Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

SỰ NGHIỆP “TRỒNG NGƯỜI” TRONG DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Ngày đăng 28/05/2024 | 8:41 AM  | View count: 156

ThS.Nguyễn Thị Ngân - Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở

          Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người trọn đời vì nước, vì dân cho đến những giây phút cuối cùng. Với mục đích để “đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”1 lúc Người phải đi về nơi vô cùng, vô tận, Người đã âm thầm để sẵn “mấy lời” và chúng ta thành kính gọi đó là Di chúc.

          Từ khóa: Di chúc Bác Hồ.

          Thời gian không ngừng trôi, hơn nửa thế kỷ qua đi kể từ ngày Người đặt bút viết dòng đầu tiên trong thư gửi lại nhưng Di chúc mãi mãi là một giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Mỗi lần đọc lại những dòng chữ chan chứa yêu thương đó, chúng ta như được tiếp thêm sức mạnh để thực hiện tốt hơn những di nguyện của Người. Nghiền ngẫm trong 4 năm trời, chắt lọc tình cảm và suy nghĩ của cả cuộc đời, bản Di chúc đã đề cập đến những vấn đề trọng yếu của đời sống dân tộc cũng như tương lai của đất nước. Nội dung cơ bản của Di chúc đề cập đến 5 vấn đề, trong đó sự nghiệp “trồng người” được Bác nhắc đến nhiều. Trong Di chúc, Bác dặn: Đầu tiên là công việc đối với con người... Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.

          Cuộc đời con người, cá nhân luôn hữu hạn mà nhân loại thì trường tồn nên lịch sử loài người suy cho cùng là sự kế tiếp của các cuộc chuyển giao thế hệ theo quy luật tre già, măng mọc. Vì thế, một chính trị gia kiệt xuất không chỉ là người hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình mà phải là người đào tạo được thế hệ kế tục xứng đáng. Theo Người, thế hệ kế tục sự nghiệp sẽ là thế hệ quyết định sự thành công của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau chính là sự nghiệp trồng người của toàn Đảng, toàn dân ta: Vì lợi ích trăm năm, trong đó sự nghiệp giáo dục giữ vai trò trọng yếu. Bác đã coi giáo dục là khâu cơ bản để hình thành nhân cách con người, phần nhiều do giáo dục mà nên. Theo Người: xây dựng kinh tế, không có cán bộ không làm được, không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa

          Ngay sau khi nói về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến lực lượng kế tục trong bản Di chúc lịch sử. Người viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”2. Chỉ hai câu văn ngắn mà chứa đựng trong đó một loạt quan điểm đúng đắn về con người và chiến lược trồng người. Có thể khái quát tư tưởng "trồng người" của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành những vấn đề cơ bản sau đây:

           Thứ nhất, sự nghiệp “trồng người” phải tập trung đào tạo những con người có đạo đức cách mạng, đó là người trung thành, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, có lòng yêu thương con người, “mình vì mọi người” đồng thời phải kiên quyết đấu tranh chống lại những căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân sinh ra.

           Thứ hai, sự nghiệp “trồng người” phải tạo ra những con người có ý chí, cầu tiến bộ, không ngừng vươn lên làm chủ những kiến thức khoa học, những hiểu biết về thời đại.

           Thứ ba, sự nghiệp “trồng người” phải tạo nên những con người có tinh thần tìm tòi sáng tạo, phải có quyết tâm, nhạy bén với cái mới, biết vận dụng nó vào thực tiễn cuộc sống để nâng cao chất lượng, hiệu quả, đồng thời đó là những con người có chí khí, ham học hỏi, ham làm việc chứ không phải ham địa vị, tiền tài. Đối với người học, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự dân tộc, phụng sự giai cấp và nhân dân....

           Thứ tư, trong sự nghiệp “trồng người”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh và đề cao vai trò của giáo dục và đào tạo, coi đó là một chiến lược lâu dài. Trong thư gửi ngành giáo dục đào tạo ngày 15-10-1968, Người nhấn mạnh: Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp Đảng ủy và chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới.

          Với bản Di chúc lịch sử, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Ngày nay sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ mở ra cho nhân loại một chân trời mới nhưng điều đó càng tôn vinh sức mạnh con người. Sự nghiệp đổi mới đất nước theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu cũng khẳng định vai trò hàng đầu của nhân tố con người. Vì vậy, đầu tư cho con người, chăm lo cho sự phát triển của con người- điểm căn cốt nhất trong bản Di chúc lịch sử-đã trở thành mục tiêu nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

          Để hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong thời gian sớm nhất, Đảng ta vẫn tiếp tục xác định 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó: Phát triển nguồn nhân lực,  nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài,… phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam là khâu đột phá thứ hai. Hiện thực hóa chủ trương đúng đắn đó, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng như Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014  Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đều quan tâm đến việc bồi dưỡng nền tảng vững chắc của con người là văn hóa. Văn hóa chính là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất của con người. Ngày nay, Đảng và Nhà nước cũng như toàn xã hội ra sức đầu tư các nguồn lực để phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự soi đường cho quốc dân đi.

          Tiếp tục thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Thành phố Hà Nội khẳng định 3 khâu đột phá, trong đó nhấn mạnh: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô”3. Muốn thực hiện được khâu đột phá này, Hà Nội xác định: Đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của Nhân dân Thủ đô. Đặc biệt, giai đoạn 2020-2025 Thủ đô Hà Nội cần tập trung vào các nhiệm vụ sau:

           Một là, Tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa mới phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, một động lực quan trọng phát triển Thủ đô. Bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, khát vọng đổi mới sáng tạo, ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô. Tạo dấu ấn văn hóa người Hà Nội tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc.

          Đối với Nhà trường, cần quan tâm chăm lo bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ giảng viên- lực lượng then chốt, quyết định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Thủ đô. Nhà trường cần xây dựng đội ngũ đông đảo những người làm công tác đào tạo bồi dưỡng yêu nghề, yêu Trường, hết lòng thương yêu chăm sóc bồi dưỡng học viên, không ngừng trau dồi đạo đức, bồi dưỡng nâng cao tay nghề để thực sự là tấm gương sáng cho học viên noi theo. Trong bài nói chuyện tại trường Đại học sư phạm Hà Nội ngày 21-10-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt- thầy giáo xứng đáng là thầy giáo- là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo là quan trọng, rất vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa.

           Hai là, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, trong việc cưới, việc tang, lễ hội; nâng cao hiệu quả thực hiện 2 quy tắc ứng xử. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và đảng viên; coi trọng giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh, gắn với giáo dục giá trị sống cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường bảo đảm vừa có tính thời đại, tính dân tộc và đặc trưng của Hà Nội. Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ làm công tác văn hóa từ Thành phố tới cơ sở. Tăng cường giáo dục thẩm mỹ, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng xã hội cho các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và vai trò của văn học, nghệ thuật trong xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật lành mạnh và nhân văn; người Hà Nội thanh lịch, văn minh, có lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng, tuân thủ pháp luật.

          Đội ngũ người thầy phải tiên phong thực hành nếp sống văn hóa tại gia đình, nơi cư trú và nghiêm túc thực hiện có hiệu quả quy tắc ứng xử của viên chức, người lao động tại Nhà trường.

           Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí về truyền thống thanh lịch, văn minh; khả năng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại tạo nên những giá trị văn hóa mới của người Hà Nội; kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, tạo sự lan tỏa trong xã hội; xử lý, ngăn chặn hiệu quả những hiện tượng, hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống; đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Kiên trì giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của người dân Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

          Trong toàn bộ các phần học thuộc chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường, người thầy cần tuyên truyền về giá trị truyền thống của người Hà Nội thanh lịch, văn minh thông qua “tấm gương sống” - những tấm gương người tốt, việc tốt, công dân Thủ đô ưu tú... trong đời sống hàng ngày để lan tỏa tới người học.

          Sức sống của một tư tưởng, một con người thể hiện ở điều gì nếu không phải ở chỗ, trước mỗi vấn đề cấp bách của đời sống dân tộc, chúng ta đều nhìn thấy trong đó một cẩm nang hành động, một động lực phấn đấu. Việc toàn Đảng, toàn dân không ngừng nỗ lực thực hiện những tâm nguyện của Người và luôn tìm thấy trong Di chúc một kim chỉ nam hành động đã là minh chứng sinh động về sức sống bất diệt của bản Di chúc lịch sử. Tác phẩm đã trở thành quốc bảo của dân tộc trên chặng đường đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững và mãi mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam./.

 

 

Chú thích:

[1], [2]. Hồ  Chí Minh: Toàn tập, Nxb.chính trị quốc gia - sự thật, H.2011, t.15, tr.618, 622.

[3]. Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Nxb.Thông tấn, H.2020, tr.121.

Tài liệu tham khảo:

1.Bác Hồ viết di chúc, Hồi ký của Vũ Kỳ, Nxb Sự thật, H.1989

2. https://bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/2912-hoc-tap-nhung-dieu-chu-tich-ho-chi-minh-day-trong-buc-thu-cuoi-cung-bac-gui-cho-nganh-giao-duc-15-10-1968.html , ngày 22/11/2014.

3. https://tennguoidepnhat.net/2012/04/06/bai-noi-chuyen-tai-truong-dai-hoc-su-pham-ha-noi-21-10-1964 , ngày 6/4/2012.

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh