Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ THEO “DI CHÚC” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Ngày đăng 02/09/2024 | 10:33 AM  | View count: 64

TS. Hoàng Thị Phương - Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong

        Tóm tắt : Sau 55 năm thực hiện “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy sâu sắc hơn những tư tưởng vĩ đại của Người về các vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam trong đó, tư tưởng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như viện ngọc sáng được khảm vào “Di chúc” soi sáng cho toàn Đảng bộ Thành phố và nhân dân Thủ đô vững bước trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng. “Di chúc” tiếp tục là cơ sở và là định hướng quan trọng nhằm xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố Hà Nội trong sạch vững mạnh, xứng đáng là Đảng bộ gương mẫu, đi đầu trong cả nước.

         Từ khóa : Di chúc, Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, Đảng bộ thành phố Hà Nội

         1. “Di chúc” - những chỉ dẫn còn nguyên giá trị về công tác xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

        Bản “Di chúc” là một trong năm bảo vật quốc gia mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam trước lúc đi xa. Đây là một văn kiện có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trên nhiều phương diện trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vị trí quan trọng đặc biệt.

        Sinh thời, Hồ Chủ tịch luôn quan tâm, chăm lo cho Đảng. Do đó, trong “Di chúc” Người dành dung lượng nhiều nhất để nói về Đảng. Bởi Người coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, có tính quy luật, quan trọng hàng đầu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngườicăn dặn: “Trước hết nói về Đảng”, “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”[1]. Mục đích của công tác xây dựng Đảng là “làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”[2]. “Làm  được  như vậy, thì  dù  công  việc to lớn mấy,  khó  khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”[3]. Những quan điểm trên của Hồ Chủ tịch cho thấy tầm tư duy lý luận, nhãn quan chính trị sắc sảo của Người trong bối cảnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay để Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”.

        Không chỉ nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Hồ Chí Minh còn có những chỉ dẫn rất cụ thể về xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Trong bản “Di chúc” viết năm 1965 đã có tới tám lần Bác nói về vấn đề đoàn kết và đoàn kết trong Đảng.Người nhấn mạnh:“Ngày nay, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ, nhất là sự đoàn kết, thống nhất chặt chẽ giữa cán bộ lãnh đạo”[4]. Đoàn kết có vai trò quan trọng đối với sự tồn vong của Đảng, là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”[5]. Do đó, Người yêu cầu: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Để tăng  cường,  củng  cố sự đoàn  kết,  thống  nhất  trong  Đảng,  theo  Chủ tịch  Hồ  Chí  Minh  cần  “thực  hành  dân  chủ rộng  rãi”, đó là “chìa  khóa vạn năng”, là biện pháp quan trọng để phát huy cao nhất trí tuệ.

        Cũng trong bản “Di chúc”, Chủ tịch Hồ Chí đặc biệt quan tâm tới nhân tố đóng vai trò then chốt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng đó là công việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.Hồ Chí Minh xác định rõ những chuẩn mực đạo đức cách mạng mà đảng viên và cán bộ phải tu dưỡng, rèn luyện, với 4 chữ “thật”: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự  thấm nhuần đạo đứccách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[6]. Người cũng chỉ ra những nội dung cụ thể của đạo đức cách mạng là phải biết đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình; phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên cùng những lời chỉ dẫn của Hồ Chủ tịch là nền tảng, có tính định hướng cho Đảng ta xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên phù hợp với bối cảnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

         2. Đảng bộ thành phố Hà Nội học tập và làm theo “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

        Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 55 năm qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn quan tâm, coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

        Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025,Thành ủy Hà Nội đã nghiên cứu xây dựng và chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xác định đây là nhiệm vụ “cốt lõi” trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Thành ủy đã sớm ban hành Chương trình số 01-CTr/TU, ngày 17-3-2021 về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính” góp phần trực tiếp nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cũng như xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

        Luôn xác định cán bộ và công tác cán bộ là gốc của mọi công việc,Thành ủy Hà Nội đã  ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU (ngày 31-5-2021) về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp. Đây là nghị quyết chuyên đề, thể hiện sự quan tâm và coi trọng công tác cán bộ với mục tiêu nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp Thành phố có tư duy khát vọng đổi mới; năng lực uy tín ngang tầm nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ứng phó với những tình huống khó khăn phức tạp phát sinh. Đồng thời, Thành ủy ban hành 01 Chương trình, 01 Chỉ thị, 08 Đề án, 22 Quy chế, Quy định; 09 Hướng dẫn, Kế hoạch về công tác cán bộ để đảm bảo việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU có hiệu quả. Đây là những văn bản quan trọng, là biện pháp cụ thể, hữu hiệu làm cơ sở nhằmđổi mới các khâu công tác cán bộ theo hướng khoa học, công khai, dân chủ, sát thực tiễn, làm chuyển biến ý thức tích cực về năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp. Nhờ đó, công tác cán bộ có sự chuyển biến rõ nét, ngày càng đổi mới, nền nếp, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới.

        Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng về đạo đức, thời gian quan, Thành ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII); Kết luận 21 (Khóa XIII); đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, đề cao danh dự, lòng tự trọng, nêu gương của người đảng viên. Đây là việc làm thường xuyên, nền nếp, tự giác trong sinh hoạt chi bộ và trong công tác, từ đó đã tác động mạnh đến ý thức tự giác, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tận tụy với công việc phục vụ nhân dân. Đồng thời toàn Đảng bộ dấy lên phong trào thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội” gắn với giải quyết việc khó, việc mới của địa phương, đơn vị, là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên. Mặt khác, Thành ủy đã ban hành nhiều quy định nhằm triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vận dụng vào đặc thù Thủ đô để cụ thể hóa các nội dung xây dựng đạo đức cách mạng, ngăn ngừa sai phạm của cán bộ, đảng viên. Định kỳ, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống. Các cấp ủy Đảng, các tổ chức Đảng kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chương trình, Kế hoạch của Thành ủy, các cấp ủy về xây dựng chỉnh đốn Đảng, gương mẫu trong thực hiện hai Quy tắc ứng xử do Thành phố ban hành.

        Bằng nhiều hình thức triển khai thực hiện, bài bản, sáng tạo chỉ đạo của Trung ương, việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh còn có ý nghĩa quan trọng trong đổi mới tác phong, lề lối, nền nếp sinh hoạt, nâng cao chất lượng hiệu quả cải cách hành chính, quản lý nhà nước.

        Với quyết tâm xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thủ đô trong sạch, vững mạnh, trong thời gian qua, Hà Nội đã tiếp tục đổi mới sắp xếp hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị các cấp tinh gọn, liên thông, hiệu lực, hiệu quả. Lựa chọn trúng và đúng các nhiệm vụ trọng tâm đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung đi sâu vào thực hiện những việc mới việc khó những nhiệm vụ còn tồn tại, yếu kém. Điển hình như việc triển khai hiệu quả Kết luận số 67-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước giai đoạn 2020-2025. Hoàn thành việc thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp của 30/30 quận, huyện, thị ủy. Đặc biệt trong thời gian ngắn vừa qua, Thành phố đã triển khai quyết liệt, bài bản, thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 97/2019/QH2014 của Quốc hội; sau bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy tại 175 ủy ban nhân dân phường với 2452 người (giảm 252 người)[7],đồng thời ban hành Quy chế làm việc mẫu của Ban Chấp hành Đảng bộ phường, giúp các cấp ủy các phường nâng cao vai trò lãnh đạo, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Thành phố cũng quyết liệt trong việc xây dựng, triển khai Đề án đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cải cách thủ tục hành chính một cách bài bản khoa học. Thành phố đã thực hiện phân cấp ủy quyền 136 nhiệm vụ quản lý nhà nước; thực hiện ủy quyền đối với 708 thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 39,17% tổng số thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện chiếm 45,6%[8] tổng số thủ tục hành chính cấp thành phố. Việc phân cấp ủy quyền đãđơn giản hóa quy trình hồ sơ, rút ngắn, tiết kiệm thời gian chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

        Những nỗ lực trên của toàn Đảng bộ thành phố đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, đã ra tạo dư luận tốt, củng cố niềm tin của nhân dân. Đảng bộ thành phố Hà Nội được Trung ương và các địa phương khác đánh giá là một trong những đảng bộ có tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, có nhiều mô hình tiêu biểu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

        Sau 55 năm thực hiện “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy sâu sắc hơn những tư tưởng vĩ đại của Người về các vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam trong đó, tư tưởng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như viện ngọc sáng được khảm vào “Di chúc” soi sáng cho toàn Đảng bộ Thành phố và nhân dân Thủ đô vững bước trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng. “Di chúc” tiếp tục là cơ sở và là định hướng quan trọng nhằm xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội trong sạch vững mạnh, xứng đáng là Đảng bộ gương mẫu, đi đầu trong cả nước. Thực hiện “Di chúc” của Người có hiệu quả, thiết thực, thời gian tới, Đảng bộ cần triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 39-KH/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ, 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy; đồng thời gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo; đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chủ trương, nghị quyết của các cấp ủy đảng; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm, tính chủ động, sáng tạo, thích ứng với mô hình tổ chức mới và phù hợp với thực tiễn của Thủ đô, gắn với thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố”, Kế hoạch số 171-KH/TU về triển khai chỉ thị quan trọng này. Bên cạnh đó, đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng bộ Thành phố.

 

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 616

[2]Sđd

[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr. 616

[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr.638

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.621-622

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.622

[7] Thành ủy Hà Nội: Báo cáo số 414-BC/TU, ngày 26 tháng 6 năm 2023, Báo cáo sơ kết công tác xây dựng , chỉnh đốn Đ ảng ; xây dựng hệ thống chính trị các cấp giữa nhiệm kỳ Đ ại hội Đ ảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII và định hướng nhiệp vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025, tr.8

[8]Thành ủy Hà Nội:Báo cáo số 414-BC/TU, ngày 26 tháng 6 năm 2023, Báo cáo sơ kết công tác xây dựng , chỉnh đốn Đ ảng ; xây dựng hệ thống chính trị các cấp giữa nhiệm kỳ Đ ại hội Đ ảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII và định hướng nhiệp vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025, tr.7

 

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh