Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

TRÁCH NHIỆM CỦA GIẢNG VIÊN TRONG ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI CHO RẰNG “ ĐẤU TRANH, PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG CỦA ĐẢNG TA LÀ CUỘC ĐẤU ĐÁ, THANH TRỪNG NỘI BỘ”
Ngày đăng 29/01/2024 | 8:50 AM  | View count: 175

Ths. GVC. Đỗ Thị Thúy Hằng - Khoa Lý luận cơ sở

      Tóm tắt

       Công tác phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được người dân đồng tình ủng hộ, thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, lợi dụng một số cán bộ, đảng viên, cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự vì tham nhũng, các thế lực thù địch đưa ra những luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta, chúng cho rằng đó là “cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ”. Vì vậy, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị  cần có trách nhiệm đấu tranh, phản bác luận điều sai trái đó.

       Từ khóa: đấu tranh, phản bác; luận điệu sai trái; phòng, chống tham nhũng; trách nhiệm giảng viên.

      Cán bộ là nhân tố quyết định thành công hay thất bại của sự nghiệp cách mạng, “là cái gốc của mọi công việc”Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng” (1). Phổ biến như thế nào, giải thích như thế nào, nắm bắt như thế nào để “đặt chính sách cho đúng” và thực hiện cho hiệu quả là điều hết sức quan trọng, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào đức và tài của đội ngũ cán bộ. Do đó, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

      Tuy nhiên thời gian qua, lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả Ủy viên trung ương Đảng bị kỷ luật, xử lý hình sự vì hành vi tham nhũng, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, chúng xuyên tạc rằng “đấu tranh, phòng, chống tham nhũng của Đảng ta là cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ”. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần có trách nhiệm đấu tranh, phản bác lại những luận điệu sai trái, vô căn cứ đó. Với vị trí là một giảng viên giảng dạy lý luận chính trị trong ngôi trường của Đảng thì trách nhiệm đó cần được nâng cao hơn nữa để củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân đối cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng của Đảng ta, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

       1.  Luận điệu vô căn cứ cho rằng “đấu tranh, phòng, chống tham nhũng của Đảng ta cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ”

      Lợi dụng sự một số cán bộ, đảng viên trong đó có cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự vì hành vi tham nhũng thời gian qua, các trang VOA, Vietan, N10TV, RFA đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật, chúng cho rằng đó là cuộc “ đấu đá, thanh trừng nội bộ”, “tranh dành quyền lực”, “đấu đá phe phái”. Chúng còn bịa ra những lực lượng, cá nhân được hưởng lợi từ sự đấu đá nội bộ trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự bịa đặt này cũng không nằm ngoài âm mưu, thủ đoạn chia rẽ nội bộ, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng. Những nhận định vô căn cứ này không chỉ xuyên tạc công tác cán bộ, cuộc đấu tranh chống tham nhũng gắn liền với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam mà còn gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội.

      Thậm chí, chúng đưa ra luận điệu sai trái rằng muốn chống tham nhũng, muốn làm trong sạch bộ máy không còn cách nào khác là phải thay đổi cơ chế, phải “xóa bỏ chế độ”. Hay nói cách khác chúng đưa ra luận điệu sai trái “tham nhũng là căn bệnh nan y, kinh niên của chế độ độc đảng cầm quyền” tham nhũng là bản chất của chế độ cộng sản” và cho rằng “chỉ có ở các nước tư bản nạn tham nhũng mới được dẹp bỏ”và “để bài trừ tham nhũng ở Việt Nam thì phải thay đổi chế độ” , Chỉ có thể chống tham nhũng khi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập” để kiểm soát quyền lực. Âm mưu của chúng là nhằm gây ra tình trạng nghi ngờ, hoang mang, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với chế độ. Chúng muốn kích động, lôi kéo những người dân nhẹ dạ, cả tin, dân trí thấp tập trung đông người, biểu tình, bạo loạn lật đổ chế độ, làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, băng hoại đạo đức xã hội, phản biện vô nguyên tắc, phản đối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

      Đặc biệt, điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến nhận thức sai lệch của một số cán bộ, đảng viên không có bản lĩnh chính trị vững vàng rằng làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai, do đó làm việc cầm chừng, không dám nói, không dám làm, không dám đổi mới sáng tạo, không dám đương đầu với khó khăn thử thách, không dám hành động vì lợi ích chung vì sợ sẽ bị “thanh trừng”.

       2. Trách nhiệm của giảng viên trong việc đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, thù địch cho rằng “ đấu tranh, p hòng, chống tham nhũng của Đảng ta cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ”

Thứ nhất, Thông qua bài giảng của mình, giảng viên có thể lồng ghép một cách phù hợp vào từng chuyên đề học viên nhận thức rõ một số điểm sau:

       Một là, Cần nhận thức rằng tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không phải do một Đảng cầm quyền gây ra. 

      Tham nhũng là vấn để nhức nhối đối với mọi xã hội, mọi nhà nước. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tham nhũng là một “căn bệnh” tất yếu tồn tại song hành cùng nhà nước. Tham nhũng gây bất bình trong nhân dân, làm mất uy tín của chính phủ, tham nhũng không chỉ nảy sinh trong cơ quan nhà nước mà ở bất kỳ tổ chức nào. Tham nhũng không chỉ nảy sinh ở các nước XHCN mà kể cả các nước TBCN, tham nhũng không phụ thuộc vào việc quốc gia đó đang thực hiện chế độ đa đảng hay một đảng cầm quyền, không phải do việc thực hiện tam quyền phân lập hay không.

      Tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa  sự tồn vong của chế độ. Chính vì vậy, ngay từ thời kỳ chống thực dân Pháp, Trần Dụ Châu đã bị Tòa án binh tối cao phạt án “tử hình” vì tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến, tử tù đã gửi đơn lên Chủ tịch Hồ Chí Minh xin tha tội chết, tuy nhiên Hồ Chủ tịch đã bác đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu. Mặc dù rất đau xót nhưng vì tiền đồ của đất nước, vì nhân dân, Người vẫn phải quyết định, Người nói “Nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”. Sự lãnh đạo xử lý công khai, nghiêm khắc vụ án Trần Dụ Châu cho thấy sự nghiêm minh và quyết tâm của Đảng, Bác Hồ trong việc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Mặc dù vụ án đã qua hơn 7 thập niên, nhưng vẫn còn nguyên giá trị đối với Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh chống nạn tham nhũng hiện nay.

      Ngày 31/1/2023, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố CPI (chỉ số cảm nhận tham nhũng) năm 2022, CPI xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ theo mức độ cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công, sử dụng dữ liệu từ 13 nguồn, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, rủi ro tư nhân, các công ty tư vấn và các tổ chức khác. Với thang điểm từ 0 đến 100, trong đó số 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch. Kết quả cho thấy 2/3 quốc gia (68%) có điểm dưới 50 và điểm trung bình toàn cầu không thay đổi (2). Và ở nhiều nước trên thế giới, công tác phòng chống tham nhũng cũng được thực hiện rất quyết liệt. Rất nhiều quan chức cấp cao, kể cả người đứng đầu đất nước khi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh.

      Như vậy, luận điệu cho rằng tham nhũng, suy thoái là do một Đảng Cộng Sản cầm quyền sinh ra là hết sức sai lầm, vô căn cứ. Tham nhũng xuất hiện cùng với quyền lực, một người có quyền lực và có lòng tham, có cơ hội thì sẽ nảy sinh tham nhũng, không phân biệt là quốc gia đó đi theo chế độ nào, đa đảng hay một đảng, tam quyền phân lập hay không. Điều đó đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Chúng ta đều biết, tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực” (3)

       Hai là, Cần nhất quán mục tiêu là phòng , chống tham nhũng để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân ta, không phải là cuộc “đấu đá, thanh trừng nội bộ”

      Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu (4).

      Việc phải xử lý cán bộ, tổ chức sai phạm là việc rất đau xót, tựa như việc một người phải tự tay cắt đi những khối “ung nhọt” trên cơ thể của mình, nhưng là việc nên làm, cần phải làm, chắc chắn phải làm với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”, “chặt cành để cứu cây”, “kỷ luật một người để cứu muôn người”, không kể người đó là nhân viên, chuyên viên hay ủy viên Bộ Chính trị.

      Thực tế cho thấy, “hầu hết các đối tượng bị xử lý đều đã nhận thức rõ sai phạm của mình và tâm phục, khẩu phục, tỏ rõ sự ăn năn, hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước và nhân dân; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao ”(5) vì tất cả đều được xử lý một cách thận trọng, nghiêm minh, đúng người, đúng tội.

      Bên cạnh đó, cần khẳng định rằng đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta chỉ làm “chùn bước” những cán bộ suy thoái, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức chứ không phải làm “nhụt chí” những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm” (6).

       Thứ hai, Giảng viên cần chủ động, kịp thời viết bài tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng về công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng của Đảng ta, về các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của Thủ đô; đi đầu trong việc viết bài đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

      Với tinh thần “tự bảo vệ”, “an ninh chủ động”, “ bảo vệ từ sớm, từ xa” được xác định Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là giảng viên phải chủ động, kịp thời trong đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

       Một là, Giảng viên phải có trách nhiệm, chủ động, kịp thời viết bài tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của địa phương.

Bên cạnh việc tuyên truyền qua bài giảng của mình, giảng viên cần có chủ động, kịp thời viết bài đăng tạp chí, đăng báo, hay đăng trên mạng xã hội tuyên truyền về những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung, công tác phòng, chống tham nhũng nói riêng, đặc biệt là về công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng và trước các sự kiện chính trị lớn của đất nước của địa phương. Và những bài viết này cần được chủ động đi trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch theo đúng tinh thần “an ninh chủ động”, “bảo vệ từ sớm từ xa”. Bởi khi người dân đã nhận thức rõ được điều đó, thì các thế lực thù địch khó có thể lôi kéo, dụ dỗ, kích động được người dân tham gia các hoạt động chống phá của chúng.

       Hai là, Giảng viên cần có trách nhiệm viết bài về những tấm gương điển hình tiên tiến, gương mẫu, trách nhiệm với sự nghiệp cách mạng, về những thành qủa phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công cuộc phòng, chống tham nhũng nói riêng của đất nước, của địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng để người dân thêm tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng .

      Bên cạnh việc phê phán một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, một trách nhiệm đặc biệt quan trọng của giảng viên là cần cho người dân, đồng nghiệp biết được rằng còn có rất nhiều cán bộ, đảng viên đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta đã đạt được những thành quả rất đáng ghi nhận về kinh tế - xã hội, sự gia tăng thu nhập, đời sống của người dân, đặc biệt vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên. Để mỗi người dân nhận thức được rằng, để có thành quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, người dân thêm thêm yêu nước, thêm tự hào dân tộc, thêm tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định với con đường đi lên CNXH của đất nước.

       Ba là, Giảng viên cần đi đầu trong đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, vô căn cứ của các thế lực thù địch.

      Khi xuất hiện những luận điệu sai trái, quy chụp vô căn cứ của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là về công tác phòng chống tham nhũng của Đảng ta và trước những sự kiến lớn của đất nước như Đại hội Đảng thì việc viết bài đăng tạp chí, đăng báo, đăng trên mạng xã hội phản bác lại các luận điệu sai trái đó là trách nhiệm của giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Muốn làm được điều đó một cách thuyết phục thì mỗi giảng viên cần trả lời được các câu hỏi: Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề đó như thế nào? Các thế lực thù địch dùng những lý lẽ gì, căn cứ nào, phương tiện gì để tuyên truyền những luận điệu sai trái đó? Mục đích của chúng là gì?... để có thể đưa ra những căn cứ, lý luận, thực tiễn sắc bén nhất, thuyết phục nhất cho bài viết của mình.

       Thứ ba, Giảng viên cần có trách nhiệm thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau để “tự bảo vệ” mình và “bảo vệ” đồng nghiệp, người dân trước những luận điệu sai trái.

      Trong hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, một trong những nhiệm vụ quan trọng là mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nâng cao “sức đề kháng” cho bản thân. Nếu “sức đề kháng” tốt thì sẽ “tự bảo vệ” được bản thân trước những thông tin xấu độc, đồng thời còn có thể giúp đồng nghiệp, nhân dân để họ không bị “nhiễm bệnh”.

       Trước tiên, giảng viên cần t hường xuyên tự rèn luyện, “tự soi, tự sửa” nâng cao bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Có bản lĩnh chính trị vững vàng giúp chúng ta kiên định với con đường mà Đảng đã lựa chọn, không bị cám dỗ bởi những lợi ích trước mắt mà nảy sinh tham nhũng, tiêu cực gây “lãng phí niềm tin của nhân dân”và sẽ không xuất hiện tư tưởng “không có gì nên không làm”. Có bản lĩnh chính trị, mỗi chúng ta không bị lung lay, không bị hoang mang trước những thông tin sai lệch, xuyên tạc của các thế lực thù địch, không bị tác đông bởi những lợi ích vật chất mà có hành vi tham nhũng, tiêu cực.

      Phẩm chất đạo đức, lối sống giảng viên thể hiện thông qua đạo đức cá nhân, đạo đức nghề nghiệp, lối sống theo chuẩn mực của cán bộ, đảng viên. Theo đó, giảng viên cần phải đáp yêu cầu về phẩm chất đạo đức của một cá nhân, một công dân bình thường, điều đó thể hiện ở nhận thức đạo đức và hành vi đạo đức. Bên cạnh đó, giảng viên cần thể hiện phẩm chất đạo đức trong thực thi nhiệm vụ mà khoa, nhà trường giao phó, trong mối quan hệ với học viên, trong mối quan hệ với đồng nghiệp. Và giảng viên cần có lối sống phù hợp với các chuẩn mực đạo đức cách mạng và với tư cách của người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Song, đó là kết quả của một quá trình giáo dục, bồi dưỡng, học tập, kiên trì, bền bỉ trong thực tiễn, đòi hỏi mỗi giảng viên cần phải tự rèn luyện, “tự soi, tự sửa” thường xuyên.

       Sau là, Giảng viên cần nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, học viên, quần chúng nhân dân để kịp thời nhận diện, đấu tranh với những nhận thức, việc làm sai trái.

      Giảng viên cần có trách nhiệm: Thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh, không được thờ ơ, vô cảm trước những hành vi trai trái trong trong xã hội . Như vậy mới có thể giúp đồng nghiệp, người dân kịp thời nhận diện những quan điểm, việc làm sai trái, giúp họ không vi phạm các chuẩn mực đạo đức của một cán bộ, đảng viên, của một công dân Việt Nam, không vi phạm pháp luật, không vi phạm những điều đảng viên không được làm và không có hành vi tham nhũng. Từ đó, họ sẽ thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình một cách “đúng vai, thuộc bài”, tạo dựng niềm tin trong nhân dân và cùng nhau xây dựng “thế trận lòng dân vững chắc” ngay trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình để  những luận điệu sai trái không thể xâm nhập.

      Công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch đưa ra những luận điệu sai trái nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng. Luận điệu cho rằng “Công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng ta là cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ” là vô căn cứ và mang tính quy chụp. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cần có trách nhiệm bảo vệ thành quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta, cần khẳng định rằng “ đấu tranh, phòng, chống tham nhũng của Đảng ta không phải là cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ mà là để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tạo niềm tin cho nhân dân”.

 

 

 

 

 

Chú thích

(1) Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, t.5, tr.309

(2)https://noichinh.vn/tin-quoc-te/202302/chi-so-cam-nhan-tham-nhung-2022-nhung-diem-noi-bat-312141/

(3), (4), (5), (6)  Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững manh, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, tr.15, 14,28,126

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
  2. Ban Chấp hành Trung ương (2021), Quy định 37 – QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm
  3. Ban Chấp hành Trung ương (2023), Nghị quyết số 44-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
  4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình trung cấp lý luận chính trị, phần Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.
  5. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, t.5.
  6. http://lyluanchinhtri.vn/
  7. https://noichinh.vn
  8. https://www.tapchicongsan.org.vn/
  9. Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững manh, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh