Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

NHỮNG SÁNG TẠO LÝ LUẬN VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ NHẬN THỨC VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG CỦA ĐẢNG TA QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI
Ngày đăng 03/02/2024 | 7:10 AM  | View count: 124

Th.S Nguyễn Thị Hải Vân - GVC Khoa Lý luận cơ sở

      Tóm tắt

       T­ư t­ưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là sự vận dụng, phát triển sáng tạo học thuyết Mác-Lênin về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Ngày nay, những tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng ta nhận thức và vận dụng thực hiện nhất quán xuyên suốt.

       Từ khóa, tư tưởng Hồ Chí Minh, sáng tạo lý luận, nhận thức về xây dựng đảng

      Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ khi thành lập đã là Đảng mácxit và mang bản chất của giai cấp công nhân. Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng soi đường, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng; lấy lý luận về đảng mácxit kiểu mới làm kim chỉ nam cho công tác xây dựng đảng. Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về chính đảng kiểu mới được Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là một đóng góp to lớn cho nhân loại cả về lý luận và thực tiễn.

      Vấn đề xây dựng một chính đảng mác xít theo chủ nghĩa Mác-Lênin đã được Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo lý luận vào điều kiện cụ thể của Việt Nam gồm những nội dung sau:

       Trước hết, sáng tạo trong việc chỉ ra quy luật thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam

      Để đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho cách mạng, đi tới thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vị trí, vai trò của Đảng đối với cách mạng Việt Nam qua tác phẩm Đường Cách mệnh. Trong đó, Người khẳng định, muốn làm cách mạng thì yếu tố đầu tiên phải có, đó chính là thành lập Đảng Cộng sản. Vận dụng học thuyết Mác-Lênin, vượt lên trước những nhà yêu nước đương thời, Hồ Chí Minh khẳng định: Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi…”[1].

      Tuy nhiên, để thành lập đảng cộng sản, cần có các yếu tố. Theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân. Vận dụng sáng tạo quy luật này ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, đại đa số người dân đều bị áp bức, bóc lột, và có tinh thần yêu nước mãnh liệt như Việt Nam, Hồ Chí Minh khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

      Đây chính là sáng tạo nổi bật nhất của Hồ Chí Minh trong quá trình vận động thành lập Đảng. Người trung thành với nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về quy luật ra đời của Đảng, đồng thời có bổ sung, sáng tạo vào quy luật ấy với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Hồ Chí Minh đã phân tích rất kỹ tính chất xã hội, cơ cấu giai cấp của xã hội Việt Nam để chỉ ra quy luật này.

      Theo Giáo sư Trần Văn Giàu: “giai đoạn đó lập hội, lập đảng không phải là cái gì mới đối với người yêu nước Việt Nam. Đã từng có Đảng Cần Vương, có hội Thiện Chí, có hội Duy Tân.  Thuở ấy hội cũng là đảng. Vào giữa những năm 20, xứ ta có đảng “Phục Việt”, có đảng “Tân Việt”, có đảng “Thanh niên”, có “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”, rồi có “Quốc Dân Đảng”…Điều quan trọng nhất là báo “Thanh niên” nêu lên sự cần thiết phải thành lập một chính đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin, có tổ chức vững chắc, có năng lực lãnh đạo”[2]. Mà công việc thành lập một đảng mác xít lúc này rất khó, “nếu ta biết rằng khi tổng số công nhân Việt Nam hết sức ít so với toàn dân và chưa có truyền thống đấu tranh lâu dài. Thậm chí chưa có phong trào dân chủ tư sản nào đáng kể. Nguyễn phải bắt đầu xây dựng tổ chức cách mạng khuynh hướng Mác-Lênin trên phong trào dân tộc, mà ngay cả phong trào này năm 1924 cũng chưa phải là lúc đang lên, cho nên có thể hiểu tại sao Nguyễn Ái Quốc đã phải tiến hành từng bước cẩn thận trên con đường xây dựng tổ chức, không lập ngay Đảng Cộng sản mà thành lập Thanh niên cách mạng đồng chí hội với sự cộng tác của một số đồng chí cộng sản làm nòng cốt cho tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản, rồi từ tổ chức tiền thân đó sẽ xuất hiện Đảng Cộng sản”[3].

      Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng chứng minh sự sáng tạo của Hồ Chí Minh vô cùng đúng đắn và phù hợp với cách mạng Việt Nam. Nói thêm về điều này, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Nguyễn Ái Quốc tuy nhận thức hết sức rõ ràng rằng đảng cộng sản là đội tiên phong của giai cấp vô sản, đồng chí không có thành kiến về nguồn gốc giai cấp mà chú trọng trước tiên về nguồn gốc chính trị (con cháu nhà cần vương, duy tân, và minh tân), những người trẻ có tây học và nho học tham gia phong trào dân chủ 1925, 1926; đồng chí tin tưởng vào khả năng giác ngộ lý luận về lẽ tất yếu lịch sử của những người trí thức chân thật, tin vào khả năng tiến từ chủ nghĩa yêu nước lên ý thức xã hội chủ nghĩa, càng tin rằng với sự giáo dục đạo đức cách mạng song song cùng giáo dục lý luận chính trị với sự trui rèn trong công tác quần chúng công nông binh mà ra, dường như đó là một quy luật phát triển Đảng Cộng sản ở xứ thuộc địa, xứ nông nghiệp lạc hậu. Nguyễn Ái Quốc trong việc làm thực tế tỏ ra là nắm được quy luật ấy. Sức mạnh và thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam về sau sẽ không xa lạ gì với việc nắm quy luật ngay từ đầu, Đó là một sáng tạo đặc sắc của Nguyễn”[4].

      Chính sáng tạo của Hồ Chí Minh về quy luật ra đời đặc thù của Đảng Cộng sản Việt Nam đã dẫn tới Đảng ta được thành lập. Cách mạng Việt Nam đã có tổ chức đủ khả năng đề ra đường lối đúng đắn lãnh đạo, tổ chức tập hợp được lực lượng đông đảo trong nhân dân, làm nên những thắng lợi vẻ vang.

       Thứ hai, sáng tạo trong việc đặt tên Đảng và chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ mỗi nước Đông Dương.

      Trong khi Quốc tế Cộng sản có chỉ thị thành lập một Đảng Cộng sản chung cho ba dân tộc Đông Dương, thảo luận tại Hội nghị thành lập Đảng, Hồ Chí Minh lại đề nghị thành lập đảng cộng sản riêng từng nước, cụ thể là ở Việt Nam thì thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người giải thích: “Cái từ Đông Dương rất rộng, và theo nguyên lý chủ nghĩa Lênin, vấn đề dân tộc là một vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt các dân tộc khác gia nhập Đảng, làm như thế là trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin. Còn cái từ An Nam thì hẹp, vì An Nam chỉ là miền Trung của nước Việt Nam mà thôi, và nước ta có ba miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Do đó từ Việt Nam hợp với cả ba miền và không trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc”[5].

      Hội nghị thành lập Đảng đã nhất trí với cách giải thích của Người và đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ trương đó của Người chính là sự tuân thủ những nguyên lý xây dựng đảng kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin, có tính đến yếu tố dân tộc, nhằm thức tỉnh ý thức dân tộc, khơi dậy sức mạnh của ba dân tộc Đông Dương, đồng thời tạo ra sự tin cậy về chính trị để đoàn kết, giúp đỡ nhau một cách tự nguyện, bình đẳng và có hiệu quả.

      Về điều này, giáo sư Trần Văn Giàu khẳng định, đó chính là một sáng tạo lý luận của Hồ Chí Minh. Mặc dù thời kỳ đó, đã từng có ý kiến phê bình rằng cái tên Việt Nam cộng sản đảng, Đảng cộng sản Việt Nam có âm hưởng của chủ nghĩa dân tộc. Nhưng giáo sư Trần Văn Giàu đã khẳng định sự sáng tạo đúng đắn và phù hợp của Hồ Chí Minh: “Không ai cấm cản Đảng Cộng sản Việt Nam tự giao cho mình cái trọng trách là, vì mình đi trước, giúp xây dựng cho Miên, Lào mỗi nước một đảng viên phong cách mạng; cả ba dân tộc, ba nước, ba đảng Mác – Lê nin, hợp sức nhau mà đánh kẻ thù chung là thực dân Pháp. Nếu như vậy thì làm gì có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa?...đề ra cái tên Việt Nam cộng sản đảng là vừa được việc hiệp nhất ổn thỏa, vừa mở đường rộng lớn cho sự giải quyết vấn đề dân tộc chủ nghĩa theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Nếu vậy thì đó là sáng tạo lý luận, chớ đâu phải hẹp hòi tư tưởng?”[6].

       Thứ ba, luận điểm tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng cũng là một điểm sáng tạo mới của Hồ Chí Minh.

      Xuất phát từ điều kiện một xã hội quá độ từ sản xuất nhỏ, lạc hậu, đi lên chủ nghĩa xã hội, Người chỉ rõ: Đảng ta như cơ thể sống, tồn tại trong xã hội, Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới mới lãnh đạo được nhân dân.

      Hồ Chí Minh chỉ rõ, để xứng đáng là một Đảng cách mạng chân chính, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân, Đảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là ở những thời điểm cách mạng gặp khó khăn, thử thách hoặc chuyển sang thời kỳ, giai đoạn mới. Xây dựng, chỉnh đốn là nhằm làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng. Trong Di chúc, Người đã căn dặn: “Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”[7].

       Thứ tư, sáng tạo trong vận dụng và phát triển các nguyên tắc xây dựng đảng

      Tư tưởng về các nguyên tắc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam của Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng sáng tạo các nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của Lênin. Người nêu rõ 5 nguyên tắc xây dựng Đảng là: Tập trung dân chủ tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình; Kỷ luật nghiêm minh tự giác; đoàn kết thống nhất trong Đảng; Xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân. Đặc biệt, Người đề cao xây dựng Đảng về đạo đức.

       Xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên – một trong những sáng tạo của Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng đã được Người dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ bàn về đạo đức cách mạng, dày công rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, và, chính Người là tấm gương sáng thực hành đạo đức cách mạng. Theo Người, cán bộ, đảng viên phải có cả đức lẫn tài, “vừa hồng”, “vừa chuyên”, giữa đức và tài thì đức là gốc, là nền tảng. Người đã chỉ ra bốn phẩm chất đạo đức cơ bản của người cán bộ, đảng viên, đó là: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; yêu thương con người, sống có tình nghĩa; tinh thần quốc tế thủy chung trong sáng và năm đức tính tốt của người cách mạng là: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

       Về nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng: Đây là nét sáng tạo đặc sắc trong tư tưởng của Người về các nguyên tắc xây dựng Đảng. Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, Người chỉ rõ: “Sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối và chính sách của Đảng, tôn trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng"[8]. Người kêu gọi: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết"[9]; “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"[10].

      Như vậy, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về đảng cộng sản vào xây dựng thành công Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhờ có sự vận dụng sáng tạo này của Người, cách mạng Việt Nam đã có một đảng cách mạng, chân chính, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu xứng đáng là lực lượng duy nhất có khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam

       2. Nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng Đảng qua các kỳ Đại hội

Với sự sáng lập và rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03/02/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đã đưa các mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đảng, qua nhiều kỳ Đại hội của Đảng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng thường xuyên được đặc biệt quan tâm, có sự nhất quán trong kế thừa và phát triển đường lối, chủ trương phù hợp với mỗi giai đoạn, thời kỳ, đặc biệt là trong những nhiệm kỳ gần đây.

      Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) đã đề ra các nhiệm vụ xây dựng Đảng trên 3 mặt: Tư tưởng, chính trị, tổ chức.

      Từ khi bước vào công cuộc Đổi mới năm 1986, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như: Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) năm 1992 về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII) năm 1999 "Một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay"...

      Trước bối cảnh mới, tình hình mới, cấu trúc công tác xây dựng Đảng đã có sự thay đổi, bổ sung vào năm 2016, khi Đại hội XII của Đảng đưa xây dựng Đảng về đạo đức trở thành một mặt cơ bản trong cấu trúc công tác xây dựng Đảng để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đại hội XII của Đảng xác định công tác xây dựng Đảng được thể hiện trên 4 trụ cột là chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

      Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 09/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Trong lịch sử Đảng ta, hầu như không có Đại hội nào và không mấy Hội nghị Trung ương không đề cập đến công tác xây dựng Đảng…Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ, các Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận, quy định hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước.

      Nếu như Hội nghị Trung ương 4 khóa XI mới chỉ tập trung bàn và ra Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng", thì đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã có sự bổ sung, đổi mới rất căn bản về phạm vi và nội dung, bao gồm toàn bộ các vấn đề "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.  Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Quy định số 08 "Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương"; Quy định số 47 "Về 19 điều đảng viên không được làm".[11]

      Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta thêm một bước nữa nhấn mạnh về công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng. Nghị quyết Đại hội XIII nêu rõ "công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng" và "kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn" để xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, tại Đại hội này, Đảng ta đã đưa phạm trù về công tác cán bộ trở thành một mặt quan trọng, cơ bản trong công tác xây dựng Đảng. Do đó, cấu trúc công tác xây dựng Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay bao gồm 5 trụ cột cơ bản là chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

      Thực hiện nghị quyết Đại hội XIII, ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị có Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021, về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021, về những điều đảng viên không được làm.

      Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII chính là một điểm nhấn trong công tác xây dựng Đảng. Theo đó, Đảng ta khẳng định: Phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm”[12]. 

      Như vậy, với những sự bổ sung, kế thừa, hoàn thiện các chỉ thị, quy định và kết luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng qua các kỳ đại hội, Đảng ta đã ngày càng khẳng định quyết tâm, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đó cũng chính là những minh chứng rõ nét nhất cho sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng đảng của Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,t.2, tr.289

[2], [3], [4], [6] GS Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng Tháng Tám, tập III Thành công của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.92-93, 130-131, 134, 162-163

[5] Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.68

 [7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011,t.15, tr.616

[8], [9], [10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011,t.14, tr.28

[11] Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Báo điện tử Chính phủ, 09/12/2021

[12] Toàn văn kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, 29/10/2021

 

 

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh