Truy cập nội dung luôn

  Nghiên cứu trao đổi

VẤN ĐỀ XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG TRONG “DI CHÚC” CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Ngày đăng 15/05/2024 | 11:29 AM  | View count: 544

ThS. Đỗ Lê Triều - Trưởng khoa Xây dựng Đảng

        Tóm tắt: Là tác phẩm lớn cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Di chúc” - Bảo vật quốc gia, có sức lay động, cảm hóa trái tim của hàng triệu quần chúng nhân dân, bởi đây là sự kết tinh của tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn của một vĩ nhân đã suốt đời phấn đấu, hy sinh vì tổ quốc và nhân loại. Tác phẩm không chỉ có giá trị dân tộc mà còn có giá trị thời đại sâu sắc.

         Từ khóa: “Di chúc”, “Xây dựng Đảng” “Chủ tịch Hồ Chí Minh”

        Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý giá, là tư tưởng Hồ Chí Minh. Cùng với chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam.

        Tháng 01/1946, trong lần trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài, sau thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, trên cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Bác đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì đến vòng danh lợi”[1].

        Bởi vậy, khi nói về Người, tất cả các thế hệ người Việt Nam đều gọi Người một tiếng “Bác” thân thương, và như một lẽ tự nhiên với tất cả chúng ta, nhạc sỹ Văn An đã viết “Nghĩ về Bác lòng con trong sáng hơn”. (Bài hát Ân tình Quê Bác)

         “Di chúc” - tài liệu “tuyệt đối bí mật” là tác phẩm được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo từ ngày 15 tháng 5 năm 1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75 tuổi của Người, được Người để nhiều tâm huyết tu chỉnh, sửa chữa, bổ sung từng câu, từng ý cho đến tận những ngày cuối đời. Việc sửa, bổ sung “Di chúc” thường được Bác thực hiện vào dịp sinh nhật của mình hằng năm, lần cuối Bác chỉnh sửa, bổ sung “Di chúc” là ngày 10/5/1969 - Đây cũng là bản được công bố chính thức.

        Nghiên cứu “Di chúc” với toàn bộ bút tích của Người qua bốn bản dự thảo, chúng ta thấy được cùng những lời căn dặn, chỉ dẫn sâu sắc là những tình cảm ân cần, thiết tha, niềm tin to lớn của Bác gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân và các thế hệ mai sau.

        - Bản đầu tiên ngày 15/5/1965

        - Bản sửa, bổ sung lần 1, đầu năm 1968

        - Bản sửa, bổ sung lần 2, tháng 5 năm 1968

        - Bản sửa, bổ sung lần 4 ngày 10/5/1969

        Với mong muốn cuối cùng được thể hiện trong “Di chúc” của Người: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[2], vậy nên lời căn dặn đầu tiên trong “Di chúc” của Người cho chúng ta:

        Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

         Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.

        Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

        Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[3].

        Trong bản thảo sửa tháng 5/1968. Bác đã từng bổ sung: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi[4].

        Trong dung lượng 4 trang khổ 14,5 x 22 cm của bản “Di chúc”, phần nói về Đảng, xây dựng Đảng chính là nội dung nhiều nhất trong các vấn đề mà Bác đã đề cập, điều đó thể hiện sự quan tâm to lớn, đặc biệt của Người đối với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng - đây được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thường xuyên, tất yếu của Đảng. Đồng thời, cũng cho chúng ta thấy sự nhạy cảm chính trị và nhãn quan thiên tài của Bác cho tới hôm nay.

        Với nhận thức khoa học sâu sắc và biện chứng Người đã chỉ dẫn: Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng cầm quyền phải thực hiện hai vai trò, lãnh đạo hệ thống chính trị và xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, mỗi bước phát triển đi lên nhanh hay chậm của đất nước đều gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, do đó Đảng phải không tự mãn, quan liêu, xa rời mục tiêu lý tưởng của một Đảng Cộng sản chân chính, gắn bó máu thịt với nhân dân, thường xuyên tự đổi mới và chỉnh đốn, xây dựng Đảng ta “là đạo đức là văn minh”[5], thật trong sạch, vững mạnh. Trong Đảng phải có tình yêu thương đồng chí, đồng nghiệp, giúp đỡ nhau trên tinh thần vô tư, không vụ lợi. Phải luôn giữ gìn cho được sự đoàn kết thống nhất trong Đảng dù bất cứ hoàn cảnh nào. Đoàn kết thống nhất trong Đảng phải thể hiện cả trong nhận thức và hành động, không đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức.

        Xây dựng, chỉnh đốn Đảng để khẳng định sức mạnh và vai trò to lớn của Đảng trong cải tạo, xây dựng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, loại bỏ các biểu hiện thoái hóa, biến chất về tư tưởng, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, lợi dụng quyền lực, đặc quyền, đặc lợi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, đi ngược lại lợi ích, nguyện vọng của nhân dân và dân tộc Việt Nam. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên dù sống, làm việc trong bất cứ môi trường, hoàn cảnh nào đều luôn chịu sự tác động đa chiều của cả những cái tốt, tích cực và cái xấu, tiêu cực, muốn loại bỏ cái xấu, tiêu cực phải thông qua việc tự tu dưỡng, tự rèn luyện, trong đó biện pháp quan trọng nhất là thường xuyên tự phê bình và phê bình, “tự soi, tự sửa”.

        Thực hiện “Di chúc” của Người, Đảng ta ngay từ Đại hội IV đã quán triệt nghiêm túc lời dạy của Người, mở nhiều cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo “Di chúc” của Bác, với khẩu hiệu: Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Trong các cuộc vận động đó,  Đảng ta đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp với nhiều hình thức phong phú để nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, khắc phục tình trạng mất đoàn kết, cục bộ, quan liêu, mệnh lệnh, mất dân chủ trong Đảng. Song, “Đảng đã có nhiều chủ trương, biện pháp về công tác xây dựng Đảng, nhưng những tồn tại, yếu kém trong công tác này không những không giảm mà có chiều hướng tăng và nghiêm trọng hơn”[6].

        Kiểm điểm kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nhìn lại sau 35 năm đổi mới (1986-2021), Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng còn thấp. Công tác rèn luyện, quản lý đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu chặt chẽ; có nơi buông lỏng sinh hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chưa cao, sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức; tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu”[7].

        Chính bởi vậy, trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang đặt ra nhiều nội dung mới, phức tạp cần giải quyết. Để thực hiện tốt hơn nữa “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 03 - CT/TW, ngày 14/5/2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị 05 - CT/TW, ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII. Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Kết luận 21 -KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Trong đó xác định việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng là vấn đề trọng tâm xuyên suốt và cấp bách nhất. Cùng với đó, Đảng đã ban hành nhiều văn bản cụ thể để hướng dẫn thực hiện đầy đủ những nội dung trong lời căn dặn tâm huyết trên của Người như: Quy định 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Chỉ thị 28-CT/TW, ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”…

        Thấm nhuần những lời cặn dặn tâm huyết của Người và nhất quán với quan điểm chỉ đạo trên của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xã hội đã từng bước được phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm; sự suy thoái về đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được nhận diện và có biện pháp khắc phục cụ thể. Tình hình chính trị của đất nước ổn định; đời sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc; cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước tăng cao, được bạn bè thế giới ghi nhận, cảm phục đã và đang tạo ra động lực mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị nước ta trong sạch, vững mạnh, qua đó củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

        Câu nói: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non song đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non song đất nước ta”[8], sẽ mãi là chân lý trong thời đại Hồ Chí Minh.

        Di chúc”- sẽ mãi là di sản tinh thần vô giá của chúng ta, là ánh sáng chỉ đường, sức mạnh thôi thúc hành động của Đảng và dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước để vững bước đi lên Chủ nghĩa xã hội.

 

----------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H.2009.

2. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, 2021.

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG Sự thật, H.2011.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG Sự thật, H.2011.

5. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, ngày 25/01/1999, của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

 

 

 

 

 

[1] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG Sự thật, H.2011, tập 4, Tr 187 (Báo Cứu Quốc, ngày 21/1/1946)

[2] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H.2009, tr.38

[3] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H.2009, tr.36

[4] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H.2009, tr.29

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG Sự thật, H.2011, tr.403

[6] Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu,  Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, ngày 25/01/1999.

[7] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.92

[8] Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, H.2009, tr.40

  Văn bản Nhà trường

  thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thư viện ảnh