Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

ĐỒNG CHÍ TRẦN QUỐC HOÀN - NGƯỜI BỘ TRƯỞNG ĐẦU TIÊN, NHÀ LÃNH ĐẠO XUẤT SẮC CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN VIỆT NAM
Ngày đăng 20/06/2024 | 3:41 PM  | View count: 200

ThS Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

        Tóm tắt: Đồng chí Trần Quốc Hoàn với gần 30 năm công tác trong ngành công an, 28 năm giữ cương vị là Bộ trưởng Bộ Công an. Trong quá trình công tác, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trung thành với Đảng và nhân dân, chú trọng công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức và đào tạo cán bộ, cũng như ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào công tác. Những đóng góp của ông vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc hiện nay.

         Từ khóa: Trần Quốc Hoàn, bộ trưởng đầu tiên, công an nhân dân

        Trải qua những năm tháng hoạt động sôi nổi trong cuộc kháng chiến cam go chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1951, tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí Trần Quốc Hoàn được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được phân công phụ trách công an. Ngày 15/8/1952, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 27-NQ/NS điều động đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng làm Giám đốc Nha Công an thay đồng chí Lê Giản. Tháng 9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 113/SL bổ nhiệm đồng chí Trần Quốc Hoàn giữ chức vụ Giám đốc Nha Công an Trung ương. Tháng 2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL đổi Nha Công an Trung ương thành Thứ Bộ Công an, bổ nhiệm đồng chí Trần Quốc Hoàn giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an. Phiên họp Hội đồng Chính phủ tháng 8 năm 1953 quyết định đổi Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an và cử đồng chí Trần Quốc Hoàn giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an cho đến năm 1980. Như vậy, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã có gần 30 năm công tác trong ngành công an và 28 năm là Bộ trưởng Bộ Công an.

        Là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước về lực lượng Công an nhân dân trong một thời gian dài, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã “luôn luôn nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng để xây dựng Công an nhân dân trở thành một lực lượng vũ trang cách mạng tin cậy, tuyệt đối trung thành của Đảng và nhân dân”. Cùng với quá trình tham mưu và tổ chức thực hiện, trên cương vị người đứng đầu lực lượng Công an nhân dân, đồng chí Trần Quốc Hoàn là một nhà lãnh đạo luôn chú trọng đến việc tổng kết thực tiễn, phục vụ kịp thời lãnh đạo chỉ huy, đồng thời góp phần quan trọng trong việc xây dựng hệ thống lý luận của lực lượng Công an nhân dân. Có thể khái quát những đóng góp quan trọng của đồng chí Trần Quốc Hoàn với tư cách là Bộ trưởng Bộ Công an trên một số lĩnh vực như sau:

         1. Bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh

        Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn giành sự quan tâm đặc biệt với nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh với những chỉ đạo toàn diện và sâu sắc. Trong suốt quãng thời gian từ năm 1954 đến năm 1969, kể cả những năm Mỹ leo thang bắn phá ác liệt ra miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ở và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch tại Thủ đô Hà Nội, nhiệm vụ trọng tâm số một của lực lượng cảnh vệ lúc này là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trực tiếp nghe báo cáo của các đồng chí lãnh đạo Cục Cảnh vệ về công tác bảo vệ Bác tại nơi ở và làm việc của Người trong Khu Phủ Chủ tịch, nhất là trước các chuyến bảo vệ Bác đi thăm các địa phương. Đồng chí thường cho ý kiến chỉ đạo cụ thể và thiết thực từ cách bố trí lực lượng và phương án bảo vệ, cách xử trí các tình huống bất trắc có thể xảy ra... Có nhiều lần bảo vệ Bác Hồ đi thăm cơ sở ở Hà Nội và các địa phương, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trực tiếp đi cùng như chuyến bảo vệ Bác Hồ đi thăm Khu gang thép Thái Nguyên (năm 1958); Bác đi bỏ phiếu tại hòm phiếu Nhà thuyền, Hồ Tây, Hà Nội (tháng 4-1968); Bác tham gia Tết trồng cây trên đồi xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội mùng Một tết năm 1969... Đối với nhiệm vụ của công tác cảnh vệ, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn căn dặn cán bộ, chiến sĩ “Chỉ được phép làm tốt, chỉ được phép hoàn thành”.

         2. Chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân vững mạnh toàn diện về mọi mặt.

        Về công tác chính trị, tư tưởng, ngay từ năm 1950, khi Đảng có Chỉ thị về Đảng lãnh đạo công an, đặt công an dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối của Đảng, coi đó là vấn đề thuộc nguyên tắc, là tính đảng, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Trung ương. Để Công an nhân dân thật sự trở thành lực lượng tuyệt đối trung thành của Đảng, theo đồng chí, công tác công an phải do cấp ủy trực tiếp chỉ đạo, mỗi cấp ủy phải cử một cấp ủy viên phụ trách công an. Những chủ trương công tác lớn, những vụ án đặc biệt quan trọng liên quan đến chính trị nội bộ, công an phải báo cáo cấp ủy.

        Căn cứ vào các nghị quyết của Đảng, xác định công an là công cụ sắc bén bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và sự nghiệp cách mạng, đồng chí đã có sự vận dụng sáng tạo, đề xuất những ý kiến mới trong việc lãnh đạo công an kiên định lập trường cách mạng, vững vàng về chính trị, tư tưởng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tháng 1-1959, Hội nghị công an toàn quốc lần thứ 13 đã xác định một trong những nhiệm vụ hàng đầu là “tiếp tục kiện toàn tổ chức xây dựng lực lượng, đẩy mạnh công tác chính trị, công tác tư tưởng trong ngành”. Đầu năm 1961, Hội nghị công an toàn quốc ra nghị quyết tiếp tục xác định “cần chú trọng kiện toàn tổ chức, tăng cường công tác chính trị, tư tưởng và công tác giáo dục, đào tạo cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong ngành”. Đồng chí yêu cầu cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải “thật sự là người đày tớ trung thành, hết lòng hết sức phục vụ quần chúng nhân dân, phải được sự giám sát chặt chẽ, được sự phê bình của quần chúng nhân dân”. Để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết nêu trên, đồng chí đặc biệt chú ý phần lý luận chính trị trong các chương trình huấn luyện. Các môn lý luận chính trị thường chiếm khoảng một phần ba chương trình học tập.

        Song song với công tác chính trị, tư tưởng, trên cương vị người đứng đầu ngành công an, tháng 10-1954, đồng chí đã đề nghị với Đảng và Nhà nước chú trọng xây dựng, kiện toàn, củng cố tổ chức, bố trí lực lượng cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ cụ thể. Tháng 7-1956, căn cứ vào nhu cầu và đề nghị của ngành công an, Chính phủ đã ra nghị định thành lập Cục Cảnh sát nhân dân và ngành Cảnh sát nhân dân bao gồm các lực lượng: Cảnh sát hộ tịch quản lý hộ khẩu; Cảnh sát giao thông; Cảnh sát phòng cháy chữa cháy; Cảnh sát kinh tế; Cảnh sát vũ trang.

        Về lực lượng của ngành, đồng chí chú ý tuyển chọn những người xuất thân từ thành phần giai cấp cơ bản, lý lịch trong sạch, bản thân có sự tu dưỡng, rèn luyện tốt trong học tập, lao động sản xuất. Là người có tầm nhìn sâu rộng, đồng chí đã đề xuất với Trung ương Đảng mở các trường đào tạo sĩ quan và chiến sĩ công an, ứng dụng sớm các thành tựu khoa học vào ngành Công an, chú trọng những công tác đặc biệt như cơ yếu, tình báo, cả về chuyên môn và nhân sự, bảo đảm phục vụ kịp thời trước mắt và lâu dài cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam (Năm 1953: Trường Công an Trung cấp được nâng cấp và đổi tên thành Trường Công an Trung ương; năm 1964: Trường Công an Trung ương là Trường Đại học, nay là Học viện An ninh nhân dân; năm 1968: Trường Cảnh sát nhân dân, tiền thân của Học viện Cảnh sát nhân dân ngày nay;  tháng 5-1972, cho tách khoa Văn hóa - Ngoại ngữ của Trường Công an Trung ương để thành lập Trường Văn hóa Ngoại ngữ (E201); tháng 12-1972, cho thành lập Trường Đào tạo Cán bộ công an Tây Bắc; tháng 9-1976 cho thành lập Trường Hạ sĩ quan Phòng cháy chữa cháy, tiền thân của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy ngày nay...)

        Là người lãnh đạo cao nhất của ngành công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn coi trọng việc chi viện cho An ninh miền Nam, chú trọng đào tạo cán bộ công an cho miền Nam từ nhiều nguồn, nhiều lĩnh vực. Từ năm 1959-1975, Bộ Công an đã liên tục chi viện cho An ninh miền Nam hơn một vạn cán bộ, trong đó có rất nhiều cán bộ cốt cán, lãnh đạo, chỉ huy. Đồng thời tăng cường gần một vạn cán bộ khi vào tiếp quản miền Nam (1975) và triển khai mô hình tổ chức mới cho công an các tỉnh, thành phố miền Nam. Đồng chí cũng rất quan tâm đến việc tạo nguồn cán bộ là người các dân tộc thiểu số bằng cách lập các trường đào tạo công an từ lứa tuổi thiếu niên ở Việt Bắc, Tây Bắc, sau giải phóng miền Nam là ở Tây Nguyên.

        Đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn coi trọng việc xây dựng lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi đây là vấn đề có tính chiến lược trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và toàn bộ các mặt công tác Công an. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí và lãnh đạo Bộ Công an, phong trào “Bảo vệ trị an” (nay là phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”) ngày càng phát triển sâu rộng, từ “Phòng gian bảo mật” với khẩu hiệu “Ba không”, “Ba chống”, “Ba phòng” trong kháng chiến chống thực dân Pháp; “Ba phòng”, “Ba không”, “Ba chống” trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước; và, phong trào “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” từ năm 1976 đến nay đã góp phần to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

         3. Tổng kết kinh nghiệm công tác và chiến đấu, xây dựng hệ thống lý luận chung và lý luận về từng mặt nghiệp vụ công tác công an.

        Với tầm nhìn bao quát, tư duy lý luận sâu sắc và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Trần Quốc Hoàn là người có công đầu trong việc tổng kết, khái quát nhiều vấn đề lý luận cơ bản, làm nền tảng cho quá trình hoàn thiện lý luận công an nhân dân Việt Nam. Đồng chí đã nghiên cứu, chỉ đạo biên soạn và xác lập được hệ thống các vấn đề lý luận cơ bản của cuộc đấu tranh chống phản cách mạng, như đường lối chiến lược, tư tưởng chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc, phương thức, biện pháp tiến hành đến các nội dung công tác đều được đề cập giải quyết một cách thuyết phục, trọn vẹn cả lý luận và thực tiễn. Đó là những tài liệu không thể thiếu của lớp lớp những cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp từ đó đến nay và sau này.

        Trên cương vị Bộ trưởng, đồng chí đã tổng kết quá trình đấu tranh của lực lượng Công an nhân dân từ khi thành lập, rút ra những kết luận quan trọng về một số công tác cơ bản như: công tác bảo vệ cơ quan, công tác điều tra và nghiên cứu, công tác bắt giam và xét xử, công tác hỏi cung, vấn đề quản chế... trong đó đã kết luận nhiều vấn đề thuộc phạm vi những nguyên tắc, phương châm, chính sách trong cuộc đấu tranh chống phản cách mạng và bọn tội phạm khác, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội. Lý luận công an nhân dân từng bước được hình thành, từ chỗ chưa có lý luận đến chỗ có một hệ thống lý luận khoa học công an mà đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã có công phát triển hoàn chỉnh lý luận khoa học công an nhân dân. Các hội nghị công an toàn quốc hằng năm dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Quốc Hoàn, qua những nội dung kiểm điểm, đánh giá công tác, đều có nêu những vấn đề mới nảy sinh làm cơ sở bổ sung, phát triển lý luận. Những vấn đề lý luận đã đúc kết đều được bổ giáo trình giảng dạy trong các trường công an. Đích thân đồng chí Bộ trưởng duyệt những giáo trình quan trọng và chính đồng chí Bộ trưởng cũng là giảng viên trực tiếp giảng những bài cơ bản. Nhiệt tình cách mạng kết hợp với phương pháp làm việc khoa học, tư duy nhạy bén, sắc sảo cộng với tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ đã giúp đồng chí Trần Quốc Hoàn trở thành nhà nghiên cứu lý luận công an nhân dân sắc sảo, đồng thời cũng là người chỉ đạo hoạt động thực tiễn năng động, sáng tạo.

         4. Xây dựng các cơ sở vật chất - kỹ thuật theo hướng chuyên sâu và ngày càng hiện đại, áp dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào lĩnh vực nghiệp vụ công an.

        Đồng chí Trần Quốc Hoàn là người có tinh thần cầu thị rất cao, rất ham học hỏi, nhạy cảm với cái mới, rất chú ý tìm hiểu, nghiên cứu về những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật để nâng cao sự hiểu biết và tìm cách ứng dụng vào cuộc sống và công tác công an. Trong thập kỷ 60 của thế kỷ XX, mặc dù kinh tế đất nước đang còn rất khó khăn, Bộ trưởng vẫn dành kinh phí cho phép lực lượng kỹ thuật hình sự mua sắm nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác giám định. Đến những năm đầu của thập kỷ 70, lãnh đạo Bộ Công an mà người chỉ đạo trực tiếp là Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn được sự giúp đỡ của Bộ Nội vụ Cộng hòa Dân chủ Đức về thiết kế, Bộ Công an đã xây dựng một Viện Khoa học cho lực lượng kỹ thuật hình sự tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, với các trang thiết bị hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ. Năm 1978, công trình đã hoàn thành và trở thành niềm tự hào không chỉ của lực lượng kỹ thuật hình sự mà của cả lực lượng Công an nhân dân.

Bên cạnh việc xây dựng các cơ sở vật chất - kỹ thuật theo hướng chuyên sâu và ngày càng hiện đại, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn còn quan tâm đến vấn đề nghiên cứu ứng dụng toán học, máy tính điện tử vào công tác của ngành công an ngay từ những ngày đầu với sự thành lập Ban máy tính của Bộ Công an. Ban máy tính này hoạt động đến ngày 5-3-1973. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã ký quyết định thành lập Cục Xử lý tin tức (sau đổi là Cục Xử lý thông tin điện tử) là đơn vị chính thức chịu trách nhiệm giúp Bộ trưởng nghiên cứu, tổ chức, hướng dẫn việc ứng dụng máy tính trong toàn lực lượng công an và Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trực tiếp phụ trách cục này. Như vậy, trong những điều kiện rất khó khăn, đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng tập thể lãnh đạo bộ đã mạnh dạn nghiên cứu, ứng dụng một cách sáng tạo những thành tựu của khoa học xử lý thông tin và máy tính điện tử vào phục vụ thiết thực một số công việc, công tác của lực lượng Công an nhân dân và đã thu được kết quả tốt, đã từng bước ứng dụng có hiệu quả một lĩnh vực khoa học hiện đại, mới mẻ vào trong công tác công an và tạo ra những cơ sở, tiền đề thuận lợi cho việc phát triển trong quá trình xây dựng lực lượng Công an nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại.

         5. Đặt nền móng cho sự phát triển quan hệ hợp tác quốc tế giữa công an Việt Nam và công an, cảnh sát các nước

        Nhận thức rõ sức mạnh của dân tộc phải gắn liền với phát huy sức mạnh của thời đại trong sự nghiệp cách mạng, đồng chí và Đảng đoàn, lãnh đạo Bộ Công an đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo tăng cường hợp tác quốc tế với cơ quan An ninh, Tình báo các nước xã hội chủ nghĩa, các nước láng giềng. Với tầm nhìn xa trông rộng và có tư duy chính trị mang tầm chiến lược của người đứng đầu lực lượng công an, từ cuối năm 1969, đồng chí Bộ trưởng đã chỉ thị cho các vụ, cục, trường công an và công an các địa phương lựa chọn cán bộ để đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh, cảnh sát, kỹ thuật hình sự, phòng cháy chữa cháy... tại Liên Xô và Đông Âu, Trung Quốc và một số nước khác. Thực hiện chỉ thị của đồng chí Bộ trưởng, lực lượng công an Việt Nam đã phá được thế bao vây, cô lập của kẻ thù, góp phần khai thông tuyến biên giới Việt - Trung, đồng thời tranh thủ được sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất ngày càng nhiều của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Từ những năm 1960, đồng chí đã sớm xây dựng mối quan hệ mật thiết với Ủy ban An ninh Liên Xô, Bộ An ninh Cộng hòa dân chủ Đức …, đặc biệt với Lào và Campuchia để khéo léo tranh thủ sự giúp đỡ về đào tạo cán bộ cho Công an Việt Nam, nhận viện trợ không hoàn lại để ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật phục vụ cho cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng công an nhân dân. Để thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác với Bộ Nội vụ Cuba, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã thống nhất tăng cường hợp tác đấu tranh chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Đồng chí đã đặt nền móng cho sự phát triển quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng có hiệu quả giữa Công an Việt Nam với An ninh, Cảnh sát các nước.

        Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, vị Bộ trưởng đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, vừa là người đi đầu trong việc vận dụng, làm theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng và phát triển lực lượng công an nhân dân, vừa là người hoạt động thực tiễn sôi nổi. Những đóng góp đồng chí đối với ngành công an còn nguyên giá trị và đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu di sản quý báu của đồng chí để bổ sung và phát triển với điều kiện lịch sử mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Có thể khẳng định rằng, hơn nửa thế kỷ hoạt động, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã cống hiến trọn đời vì sự nghiệp của Đảng, vì nước, vì dân, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đã có nhiều cống hiến to lớn cho cách mạng Việt Nam và ngành công an./.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Minh Trưởng (cb), Trần Quốc Hoàn - Tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2023

2. Nhiều tác giả, Trần Quốc Hoàn – Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2016.

3. Nhiều tác giả, Đồng chí Trần Quốc Hoàn với cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2015.

4. Nhiều tác giả, Đồng chí Trần Quốc Hoàn - chiến sĩ cách mạng trung kiên của Đảng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Công an Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, 2006.

5. Trần Đại Quang, Đồng chí Trần Quốc Hoàn – Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, Tạp chí Cộng sản; 2016. - Số 1 (879). - tr. 26-29.

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh