Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

GÓP PHẦN CỦNG CỐ SỰ VỮNG CHẮC “ĐIỂM TỰA VIỆT NAM” Ở TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ LÊ HỒNG PHONG
Ngày đăng 27/09/2024 | 8:30 AM  | View count: 31

TS, GVC. Nguyễn Thị Hải Yến - Khoa: Lý luận cơ sở

         Tóm tắt: Đất nước ta đã và đang đi qua bao ngày thăng trầm của lịch sử. Trong tiến trình ấy đã hình thành cho người Việt Nam, dân tộc Việt Nam những nền móng vững vàng để đất nước đứng vững và phát triển. Mỗi khi gặp khó khăn, ở mỗi người dân lại được khơi lên và vực dậy tinh thần kiên cường, bất khuất đi qua nguy khó. Những phẩm chất ấy, nền móng ấy trở thành “Điểm tựa Việt Nam”. Các thế hệ đi trước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dày công gây dựng nền móng ấy, điểm tựa ấy và chúng ta, những thế hệ cán bộ, đảng viên, những lớp người đi sau cần tiếp tục duy trì và phát huy những điểm tựa tự hào này góp phần xây dựng Việt Nam ngày càng vững vàng phát triển.

         Từ khóa: Điểm tựa Việt Nam, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

        Từ thuở khai thiên lập địa, cộng đồng người Việt đầu tiên đã chọn dừng chân ở vùng đất này, rồi cần cù mở mang bờ cõi về phương Nam, dựng nên đất nước hình chữ S, có thế chiến lược, lưng tựa núi, mặt hướng về biển. Đất nước ấy có tài nguyên phong phú nhưng cũng lắm thiên tai, địch họa. “Thủy hỏa, đạo, tặc” mùa nào cũng có; ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm thực dân đô hộ, ba mươi năm chống chọi “hai đế quốc to”, nhưng quyết không khuất phục, quyết không bị đồng hóa. Đời trước truyền đời sau lời hịch, “Đánh cho dài tóc, đánh cho đen răng… Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Một quốc gia, dân tộc như vậy, muốn tồn tại, phát triển ắt phải và đã tôi rèn nên những phẩm chất đặc biệt; tự chủ, kiên cường, anh hùng, bất khuất trước kẻ thù; cần cù, sáng tạo trong lao động, chung sống hài hòa với thiên nhiên; đoàn kết, nhân ái, nhân nghĩa, bao dung, hòa hiếu, “uống nước nhớ nguồn”…

        Truyền thuyết “bọc trăm trứng” thiêng liêng có sức sống, lưu truyền đến muôn đời sau. Cái vỏ thần thánh ẩn chứa một điều cốt lõi, các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam gọi nhau là “đồng bào”, với ý nghĩa chung một bọc sinh ra, chung một cội nguồn, “con Rồng cháu Tiên”. Là người Việt, dù sinh sống ở đâu, trong hay ngoài nước đều thuộc nằm lòng câu, “Dù ai đi ngược về xuôi; Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”. Giỗ Tổ Hùng Vương - Quốc Tổ, là dịp bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các vua Hùng đã có công dựng nước, các bậc tiền nhân kiên cường chống ngoại xâm giữ nước. Trên thế giới, không nhiều quốc gia, dân tộc có truyền thống thờ chung một Tổ.

        Mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều có lịch sử, truyền thống của mình. Ngoài những giá trị chung, Việt Nam có bản sắc riêng, có niềm tự hào về lịch sử, truyền thống, nền văn hóa dân tộc. Tất cả những điều này tạo nên điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, "trong những lúc khó khăn, những lúc gian nan, những lúc thử thách thì ai cũng cần một điểm tựa". Ngay những ngày đầu tháng 9/2024 này,  miền Bắc nước ta đã trải qua và phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc từ bão lũ do cơn bão Yagi đưa lại. Một lần nữa, tinh thần bất khuất, tinh thần sẻ chia, đùm bọc của người dân Việt Nam lại trỗi dậy mạnh mẽ, dần đi qua những khó khăn, những đau thương.

        Vào tối 15/9, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện chương trình "Điểm tựa Việt Nam" nhằm lan tỏa tình cảm, sẻ chia với những mất mát của nhân dân ta do hậu quả của bão lũ, động viên tinh thần kiên cường khắc phục khó khăn, sáng tạo và dũng cảm vì mục tiêu chung. Thông qua những câu chuyện chân thực, xúc động từ thực tiễn ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai những ngày qua, cùng với những tiết mục nghệ thuật đầy cảm xúc, chương trình gửi đi thông điệp về những điểm tựa trong bão lũ, người Việt Nam ở mỗi vị trí của mình đều có thể làm một điểm tựa cho đồng bào, cho đất nước trong những thời khắc khó khăn.

        Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự chương trình và chia sẻ về 6 điểm tựa để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3, tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no. Đây là những điểm tựa để đất nước ta đi qua hơn 4000 năm lịch sử đầy hào hùng và cũng là những điểm tựa cho sự phát triển nối tiếp sau này của Việt Nam ta.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình "Điểm tựa Việt Nam" Ảnh: VGP/Nhật Bắc

         Điểm tựa thứ nhất là về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân, đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công" như Bác Hồ đã nói.

         Điểm tựa thứ hai là chúng ta có Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh lãnh đạo gần 95 năm qua. Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

         Điểm tựa thứ ba là truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn", "bầu ơi thương lấy bí cùng…".

         Điểm tựa thứ tư là Nhân dân. Nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

         Điểm tựa thứ năm là quân đội, công an. "Lúc cần, lúc khó có quân đội, công an"; "Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu"; "Công an ta, vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

         Điểm tựa thứ sáu là tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc ta, của mỗi người khi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, vượt qua giới hạn của bản thân, với tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể".

Mỗi chúng ta đều có thể tham gia vào từng điểm tựa, góp phần làm cho điểm tựa trở nên vững chãi hơn qua ngày tháng. Đối với trường ĐTCB Lê Hồng Phong, bằng chức năng, nhiệm vụ của mình vai trò sẽ được phát huy tập trung ở Điểm tự thứ hai “chúng ta có Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh lãnh đạo gần 95 năm qua. Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”.

        Là một trường chính trị, Trường ĐTCB Lê Hồng Phong có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương, cán bộ lãnh đạo và quy hoạch các phòng (ban) thuộc các Bộ về lý luận chính trị; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác.

Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, Trường ĐTCB Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội thực sự là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của thành phố, góp phần tạo ra những người cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”. Sự nghiệp đổi mới đất nước, xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay đã và đang làm thay đổi nhanh chóng các mặt của đời sống xã hội theo hướng tiến bộ phát triển, tuy nhiên cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ thực tiễn. Những khó khăn thách thức không chỉ ở hoạt động thực tiễn mà còn đặt ra cả những vấn đề thuộc về tư tưởng; đó là sự dao động, mất lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên vào con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn, kiên định bảo vệ trong gần 100 năm qua.

        Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tới đối tượng học viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các luận điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; góp phần bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, từng bước góp phần nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, cùng với đó, công tác giáo dục lý luận chính trị cũng là công việc quan trọng của Đảng.

        Học tập lý luận chính trị để các thế hệ cán bộ, đảng viên củng cố vững chắc niềm tin, tự hào khẳng định rằng, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam và sự phát triển của đất nước. Với bản chất cách mạng, khoa học, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đề ra đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước, của thời đại và nguyện vọng của Nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua đó không ngừng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

        Ngay từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình vắn tắt, Điều lệ vắn tắt) toát lên tư tưởng lớn là cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân; sự nghiệp đó là của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến Cương lĩnh 2011 của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định khẳng định con đường vì hạnh phúc của nhân dân, với những nội dung mới phù hợp với xu thế lớn của thời đại: “Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển”, tất cả vì lợi ích chân chính của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu đúng đắn, nhân văn và nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân ta, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối của Đảng, là quy luật của cách mạng Việt Nam. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi vĩ đại, đất nước có được cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín như ngày nay. Đây là kết quả của sự vận dụng sáng tạo, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta trong điều kiện hiện nay.

        Học tập lý luận chính trị để nhìn rõ mỗi bước đổi thay của Đảng là sự thay đổi nhằm phụng sự nhân dân, vì sự phát triển của nhân dân. Gần 40 năm đổi mới toàn diện đất nước, xuyên suốt các đại hội trong thời kỳ này đều thể hiện quyết tâm chiến lược của Đảng ta là giữ vững nền độc lập cho dân tộc và phấn đấu để đất nước phát triển vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Mục tiêu này thể hiện qua chủ đề của mỗi đại hội Đảng trong thời kỳ này. Cụ thể là, Đại hội VIII: “Tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”; Đại hội IX xác định: “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”; Đại hội X quyết tâm: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”; Đại hội XI: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”; Đại hội XII là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”; Đại hội XIII định hướng: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tuy ở những chặng khác nhau, nhưng chủ đề các đại hội Đảng đều thể hiện rõ mục tiêu bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc và thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Mục tiêu của cách mạng, lý tưởng phấn đấu của Đảng ta trong suốt 94 năm qua nhất quán là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tiếp nối tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng đề cao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đặc biệt coi trọng chỉ số hạnh phúc của người dân để đánh giá sự tiến bộ, ưu việt của quốc gia. Đại hội XIII quyết tâm thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân; xây dựng các cơ chế, chính sách, phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam; phát huy tối đa nhân tố con người - coi con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.

        Lý luận và thực tiễn đều cho thấy công cuộc cách mạng xây dựng xã hội chủ nghĩa, đất nước Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sự nghiệp sáng tạo và vĩ đại. Và 94 năm qua, Đảng luôn lấy ấm no, hạnh phúc của nhân dân là thước đo giá trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là sự nhất quán trong tư tưởng và hành động của Đảng ta, trong suy nghĩ và việc làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó cũng là cội nguồn làm nên sức sống, sự trường tồn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục tiêu cao cả tối thượng của Đảng Cộng sản Việt Nam là vì Hạnh phúc của nhân dân. Việc học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị sẽ góp phần làm mỗi cán bộ đảng viên củng cố thêm niềm tin vững chức với con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn; mỗi cán bộ, đảng viên rèn luyện, nêu cao tinh thần cách mạng, rèn đức luyện tài, trở thành người cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, bảo vệ Đảng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

        75 năm qua, các thế hệ giảng viên, cán bộ, chuyên viên tại Trường ĐTCB Lê Hồng Phong bằng niềm tin vững chắc vào Đảng, bằng sự kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội đã không ngừng trau dồi kiến thức, cập nhật những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với tất cả niềm tin và tinh thần nhiệt huyết, phương pháp khoa học, các bài giảng lý luận chính trị được giới thiệu đến các thế hệ học viên góp phần hiểu hơn về Đảng, đường lối và mục tiêu của Đảng ta, từ đó củng cố niềm tin của các thế hệ học viên vào Đảng, hơn thế còn bảo vệ Đảng bằng lý luận cách mạng và khoa học. Với tính cách đó, Trường ĐTCB Lê Hồng Phong đã và đang góp phần làm cho “điểm tựa” Đảng Cộng sản Việt Nam với mục tiêu mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân được củng cố và ngày càng vững chắc cho những bước phát triển tiếp sau của đất nước./.

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh