LỊCH CÔNG TÁC
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 13/01/2024 - 17/01/2025) (10/01/2025)
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 06/01/2024 - 10/01/2025) (03/01/2025)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 30/12/2024 - 03/01/2024) (27/12/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 23/12/2024 - 27/12/2024) (20/12/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 16/12/2024 - 20/12/2024) (13/12/2024)
- Lịch công tác tuần ( Từ ngày 09/12/2024 - 13/12/2024) (06/12/2024)
Nghiên cứu trao đổi
Th.S Nguyễn Thị Hải Vân - GVC Khoa Lý luận cơ sở
Tóm tắt:
Tinh giản biên chế và sắp xếp tổ chức bộ máy là vấn đề luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta coi trọng. Hệ thống luận điểm của Hồ Chí Minh về tinh giản biên chế và sắp xếp tổ chức bộ máy đã trở thành cơ sở lý luận quan trọng để Đảng ta thực hiện xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị. Trong giai đoạn hiện nay, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta mà đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp tục thực hiện chủ trương này để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Từ khóa: Tinh giản biên chế; tinh gọn bộ máy; sắp xếp tổ chức bộ máy,
Trong bài viết “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” trên Tạp chí Cộng sản điện tử đăng ngày 05-11-2024, GS, TS Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập trung nhấn mạnh vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và gọi đây là một cuộc cách mạng[1]. Một cuộc cách mạng nếu hiểu theo giải nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”[2], “phá cái cũ” ở đây có thể hiểu là “phá” cái cơ cấu cũ đang cồng kềnh, kém hiệu quả và thay bằng cơ cấu mới, tổ chức bộ máy mới, sắp xếp lại đội ngũ theo cách mới tinh gọn và hiệu quả hơn. Ngoài ra, cũng có thể hiểu theo nghĩa “cách mạng” là sự tác động và quy mô của tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy đợt này rất lớn và mức độ ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội.
Để góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc “cách mạng” này, cần tìm hiểu những quan niệm, luận điểm vô cùng giá trị về tổ chức bộ máy, về tinh giản biên chế của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau:
Trước hết, về tổ chức bộ máy: Hồ Chí Minh quan niệm bộ máy nhà nước là một chỉnh thể thống nhất, bao gồm nhiều bộ phận hợp thành và hiệu quả hoạt động của nó phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của các bộ phận, giống các bộ phận của chiếc đồng hồ liên quan chặt chẽ đến nhau, tạo điều kiện chi phối và hỗ trợ lẫn nhau. Người cho rằng “Trong Đảng và Nhà nước ta có sự phân công chặt chẽ như các bộ phận trong chiếc đồng hồ: Cái kim, dây cót khác nhau nhưng hợp tác chặt chẽ với nhau. Thiếu một bộ phận nào cũng không được”[3].
Thứ hai, để có được bộ máy đồng bộ thống nhất, Hồ Chí Minh đã đưa ra hai yêu cầu:
Một là: cần xây dựng một bộ máy Nhà nước gọn, nhẹ, có cơ cấu hợp lý, có khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước.
Gọn nhẹ, có cơ cấu hợp lý tức là không có ai thừa ra trong bộ máy đó, hiệu quả tức là ít người mà làm được nhiều việc. Hồ Chí Minh đã chủ trương dựa trên phạm vi lãnh thổ quốc gia để xác định cơ cấu số lượng tổ chức trong bộ máy nhà nước. Ngày 26/12/1945, trả lời câu hỏi của các phóng viên, “vì sao công việc bộn bề mà chính phủ liên hiệp chỉ có 10 bộ”, Người đã nói: “Vì nước mình nhỏ nên không cần nhiều bộ”[4].
Song song với việc thiết lập bộ máy hành chính Trung ương, Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo xây dựng Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp theo phương châm gọn nhẹ về tổ chức, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ. Người có sự phân biệt rất rõ mô hình tổ chức chính quyền ở nông thôn với chính quyền ở đô thị. Sắc lệnh số 63-SL ngày 22-11-1945 về tổ chức các Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban hành chính (UBHC) đã quy định cách tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương ở nông thôn. Trong đó, “ở hai cấp xã và tỉnh có HĐND và UBHC, ở các cấp huyện và kỳ chỉ có UBHC”[5], không có tổ chức HĐND. Đây cũng là quan điểm được thể hiện trong Sắc lệnh số 77-SL ngày 21-12-1945 về tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố. Điều 3 của sắc lệnh này quy định: “ở mỗi thành phố sẽ đặt ba thứ cơ quan: HĐND Thành phố, UBHC Thành phố và UBHC khu phố...”[6].
Đặc biệt, Hồ Chí Minh có quy định rõ về số người trong UBND chỉ có tối thiểu 5 người, tối đa 7 người, và có phân công công việc rất rõ ràng theo vị trí việc làm: “Trong Ủy ban có từ 5 đến 7 người, Một Chủ tịch, đứng đầu Ủy ban. Một Phó Chủ tịch, giúp đỡ và thay Chủ tịch khi anh này bận hay đi vắng. Một Thư ký giữ sổ sách, làm biên bản trong các cuộc hội họp. Một Ủy viên phụ trách chính trị. Một Ủy viên phụ trách kinh tế tài chính. Một Ủy viên phụ trách quân sự. Một Ủy viên phụ trách xã hội…Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký có thể kiêm phụ trách hoặc kinh tế, tài chính, hoặc tuyên truyền huấn luyện, hoặc quân sự, hoặc xã hội”[7].
Hai là, bộ máy phải được tổ chức khoa học, luôn đổi mới, chỉnh đốn, sắp xếp cán bộ cho phù hợp.
Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề tổ chức của bộ máy nhà nước. Ngoài đặc tính “ít mà tốt”, tính hiệu quả của bộ máy hành chính, theo Người còn thể hiện ở khả năng tương tác giữa các bộ phận chức năng sao cho vừa có sự phân định nhiệm vụ rõ ràng, vừa có sự phối hợp “ăn ý”. Với tư duy khoa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy. Thiếu một người nào hay có một người không làm tròn nhiệm vụ là hỏng cả”[8].
Chỉ một tháng sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, trong bài “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các UBND”, Hồ Chí Minh đã chỉ ra khuyết điểm lớn: “Chính quyền nhân dân thành lập đã được hơn một tháng. Nhưng nhiều nơi cách làm việc vẫn chưa đâu vào đâu cả. Ta có thể nói: một khuyết điểm lớn, chung cho phần đông các UBND là bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức”[9]. Theo Người, căn bệnh “lộn xộn”, “sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt” [10] đã khiến cho nguồn nhân lực bị lãng phí. Cụ thể, Người đã chỉ ra “Trong một Ủy ban, nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc: nào ngoại giao, nào tư pháp, nào tài chính. Chia công việc không khéo thành ra bao biện: nhiều việc quá thì sao làm được đến nơi đến chốn, vì thì giờ và sức lực người ta chỉ có chừng” [11]. Để khắc phục căn bệnh đó, Người chỉ dẫn: “Công việc có việc khó việc dễ, việc nặng việc nhẹ. Phải phân phối thế nào cho người đúng với việc, việc đúng với người”[12]. Riêng đối với việc điều động cán bộ, đặc biệt là cán bộ cao cấp, Người đã yêu cầu: “Khi cần điều động một người cán bộ cao cấp, thì phải nói rõ lý lịch, năng lực, ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ ấy; và vì sao cần phải điều động”[13].
Tuy nhiên, khi bộ máy nhà nước đi vào hoạt động, Người đã sớm nhận ra sự cồng kềnh, kém hiệu quả của nó. Vì vậy, vào tháng 8-1951, để dồn sức cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và giảm tải sự đóng góp của nhân dân, Người đã chủ trương: “Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân, và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”[14]. Đến năm 1962, Người tiếp tục nhấn mạnh vấn đề này: “Về biên chế - Từ các bộ, các ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và càng ngày càng phình ra. Vì vậy mà sinh ra quan liêu, lãng phí”[15]. Cho nên, Người đã yêu cầu phải quyết tâm thực hiện tổ chức sắp xếp lại: “phải có một chuyển biến thật mạnh… phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phải có biện pháp cụ thể, thiết thực, toàn diện và kịp thời”[16].
Vậy tinh giản biên chế là gì?
Năm 1952, khi nói chuyện với cán bộ quân nhu, Hồ Chí Minh đã đưa ra khái niệm tinh giản. Người nói: “Nói chung, các cơ quan đều phải tiết kiệm. Riêng cơ quan cung cấp tổ chức còn kềnh càng, thừa người, phải sắp xếp cho gọn gàng, hợp lý, mọi người đều có công việc thiết thực, những người thừa phải đưa đi chỗ thiếu, những người ở lại phải thi đua nâng cao năng suất của mình. Thế là tinh giản, tinh là năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”[17].
Và việc tinh giản biên chế, theo Người phải tiến hành trong toàn hệ thống chính trị chứ không chỉ trong các cơ quan hành chính. Vì có như vậy mới đảm bảo sự thống nhất, thông suốt và đồng bộ: Trong bài nói chuyện Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu tháng 3-1952, Người nói rõ “Các cơ quan chính quyền và đoàn thể, các cơ quan kinh tế và các Ủy ban, cần phải nâng cao năng suất, giảm bớt số người (tinh giản) …Vô luận thế nào cũng phải tìm đủ cách để biên chế các cơ quan lại”[18].
Đặc biệt, về phương hướng khi đổi mới, sắp xếp, chấn chỉnh bộ máy, Hồ Chí Minh đã đưa ra những chỉ dẫn quan trọng. Theo Người, muốn chấn chỉnh bộ máy, trước hết là phải chỉnh đốn nội bộ Đảng. Bởi vì, Đảng có vai trò quan trọng mang tính quyết định đến hiệu quả của đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Người cho rằng: “Đảng ví như cái máy phát điện, các công việc trên ví như những ngọn đèn, máy mạnh thì đèn sáng”[19]. Đầu năm 1949, trong Bài nói chuyện trong buổi lễ bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu, ngày 18-01-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chấn chỉnh bộ máy chính quyền từ dưới lên trên, bắt đầu từ xã; dưới làm lên trên, trên làm xuống dưới, tự nhiên mọi việc sẽ thành… Chỉnh đốn các đoàn thể quần chúng. Ta thắng lợi là nhờ dân mà hiện giờ nhiều đoàn thể dân chúng còn rất kém. Muốn làm được những việc trên, trước hết phải chỉnh đốn nội bộ Đảng. Phải nêu ra những việc chính, nắm lấy đó mà làm”[20].
Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay:
Xuất phát từ tầm quan trọng và sự đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn đất nước, kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX đến nay, Đảng ta luôn nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc về việc xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Sau 7 năm, việc thực hiện Nghị quyết 18 đã mang lại một số kết quả quan trọng.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "TINH - GỌN - MẠNH - HIỆU NĂNG - HIỆU LỰC - HIỆU QUẢ" đã đánh giá: “Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị”[21].
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18 đã dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị nước ta, đó là: “việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại...Chính vì vậy, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ…” [22].
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế đó, theo Tổng Bí thư Tô Lâm chính là ở nhận thức và hành động của những người có trách nhiệm liên quan trực tiếp trong việc này: “nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt” [23].
Hậu quả của những hạn chế đó không hề nhỏ. Bộ máy cồng kềnh không chỉ gây lãng phí đủ mọi mặt cả thời gian, tiền bạc, và công sức của cả Nhà nước và Nhân dân, mà còn kìm hãm sự phát triển của đất nước. Nguy hiểm hơn nữa, nó còn làm mất uy tín của Đảng đối với Nhân dân. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số chủ trương đúng đắn của Đảng chậm được triển khai, hoặc chỉ được triển khai một cách hình thức. Việc phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân dẫn đến có những tình trạng phức tạp xảy ra như: làm việc không rõ chức năng, nhiệm vụ, chồng chéo, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, làm giảm tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị khi thực thi nhiệm vụ. Các thủ tục hành chính phải trải qua quá nhiều tầng nấc trung gian dẫn đến cản trở, tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển, thậm chí còn làm nản lòng các nhà đầu tư. Chưa kể đến kinh phí để phục vụ cho bộ máy cồng kềnh đó hoạt động.
Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đó, Đảng ta mà đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ngày 25-10-2017 với một tinh thần tiến công cách mạng, kiên quyết, đồng bộ và quyết liệt. Cuộc “cách mạng” này được Đảng ta chủ trương thực hiện đồng thời với 3 nội dung lớn: một là, cải cách thể chế; hai là, thực hành tiết kiệm; ba là, tinh gọn bộ máy.
Điểm mới đáng chú ý trong cuộc “cách mạng” này, đó là việc Trung ương quyết định bắt đầu làm từ bên trên, làm rất quyết liệt với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", không tổ chức họp nhiều lần, không làm thí điểm.
Và tất nhiên, cuộc “cách mạng” này ít nhiều cũng đang gây ra những tâm tư nhất định trong một số những cán bộ thuộc diện được điều chuyển sang đơn vị mới, sáp nhập, hạ ngạch bậc, miễn nhiệm, tinh giản biên chế…Đồng thời, việc đó cũng gây ra những sức ép nhất định đối với những người đứng đầu chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ. Sức ép này không chỉ là về chất lượng, hiệu quả của công việc, mà còn từ các mối quan hệ trùng điệp trong cơ quan, đơn vị và ngoài xã hội…Và cũng sẽ có những “cám dỗ”, những “cạm bẫy” nhất định nếu những người đứng đầu không cố gắng để vượt qua.
Vì vậy, để có thể thực hiện tốt cuộc “cách mạng” này theo chúng tôi, cần phải làm thật tốt một số việc sau đây:
Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, những người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị, địa phương về những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy và sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ngày 25/10/2017.
Thứ hai, đối với những cán bộ nằm trong diện tinh giản biên chế, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, cần được quan tâm giải thích, động viên, làm công tác tư tưởng kịp thời để họ có được tâm lý thoải mái nhất, sẵn sàng đón nhận quyết định mới, cương vị mới, việc làm mới.
Thứ ba, phải có những cơ chế, chính sách đặc thù, thật sự thỏa đáng đối với cán bộ nằm trong diện tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, không để họ quá thiệt thòi hoặc bất công. Nhưng cũng phải làm quyết liệt đối với những trường hợp đúng theo diện tinh giản.
Thứ tư, phải có cơ chế quy trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy trong đơn vị do họ phụ trách.
Thứ năm, phương pháp tiến hành phải thật sự dân chủ, công khai, đảm bảo khoa học và có hiệu quả. Phải có bộ tiêu chí rõ ràng theo vị trí việc làm để có căn cứ thực hiện, như Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta: “Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”[24].
Thứ sáu, thực hiện tốt các việc trọng tâm theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhất là: “gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh”[25]. Bởi vì, bộ máy được sắp xếp tinh gọn, nhưng việc bố trí người và việc phải phù hợp theo trình độ và năng lực của họ thì mới thật sự tạo được hiệu lực, hiệu quả.
Để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một trong số nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện thật tốt. Vì vậy, cần có sự tham gia hưởng ứng một cách tích cực tự giác, đồng thuận của toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đặc biệt là những giảng viên của trường chính trị - những người có sức ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức, tâm lý và hành động của các học viên đang được đào tạo, bồi dưỡng tại trường. Điều đó, đòi hỏi đội ngũ giảng viên cần chủ động, gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cho học viên về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 của Đảng ta, quyết tâm thực hiện thành công cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng 'Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả'.
[1] https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 2, tr. 284
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.335
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.146
[5] Chinhphu.vn: Sắc lệnh số 63/SL của Chủ tịch nước: Sắc lệnh tổ chức các hội đồng nhân dân và uỷ ban hành chính, 22-11-1945
[6] Chinhphu.vn: Sắc lệnh số 77 của Chủ tịch nước: Sắc lệnh tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố, 21-12-1945
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.12-13
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.8, tr.219
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 42
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 42
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 42
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.13, tr. 123
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr. 417
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.164
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.13, tr. 314
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 314
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr. 432
[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.367
[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.16
[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr. 15
[21] Chinhphu.vn: Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả', 05/11/2024.
[22] Chinhphu.vn: Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả', 05/11/2024.
[23] Chinhphu.vn: Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả', 05/11/2024.
[24] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr. 307
[25] Theo TTXVN ngày• 05/11/2024
TIN MỚI NHẬN
- Lịch công tác tuần (Từ ngày 13/01/2024 - 17/01/2025) (10/01/2025)
Lịch giảng dạy
Văn bản Nhà trường
thời tiết
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |