môi trường sinh thái, làm thay đổi bản sắc văn hoá dân tộc và ảnh hưởng tới an ninh trật tự và an toàn xã hội.

  1.                 Du lịch sinh thái, phát triển bền vững

                Du lịch sinh thái, một khái niệm ra đời ở phương Tây, đã lan truyền nhanh chóng tới các nước đang phát triển trong những thập kỷ qua. Du lịch sinh thái là một loại hình du lịch mới và đang có xu hướng phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.  Du lịch sinh thái ngày càng thu hút sự quan tâm rộng rãi của nhiều tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu. Đã có nhiều định nghĩa khác nhau về du lịch sinh thái được đưa ra xuất phát từ các góc độ nghiên cứu khác nhau.

                Mạng lưới Du lịch Sinh thái Toàn cầu (GEN)  định nghĩa du lịch sinh thái là du lịch có trách nhiệm tới các khu vực tự nhiên nhằm bảo tồn môi trường, duy trì phúc lợi cho người dân địa phương và tạo ra kiến ​​thức và hiểu biết thông qua diễn giải và giáo dục cho tất cả những người liên quan: du khách, nhân viên và người dân đã ghé thăm [4].

                Theo Tổ chức bảo tổn thiên nhiên Thế giới (IUCN) Du lịch sinh thái là loại hình du lịch và tham quan có trách nhiệm với môi trường tại những vùng còn tương đối nguyên sơ để thưởng thức và hiểu biết thiên nhiên có hỗ trợ đối với bảo tồn, giảm thiểu tác động từ khách du lịch, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của nhân dân địa phương [5]. Còn theo Tổ chức Du lịch thế giới, du lịch sinh thái là loại hình du lịch được thực hiện tại những khu vực tự nhiên còn ít bị can thiệp bởi con người, với mục đích chính là để chiêm ngưỡng, học hỏi về các loại động vật cư ngụ trong khu vực, giúp giảm thiểu và tránh được các tác động tiêu cực tới khu vực mà khách đến thăm. Ngoài ra du lịch sinh thái phải đóng góp vào công tác bảo tồn những khu vực tự nhiên và phát triển những khu vực cộng đồng lân cận một cách bền vững đồng thời phải nâng cao được khả năng nhận thức về môi trường và công tác bảo tồn đối với người dân bản địa và du khách đến thăm [6].

                Theo Hiệp hội Du lịch sinh thái của Hoa Kỳ (1998), Du lịch sinh thái là loại hình du lịch có trách nhiệm tới những khu vực tự nhiên, hiểu biết về lịch sử văn hoá và lịch sử tự nhiên của môi trường, được sử dụng để bảo vệ môi trường, cải thiện phúc lợi xã hội và kinh tế cho người dân địa phương [7].

                Theo Lê Duy Bá (2009) Du lịch sinh thái là một loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa, gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho các nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương” [8].

Luật du lịch Việt Nam năm 2005 định nghĩa: “Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững” [9].

                Từ những định nghĩa trên chúng ta có thể hiểu Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, các trải nghiệm các khu vực tự nhiên nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và bảo tồn môi trường và văn hóa, duy trì phúc lợi cho người dân địa phương và tạo ra kiến ​​thức và hiểu biết thông qua trải nghiệm, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của nhãn dân địa phương nhằm phát triển bền vững.

                Các định nghĩa trên đã đề cập đến du lịch sinh thái dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng đều thống nhất một số đặc trưng cơ bản của du lịch sinh thái như sau:

                Thứ nhất, Du lịch sinh thái cung cấp cho du khách dựa trên việc tham quan các thắng cảnh thiên nhiên, tiếp xúc trực tiếp với người dân địa phương, để tìm hiểu cuộc sống, văn hóa người dân địa phương, sống hoà mình với thiên nhiên nhằm thỏa mãn về nhu cầu trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, hiểu biết về văn hóa, phong tục của người dân địa phương đối với du khách.

                Thứ hai, tất cả các bên liên quan bao gồm:  chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch địa phương, các cơ quan bảo tồn, các công ty du lịch, các hãng lữ hành, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng địa phương, khách du lịch…. có trách nhiệm tới các khu vực tự nhiên nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi của cộng đồng địa phương, nhằm tăng thu nhập cho người dân địa phương, giảm nghèo nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

                Thứ ba, các điểm đến của du lịch sinh thái giúp thỏa mãn về nhu cầu trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên đối với du khách; hỗ trợ cho việc phát triển cộng đồng địa phương, đồng thời các bên liên quan có trách nhiệm tích cực bảo vệ Môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường, đáp ứng các nguyên tắc cơ bản về tính bền vững, cả về mặt sinh thái; kinh tế xã hội và môi trường.

                Thứ tư, gắn với bản sắc văn hóa địa phương và có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng dân cư địa phương, chủ yếu dưạ vào những sản phẩm văn hóa, những lễ hôị truyền thống dân tộc, kể cả những phong tuc̣ tín ngưỡng, đóng góp tích cực vào hoạt động bảo tồn các tài nguyên tự nhiên, giá trị văn hoá địa phương.

                Thứ năm, du lịch sinh thái cần sự phát triển hài hòa cả về 3 mặt: Kinh tế - Xã hội - Môi trường để đáp ứng những nhu cầu về đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của thế hệ hiện tại nhưng không làm tổn hại, gây trở ngại đến khả năng cung cấp tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội mai sau, không làm giảm chất lượng cuộc sống của các thế hệ trong tương lai.

                Như vậy, chúng ta có thể hiểu Du lịch sinh thái là một thành phần phụ của lĩnh vực  du lịch bền vững . Du lịch sinh thái phải phục vụ để tối đa hóa lợi ích sinh thái đồng thời đóng góp vào phúc lợi kinh tế, xã hội và văn hóa của cộng đồng sống gần các địa điểm du lịch sinh thái.

  1.                 Thực tiễn phát triển du lịch sinh thái ở Tuyên Quang

                Tuyên Quang có toạ độ địa lý 21o30’- 22o40’ vĩ độ Bắc và 103o50’-105040’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, phía Đông giáp tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Địa hình của Tuyên Quang khá phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao và sông suối, đặc biệt ở phía Bắc tỉnh. Phía Nam tỉnh, địa hình thấp dần, ít bị chia cắt hơn, có nhiều đồi núi và thung lũng chạy dọc theo các song, với nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp cùng với các di tích lịch sử [10]. Tuyên Quang có 22 cộng đồng dân tộc sinh sống: Kinh, Tày, Dao, Mông, Sán Chay, Nùng, Sán Dìu, Pà Thẻn, La Chí, Cao Lan, Ngái, Mường, Giáy, Pu Péo, Hoa,... Trong quá trình tồn tại và phát triển, mỗi cộng đồng dân tộc nơi đây đã sáng tạo nên những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể riêng biệt, đa dạng góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân gian của các dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng riêng, từ ngôn ngữ, phong tục, truyền thống, cho đến trang phục và nghệ thuật. Văn hóa các dân tộc của cộng đồng sinh sống trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang không chỉ thể hiện trong các lễ hội truyền thống, mà còn phản ánh qua nghệ thuật dân gian, âm nhạc, vũ điệu, và nghệ thuật sân khấu. Ví dụ, nhiều lễ hội vào mùa xuân: lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày (huyện Na Hang...), lễ hội Tết Nhảy của dân tộc Dao (huyện Hàm Yên, Lâm Bình...), lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn (huyện Chiêm Hóa...), lễ hội đình làng Giếng Tanh của dân tộc Cao Lan (huyện Yên Sơn); Lễ hội Cầu may và Cầu mùa ở đình Tân Trào vv…

                Sự đa dạng văn hóa dân tộc ở Tuyên Quang không chỉ mang lại sự đa màu sắc cho xã hội, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, để du khách có thể trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, hiểu biết về văn hóa, phong tục của người dân địa phương.

                Tuyên Quang là vùng đất có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Như đã đề cập ở trên, sự đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán, giầu bản sắc dân tộc, cùng điều kiện tự nhiên nhiều danh lam thắng cảnh thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Trong những năm gần đây, công tác quảng bá hình ảnh du lịch Tuyên Quang đã có bước tiến mới, đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.

                Tuyên Quang xác định công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài của các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mỗi người dân và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 17 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn; 96% chất thải rắn thông thường được xử lý đạt tiêu chuẩn [11].

                Tuyên Quang đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết những vẫn đề môi trường: Quyết định số 02/2024/QĐ-UBND ngày 27/01/2024  quy định về quản lý chất thải rắn ; Quyết định 83/QĐ-UBND ngày 26/02/2022 về công bố hiện trạng rừng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2021 ; Quyết định số 163/QĐ-STNMT ngày 08/06/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang Thành lập Ban tổ chức cuộc thi viết, video “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường và ô nhiễm nhựa”, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2021 và đặc biệt ngày 16/4/2024, UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí rừng phòng hộ giai đoạn 2021-2030 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Na Hang, với mục tiêu phát triển rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân địa phương [12].

                Với sự đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán, giầu bản sắc dân tộc, cùng điều kiện tự nhiên nhiều danh lam thắng cảnh Tuyên Quang là địa điểm phù hợp để  phát triển du lịch sinh thái. Dưới đây là hình ảnh của một lớp học Trung cấp lý luận chính trị đi thăm quan, học tập, du lịch tại Tuyên Quang

                Tuyên Đến với khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình du khách sẽ có khoảng không gian rộng để khám phá và thư giãn, đặc biệt là du ngoạn trên lòng hồ.

                Khi du ngoạn trên lòng hồ, bạn sẽ được người dân địa phương, những người hiểu rõ về rừng và cuộc sống nơi đây giới thiệu về văn hóa và bản sắc dân tộc của địa phương. Họ sẽ kể cho bạn nghe những câu chuyện về rừng, về những hoạt động sinh hoạt của người dân và về những phong tục, tập quán của người Tuyên Quang.

               Bạn cũng có thể tự đứng một mình để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng nơi đây và cảm thấy rất hứng khởi với trải nghiệm này.

               Không chỉ đơn thuần là một khu trải nghiệm, khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình còn là hành trình khám phá nét đẹp văn hóa vùng miền, thưởng thức những sản vật địa phương, cũng như bồi đắp ký ức đã xa qua những trải nghiệm độc đáo, thú vị cho những thế hệ trẻ.

Hình ảnh du khách hòa mình với thiên nhiên tại Na Hang

               Tuy nhiên, bên cạnh những vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của núi rừng, hiện nay ẫn còn nhiều tình trạng ô nhiễm môi trường [13]. Chưa thu hút được nhiều sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch sinh thái. Nhân dân tại các khu, điểm du lịch cơ bản có ý thức trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống, bảo vệ cảnh quan, nhưng công tác xúc tiến quảng bá du lịch văn hóa nói riêng chưa thực sự chuyên nghiệp; một số bộ phận đồng bào dân tộc tiểu số chưa nhận thức sâu sắc được việc bảo tồn văn hóa, phong tục truyền thống dân tộc mình và đặc biệt chưa có nhiều sản phẩm địa phương bán cho du khách làm kỷ niệm.

  1.                 Đề xuất nhằm phát triển du lịch sinh thái bền vững tại Tuyên Quang

               Xu hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch bền vững là tất yếu. Với những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, lịch sử, con người, phong tục, tập quán và văn hóa Tuyên Quang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Theo tác giả để phát triển du lịch sinh thái bền vững ở Tuyên Quang cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

                Một là, cần đảm bảo nguyên tắc thiết lập sự cân bằng và phù hợp giữa các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa - xã hội trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Duy trì và phát triển những sản phẩm văn hóa đặc thù của địa phương; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch văn hóa.

                Hai là, gắn các hoạt động, loại hình du lịch địa phương với ứng dụng công nghệ số để phát triển bền vững như hoạt động quảng bá điểm đến, chào bán sản phẩm du lịch hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch trên toàn tỉnh để du lịch địa phương trở nên tiện lợi hơn, du khách cũng có nhiều trải nghiệm hữu ích hơn và quan trọng hơn cả là xây dựng được niềm tin trong lòng du khách.

                Ba là, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, để các doanh nghiệp, du khách và người dân nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển du lịch sinh thái, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

                Bốn là, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững. Trong đó đề cao vai trò chủ thể của cộng đồng địa phương, người dân bản địa, cần phải tính đến việc kết hợp giữa bảo tồn đa dạng sinh học gắn phát triển sinh kế cho người dân góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên nhằm khai  thác hợp lý và hiệu quả các tuyến điểm du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở quan tâm đến lợi ích lâu dài, kế thừa các kinh nghiệm phát triển du lịch theo hướng bền vững.

                Năm là, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chú ý đến các sản phẩm của địa phương du khách đến có thể mua làm kỷ niệm hoặc quà tặng cho người than, nhằm nâng cao tính cạnh tranh và tính chuyên nghiệp của sản phẩm, như hình thành liên kết chuỗi giá trị theo ngành nghề kinh doanh, tạo ra các điểm đến an toàn, bền vững.

                Sáu là, cần thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường mang tính tổng thể hơn; hỗ trợ nguồn lực tài chính cho việc bảo tồn khu vực tự nhiên, môi trường sống, sinh vật hoang dã nhằm mục tiêu phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Tuyên Quang.

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. MONRE (Bộ Tài nguyên và Môi trường).2006. Báo cáo tình trạng môi trường Việt Nam. MONRE, Hà Nội, Việt Nam
  2. Vũ Thành, Phát triển bền vững du lịch sinh thái rừng, Báo nhân dân, (03h43, 21/10/2023), https://nhandan.vn/phat-trien-ben-vung-du-lich-sinh-thai-rung-post778727.html
  3. Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Tuyên Quang, Khái quát điều kiện tự nhiên tỉnh Tuyên Quang, (14h47, 21/21/2023), https://tuyenquang.gov.vn/vi/post/khai-quat-dieu-kien-tu-nhien-tinh-tuyen-quang?type=NEWS&id=347
  4. Quyết định số 2357/QĐ-BNN-KL ngày 14 tháng 6 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Quyet-dinh-2357-QD-BNN-KL-2023-cong-bo-hien-trang-rung-toan-quoc-2022-569694.aspx truy cập 24/4/2024
  5. Kiper, T. Role of Ecotourism in Sustainable Development. INTECH, ADVANCE, Land, Architecture, 2013;774- 802, https://doi.org/10.5772/55749
  6. https://www.ecotourism.org.au/, truy cập 24/4/2024
  7. https://web.archive.org/web/20210127033957/https://connect.cleantravel.org/ethical-travel/greenwashing-in-tourism-what-is-it-and-how-to-avoid-it/, truy cập 24/4/2024
  8. Andy Drumm and Alan Moore, 2002, “An Introduction to Ecotourism Planning”in Ecotourism Development - A Manual for Conservation Planner and Managers,Volum 1. Copy right by The Nature Conservancy, Arlington, Virginia, USA.
  9. WTO, 2002, The Canadan Ecotourism Market, Special Report, Number 15https://pub.unwto.org/WebRoot/Store/Shops/Infoshop/Products/1250/1250-1.pdf, truy cập ngày 20/4/2024.
  10. R. K. Blamey, 2001, “Principles of Ecotourism” In Encyclopedia of Ecotourism.
  11. Lê Huy Bá, 2009, Du lịch sinh thái, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
  12. Quốc hội, Luật Du lịch năm 2005, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Luat-du-lich-2005-44-2005-QH11-2659.aspx .
  13. https://tuyenquang.gov.vn/vi/post/khai-quat-dieu-kien-tu-nhien-tinh-tuyen-quang?type=NEWS&id=347, truy cập 24/4/2024
  14. Trần Thị Thu Huyền, Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch văn hóa tỉnh Tuyên Quang, (15h15, 19/11/2022, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-va-giai-phap-phat-trien-du-lich-van-hoa-tinh-tuyen-quang-100683.htm
  15. https://tuyenquang.dcs.vn/Vanban/3102020_749_VK_DH.pdf, truy cập 24/4/2024
  16. http://vnmha.gov.vn/cong-tac-pctt-tkcn-130/tuyen-quang--nang-cao-hieu-qua-cong-tac-bao-ve-moi-truong-16053.html, truy cập 24/4/2024
  17. http://tnmttuyenquang.gov.vn/van-ban/chi-dao-dieu-hanh/moi-truong!/hien-trang-moi-truong.html, truy cập 24/4/2024
  18. https://tuyenquang.gov.vn/vi/post/tuyen-quang-phe-duyet-de-an-du-lich-sinh-thai-rung-phong-ho-na-hang?type=NEWS&id=32862
  19. https://moitruong.net.vn/tuyen-quang-o-nhiem-moi-truong-nghiem-trong-tu-bai-rac-yen-phu-58748.html, truy cập 24/4/2024

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh